Ấn tượng về tính cách của các nhân vật Việt, Chiến, chú Năm
Những đứa con trong gia đình đã kết tinh được trường của tác giả, sắc sảo trong việc lựa chọn chi tiết để làm nổi bật cá tính của nhân vật, Nguyễn Thi đã làm cho các nhân vật của mình vừa chân thực vừa mang tính điển hình, khái quát.
Đề bài
Ấn tượng về tính cách của các nhân vật Việt, Chiến, chú Năm.
Lời giải chi tiết
Viết về gia đình trong chiến tranh - sự chuyển giao thế hệ cầm súng để đánh giặc ta bắt gặp ở thơ Tố Hữu hình ảnh:
“Lớp cha trước lớp con sau
Đã hành đồng chí chung câu quân hành”.
Trong thơ Hoàng Trung Thông:
“Ta lại viết bài thơ trên báng súng
Con lớn lên viết tiếp thay cha”
Nguyễn Quang Sáng với tác phẩm Chiếc lược ngà và hình ảnh cô giao liên Thu nhanh nhẹn, thông minh vào chiến trường để vừa trả thù cho cha vừa đánh giặc cứu nước. Đến với Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi ta lại bắt gặp sự chuyển giao và tiếp nối đó qua câu chuyện của các nhân vật trong tác phẩm.
Trong tác phẩm của mình tác giả đã viết về một gia đình lớn với rất nhiều nhân vật nhưng độ đậm nhạt của từng nhân vật không giống nhau. Tác giả chia thành hai tuyến nhân vật để mô tả một gia đình. Đó là những nhân vật thuộc thế hệ cha anh và những nhân vật thuộc thế hệ con cháu.
Nhắc đến nhân vật chú Năm không thể không nhắc đến những chi tiết này: giọng hò, cuốn sổ gia đình và triết lí về sông nước của chú. Chú Năm rất hay hò, nhưng tiếng hò của chú không chỉ đơn giản là hò hát để giải sầu mua vui của một người làm nghề sông nước. Trái lại, tiếng hò ấy là hình thức để bày tỏ tâm huyết bên trong của mình. Cho nên khi chú hò là khi chú muốn gửi gắm tâm sự cách mạng của mình vào trong giọng hò đó: “Chú già rồi, giọng hò đã đục và tức như gà gáy. Lúc đó gân cổ chú nổi lên, tay chú đặt lên vai Việt, đầu chú lắc lư, nhắn nhủ làm như Việt chính là nơi cụ thể để gửi gắm những câu hò đó”. Đến khi thấy Việt và Chiến đã lớn, chú hoàn toàn tin rằng Việt và Chiến đã đủ sức để gánh vác những việc lớn của xã hội, thì chú cũng cất lên tiếng hò. Tiếng hò này là sự lên tiếng của bầu nhiệt huyết, sự lên tiếng của lòng yêu nước thâm sâu trong con người chú Năm.
Bên cạnh đó là hình ảnh cuốn sổ gia đình. Cuốn sổ nhỏ này có một ý nghĩa thật đặc sắc. Nó vừa là một cuốn gia phả, vừa là một cuốn lịch sử, vừa là bảng vàng ghi công để tuyên dương công trạng, vừa là một tấm bia căm thù để khắc sâu những món nợ máu đối với đế quốc, vừa là cuốn nhật ký ghi lại những việc hàng ngày, vừa như một bản quyết tâm thư của cả một đại gia đình...mà nói chung cuốn sổ này như một thứ biểu tượng về sứ mạng lịch sử. Trước kia cuốn sổ do thế hệ cha anh giữ gìn và ghi chép. Nay, khi thế hệ con cháu đã trưởng thành, chú Năm lại đem cuốn sổ kia giao cho thế hệ mới để thế hệ này viết những trang mới cho gia đình. Cho nên Những đứa con trong gia đình cũng chính là câu truyện về một cuộc chuyển giao lịch sử.
Chú Năm là nhân vật tiêu biểu cho phẩm chất của một người Nam Bộ, với một lòng yêu nước, yêu quê hương gần như bản năng. Trong câu chuyện chú Năm chỉ là nhân vật phụ (so với chị em Việt và Chiến), nhưng chính vật này đã giúp cho Nguyễn Thi bộc lộ khá sâu sắc tư tưởng của cả câu chuuyện giúp cho Nguyễn Thi ca ngợi được chủ nghĩa anh hùng cách mạng của người Việt Nam trong kháng chiến.
Nhân vật trung tâm của câu chuyện này vẫn là Việt và Chiến. Đây là thành công đáng kể nhất của Nguyễn Thi trong Những đứa con trong gia đình. Chọn những nhân vật như Việt và Chiến để mô tả, Nguyễn Thi đã đứng trước một thách thức đáng sợ. Bởi vì Việt và Chiến ở vào một lứa tuổi khá đặc biệt. Họ không còn là những đứa trẻ con, nhưng cũng chưa hẳn là người lớn. Hơn nữa Việt và Chiến lại không thật cách nhau về tuổi tác, một người là con gái, một người là con trai, cho nên làm thế nào để tả được nhân vật nào ra nhân vật ấy điều không hề đơn giản. Nhưng chúng ta thấy, cuối cùng Nguyễn Thi đã hoàn thành công việc của mình khá hoàn hảo.
So sánh nhân vật Việt và Chiến, chúng ta sẽ thấy sự sinh động đầy thuyết phục của hai nhân vật này. So sánh hai nhân vật này trước hết ta thấy những điểm giống nhau của họ, giống như mọi thành viên trong đại gia đình này.Việt và Chiến cũng có một tinh thần yêu quê hương đất nước và căm thù giặc sâu sắc. Dường như đây là dòng máu chung của đại gia đình này, cứ chày từ bầu tâm huyết của thế hệ này sang huyết quản của thế hệ khác. Tình yêu quê hương của họ gần như là bản năng. Nhất là lòng căm thù. Tuy là những đứa trẻ mới lớn nhưng Việt và Chiến đã khắc sâu trong tâm khảm mình mối thù với những kẻ đã giết hại ba má mình. Thậm chí, họ coi ý nghĩa của toàn bộ đời mình giờ đây là ở chỗ: phải trả thù bằng được cho ba má. Chính vì nung nấu mối thù này mà cả Việt và Chiến đều rất giàu ý chí. Mối thù mang trong lòng ấy đã làm cho họ lớn nhanh hơn, khẩn trương hơn. Khi nghe chú Năm nói lần này ra đi, thù ba má chứa trả mà trở về thì chặt đầu, nhân vật Việt đã nói tỉnh queo: Chị có bị chặt đầu thì bị chứ chừng nào tôi mới bị. Còn Chiến thì cũng khẳng khái nói: Tao đã nói rồi, làm thân con gái ra đi chuyến này, nếu địch còn thì lao mất, vậy à!.
Cả hai chị em đều là những người chiến đấu hết sức quả cảm. Họ đã từng phối hợp với địa phương quân tiêu diệt tàu chiến của địch trên sông Định Thuỷ. Mặc dù còn thiếu năm, thiếu tháng mới đủ tuổi đi bộ đội, nhưng cả hai chị em đều xung phong đăng ký tòng quân. Bị lạc trong rừng, bị thương nhưng Việt vẫn đeo bám được xe tăng địch, dùng lựu đạn ném vào buồng lái tiêu diệt được xe tăng. Như thế Việt và Chiến xứng đáng là những đứa con của một gia đình giàu truyền thống. Chỉ cần đôi nét mà Nguyễn Thi đã dựng lên được chân dung cả đại gia đinh.
Tuy nhiên, sự độc đáo của ngòi bút Nguyễn Thi chưa phải bộc lộ ở những điểm giống nhau của hai nhân vật Việt và Chiến mà chính là thể hiện ở những nét vẽ khác nhau về họ. Hai nhân vật này hiện ra với những nét cá tính riêng biệt không thể nhầm lẫn. Nếu không phải là một người hiểu biết tâm lý giới tính và tâm lý thế hệ chắc chắn Nguyễn Thi không thể có được thành công ấy. Chị Chiến đúng là một cô gái. Còn Việt rõ ràng là một bé trai mới lớn. Chị Chiến chăm chỉ, cần mẫn, kiên nhẫn bao nhiêu thì Việt tỏ ra đại khái, nôn nóng xốc nổi bấy nhiêu. Hai chị em cùng đọc cuốn sổ gia đình của chú Năm, nhưng Việt không thể ngồi được lâu. Đánh vần được vài trang, Việt không thể tục được, chú bỏ đi câu cá, vặt ổi. Còn chị Chiến kiên nhẫn ngồi từ trưa cho xế chiều, từ xế cho đến chạng vạng tối, lần theo những nét chữ khi mờ khi tỏ, khi đứng khi xiên của chú Năm để đọc cho bằng hết cuốn sổ đó. Là con gái cho nên Chiến ít lời, kín đáo hơn, thường lặng lẽ làm việc, âm thầm suy nghĩ, ít nói năng, phát biểu. Còn Việt thì hiếu động, nông nổi, “ruột để ngoài da”. Là con gái nên Chiến cũng hay chú ý đến hình thức của mình, lúc nào trong túi cũng có một gương nhỏ, lúc nào rãnh việc hoặc giữa hai trận đánh lại lấy ra soi...
Là chị gái nên chị Chiến sẵn sàng nhường nhịn em, mặc dù với sự gần nhau về tuổi tác, việc nhường nhịn chẳng dễ dàng gì. Còn Việt thì cậy thế làm em bao giờ cũng có tâm lí đòi hỏi chị phải hi sinh cho mình, cho nên thường hiếu thắng và đành hanh, chành choẹ với chị. Đi bắt ếch về khi chút vào thùng cả Việt và Chiến đều giành phần nhiều về mình, nhưng bao giờ cuối cùng Chiến cũng nhường em. Khi đánh tàu trên sông Định Thuỷ, Việt giành công mình bắn trước, Chiến cũng nhường em nốt, ở những việc như thế, tư cách chị là sẵn sàng nhường nhịn. Nhưng có một việc Chiến cương quyết không nhường, ấy là việc ghi tên tòng quân. Nhưng tính cách của người chị lại cũng chính là ở chỗ đó. Thực ra đây là một đức hi sinh lớn, một sự nhường nhịn lớn. Chiến muốn giành cho em sự an toàn, yên ổn, còn giành về phần mình sự nguy hiểm của chiến trận. Là người chị cho nên Chiến tỏ ra chín chắn, già giặn, chu đáo còn Việt thì nông nổi, cạn nghĩ. Một trong những tình tiết cảm động nhất của câu chuyện là cuộc bàn bạc của hai chị em vào cái đêm cuối cùng trước khi ra trận. Họ phải làm những phần việc quá sức so với độ tuổi của mình. Đó là việc nhà của những tài sản, mấy công đất, việc nuôi dạy thằng em út, việc hương khói cho ba má... chị Chiến đã suy nghĩ kĩ lưỡng, nhưng trong nhà chỉ có hai chị em, cho nên Chiến vẫn đem ra bàn bạc một cách dân chủ. Tuy vậy, Chiến đã có chủ kiến từ trước, mọi việc đã được sắp xếp, cất đặt đâu ra đấy, khiến Việt thấy chị Chiến chín chắn, già giặn không ngờ “giống in như má”. Còn Việt, vừa nghe chị bàn những việc quan trọng, vừa để mắt đến mấy con đom đóm bay vào nhà, khi nó bay sát gần minh, Việt nhoài người chộp vào lòng bàn tay và trong lúc chị Chiến vẫn còn thao thao bất tuyệt thì Việt đã ngủ khì từ lúc nào. Việt đúng là còn nguyên tâm lí của một đứa trẻ mới lớn: đi đánh giặc không sợ chết nhưng lại sợ ma, khi gặp anh Tánh thì vừa cười lại vừa mếu, kể chuyện gia đình mình nhưng riêng chị Chiến, Việt giấu biệt. Đã đàng hoàng là một chiến sĩ giải phóng đeo trên cổ cái ná thun để bắn chim. Ngộ nhất là cái cách Việt hình dung về cái chết; chết là người thật nằm dưới nền nhà còn người giả thì bay lên mái nhà...
Có thể khẳng định rằng, Những đứa con trong gia đình đã kết tinh được trường của tác giả, sắc sảo trong việc lựa chọn chi tiết để làm nổi bật cá tính của nhân vật, Nguyễn Thi đã làm cho các nhân vật của mình vừa chân thực vừa mang tính điển hình, khái quát. Câu chuyện nhờ thế mà đi vào lòng người đọc và có sức sống lâu bền.