Bài 10: Khái quát về công cuộc đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay SGK lịch sử 12 Chân trời sáng tạo
Trình bày nội dung cơ bản của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam giai đoạn 1986-1995?
? mục 1
Trình bày nội dung cơ bản của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam giai đoạn 1986-1995?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ phần 1. Giai đoạn khởi đầu của công cuộc Đổi mới 1986-1995 ( SGK trang 64)
- Chỉ ra nội dung cơ bản của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam giai đoạn 1986-1995.
Lời giải chi tiết:
- Tháng 12 - 1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", Đảng Cộng sản Việt Nam đã phân tích những sai lầm, khuyết điểm trong đường lối xây dựng đất nước và để ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
- Nội dung của công cuộc Đổi mới được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) và được bổ sung, phát triển tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991). Trải qua hai kế hoạch 5 năm (1986 - 1990 và 1991 - 1995), công cuộc Đổi mới được triển khai trên nhiều lĩnh vực, trọng tâm là đổi mới trên lĩnh vực kinh tế.
- Về kinh tế , chủ trương xóa bỏ cơ chế quản lí tập trung quan liêu, bao cấp, hình thành cơ chế thị trường, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6 - 1991) của Đảng Cộng sản, Việt Nam chủ trương hội nhập về kinh tế quốc tế.
- Về chính trị , xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nâng cao hiệu lực quản lí của Nhà nước, cải cách bộ máy hành chính, kiện toàn các cơ quan luật pháp. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới nội dung và hình thức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị.
- Về văn hóa - xã hội , phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi công dân. Nhà nước tạo môi trường và điều kiện để người lao động có việc làm, cải thiện điều kiện lao động. Chủ trương xây dựng nền văn hóa mới, phong phú và đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ, bảo đảm quyền được thông tin, quyền tự do sáng tạo của công dân.
- Về quốc phòng - an ninh , chủ trương xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường tiềm lực quốc phòng, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh.
- Về đối ngoại , chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam chủ trương quan hệ hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau trên cơ sở những nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình.
- Giai đoạn khởi đầu của công cuộc Đổi mới (1986 - 1995) đã tạo cơ sở vững chắc để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước phát triển trong thời gian tiếp theo.
? mục 2
Trình bày nội dung của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1996 đến năm 2006?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ phần 2. Giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bước đầu hội nhập kinh tế quốc tế(1996-2006) ( SGK trang 65)
- Chỉ ra nội dung của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1996 đến năm 2006.
Lời giải chi tiết:
- Từ năm 1996, đường lối đổi mới tiếp tục được bổ sung hoàn thiện. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6 - 1996) và lần thứ IX (tháng 4 - 2001) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định nội dung cơ bản của đường lối đổi mới như sau:
- Về kinh tế , tiếp tục đổi mới cơ chế quản lí kinh tế, đẩy mạnh phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng việc đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp và nông thôn; các ngành công nghiệp, dịch vụ; xây dựng kết cấu hạ tầng; mở rộng thị trường xuất nhập khẩu; tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ; mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, gắn việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
- Về chính trị , tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; lấy liên minh công nông và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do đảng cộng sản lãnh đạo. Cải cách tổ chức và hoạt động của nhà nước gắn liền với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước.
- Về văn hóa - xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tăng nhanh mức đầu tư của nhà nước và của xã hội cho sự nghiệp phát triển văn hóa, bảo đảm tự do, dân chủ cho mọi sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật. Gắn liền tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, khuyến khích làm giàu hợp pháp; chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động, mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội.
- Về quốc phòng - an ninh, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, từng bước tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước. Xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
- Về đối ngoại , tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại. "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển".
- Giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bước đầu hội nhập kinh tế quốc tế (1996- 2006) đã tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới, đưa công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tiến lên một cách vững chắc.
? mục 3
Trình bày nội dung của công cuộc Đổi mới đất nước ở Việt Nam từ năm 2006 đến nay?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ phần 3. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng ( từ năm 2006 đến nay )( SGK trang 66)
- Chỉ ra nội dung của công cuộc Đổi mới đất nước ở Việt Nam từ năm 2006 đến nay.
Lời giải chi tiết:
- Đường lối đổi mới tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn. Trải qua các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X (2006), lần thứ XI (2011), lần thứ XII (2016) và lần thứ XIII (2021), đường lối đổi mới tiếp tục được phát triển, với các nội dung chủ yếu:
- Về kinh tế , tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Về chính trị , tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, bảo đảm Nhà nước Việt Nam thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
- Về văn hóa - xã hội, đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" một cách thiết thực và hiệu quả. Chủ trương mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hoa. Tập trung giải quyết tốt chính sách lao động, việc làm và thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
- Về quốc phòng - an ninh, tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và kiến thức quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; tăng cường cơ sở vật chất - kĩ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại.
- Về đối ngoại , đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đẩy mạnh ngoại giao đa phương, chủ động tham gia, phát huy vai trò của mình thúc đầy định hình, cải tổ các thể chế quốc tế đa phương, gắn sự phát triển của Việt Nam với thế giới.