Bài 11. Bình đẳng giới trong đời sống xã hội - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Cánh diều
Hãy kể tên một số văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến bình đẳng giới mà em biết.
Mở đầu
Trả lời câu hỏi Mở đầu trang 73 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Hãy kể tên một số văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến bình đẳng giới mà em biết.
Phương pháp giải:
Dựa vào hiểu biết thực tế của bản thân và chia sẻ về quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật.
Lời giải chi tiết:
Một số văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến bình đẳng giới:
- Luật bình đẳng giới năm 2006.
- Bộ luật lao động năm 2019.
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
- Nghị định 48/2009/NĐ-CP Quy định về các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới.
- Nghị định 70/2008/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới
- Quyết định 114/2008/QĐ-TTg Về việc kiện toàn Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
- Thông tư 191/2009/TT-BTC Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.
? mục 1
Trả lời câu hỏi mục 1 trang 74 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy đọc thông tin và trả lời câu hỏi
a. Theo em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong thông tin 1 mang lại điều gì cho con người và xã hội?
b. Tình trạng bất bình đẳng giới trong thông tin 1 nếu được giải quyết sẽ mang lại lợi ích gì cho các quốc gia trên thế giới và Việt Nam?
c. Em hãy xác định biểu hiện và ý nghĩa của bình đẳng giới trong trường hợp trên.
Phương pháp giải:
a. Đọc thông tin 1 và nêu được ý nghĩa của việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong thông tin đó.
b. Nêu ý nghĩa đem lại cho cho các quốc gia trên thế giới và Việt Nam khi giải quyết được tình trạng bất bình đẳng giới trong thông tin 1.
c. Đọc trường hợp và xác định biểu hiện, ý nghĩa của bình đẳng giới trong trường hợp đó.
Lời giải chi tiết:
a. Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới sẽ:
- Tạo ra sự công bằng và bình đẳng khi đối xử giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
- Tạo ra cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực.
- Tạo ra một xã hội công bằng và bình đẳng về giới tính.
b. Tình trạng bất bình đẳng giới nếu được giải quyết sẽ mang lại nhiều lợi ích: tăng cường sự phát triển kinh tế; tăng cường sức khỏe cộng đồng; giảm từ lệ mắc các bệnh liên quan đến giới; mọi người đều có cơ hội và được đối xử công bằng, không phân biệt giới tính; tăng cường sự đoàn kết và thống nhất giữa các giới, tạo ra một môi trường hoà bình và ổn định hơn cho quốc gia; đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.
c. - Biểu hiện: Không có phân biệt giới tính; không có ai được xem là người mạnh hơn hay yếu hơn vì giới tính, mọi người đều quan trọng như nhau.
- Ý nghĩa: Tạo môi trường làm việc và cuộc sống hoà đồng, cân bằng giữa các thành viên trong gia đình, áp lực trong cuộc sống được san sẻ; giảm bớt căng thẳng và mâu thuẫn; tăng cường sự tự tin và độc lập của người phụ nữ, giúp họ có thể đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
? mục 2 a
Trả lời câu hỏi mục 2 phần a trang 75 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy đọc thông tin, trường hợp và trả lời câu hỏi
a. Dựa vào quy định của pháp luật trong thông tin 1, em hãy xác định biểu hiện của bình đẳng giới trong thông tin 2 và trường hợp trên.
b. Theo em, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thể hiện như thế nào trong thông tin 2?
c. Hãy nêu thêm những quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị mà em biết.
Phương pháp giải:
a. Đọc thông tin 1, 2, trường hợp và xác định biểu hiện của bình đẳng giới trong thông tin 2 và trường hợp đó.
b. Phân tích được biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thể hiện trong thông tin 2.
c. Nêu thêm được những quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị mà em biết.
Lời giải chi tiết:
a. Biểu hiện của bình đẳng giới trong thông tin 2 và trường hợp: Nam nữ bình đẳng trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội; bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí quản lí, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức; bình đẳng trong xây dựng quy chế, quy định của cơ quan; trong tự ứng cử và giới thiệu đại biểu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân,...
b. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong thông tin 2: Nhà nước xây dựng và ban hành khung pháp lí để đảm bảo quyền của phụ nữ trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong tổ chức Quốc hội.
c. Một số quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị:
- Quy định về đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 35% ứng cử viên là nữ (Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân).
- Bảo đảm bình đẳng giới là là một trong các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong bảo đảm quyền bình đẳng nam, nữ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình (Luật tổ chức chính phủ).
- Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội (Luật tổ chức Quốc hội).
b
Trả lời câu hỏi mục 2 phần b trang 77 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy đọc thông tin, trường hợp và trả lời câu hỏi
a. Em hãy xác định nội dung của bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động ở thông tin 1.
b. Nếu là cán bộ thuế, em sẽ giải thích như thế nào để ông T hiểu về trường hợp chi nhánh của doanh nghiệp tư nhân B sử dụng nhiều lao động nữ sẽ được ưu đãi về thuế?
c. Em hãy sử dụng quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong lao động để nhận xét hành vi của Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu X.
Phương pháp giải:
a. Đọc thông tin 1 và xác định nội dung của bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động ở thông tin đó.
b. Đọc trường hợp 2 và xử lí tình huống, đưa ra cách giải thích để ông T hiểu về trường hợp chi nhánh của doanh nghiệp tư nhân B sử dụng nhiều lao động nữ sẽ được ưu đãi về thuế.
c. Sử dụng quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong lao động để nhận xét hành vi của Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu X.
Lời giải chi tiết:
a. Pháp luật nước ta quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động bao gồm:
- Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.
- Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm; được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.
b. Giải thích để ông T hiểu: Pháp luật quy định doanh nghiệp tư nhân sử dụng nhiều lao động nữ sẽ được ưu đãi về thuế, quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động giúp cho mọi người đều có cơ hội làm việc theo đúng năng lực và được hưởng lợi ích xứng đáng với công việc đã làm.
c. Hành vi của Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu X là sai: Pháp luật quy định nam và nữ đều bình đẳng về chuyên môn, công việc,...
? mục 2 c
Trả lời câu hỏi mục 2 phần c trang 78 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy đọc thông tin, trường hợp và trả lời câu hỏi
a. Căn cứ vào các quy định của pháp luật trong thông tin, em hãy xác định nội dung của bình đẳng giới trong các trường hợp trên.
b. Em hãy nêu thêm ví dụ về bình đẳng giới trong các vực của đời sống.
Phương pháp giải:
a. Đọc thông tin và các trường hợp để căn cứ vào các quy định của pháp luật trong thông tin, xác định nội dung của bình đẳng giới trong các trường hợp đó.
b. Nêu thêm ví dụ về bình đẳng giới trong các những lĩnh vực của đời sống.
Lời giải chi tiết:
a. - Trường hợp 1: bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo.
- Trường hợp 2: bình đẳng trong việc hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
- Trường hợp 3: bình đẳng trong tham gia các hoạt động thể thao.
- Trường hợp 3: bình đẳng trong tham gia các hoạt động văn hóa.
b. Ví dụ về bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống:
- Bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế.
- Bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
? mục 2 d
Trả lời câu hỏi mục 2 phần d trang 80 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy đọc thông tin, trường hợp và trả lời câu hỏi
Phương pháp giải:
Đọc thông tin, trường hợp và sử dụng các quy định của pháp luật trong thông tin để nhận xét suy nghĩ và hành động của các nhân vật trong trường hợp đó.
Lời giải chi tiết:
Nhận xét:
- Về suy nghĩ: Chị M đã thay đổi nhận thức về bình đẳng giới.
- Về hành động: Vợ chồng chị M bình đẳng trong tất cả các công việc của gia đình và xã hội.
? mục 3
Trả lời câu hỏi mục 3 trang 81 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy đọc thông tin, tình huống và trả lời câu hỏi
a. Vận dụng thông tin 1 trong phần bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị em hãy nhận xét về việc thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong thông tin trên? Theo em tại sao việc bảo đảm tỉ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khóa XV không bị coi là bất bình đẳng giới?
b. Hãy sử dụng những quy định của pháp luật để nhận xét ý kiến của các nhân vật trong hai tình huống trên. Theo em, Giám đốc Công ty A và bạn Dương nên làm như thế nào để thực hiện đúng quy định của pháp luật về bình đẳng giới?
c. Hãy chia sẻ với các bạn về một việc em đã thực hiện tốt quy định của pháp luật về bình đẳng giới.
Phương pháp giải:
a. - Đọc thông tin và nhận xét về việc thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong thông tin đó.
- Trả lời câu hỏi tại sao việc bảo đảm tỉ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khóa XV không bị coi là bất bình đẳng giới.
b. - Đọc tình huống và sử dụng những quy định của pháp luật để nhận xét ý kiến của các nhân vật trong hai tình huống đó.
- Chỉ ra được cách để Giám đốc Công ty A và bạn Dương nên thực hiện để đúng quy định của pháp luật về bình đẳng giới.
c. Chia sẻ với các bạn về một việc em đã thực hiện tốt quy định của pháp luật về bình đẳng giới.
Lời giải chi tiết:
a. Việc bảo đảm tỉ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khoá XV không bị coi là bất bình đẳng giới. Đây là một trong các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị (khoản 5 Điều 11 Luật Bình đẳng giới năm 2006).
b. - Nhận xét: Anh G và chị H đều có cơ hội được làm việc theo đúng năng lực của bản thân và được hưởng lợi ích xứng đáng với công việc bản thân đã làm. Giám đốc Công ty A nên tuyên truyền và giải thích cho mọi người hiểu rõ: Pháp luật quy định nam, nữ đều bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm.
- Bạn Dương nên tuyên truyền và giải thích cho mọi người hiểu rõ: Pháp luật quy định nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng; bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo.
c. Một việc em đã thực hiện tốt quy định của pháp luật về bình đẳng giới là: Bầu ban cán sự lớp thi căn cứ vào thành tích học tập và khả năng tổ chức, quản lí để bình chọn mà không căn cứ vào người đó là nam hay nữ.
Luyện tập 1
Trả lời câu hỏi Luyện tập 1 trang 82 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em đồng ý hay không đồng ý với nhận định nào dưới đây? Vì sao?
Phương pháp giải:
- Đọc các nhận định và bày tỏ quan điểm của bản thân về các nhận định đó.
- Giải thích vì sao đồng ý hoặc không đồng ý.
Lời giải chi tiết:
A. Đồng ý. Bình đẳng giới được hiểu là mọi công dân không bị phân biệt đối xử trong việc hưởng quyền, thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật.
B. Đồng ý. Vì để thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, pháp luật nước ta quy định: Vợ, chồng và các thành viên trong gia đình tôn trọng nhau, không phân biệt đối xử trong các mối quan hệ ở phạm vi gia đình.
C. Không đồng ý. Vì do đặc điểm về thể chất, sức khỏe, sinh lý, nên pháp luật còn có một số quy định riêng đối với lao động nữ, ví dụ: Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại; lao động nữ được hưởng chế độ thai sản,,..
D. Đồng ý. Vì Khoản 3 điều 17 luật bình đẳng giới năm 2006 quy định: Phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
E. Không đồng ý. Vì Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó (khoản 3 điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006).
Luyện tập 2
Trả lời câu hỏi Luyện tập 2 trang 82 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy xác định trong các trường hợp dưới đây ai thực hiện đúng, ai thực hiện chưa đúng pháp luật về bình đẳng giới. Vì sao?
Phương pháp giải:
Đọc các trường hợp và chỉ ra các trường hợp thực hiện đúng/chưa đúng pháp luật về bình đẳng giới. Giải thích vì sao.
Lời giải chi tiết:
- Người thực hiện đúng pháp luật là: cơ quan của chị M (trong trường hợp C), vì: Việc cơ quan cử chị M đi học để nâng cao chuyên môn là biểu hiện của việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động và giáo dục.
- Người chưa thực hiện đúng pháp luật về bình đẳng giới là:
+ Anh T (trường hợp A), vì: anh T đã không tôn trọng, không cho vợ mình tham gia bàn bạc, thảo luận các công việc trong gia đình ⇒ Vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình.
+ Doanh nghiệp A (trường hợp B), vì: doanh nghiệp này đã có hành vi phân biệt đối xử giữa lao động nam và lao động nữ trong quá trình tuyển dụng đình ⇒ Vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lao động.
+ Bạn A (trường hợp D), vì A không đồng ý người phụ trách Đội Xung kích của lớp là nữ ⇒ Vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.
Luyện tập 3
Trả lời câu hỏi Luyện tập 3 trang 83 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy nêu những việc làm thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội (nêu rõ những việc nên làm, những việc không nên làm).
Phương pháp giải:
Nêu những việc làm thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội
Lời giải chi tiết:
* Một số việc làm thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong lao động:
- Việc nên làm:
+ Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ là biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới có ý nghĩa như một giải pháp mang tính đòn bẩy, tạo cơ hội việc làm cho lao động nữ.
+ Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng để bảo đảm cơ hội việc làm bình đẳng cho nam hoặc nữ nhằm rút ngắn khoảng cách giới.
+ Để lao động nữ có thể làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại và tạo điều kiện để họ được bảo vệ tốt khỏi những ảnh hưởng từ môi trường độc hại.
- Việc không nên làm:
+ Quảng cáo đăng tuyển có đề cập đến yêu cầu về giới tính.
+ Chỉ tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ.
+ Tập trung đẩy mạnh thực hiện biện pháp đào tạo, nâng cao năng lực cho lao động là nam giới.
* Một số việc làm thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình:
- Việc nên làm:
+ Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.
+ Vợ, chồng yêu thương, tôn trọng và cùng giúp đỡ nhau thực hiện các công việc trong gia đình.
+ Cha mẹ yêu thương, tôn trọng và không phân biệt đối xử giữa con trai - con gái.
- Việc không nên làm:
+ Phân biệt đối xử giữa con trai - con gái.
Luyện tập 4
Trả lời câu hỏi 4 trang 83 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy xử lí các tình huống sau:
a. Em hãy đóng vai đưa ra cách ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật trong những trường hợp sau:
Theo em, bố mẹ của D có nhận thức đúng về bình đẳng giới không? Nếu là D, em sẽ thuyết phục bố mẹ như thế nào?
Phương pháp giải:
a. Đọc các tình huống sau và đóng vai đưa ra cách ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật trong từng tình huống đó.
b. - Đọc tình huống b và đánh giá được nhận thức về bình đẳng giới của bố mẹ D.
- Vào vai bạn D để đưa ra cách thuyết phục bố mẹ.
Lời giải chi tiết:
a. - Trường hợp 1: Giải thích nói cho chồng hiểu về bình đẳng giới đồng thời khuyên anh nên tìm hiểu về vấn đề chính trị, bình đẳng giới trong đời sống xã hội.
- Trường hợp 2: Trao đổi riêng với cô giáo chủ nhiệm để chia sẻ ý kiến: cả lớp nên giúp đỡ, chia sẻ công việc với nhau thay vì để bạn nam làm công việc đó 1 mình
- Trường hợp 3: Giải thích với bạn thân:
+ Giữa nam và nữ có những điều kiện khác biệt nhất định về thể chất, sức khỏe, tâm sinh lí,… do đó, không nên hiểu khái niệm bình đẳng giới theo hướng: Bình đẳng giới là yêu cầu nam giới làm những công việc của phụ nữ và ngược lại.
+ Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
b. Bố mẹ D chưa có nhận thức đúng về bình đẳng giới. Nếu là D em sẽ thuyết phục bố mẹ vì công việc giờ không phân biệt nam nữ mà chuyên môn, công việc đều ngang hàng với nhau, không vì nam nữ mà lựa chọn công việc.
Vận dụng 1
Trả lời câu hỏi Vận dụng 1 trang 83 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy cùng bạn lập kế hoạch tổ chức cuộc thi vẽ tranh cổ động về thực hiện pháp luật bình đẳng giới trong trường học theo các gợi ý sau:
- Lập kế hoạch (xác định mục đích cuộc thi, đối tượng dự thi; thời gian, hình thức tổ chức, thể lệ cuộc thi; nội dung thông điệp chủ đề; tiêu chí đánh giá,...).
- Thuyết trình, giới thiệu kế hoạch trước lớp.
Phương pháp giải:
- Lập kế hoạch tổ chức cuộc thi vẽ tranh cổ động về thực hiện pháp luật bình đẳng giới trong trường học theo gợi ý.
- Thuyết trình, giới thiệu kế hoạch trước lớp.
Lời giải chi tiết:
- Mục đích: Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
- Đối tượng dự thi: Tất cả các lớp của trường bắt buộc tham gia. Mỗi lớp là một đội dự thi.
- Thời gian:
+ Thời gian phát động: thứ Hai (09/10/2023).
+ Thời gian tiến hành: 1 tuần (từ 09/10/2023 đến 14/10/2023).
+ Thời gian nộp sản phẩm: Từ ngày phát động đến trước 17h00 thứ Bảy (14/10/2023).
+ Thời gian chấm sản phẩm: Dự kiến thứ Hai (16/10/2023).
+ Thời gian thuyết trình: Dự kiến thứ Tư (18/10/2023).
+ Thời gian công bố kết quả: Dự kiến thứ Sáu (20/10/2023).
- Thể lệ: Mỗi lớp tiến hành xây dựng 01 tác phẩm (bức vẽ hoặc thông điệp):
- Nội dung: Tranh vẽ và thông điệp về thực hiện pháp luật về bình đẳng giới.
- Hình thức:
+ Tác phẩm được trình bày trên giấy A0.
+ Tác phẩm dán trước lớp trên cửa sổ bằng băng keo trong.
+ Đối với bức vẽ: Ghi rõ lớp, tên gọi của tác phẩm dự thi.
Tham khảo sản phẩm 1: Bình đẳng giới và nói không với bạo lực học đường
Tham khảo sản phẩm 2: Nam hay nữ đều có thể chơi môn thể thao mà mình yêu thích
Vận dụng 2
Trả lời câu hỏi Vận dụng 2 trang 83 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Cánh diều
Em hãy cùng bạn khảo sát và viết bài tuyên truyền việc thực hiện bình đẳng giới tại trường em đang học.
Phương pháp giải:
Khảo sát và viết bài tuyên truyền việc thực hiện bình đẳng giới tại trường em đang học.
Lời giải chi tiết:
BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
Ngày nay xã hội ngày càng phát triển thì bình đẳng giới là 1 lĩnh vực trong đời sống xã hội và gia đình cần được pháp luật bảo vệ. Với mục tiêu xóa bỏ phân biệt đối xử về giới tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế- xã hội và phát triển nguồn nhân lực. Tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ và thiết lập, củng cố mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ nam nữ, cùng với bình đẳng giới thì bạo lực gia đình là một trong những hành vi bị nghiêm cấm về bình đẳng giới trong gia đình để phát triển mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, gia đình và được thụ hưởng từ các nguồn lực của xã hội và quá trình phát triển: Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm sự bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực, bình đẳng trong thù lao công việc, bình đẳng trong việc hưởng thụ các thành quả, bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội ( bình đẳng trong tiếng nói)
Xã hội ngày nay ngày càng phát triển, vai trò, vị trí của phụ nữ, trẻ em ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, định kiến giới và tư tưởng “ Trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Đây là hệ quả xấu đối với nam giới, là rào cản trong quá trình thực hiện bình đẳng giới. Sự bất bình đẳng vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực như về: quyền lợi, nghĩa vụ, phân công lao động, cơ hội việc làm, tiền lương, thu nhập, cơ hội thăng tiến giữa nam và nữ. Muốn mọi người nhận thức tốt về bình đẳng giới thì trước hết:
Cái nền tảng đầu tiên là phải giáo dục ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường cần phải dạy cho các bé trai phải biết tôn trọng bé gái và phải hiểu rằng các bạn gái là phái yếu khi chơi đùa với nhau cần nhẹ nhàng, không bạo lực, việc dạy dỗ tính cách của 1 đứa trẻ cần qua 1 quá trình dài, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Qua đó khi trẻ trưởng thành trẻ sẽ hiểu rằng vai trò của mình là phải che chở và bảo vệ cho phụ nữ chứ không phải làm những điều không tôn trọng phụ nữ, làm những điều mà phụ nữ không thích, làm những cái mà phụ nữ không muốn. Bên cạnh đó cần phải dạy cho các bé có nhận thức sớm và đúng về vấn đề giới tính ngay từ khi còn bé, từ khi ở trong ghế nhà trường, để giúp cho sự nhận thức, hành vi đúng đắn, biết được danh giới, giới hạn nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ. Bên cạnh đó, gia đình là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng 1 xã hội bình đẳng giới trong tương lai, trong gia đình mặc dù phụ nữ là phái yếu thì phải được che chở, bảo vệ nhưng dù là nam hay nữ cũng cần sự tôn trọng, phải lắng nghe suy nghĩ của đối phương chia sẻ bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong điều kiện ( Hiện đại hóa- công nghiệp hóa hiện nay), bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng giới, được hành động bình đẳng là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên trong gia đình, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước, góp phần giải phóng phụ nữ và góp phần xây thể chế gia đình bền vững.
Chính vì vậy cần cải thiện và nâng cao nhận thức của từng cá nhân Đảng và nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về quyền bình đẳng trên lĩnh vực bình đẳng giới như: Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình…
Trong đó, trọng tâm là Luật bình đẳng giới có hiệu lực thi hành từ 1/7/2007, bình đẳng giới trước hết là bình đẳng về cơ hội việc làm, bình đẳng trong đối xử như trả công lao động, các chế độ trợ cấp, phúc lợi, vị thế trong gia đình và trong xã hội… Luật bình đẳng giới quy định nguyên tắc bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống XH và gia đình, biện pháp đảm bảo bình đẳng giới, trách nhiệm của chính quyền , tổ chức, gia đình, cá nhân trong thực hiện bình đẳng giới.
Bên cạnh đó Luật phòng chống bạo lực có hiệu lực thi hành từ 1/7/2008, quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật và không phải là việc riêng của từng gia đình; bằng sự tác động của luật pháp, các nạn nhân được bảo vệ, hành vi bạo lực gia đình cần phải được ngăn chặn kịp thời.
Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền giáo dục về bình đẳng giới đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với sự phát triển gia đình, cộng đồng xã hội
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sử giới năm 2020 được diễn ra từ ngày 15/11/2020 đến ngày 15/12/2020 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.
Chúng ta cần làm tốt những thông điệp tuyên truyền hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới sau:
1, Hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020
2, Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em
3, Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương
4, Hãy hành động để chấm dứt xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.
5, Xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng.
6, Im lặng không phải là cách đề bảo vệ bản thân và nạn nhân bị bạo lực, xâm hại.
7, Hãy tố cáo khi bị quấy rối tình dục.
8, Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
9, Hãy lên tiếng khi bị bạo lực. Mọi người sẽ giúp bạn!