Bài 13. Văn Miếu – Quốc Tử Giám - SGK Lịch sử và Địa lí 4 Kết nối tri thức
Năm 1999, Khuê Văn Các trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Chia sẻ hiểu biết của em về công trình kiến trúc này.
Khởi động
Năm 1999, Khuê Văn Các trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Chia sẻ hiểu biết của em về công trình kiến trúc này.
Lời giải chi tiết:
- Chia sẻ hiểu biết về Khuê Văn Các:
+ Là một lầu vuông, gồm 2 tầng, 8 mái, dựng năm 1805, trên một nền vuông lát gạch Bát Tràng. Phía dưới là 4 trụ gạch, 4 phía để trống, bên trên là kiến trúc gỗ, có sàn gỗ, mái lợp ngói.
+ Phía trên treo biển đề “Khuê Văn các” (chữ Hán), cùng hệ thống câu đối. Hai bên Khuê Văn các có 2 cửa nhỏ là: “Bí văn môn” và “Súc văn môn”.
Khám phá 1
1. Xác định vị trí của một số công trình kiến trúc tiêu biểu trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên sơ đồ hình 2.
2. Đọc thông tin và quan sát các hình từ 3 đến 5, em hãy:
- Mô tả kiến trúc, chức năng của một trong những công trình: Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Bia Tiến sĩ.
- Nêu ý nghĩa của việc ghi danh những người đỗ Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Lời giải chi tiết:
1.
- Một số công trình kiến trúc tiêu biểu trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là: (1) Cổng Văn Miếu; (2) Khuê Văn Các; (3) Bia Tiến sĩ; (4) Khu Đại Thành; (5) Khu Thái Học.
2.
* Yêu cầu số 1:
- Văn Miếu:
+ Văn Miếu gồm các công trình tiêu biểu: cổng Văn Miếu, Khuê Văn Các, nhà bia Tiến sĩ, khu Đại Thành,...
+ Đây là nơi thờ Khổng Tử và các học trò của ông.
- Quốc Tử Giám:
+ Quốc Tử Giám ở phía sau là khu Thái Học gồm nhà Tiền Đường và nhà Hậu Đường.
+ Đây là nơi học tập của các hoàng tử, con gia đình quý tộc, quan lại và những người giỏi trong nước.
- Bia Tiến sĩ: Ở Văn Miếu còn có 82 tấm bia đá khắc tên những người đỗ Tiến sĩ thời Hậu Lê và thời Mạc.
Yêu cầu số 2: Ý nghĩa của việc ghi danh những người đỗ Tiến sĩ:
+ Vinh danh những người đỗ đạt cao, thể hiện quan điểm trọng dụng nhân tài của nhà nước phong kiến Đại Việt.
+ Khuyến khích tinh thần hiếu học trong nhân dân.
Khám phá 2
1. Đọc thông tin và quan sát các hình 6, 7, em hãy kể tên một số hoạt động được tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc.
2. Theo em, cần làm gì để giữ gìn và phát huy giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám?
Lời giải chi tiết:
1.
- Một số hoạt động được tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc:
+ Cuộc thi Trạng nguyên nhỏ tuổi.
+ Lễ khen thưởng học sinh giỏi tiêu biểu của thành phố Hà Nội;
+ Lễ tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
+ Lễ phong hàm Giáo sư, phó giáo sư.
- Để giữ gìn và phát huy giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chúng ta cần:
+ Làm tốt công việc bảo tồn, tu bổ di tích.
+ Tuyên truyền, quảng bá về khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
+ Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân.
Luyện tập 1
Lập và hoàn thiện bảng (theo gợi ý dưới đây) về các công trình tiêu biểu của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Tên công trình |
Chức năng |
Văn Miếu |
|
Quốc Tử Giám |
|
Bia Tiến sĩ |
Lời giải chi tiết:
Tên công trình |
Chức năng |
Văn Miếu |
- Là nơi thờ Khổng Tử và các học trò của ông. |
Quốc Tử Giám |
- Là nơi học tập của các hoàng tử, con gia đình quý tộc, quan lại và những người giỏi trong nước (thời phong kiến). |
Bia Tiến sĩ |
- Vinh danh những người đỗ đạt cao. - Khuyến khích tinh thần hiếu học trong nhân dân. |
Luyện tập 2
Đề xuất một số việc nên làm và không nên làm để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Lời giải chi tiết:
- Những việc nên làm:
+ Bảo tồn, tu bổ di tích.
+ Tuyên truyền, quảng bá về khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
+ Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân.
- Những việc không nên làm:
+ Phá hoại cảnh quan, vứt rác bừa bãi tại khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
+ Xâm phạm các hiện vật, công trình kiến trúc tại khu di tích (ví dụ: hành động xoa đầu rùa; khắc tên, viết/ vẽ bậy,… tại di tích).
Vận dụng
Chọn một trong hai nhiệm vụ:
Nhiệm vụ 1: Đóng vai là hướng dẫn viên du lịch, hãy giới thiệu với bạn về khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Nhiệm vụ 2: Hãy chia sẻ cảm nghĩ của em về truyền thống hiếu học của dân tộc sau khi tìm hiểu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Lời giải chi tiết:
(*) Lựa chọn: Thực hiện nhiệm vụ 1
(*) Bài tham khảo:
- Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay thuộc địa bàn quận Đống Đa và Ba Đình, thành phố Hà Nội.
- Theo tư liệu lịch sử, năm 1070, Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, tứ phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa tế tự và cho Hoàng thái tử đến học. Năm 1076, triều đình lại cho lập Quốc Tử Giám. Năm 1253 (đời Trần), đổi tên Quốc Tử Giám thành Quốc Tử viện. Đến đời Lê (năm 1483), đổi tên Quốc Tử viện thành Thái Học đường. Thời Nguyễn, khu vực này được đổi thành Văn Miếu Hà Nội.
- Trải qua thời gian gần 1000 năm, các công trình kiến trúc của di tích có sự thay đổi nhất định. Hiện nay, di tích còn bảo tồn được một số hạng mục kiến trúc thời Lê và thời Nguyễn. Khu nhà Thái Học mới được Nhà nước phục dựng năm 1999 - 2000.
- Dựa vào công năng kiến trúc, có thể chia di tích thành hai khu vực chính: Văn Miếu (nơi thờ tự tiên Nho) và Quốc Tử Giám (trường đào tạo trí thức Nho học).
- Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu của di tích, năm 1962, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Văn Miếu- Quốc Tử Giám là Di tích quốc gia; ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích quốc gia đặc biệt.