Bài 14. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam — Không quảng cáo

Giáo dục kinh tế và pháp luật 10, giải gdcd 10 cánh diều Chủ đề 8. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ


Bài 14. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Em hãy cho biết từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đến nay, nước ta đã ban hành mấy bản Hiến pháp? Hãy chia sẻ những hiểu biết của em về Hiến pháp.

Mở đầu

Trả lời câu hỏi trang 88 sách giáo khoa GDCD 10 – Cánh diều

Đề bài:

Em hãy cho biết từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đến nay, nước ta đã ban hành mấy bản Hiến pháp? Hãy chia sẻ những hiểu biết của em về Hiến pháp.

Phương pháp giải:

- Kể tên các bản Hiến pháp.

- Chia sẻ hiểu biết của em về những bản Hiến pháp đó.

Lời giải chi tiết:

Từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đến nay, nước ta đã ban hành 5 bản Hiến pháp:

- Hiến pháp năm 1946:

+  Thông qua vào ngày 9 tháng 11 năm 1946

+ Đánh dấu sự cáo chung của nền thống trị ngoại bang, tuyên bố nước Việt Nam độc lập từ Bắc đến Nam, theo chế độ dân chủ nhân dân, quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo; các quyền tự do dân chủ được đảm bảo…

- Hiến pháp năm 1959:

+ Thông qua ngày 31/12/1959.

+  Là bản hiến pháp đầu tiên mang nhiều dấu ấn của việc tổ chức nhà nước theo mô hình XHCN (mô hình Xô-viết). Cơ chế tập trung được Hiến pháp này thể hiện bằng nhiều quy định (các tổ chức chính quyền địa phương được tổ chức như nhau ở tất cả các cấp chính quyền địa phương, Viện kiểm sát nhân dân với chức năng kiểm sát chung được thành lập, các cấp tòa án được tổ chức ra theo các đơn vị hành chính…), bộ máy nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền, quyền lực tập trung vào Quốc hội

- Hiến pháp năm 1980:

+ Thông qua ngày 18/12/1980

+ Hiến pháp năm 1980 tính chất đại biểu cho nhân dân đã được khẳng định.Tính chất đại biểu của nhân dân của Quốc hội thể hiện sự gắn bó thống nhất giữa Quốc hội và nhân dân, xem Quốc hội là sự phản ánh tập trung ý chí, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân. Tính chất quyền lực nhà nước cao nhất, bảo đảm cho Quốc hội vị trí tối cao trong cấu trúc bộ máy nhà nước theo hướng toàn bộ quyền lực nhà nước tập trung vào Quốc hội.

- Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001):

+ Thông qua ngày 15/4/1992.

+ Tiếp thu tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986), tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết sửa đổi Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980.

- Hiến pháp năm 2013:

+ Thông qua ngày 28/11/2013.

+ Đây là bản Hiến pháp vừa kế thừa được các giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992, vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Khám phá 1

1. Khái niệm và vị trí của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Trả lời câu hỏi trang 88 – 89 sách giáo khoa GDCD 10 – Cánh diều

Đề bài:

Em hãy đọc hội thoại, thông tin và trả lời câu hỏi

Phương pháp giải:

Chỉ ra vị trí của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật.

Lời giải chi tiết:

Vị trí của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật là:

+ Là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành, quy định những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất của quốc gia.

+ Là luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lí cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

+ Mọi văn bản quy phạm pháp luật khác đều được xây dựng, ban hành trên cơ sở Hiến pháp, phù hợp với Hiến pháp.

Khám phá 2

2. Đặc điểm của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Trả lời câu hỏi trang 89 sách giáo khoa GDCD 10 – Cánh diều

Đề bài:

Em hãy đọc thông tin và trả lời câu hỏi

Phương pháp giải:

- Nêu cách hiểu về quy định của điều 16 Hiến pháp năm 2013.

- Chỉ ra sự khác biệt giữa Điều 16 Hiến pháp năm 2013 với Khoản 8, Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 và Khoản 1, 2, Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019.

- Nêu đặc điểm của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lời giải chi tiết:

a) Quy định điều 16 Hiến pháp năm 2013:

+ Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Quyền bình đẳng trước pháp luật được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội và pháp lý. Quyền và nghĩa vụ của công dân không bị phân biệt bởi giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giàu nghèo, thành phần xã hội, địa vị xã hội… Trong cùng một điều kiện như nhau, công dân được hưởng quyền và nghĩa vụ như nhau, có tư cách pháp lý như nhau.

+ Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Con người sinh ra có thể khác nhau về chủng tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo và địa vị xã hội, nhưng đó không phải là căn cứ để pháp luật phân biệt trong việc hưởng các quyền và chịu trách nhiệm pháp lý. Ngược lại, pháp luật luôn đặt giá trị bình đẳng làm thước đo, tiêu chuẩn để lấp đầy khoảng cách không bình đẳng đó bằng việc quy định các quyền, nghĩa vụ pháp lý ngang nhau. Pháp luật là thước đo chuẩn mực của bình đẳng, là công cụ để bảo đảm sự bình đẳng giữa con người với con người.

b) Sự khác nhau:

Điều 16 Hiến pháp năm 2013

Khoản 8, Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016

Khoản 1, 2, Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019

Thể hiện quyền bình đẳng của tất cả mọi người dân trong đất nước Việt Nam.

Thể hiện quyền bình đẳng của tất cả trẻ em trong đất nước Việt Nam.

Thể hiện quyền bình đẳng của người lao động trong đất nước Việt Nam.

c) Đặc điểm của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

+ Quy định những vấn đề cơ bản nhất về chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

+ Không quy định chi tiết từng lĩnh vực, từng vấn đề riêng biệt của đời sống xã hội.

+ Là luật cơ bản của Nhà nước, là cơ sở để xây dựng và ban hành tất cả các văn bản quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật quốc gia. Nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật khác không được trái với Hiến pháp.

Khám phá 3

3. Công dân thực hiện nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp

Trả lời câu hỏi trang 90 sách giáo khoa GDCD 10 – Cánh diều

Đề bài:

Em hãy đọc các thông tin, trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi

a) Em có nhận xét gì về việc làm của học sinh Trường trung học phổ thông A, gia đình ông T, bà H và P trong các trường hợp trên?

b) Theo em, mỗi công dân cần làm gì để thực hiện nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp?

Phương pháp giải:

- Nhận xét việc làm của học sinh Trường trung học phổ thông A, gia đình ông T, bà H và P.

- Đưa ra việc làm để thực hiện nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp.

Lời giải chi tiết:

a) Nhận xét về việc làm của các nhân vật:

+ Trường hợp 1: Học sinh Trường trung học phổ thông A đã thực hiện đúng nghĩa vụ của công dân, tích cực tham gia các hoạt động góp phần xây dựng và phát triển khu dân cư xanh sạch đẹp.

+ Trường hợp 2: Gia đình ông T đã thực hiện đúng nghĩa vụ của công dân, tuân thủ Hiến pháp, làm giảm thiểu nguồn rác thải, nước thải ra môi trường.

+ Trường hợp 3:

Bà H đã thực hiện đúng nghĩa vụ của công dân, đóng thuế thu nhập doanh nghiệp đầy đủ.

P chưa thực đúng nghĩa vụ của công dân, lại khuyên mẹ không thực hiện nghĩa vụ động thuế.

b) Theo em, để thực hiện nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp, mỗi công dân cần có những hành động sau:

+  Tích cực tìm hiểu nội dung các quy định của Hiến pháp.

+ Nghiêm chỉnh, tự giác thực hiện các quy định của Hiến pháp trong cuộc sống hằng ngày.

+ Tích cực tuyên truyện, phê phán, đấu tranh chống các hành vi vi phạm Hiến pháp nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và công dân.

Luyện tập 1

Trả lời câu hỏi trang 91 sách giáo khoa GDCD 10 – Cánh diều

Đề bài:

1. Theo em, những khẳng định nào sau đây là đúng về Hiến pháp? Vì sao?

A. Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước.

B. Hiến pháp có hiệu lực pháp lí cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

C. Hiến pháp xác định những vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất của Nhà nước và xã hội.

D. Hiến pháp là nội quy được áp dụng trong nhà trường mà mọi học sinh bắt buộc phải thực hiện.

E. Hiến pháp thể hiện tập trung nhất ý chí và bảo vệ lợi ích của nhân dân.

G. Hiến pháp là văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành.

Phương pháp giải:

Chỉ ra những nhận định đúng về Hiến pháp và giải thích.

Lời giải chi tiết:

Những khẳng định đúng về Hiến pháp:

+ A. Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước.

+ B. Hiến pháp có hiệu lực pháp lí cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

+ C. Hiến pháp xác định những vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất của Nhà nước và xã hội.

+ E. Hiến pháp thể hiện tập trung nhất ý chí và bảo vệ lợi ích của nhân dân.

Bởi vì Điều 119 Hiến pháp năm 2013 quy định về vị trí của Hiến pháp như sau: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.”

Luyện tập 2

Trả lời câu hỏi trang 91 sách giáo khoa GDCD 10 – Cánh diều

Đề bài:

2. Em hãy nêu sự khác nhau giữa Hiến pháp và pháp luật.

Phương pháp giải:

Chỉ ra sự khác nhau giữa Hiến pháp và pháp luật.

Lời giải chi tiết:

Hiến pháp

Pháp luật

Khái niệm

Là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, nó thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân tồn tại ở trong hoặc ngoài nhà nước đó, nhưng vẫn là nhân dân thuộc nhà nước đó.

Là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình.

Tính chất

Được xây dựng để giới hạn hành vi thuộc quyền lực nhà nước nhằm bảo đảm tự do, quyền lợi của người dân. Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất, các văn bản pháp luật khác đuợc ban hành không được trái với hiến pháp.

dựa vào pháp luật, quyền lực nhà nước giới hạn tự do, quyền lợi của người dân.

Luyện tập 3

Trả lời câu hỏi trang 91 sách giáo khoa GDCD 10 – Cánh diều

Đề bài:

3. Theo em, hành vi của người nào trong các trường hợp dưới đây là thực hiện nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp? Vì sao?

A. Anh X thực hiện nghĩa vụ quân sự.

B. Ông M không tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã.

C. Chị T là cán bộ hội phụ nữ luôn tích cực trong các hoạt động giúp đỡ mọi người.

D. Doanh nghiệp A đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

E. Ông B có hành vi chống phá lại chính quyền nhà nước.

Phương pháp giải:

Chỉ ra những hành vi thực hiện nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp và giải thích.

Lời giải chi tiết:

Các trường hợp tuân thủ Hiến pháp:

+ A. Anh X thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Theo điều 30 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định: "Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi."

+ C. Chị T là cán bộ hội phụ nữ luôn tích cực trong các hoạt động giúp đỡ mọi người.

Bởi vì chị T thực hiện tốt nghĩa vụ giúp đỡ mọi người trong tổ chức.

+ D. Doanh nghiệp A đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

Bởi vì bà H đã thực hiện đúng nghĩa vụ, tuân thủ Hiến pháp, đóng thuế thu nhập doanh nghiệp đầy đủ.

Luyện tập 4

Trả lời câu hỏi trang 91 sách giáo khoa GDCD 10 – Cánh diều

Đề bài:

4. Khi thấy chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền nội dung cơ bản của Hiến pháp mới cho người dân, bạn Q thắc mắc: Hiến pháp chỉ áp dụng cho những cơ quan nhà nước nên xã không cần phải tổ chức tuyên truyền.

a) Em suy nghĩ như thế nào về thắc mắc của bạn Q?

b) Nếu là bạn của Q trong trường hợp trên, em sẽ nói với Q như thế nào?

Phương pháp giải:

- Đưa ra nhận xét về thắc mắc của bạn Q.

- Em sẽ nói như nào với Q.

Lời giải chi tiết:

a) Bạn Q đã có suy nghĩ sai về Hiến pháp.

b) Nếu là bạn của Q trong trường hợp trên, em sẽ nói với Q rằng: Các quy định trong Hiến pháp có liên quan đến tất cả người dân Việt Nam và mọi người đều cần phải biết đến.

Luyện tập 5

Trả lời câu hỏi trang 91 sách giáo khoa GDCD 10 – Cánh diều

Đề bài:

5. Gần đây, các bạn trong lớp của P đang trao đổi rất sôi nổi về việc các anh học lớp 12 được gọi đi khám nghĩa vụ quân sự. Các bạn đều bày tỏ mong, muốn được thực hiện nghĩa vụ quân sự. Bạn Bí thư của lớp còn dự kiến sẽ tổ chức một buổi sinh hoạt lớp tìm hiểu về Luật Nghĩa vụ quân sự.

a) Em có nhận xét gì về mong muốn được thực hiện nghĩa vụ quân sự của các bạn lớp P?

b) Theo em, buổi sinh hoạt tìm hiểu về Luật Nghĩa vụ quân sự của lớp P có ý nghĩa gì?

Phương pháp giải:

- Nhận xét về mong muốn được thực hiện nghĩa vụ quân sự của các bạn lớp P.

- Nêu ý nghĩa của buổi sinh hoạt tìm hiểu về Luật Nghĩa vụ quân sự của lớp P.

Lời giải chi tiết:

a) Các bạn lớp P đã có tinh thần, trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, tuân thủ đúng theo quy định của nhà nước và Hiến pháp.

b) Buổi sinh hoạt tìm hiểu về Luật Nghĩa vụ quân sự của lớp P đã mang lại ý nghĩa:

+ Cung cấp các thông tin về Luật nghĩa vụ quân sự.

+ Giúp các bạn hiểu đúng về nghĩa vụ quân sự như độ tuổi, trách nhiệm…

+ Tuyên truyền, vận động các bạn đăng kí tham gia nghĩa vụ quân sự khi đủ điều kiện.

Vận dụng 1

Trả lời câu hỏi trang 91 sách giáo khoa GDCD 10 – Cánh diều

Đề bài:

1. Em hãy cùng các bạn vẽ tranh cổ động với chủ đề “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” và chia sẻ thông điệp của bức tranh.

Phương pháp giải:

- Vẽ tranh cổ động với chủ đề “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” .

- Chia sẻ thông điệp của bức tranh.

Lời giải chi tiết:

Có thể tham khảo các bức tranh sau:

Ở nước ta, ngày 09-11-1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được ban hành. Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Vận dụng 2

Trả lời câu hỏi trang 91 sách giáo khoa GDCD 10 – Cánh diều

Đề bài:

2. Em hãy viết một bài ngắn giới thiệu về Hiến pháp năm 2013, trong đó có liên hệ với bản thân về việc thực hiện nghĩa vụ học tập và nghĩa vụ bảo vệ môi trường theo Hiến pháp.

Phương pháp giải:

- Viết bài ngắn giới thiệu về Hiến pháp năm 2013.

- Liên hệ với bản thân về việc thực hiện nghĩa vụ học tập và nghĩa vụ bảo vệ môi trường theo Hiến pháp.

Lời giải chi tiết:

Sau thời gian 9 tháng (từ tháng 1 đến tháng 9/2013) triển khai lấy ý kiến góp ý của nhân dân cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài, ngày 28/11/2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Hiến pháp năm 2013. Ngày 8/12/2013, Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Đây là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của nước ta thời kỳ mới, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới của lịch sử lập hiến Việt Nam.

Hiến pháp năm 2013 gồm Lời nói đầu, 11 chương, 120 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 giảm 1 chương, 27 điều, trong đó có 12 điều mới; giữ nguyên 7 điều và sửa đổi, bổ sung 101 điều còn lại.Hiến pháp năm 2013 là một bước tiến vượt bậc trong việc bảo vệ các quyền con người và quyền công dân. Bên cạnh việc quy định về quyền công dân, quyền con người cũng được quy định một cách chi tiết và đầy đủ. Hiến pháp năm 2013 là một cột mốc mới đánh dấu sự phát triển, tiến bộ của nền lập hiến Việt Nam về tư tưởng dân chủ; tổ chức, kiểm soát quyền lực nhà nước; bảo vệ các quyền con người, quyền công dân và kỹ thuật lập hiến.

Đối với học sinh, quyền và nghĩa vụ học tập của mỗi công dân trong Hiến pháp 2013 là một nhu cầu cơ bản và cần thiết đối với mỗi công dân, mỗi công dân trên đất nước đều có quyền được tiếp cận giáo dục và có nghĩa vụ học tập tạo nền tảng vững chắc có đất nước. Vì vậy, học sinh chúng ta phải chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy chế, nội quy, điều lệ nhà trường, tôn trọng nhà giáo, cán bộ và nhân viên của nhà trường; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình học tập và rèn luyện; thực hiện tốt nếp sống văn minh.

Bên cạnh đó, đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam là như nhau. Bất cứ công dân nào cũng cần nghiêm túc thực hiện đúng theo quy định của nhà nước, nâng cao ý thức của bản thân để góp phần gìn giữ và bảo vệ môi trường. Để bảo vệ tài nguyên, môi trường luôn xanh, sạch đẹp, mỗi học sinh cần nghiêm túc thực hiện và chấp hành các quy định pháp luật về việc bảo vệ tài nguyên, môi trường, tích cực tham gia vào các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương. Cùng nhau tuyên truyền vận động mọi người cùng thực hiện bảo vệ môi trường. Cùng với đó, phối hợp chống lại các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường.


Cùng chủ đề:

Bài 10. Lập kế hoạch tài chính cá nhân
Bài 11. Công dân với hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Bài 12. Bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Bài 13. Chính quyền địa phương
Bài 14. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Bài 15. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về chế độ chính trị
Bài 16. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Bài 17. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường
Bài 18. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về bộ máy nhà nước
Bài 19. Pháp luật trong đời sống xã hội