Bài 16. Quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ tổ quốc - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Chân trời sáng tạo — Không quảng cáo

Giáo dục kinh tế và pháp luật 11, giải gdcd 11 chân trời sáng tạo Chủ đề 8. Một số quyền dân chủ cơ bản của công dân


Bài 16. Quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ tổ quốc - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Chân trời sáng tạo

Em hãy quan sát hình ảnh, đọc thông tin và trả lời câu hỏi

Mở đầu

Trả lời câu hỏi trang 120 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Em hãy quan sát hình ảnh, đọc thông tin và trả lời câu hỏi

Em có suy nghĩ gì về câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Phương pháp giải:

Quan sát hình ảnh, đọc thông tin và bày tỏ suy nghĩ của bản thân về câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lời giải chi tiết:

Suy nghĩ về câu nói của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

- Các Vua Hùng là những người đầu tiên viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc và truyền nối cho muôn đời con cháu đến hôm nay và mai sau. Vậy nên, tưởng nhớ và biết ơn các Vua Hùng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của mỗi người dân Việt Nam.

- Mỗi tấc đất này đều phải đánh đổi bằng núi xương, sông máu và mồ hôi của các thế hệ người Việt Nam ta. Bởi vậy, “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”! Đây là bổn phận, là tình cảm, là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của tất cả những ai mang dòng máu Lạc Hồng.

Trách nhiệm của bản thân:

- Chăm chỉ học tập để sau này đem những kiến thức, hiểu biết của mình góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.

- Luôn sống đoàn kết, giúp đỡ mọi người để xây dựng khối đoàn kết chung.

- Đấu tranh chống lại các biểu hiện diễn biến hòa bình, các hoạt động đi ngược lại nền hòa bình, độc lập, thống nhất mà các thế hệ cha anh đi trước đã đánh đổi xương máu để xây dựng.

Khám phá 1

Trả lời câu hỏi mục 1 trang 122 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Em hãy đọc thông tin sau, trường hợp sau và trả lời câu hỏi

THÔNG TIN

Điều 11 Hiến pháp năm 2013 quy định:

“1. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

2. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị."

- Điều 44 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất".

Điều 46 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng".

- Điều 6 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định:

"1. Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân.

2. Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.”

- Khoản 2 Điều 5 Luật Quốc phòng năm 2018 quy định:

“Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc; phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; chấp hành biện pháp của Nhà nước và người có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan."

– Điều 8 Luật An ninh quốc gia năm 2004 quy định:

"Bảo vệ an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Cơ quan, tổ chức, công dân có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật."

- Khoản 1 Điều 31 Luật Biên giới quốc gia năm 2003 quy định:

“1. Xây dựng, quản lí, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới là nhiệm vụ của Nhà nước và của toàn dân, trước hết là của chính quyền, nhân dân khu vực biên giới và các lực lượng vũ trang nhân dân."

- Khoản 3 Điều 4 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:

"3. Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm."

Trường hợp 1

Xã M triển khai mô hình Tổ nhân dân tự quản bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Anh A tự nguyện tham gia các hoạt động tuần tra, phòng chống tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hoạt động của Tổ nhân dân tự quản đã góp phần xây dựng khu dân cư an toàn, không có tệ nạn xã hội.

Trường hợp 2

Xã P ở huyện Y là một xã biên giới. Thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" lực lượng Bộ đội Biên phòng trên địa bàn đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập Tổ tự quản, vận động các hộ gia đình tham gia kí cam kết tự quản đường biên, cột mốc biên giới quốc gia. Qua công tác tuyên truyền, tất cả người dân trên địa bàn hiểu được bảo vệ an ninh quốc gia, biên giới lãnh thổ đất nước là quyền, nghĩa vụ công dân. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn phát triển, đạt nhiều thành tích. Đây là điểm sáng trong thực hiện phong trào tại huyện.

-  Từ thông tin trên, em hiểu như thế nào về quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc?

- Theo em, quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ Tổ quốc được biểu hiện như thế nào trong những trường hợp trên?

- Việc làm của các chủ thể trong hai trường hợp trên có ý nghĩa như thế nào đối với xã hội?

Phương pháp giải:

- Đọc thông tin và nêu cách hiểu của bản thân về quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc.

- Đọc các trường hợp và nêu biểu hiện của quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ Tổ quốc trong những trường hợp đó.

- Nêu được ý nghĩa đối với xã hội của việc làm của các chủ thể trong hai trường hợp.

Lời giải chi tiết:

- Pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc là quyền thiêng liêng của mỗi công dân. Công dân Việt Nam cần phải có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc như: trung thành với Tổ quốc; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ bảo vệ an ninh quốc gia, biên giới quốc gia và bảo đảm về an ninh trật tự, phòng chống tội phạm.

- Biểu hiện của quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ Tổ quốc trong các trường hợp:

+ Trường hợp 1: Xã M triển khai mô hình Tổ nhân dân tự quản bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Anh A tự nguyện tham gia các hoạt động tuần tra, phòng chống tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

+ Trường hợp 2: Xã P thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, lực lượng Bộ đội Biên phòng trên địa bàn đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập Tổ tự quản, vận động các hộ gia đình tham gia kí cam kết tự quản đường biên, cột mốc biên giới quốc gia.

- Ý nghĩa của những việc làm bảo vệ Tổ quốc trong 2 trường hợp:

+ Hành vi của anh A góp phần vào thành công của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn. Hoạt động của Tổ nhân dân tự quản đã góp phần xây dựng khu dân cư an toàn, không có tệ nạn xã hội.

+ Việc làm của các chủ thể tại xã Y góp phần giữ vững an ninh biên giới quốc gia, xây dựng được địa bàn tự quản, bảo vệ cột mốc, đường biên giới quốc gia.

Khám phá 2

Trả lời câu hỏi mục 2 trang 123 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau và thực hiện yêu cầu

THÔNG TIN

– Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:

“1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng kí nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của mình;

b) Phạm tội trong thời chiến;

c) Lôi kéo người khác phạm tội".

Hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể dẫn đến hậu quả bị xử lí hành chính hoặc hình sự."

– Điều 4 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định:

"Phạt tiền từ 1 500 000 đồng đến 2 500 000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lí do chính đáng."

Khoản 1, 2 Điều 5 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lí, bảo vệ biên giới quốc gia quy định:

"1. Phạt tiền từ 30 000 000 đồng đến 50 000 000 đóng đối với một trong những hành vi sau:

a) Thăm dò địa chất, khai thác tài nguyên, khoáng sản theo giấy phép làm hư hại dấu hiệu đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, cọc dấu, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, bia chủ quyền trên các đảo, điểm cơ sở; công trình phòng thủ vùng biển, công trình biên giới;

b) Đổ đất đá, chất thải xuống sông, suối biên giới.

2. Phạt tiền từ 50 000 000 đồng đến 75 000 000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Làm hư hại mốc quốc giới, cọc dầu, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, điểm cơ sở, bia chủ quyền trên các đảo;

b) Làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới hoặc làm ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia;

c) Xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi 30 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc hoặc 100 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia;

d) Xây dựng trái phép công trình trên sông, suối biên giới."

Trường hợp 1

T (20 tuổi) đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Nhưng khi Ban Chỉ huy Quân sự huyện có lệnh gọi nhập ngũ thì T lại trốn tránh, không chấp hành. T bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2 000 000 đồng và buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trường hợp 2

Toà án Nhân dân tỉnh H tiến hành xét xử vụ án hình sự về hành vi phá hoại cột mốc, làm sai lệch đường biên giới quốc gia của bị cáo C. Hội đồng xét xử tuyên bị cáo C bảy năm tù giam vì hành vi gây phương hại đến an ninh quốc gia. Bản án nhận được sự đồng tình của dư luận, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

- Pháp luật có những hình thức xử phạt nào đối với hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc? Lấy ví dụ minh hoạ.

- Theo em, hành vi mà nhân vật đã thực hiện trong các trường hợp trên gây hậu quả gì cho đất nước?

Phương pháp giải:

- Nêu được những hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc. Lấy ví dụ minh hoạ.

- Đọc các trường hợp và nêu được hậu quả đối với đất nước của hành vi mà nhân vật đã thực hiện trong các trường hợp đó.

Lời giải chi tiết:

- Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị. Hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ Tổ quốc tuỳ theo mức độ có thể bị xử lí kỉ luật, hành chính hoặc hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường.

- Ví dụ thực tế:

Ngày 13/7, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt N.Đ.H (sinh năm 1991, trú tại tổ dân phố Ba Đồng, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh) 5 năm 6 tháng tù giam về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2016 đến 2021, bị cáo N.Đ.H lập các tài khoản facebook có tên “N.Đ.H”, “N.Đ.H Sbr” và một số tài khoản mạng xã hội khác, rồi thường xuyên biên soạn, đăng tải, chia sẻ trên các tài khoản mạng xã hội nói trên nhiều bài viết, hình ảnh, video clip.

Các nội dung này tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, vu cáo, xuyên tạc tình hình đất nước, đường lối lãnh đạo của Đảng; truyền bá tư tưởng phản động, phao tin bịa đặt, gieo rắc sự nghi ngờ, gây chiến tranh tâm lý, hoang mang, bất mãn trong quần chúng nhân dân…

Hành vi của N.Đ.H đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm lòng tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước, có nguy cơ gây mất an ninh trật tự đất nước.

- Đối với hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ tổ quốc, pháp luật có thể áp dụng nhiều hình thức xử phạt khác nhau. Ví dụ như phạt tiền, phạt tù, cải tạo hay buộc thực hiện lại nghĩa vụ quân sự. Ví dụ cụ thể như hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự trong trường hợp 1 bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc thực hiện lại nghĩa vụ quân sự. Trường hợp 2, bị cáo c bị đưa ra xét xử hình sự và bị tuyên án 7 năm tù giam vì hành vi phá hoại cột mốc, làm sai lệch đường biên giới quốc gia.

Hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ tổ quốc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với đất nước, như ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, làm hư hại dấu hiệu đường biên giới, mốc quốc giới, cột cờ, bia chủ quyền trên các đảo hoặc phá hoại vùng biển, vùng biên giới. Việc phạm tội và vi phạm quyền và nghĩa vụ công dân sẽ gây thiệt hại đến sự bảo vệ tổ quốc và an ninh quốc gia.

Khám phá 3

Trả lời câu hỏi mục 3 trang 124 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Em hãy đọc các trường hợp sau và thực hiện yêu cầu

Trường hợp 1

Khi sử dụng mạng xã hội, A và B (học sinh lớp 11) nhận được lời mời tham gia nhóm có đăng tải những thông tin không đúng sự thật, gây nguy hại cho an ninh quốc gia. A không tham gia vì biết đây là hành vi vi phạm pháp luật và đã trình báo cơ quan công an về nhóm này. Vì tò mò muốn tìm hiểu nội dung mà nhóm này đăng tải nên B đã tham gia và bình luận, tỏ thái độ đồng tình với những bài đăng trên nhóm.

Trường hợp 2

Trường Trung học phổ thông M hưởng ứng chương trình "Góp đá xây Trường Sa" nhằm góp phần xây dựng biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Bạn A tích cực tham gia, đồng thời vận động các bạn cùng lớp và người thân đóng góp cho chương trình này.

- Hãy nhận xét về hành vi của nhân vật trong các trường hợp trên.

- Em hãy nêu một số việc làm phù hợp với quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ Tổ quốc mà em biết.

Phương pháp giải:

- Đọc các trường hợp và nhận xét về hành vi của nhân vật trong các trường hợp đó.

- Nêu một số việc làm phù hợp với quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ Tổ quốc mà em biết.

Lời giải chi tiết:

- Nhận xét về hành vi của các nhân vật trong các trường hợp:

+ Hành vi của nhân vật A trong trường hợp thứ nhất rất đúng và có trách nhiệm. Vì nhận thấy những thông tin không chính xác và có thể gây nguy hại đến an ninh quốc gia, A đã không tham gia vào nhóm và trình báo cơ quan công an để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và bảo vệ lợi ích của đất nước.

+ Trong trường hợp thứ hai, hành vi của nhân vật A cũng rất đúng và có trách nhiệm. Vì nhận thức được tầm quan trọng của Biển Đông và Trường Sa đối với đất nước, A đã tích cực tham gia và vận động bạn bè, người thân đóng góp cho chương trình "Góp đá xây Trường Sa" nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền của tổ quốc.

- Một số việc làm phù hợp với quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ Tổ quốc mà em biết bao gồm:

+ Tham gia các hoạt động tình nguyện trong việc bảo vệ môi trường, chống tham nhũng, đấu tranh vì quyền lợi người tiêu dùng.

+ Tuân thủ tất cả các quy định của pháp luật, không phạm tội và báo cáo cơ quan chức năng về bất kỳ hoạt động phạm pháp nào xảy ra.

+ Tự cập nhật kiến thức về đất nước, lịch sử và truyền thống của dân tộc, đồng thời phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền của Tổ quốc.

Luyện tập 1

Trả lời câu hỏi 1 trang 125 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Em đồng tình hay không đồng tình với nhận định nào sau đây? Vì sao?

a. Nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với mọi người.

b. Trốn tránh nghĩa vụ quân sự chỉ bị xử phạt hành chính.

c. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.

d. Xây dựng, bảo vệ lãnh thổ biên giới quốc gia chỉ là nhiệm vụ của lực lượng vũ trang.

e. Phòng chống tội phạm không phải là nội dung của quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ Tổ quốc.

Phương pháp giải:

Đọc các nhận định và bày tỏ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình về nhận định đó. Giải thích.

Lời giải chi tiết:

a. Không đồng tình với nhận định a vì theo quy định tại Điều 6 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, nghĩa vụ quân sự chi bắt buộc đối với công dân nam đạt độ tuổi và đáp ứng những điều kiện nhất định. Ngoài ra, người không có quốc tịch Việt Nam thì không phải thực hiện nghĩa vụ này.

b. Không đồng tình với nhận định b vì hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị xử lí hình sự.

c. Đồng tình với nhận định c vì theo quy định tại Điều 44 Hiến pháp năm 2013, phần bội Tổ quốc là tội nặng nhất.

- Nhận định d. Không đồng tình với nhận định d vì theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Biên giới quốc gia năm 2003, đây còn là nhiệm vụ của toàn dân.

e. Không đồng tình với nhận định e vì theo quy định tại Điều 46 Hiến pháp năm 2013, phòng chống tội phạm (với nghĩa rộng là bảo vệ trật tự, an toàn xã hội) cũng là một phần của nghĩa vụ công dân về bảo vệ Tổ quốc.

Luyện tập 2

Trả lời câu hỏi 2 trang 125 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Em hãy nêu đánh giá về hành vi của nhân vật trong các câu sau:

a. Anh A chia sẻ những thông tin sai sự thật về an ninh trật tự trên mạng xã hội.

b. Anh C tích cực tham gia phong trào ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

c. Bạn B không báo cho các cơ quan và người có trách nhiệm khi phát hiện hành vi

gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

d. Chị D tham gia tuyên truyền, vận động mọi người tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Phương pháp giải:

Đọc và nêu đánh giá về hành vi của nhân vật trong các trường hợp.

Lời giải chi tiết:

a. Hành vi chia sẻ những thông tin sai sự thật về an ninh trật tự trên mạng xã hội của anh A không phù hợp với quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc.

b. Hành vi tích cực tham gia phong trào ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của anh C phù hợp với quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc.

c. Hành vi không báo cho các cơ quan và người có trách nhiệm khi phát hiện hành vi nguy hại đến an ninh quốc gia của B không phù hợp với quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc.

d. Hành vi tham gia tuyên truyền, vận động mọi người tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của chị D phù hợp với quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc.

Luyện tập 3

Trả lời câu hỏi 3 trang 119 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Em hãy đọc các trường hợp sau và thực hiện yêu cầu.

a. Tổ dân phố H tổ chức mô hình “Hệ thống camera giám sát đảm bảo an ninh trật tự. Đây là một mô hình hay trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Bà K rất vui khi biết thông tin này và tham gia đóng góp thực hiện vì tình hình an ninh trật tự trên địa bàn sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bà T không đóng góp vì gia đình bà đã lắp đặt camera. Không những thế, bà T còn khuyên hàng xóm không tham gia hoạt động này.

b. Nhà ông N nằm cạnh suối biên giới thuộc địa bàn xã X. Trong quá trình tu sửa nhà, ông N đã mang chất thải, đất đá đổ xuống suối biên giới làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia. Sự việc bị phát hiện, ông N bị cơ quan có thẩm quyền phạt vi phạm hành chính 75 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả.

- Cho biết nhận xét của em về hành vi của nhân vật trong các trường hợp trên.

- Nêu hành động cần có khi phát hiện hành vi vi phạm về quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc.

- Hãy chia sẻ với các bạn một hoạt động thể hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc mà em đã tham gia.

c. Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc – phòng chống tội phạm của huyện Y tổng kết phong trào sau ba năm thực hiện. Trong ba năm, toàn huyện đã tổ chức được 100 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 42 000 lượt thanh, thiếu niên tham gia sưu tầm, xây dựng, biên soạn, phát hành hàng nghìn tranh, ảnh, tài liệu tuyên truyền về đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội,... Thông qua phong trào, người dân đã phát hiện, thông báo cho cơ quan Công an hàng trăm tin báo về tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

- Em hãy đánh giá việc làm của huyện Y trong trường hợp trên.

- Hãy chia sẻ một tấm gương về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương em sinh sống.

Phương pháp giải:

Đọc các trường hợp và thực hiện yêu cầu.

Lời giải chi tiết:

- Nhận xét về hành vi của các nhân vật:

a. Bà T không đóng góp vào lắp đặt "Hệ thống camera giám sát đảm bảo an ninh trật tự" là hành vi thiếu trách nhiệm, không đóng góp kinh phí và công sức vào việc bảo vệ tổ quốc. Hành vi của bà K tham gia đóng góp thực hiện thật đáng khen ngợi vì tình hình an ninh trật tự trên địa bàn sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

b. Hành vi ông N mang chất thải, đất đá đổ xuống suối biên giới là hành vi vi phạm pháp luật. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia.

- Khi phát hiện hành vi vi phạm về quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần lập tức báo cho cơ quan chức năng để giải quyết, tuyệt đối không bao che hoặc bỏ qua.

- Một hoạt động thể hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc mà em đã tham gia là: tham gia cuộc tìm hiểu về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Qua cuộc thi em hiểu được rất nhiều điều nơi biển đảo xa xôi và những khó khăn ở nơi đảo xa. Từ đó em ý thức được mình cần phải cố gắng học tập để đóng góp vào sự phát triển của đất nước

- Hành vi của huyện Y trong câu c là đáng khen ngợi. Thông qua phong trào, người dân đã phát hiện, thông báo cho cơ quan Công an hàng trăm tin báo về tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội.

- Tấm gương về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương em sinh sống là: Anh Q - hàng xóm nhà em, sau khi học xong cấp 3, ngay khi đủ 18 tuổi anh viết đơn tự nguyện xung phong tham gia nghĩa vụ quân sự để góp phần bảo vệ an ninh tổ quốc.

Vận dụng 1

Trả lời câu hỏi 1 trang 126 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Em hãy thiết kế một sản phẩm tuyên truyền (tờ gấp, báo tường, áp phích,...) có nội dung thể hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ Tổ quốc.

Phương pháp giải:

Thiết kế một sản phẩm tuyên truyền (tờ gấp, báo tường, áp phích,...) có nội dung thể hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ Tổ quốc.

Lời giải chi tiết:

- Sản phẩm 1:

- Sản phẩm 2:

Vận dụng 2

Trả lời câu hỏi 2 trang 126 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Em hãy lập kế hoạch và thực hiện việc tuân thủ quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc.

Phương pháp giải:

Lập kế hoạch và thực hiện việc tuân thủ quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc.

Lời giải chi tiết:

Để tuân thủ quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ tổ quốc, em cần lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động sau:

1. Đăng ký và tham gia các hoạt động quân sự: Em có thể tham gia các dịch vụ quân sự như quân đội, hội cứu hỏa, tổ chức cứu trợ, tình nguyện viên, vv. Điều này sẽ giúp em rèn luyện kỹ năng và tinh thần cần thiết để bảo vệ tổ quốc.

2. Có ý thức tuân thủ các quy định an ninh, trật tự: Em cần tuân thủ các quy định của pháp luật và giúp bảo vệ trật tự an ninh tại địa phương mình.

3. Thực hiện nghĩa vụ của một công dân: Em phải đóng thuế, giữ vệ sinh, đảm bảo an toàn và tránh đê tiêu vào hưu trí.

4. Nâng cao chất lượng cuộc sống: Em cần cộng tác phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của cộng đồng để đóng góp vào sự phát triển tổ quốc.

Việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ tổ quốc là một nhiệm vụ của mỗi công dân. Việc tuân thủ sẽ giúp bảo vệ tổ quốc, tăng cường sức mạnh quốc gia và đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi người.


Cùng chủ đề:

Bài 13. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Chân trời sáng tạo
Bài 14. Quyền và nghĩa vụ công dân về bầu cử và ứng cử - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Chân trời sáng tạo
Bài 15. Quyền và nghĩa vụ công dân về khiếu nại, tố cáo - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Chân trời sáng tạo
Bài 16. Quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ tổ quốc - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Chân trời sáng tạo
Bài 17. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Chân trời sáng tạo
Bài 18. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Chân trời sáng tạo
Bài 19. Quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Chân trời sáng tạo
Bài 20. Quyền và nghĩa vụ công dân về tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Chân trời sáng tạo
Bài 21. Quyền và nghĩa vụ công dân về tự do tín ngưỡng và tôn giáo - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Chân trời sáng tạo