Bài 18: Vùng Đông Nam Bộ SGK lịch sử và địa lí 9 Kết nối tri thức
Vùng Đông Nam Bộ là một trong những vùng kinh tế phát triển nhất cả nước. Đó là kết quả khai thác hiệu quả tổng hợp thế mạnh của vùng. Vậy những thế mạnh nổi bật về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng là gì? Đặc điểm dân cư và đô thị hoá của vùng như thế nào? Sự phát triển và phân bố một số ngành kinh tế thế mạnh của vùng ra sao?
Mở đầu
Vùng Đông Nam Bộ là một trong những vùng kinh tế phát triển nhất cả nước. Đó là kết quả khai thác hiệu quả tổng hợp thế mạnh của vùng. Vậy những thế mạnh nổi bật về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng là gì? Đặc điểm dân cư và đô thị hoá của vùng như thế nào? Sự phát triển và phân bố một số ngành kinh tế thế mạnh của vùng ra sao?
Phương pháp giải:
- Tìm hiểu qua sách, báo và internet về Đông Nam Bộ - vùng kinh tế phát triển nhất.
- Chỉ ra những thế mạnh nổi bật về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên , đặc điểm dân cư và đô thị hoá? Sự phát triển và phân bố một số ngành kinh tế thế mạnh của vùng ra sao?
Lời giải chi tiết:
- Thế mạnh về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vùng Đông Nam Bộ:
+ Đất xám cổ bạc màu trên phù sa cổ, đất bazan màu mỡ chiếm 40% diện tích
+ Khí hậu cận xích đạo tạo điều kiện phát triển các cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả và cả cây công nghiệp ngắn ngày trên quy mô lớn
+ Sông ngòi: Hệ thống sông Đồng Nai cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và có tiềm năng thủy điện
+ Sinh vật: nguồn thủy, hải sản phong phú tập trung ở các ngư trường lớn, ven biển có nhiều vùng nước lợ thuận lợi để nuôi trồng thủy sản
+ Tài nguyên khoáng sản giàu có, nổi bật nhất là dầu khí ở thềm lục địa phía Nam
- Đặc điểm dân cư và đô thị hoá của vùng:
+ Số dân đông, mật độ dân số khá cao
+ Tỉ lệ dân thành thị cao nhất cả nước
+ Đô thị hóa phát triển, hiện đại, đạt tỉ lệ đô thị hoá cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội của cả nước
- Sự phát triển và phân bố một số ngành kinh tế thế mạnh của vùng:
+ Công nghiệp có một số ngành quan trọng: dầu khí, điện, cơ khí, điện tử, công nghệ cao,..., tập trung ở các trung tâm công nghiệp lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Vũng Tàu,...
+ Nông nghiệp: Là vùng trọng điểm cây công nghiệp nhiệt đới của nước ta; một số vùng trồng cây công nghiệp lâu năm chiếm tỉ trọng nhỏ nhưng giữ vai trò quan trọng
? mục 1
Dựa vào hình 18.1 và thông tin mục 1, hãy trình bày đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng Đông Nam Bộ.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ hình 18.1 thông tin mục 1. Vị trí địa lý và phạm vi lãnh thổ (SGK trang 195+196).
- Chỉ ra đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng Đông Nam Bộ.
Lời giải chi tiết:
- Vùng Đông Nam Bộ có diện tích hơn 23 nghìn km 2 (chiếm 7,1% diện tích cả nước)
- Đông Nam Bộ giáp với Cam-pu-chia, giáp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; phía đông nam có vùng biển rộng với một số đảo, quần đảo
- Đông Nam Bộ nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cầu nối giữa Đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ
? mục 2
Dựa vào hình 18.1 và thông tin mục 2, hãy phân tích các thế mạnh, hạn chế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đối với phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ hình 18.1 thông tin mục 2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên (SGK trang 195+196).
- Chỉ ra các thế mạnh, hạn chế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đối với phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ.
Lời giải chi tiết:
Thế mạnh về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên ở Đông Nam Bộ
- Địa hình, đất:
+ Địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho xây dựng các cơ sở công nghiệp, giao thông vận tải, đô thị
+ Đất bazan và đất xám phù sa cổ là chủ yếu, thuận lợi trồng cây công nghiệp lâu năm quy mô lớn
+ Ngoài ra còn có đất phù sa ở ven sông, thích hợp với trồng cây lương thực, thực phẩm,...
- Khí hậu: tính chất cận xích đạo với nhiệt độ cao, lượng mưa lớn, phân hai mùa mưa - khô rõ rệt, thuận lợi cho các hoạt động kinh tế diễn ra quanh năm
- Nguồn nước: có một số sông và hồ lớn, cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, ngoài ra còn có nước khoáng có thể phát triển du lịch,...
- Sinh vật: tương đối đa dạng, trong vùng có các vườn quốc gia có ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch
- Khoáng sản: trên đất liền có cao lanh làm nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất gốm sứ, đá a-xít làm vật liệu xây dựng
- Biển, đảo:
+ Vùng biển rộng, giàu tài nguyên, có điều kiện phát triển tổng hợp kinh tế biển
+ Tài nguyên sinh vật phong phú tạo thuận lợi phát triển ngành thuỷ sản
+ Nhiều bãi tắm đẹp và trên các đảo tạo thuận lợi cho phát triển du lịch biển
+ Tài nguyên dầu khí phong phú cùng địa thế ven biển thuận lợi để xây dựng các cảng nước sâu giúp hình thành và phát triển ngành khai thác khoáng sản biển và giao thông vận tải biển
b. Hạn chế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên ở Duyên hải Nam Trung Bộ:
- Mùa khô kéo dài (từ 4 – 5 tháng) nên thường xảy ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt
- Trên đất liền ít khoáng sản, chịu ảnh hưởng của một số thiên tại như triều cường, xâm nhập mặn
?mục 3 a
Dựa vào thông tin mục a, hãy trình bày đặc điểm dân cư ở vùng Đông Nam Bộ
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ mục 3.a) Dân cư (SGK trang 197+198).
- Chỉ ra đặc điểm dân cư ở vùng Đông Nam Bộ.
Lời giải chi tiết:
- Quy mô và gia tăng dân số: là vùng có quy mô dân số lớn, quy mô dân số vùng tăng nhanh, có sức hút lớn người nhập cư
- Cơ cấu dân số: cơ cấu dân số trẻ. Đây là nguồn lực hết sức quan trọng cho sự phát triển kinh tế của vùng
- Thành phần dân tộc: có nhiều dân tộc cùng chung sống như người Kinh, Hoa, Khơ-me, Xtiêng, Cơ-ho, Chăm,...
- Phân bố dân cư: mật độ dân số của vùng là 778 người/km2, cao gấp 2,6 lần cả nước. Dân cư vùng Đông Nam Bộ sinh sống ở khu vực thành thị nhiều hơn khu vực nông thôn
? mục 3 b
Dựa vào thông tin mục b, hãy trình bày đặc điểm đô thị hoá ở vùng Đông Nam Bộ.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ mục 3.b) Đô thị hoá (SGK trang 198).
- Chỉ ra đặc điểm đô thị hoá ở vùng Đông Nam Bộ.
Lời giải chi tiết:
- Từ công cuộc Đổi mới, quá trình đô thị hoá ở Đông Nam Bộ diễn ra nhanh do tác động của công nghiệp hoá, hiện đại hoá
- Số lượng đô thị ở Đông Nam Bộ tăng, quy mô đô thị mở rộng
- Dân cư tập trung vào các đô thị ngày càng nhiều, có số dân và tỉ lệ dân thành thị cao nhất cả nước
- Xu hướng đô thị hoá là dẫn hình thành hệ thống đô thị thông minh và hiện đại, các đô thị vệ tinh, vùng đô thị
? mục 4 a
Dựa vào hình 18.2 và thông tin mục a, hãy trình bày sự phát triển và phân bố ngành công nghiệp vùng Đông Nam Bộ.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ hình 18.2 mục 4.a) Công nghiệp (SGK trang 199+200).
- Chỉ ra sự phát triển và phân bố ngành công nghiệp vùng Đông Nam Bộ.
Lời giải chi tiết:
- Công nghiệp phát triển bậc nhất cả nước
- Cơ cấu ngành công nghiệp rất đa dạng với những ngành có thế mạnh là khai thác dầu khí; sản xuất hoá chất; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính;...
- Hoạt động công nghiệp tập trung chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu
- Công nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch, ưu tiên phát triển một số ngành công nghệ cao như điện tử – viễn thông, sản xuất rô-bốt,...Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường
? mục 4 b
Dựa vào hình 18.2 và thông tin mục b, hãy trình bày sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ vùng Đông Nam Bộ.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ mục 4.b) Dịch vụ và hình 18.2 (SGK trang 199+200+201).
- Chỉ ra sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ vùng Đông Nam Bộ.
Lời giải chi tiết:
- Ngành dịch vụ rất phát triển, chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của vùng
- Hoạt động dịch vụ đa dạng, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, phát triển hàng đầu cả nước là thương mại, du lịch, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng,...
- Thương mại:
+ Hoạt động nội thương: Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng bán lẻ phân bố rộng khắp vùng để phục vụ nhu cầu mua bán của người dân. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại lớn nhất cả nước
+ Hoạt động ngoại thương: Tỉ trọng trị giá xuất khẩu của vùng chiếm khoảng 34% cả nước. Các địa phương có trị giá xuất khẩu hàng đầu trong vùng là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.
- Du lịch:
+ Tài nguyên du lịch phong phú, cơ sở phục vụ du lịch hiện đại, giao thông thuận tiện, dễ dàng kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài vùng, có sức hút lớn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế
+ Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn nhất cả nước
- Giao thông vận tải:
+ Có đủ các loại hình giao thông vận tải, phát triển nhanh và hiện đại, giúp kết nối các địa phương trong và ngoài vùng, cũng như với các nước thuận lợi
+ Các cảng biển, sân bay, đường cao tốc, tiếp tục được nâng cấp, xây dựng mới để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại ngày càng tăng của người dân
+ Thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối giao thông vận tải lớn nhất, quan trọng nhất của vùng và cả nước.
- Hoạt động tài chính ngân hàng rất phát triển, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh, với nhiều ngân hàng Nhà nước, tư nhân, quốc tế, sàn giao dịch chứng khoán, công ty bảo hiểm,...
- Các lĩnh vực dịch vụ khác như công nghệ thông tin – viễn thông, logistics,... đang ngày càng mở rộng
? mục 4 c
Dựa vào hình 18.2 và thông tin mục c, hãy trình bày sự phát triển và phân bố cây công nghiệp lâu năm ở vùng Đông Nam Bộ
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ mục 4.c) Phát triển cây công nghiệp lâu năm và hình 18.2 (SGK trang 202).
- Chỉ ra sự phát triển và phân bố cây công nghiệp lâu năm ở vùng Đông Nam Bộ
Lời giải chi tiết:
- Đông Nam Bộ là vùng trồng cây công nghiệp lâu năm lớn của cả nước
- Các cây công nghiệp lâu năm của vùng có cao su, điều, hồ tiêu, cà phê,..; trong đó, cây cao su và cây điều có diện tích lớn nhất cả nước, phân bố chủ yếu ở Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và Tây Ninh
- Việc phát triển cây công nghiệp lâu năm tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, là mặt hàng xuất khẩu, góp phần bảo vệ môi trường,...
? mục 5
Dựa vào thông tin mục 5, hãy phân tích ý nghĩa của việc tăng cường kết nối liên vùng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ mục 5. Kết nối liên vùng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ (SGK trang 202).
- Chỉ ra ý nghĩa của việc tăng cường kết nối liên vùng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ.
Lời giải chi tiết:
- Kết nối liên vùng sẽ tăng cường mối liên hệ giữa các vùng. Các vùng sẽ hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội
- Mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá và cung ứng các dịch vụ thế mạnh cho các vùng trong cả nước, nhất là các vùng lân cận
- Dễ tiếp cận hơn với những vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên như: Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và vùng sản xuất trọng điểm lương thực, thực phẩm Đồng bằng sông Cửu Long
- Thu hút thêm lực lượng lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của vùng.
? mục 6
Dựa vào thông tin trong mục 6, hãy phân tích vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ mục 6. Vị thế Thành phố Hồ Chí Minh (SGK trang 203).
- Phân tích vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh.
Lời giải chi tiết:
- Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của cả nước
- Quy mô kinh tế chiếm tỉ trọng lớn nhất so với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước
- Thành phố Hồ Chí Minh luôn nằm trong số các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người, về số dự án và tổng số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài
- Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn hàng đầu cả nước.
- Thành phố Hồ Chí Minh có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Luyện tập
Dựa vào bảng 18.2, hãy:
- Vẽ biểu đồ kết hợp cột và đường thể hiện số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị ở Đông Nam Bộ giai đoạn 1999 – 2021.
- Nhận xét sự thay đổi số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ bảng 18.2 (SGK trang 198).
- Vẽ biểu đồ kết hợp cột và đường thể hiện số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị và nhận xét sự thay đổi ở Đông Nam Bộ giai đoạn 1999 – 2021.
Lời giải chi tiết:
- Sự thay đổi số dân thành thị tăng trưởng mạnh mẽ khi năm 1999 chỉ có 5,6 triệu người nhưng đến năm 2021 đã tăng lên 12,1 triệu người. Theo đó, tỉ lệ dân thành thị cũng có sự tăng trưởng nhẹ từ 55,4% đến 66,4%
Vận dụng
Sưu tầm thông tin, tư liệu tìm hiểu thêm về Thành phố Hồ Chí Minh
Phương pháp giải:
-Tìm hiểu sách báo và internet về Thành phố Hồ Chí Minh
- Sưu tầm thông tin, tư liệu ( 1 địa điểm du lịch, hình thành như thế nào…)
Lời giải chi tiết:
- Thành phố Hồ Chí Minh còn được gọi là Sài Gòn, là thành phố lớn nhất Việt Nam và là một siêu đô thị trong tương lai gần. Đây còn là trung tâm kinh tế, giải trí, một trong hai trung tâm văn hóa và giáo dục quan trọng tại, ngoài ra còn là thành phố trực thuộc trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam
- Thành phố Hồ Chí Minh trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, là vùng đất hội tụ nhiều dòng chảy văn hoá, trong đó nổi bật nhất là dấu ấn văn hoá của người Việt, Hoa, Chăm, Khmer, Ấn… rồi sau này có thêm những ảnh hưởng của văn hoá Pháp, Mỹ.
- Thành phố Hồ Chí Minh có một số điểm du lịch nổi bật và đặc sắc như: Dinh Độc Lập, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn,...