Bài 2: Luyện tập tìm ý, lập dàn ý cho bài văn kể chuyện sáng tạo (tiếp theo)
Đề bài: Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe mà em thích bằng lời của một nhân vật trong câu chuyện đó.
Đề bài: Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe mà em thích bằng lời của một nhân vật trong câu chuyện đó.
Câu 1
Trả lời câu hỏi 1 trang 124 SGK Tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo
Nhớ lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe mà em thích.
a. Em thích câu chuyện nào?
b. Câu chuyện đó có những nhân vật nào?
c. Ghi tóm tắt các sự việc của câu chuyện.
Phương pháp giải:
Em nhớ lại một câu chuyện em thích: nhận vật, sự việc chính và trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
a. Em thích câu chuyện Sự tích cây thì là
b.
Câu chuyện đó có các nhân vật: Thì Là, Ông Trời, các loài cây khác
c.
Sự việc 1: Trời tập hợp chúng lại để ban cho mỗi loài một cái tên. Các loài cây đều đến thật sớm.
Sự việc 2: Các loài cây đều đã được đặt tên. Đến cuối ngày, khi Trời đã mệt, Thì Là mới vội vã chạy đến, thở hổn hển.
Sự việc 3: Cảm động trước lòng hiếu thảo của cây nên Trời không trách phạt. Nhưng lúc này, Trời chưa nghĩ ra được tên gì hay. Ông ngập ngừng: Tên của con... thì là... thì là...
Sự việc 4: Nó vội vàng cảm ơn Trời rồi chạy về nhà khoe với bà của mình. Từ đó, muôn loài gọi tôi là cây thì là.
Câu 2
Trả lời câu hỏi 2 trang 124 SGK Tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo
Chia sẻ với bạn:
a. Em chọn kể lại câu chuyện bằng lời của nhân vật nào?
b. Khi kể lại câu chuyện bằng lời của nhân vật đó, em xưng hô như thế nào?
c. Em cần chú ý điều gì khi kể lại câu chuyện bằng lời của nhân vật đó?
- Đặt mình vào vai nhân vật để thể hiện lời nói, ý nghĩ, hành động.... phù hợp với sự việc.
- Đặt mình vào vai nhân vật để bày tỏ tình cảm, cảm xúc với các nhân vật, sự việc.
- ?
Phương pháp giải:
Em tiến hành chia sẻ với bạn dựa vào gợi ý.
Lời giải chi tiết:
Em chia sẻ với bạn.
a. Em chọn kể lại câu chuyện bằng lời của nhân vật Thì Là.
b. Khi kể lại câu chuyện bằng lời của nhân vật đó, em xưng hô tôi
c. Em cần chú ý:
Đặt mình vào vai nhân vật để thể hiện lời nói, ý nghĩ, hành động.... phù hợp với sự việc.
Đặt mình vào vai nhân vật để bày tỏ tình cảm, cảm xúc với các nhân vật, sự việc.
Câu 3
Trả lời câu hỏi 3 trang 124 SGK Tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo
Dựa vào bài tập 1, bài tập 2 và các gợi ý, lập dàn ý cho bài văn.
Phương pháp giải:
Em dựa vào bài tập 1, bài tập 2 và các gợi ý, lập dàn ý cho bài văn theo gợi ý.
Lời giải chi tiết:
Mở bài :
Tôi là Thì Là. Tôi muốn kể cho các bạn nghe về sự tích cái tên rất thú vị của mình.
Thân bài :
Ngày xưa, các loài cây đều chưa có tên. Một hôm, Trời tập hợp chúng lại để ban cho mỗi loài một cái tên. Các loài cây đều đến thật sớm. Ai ai cũng hớn hở mong chờ được Trời đặt cho một cái tên thật đẹp. Mỗi loài cây đều diện bộ trang phục xinh đẹp nhất và khoe điểm nổi bật nhất của mình.
Cây có hương thơm dịu được Trời đặt tên là lan. Cây có điệu múa nhịp nhưng được đặt là tóc tiên. Loài cây có dáng đứng hiên ngang được gọi là thông. Các loại rau có cũng có mặt đông đủ để xin Trời những cái tên thật đẹp như quế, tía tô, húng,...
Đến cuối ngày, khi Trời đã mệt, tôi mới vội vã chạy đến. Tôi thở hổn hển, lòng rạo rực nói:
- Con xin lỗi vì bận chăm sóc bà đang bị bệnh nên con đã đến muộn. Xin Trời hãy thương tình đặt cho con một cái tên.
Thấy tôi run sợ nên Trời không trách phạt mà thương vô cùng. Ông suy nghĩ mãi rồi ngập ngừng:
– Tên của con... thì là... thì là...
Tôi nghe vậy mừng quá, hét toáng lên:
– Tôi có tên rồi! Tên tôi là "thì là”!
Tôi vội vàng cảm ơn Trời rồi chạy về nhà khoe với bà của mình. Bà khen tôi:
- Con có một cái tên thật đặc biệt!
Muôn loài đều rất yêu thích tên của tôi.
Từ đó, muôn loài gọi tôi là cây thì là.
Kết bài :
Qua câu chuyện, em thấy Thì Là rất hiếu thảo. Trong khi mọi loài cây đều tranh thủ nhanh chân đến gặp ông Trời để xin được đặt những cái tên thật đẹp, do bà em bị ốm, nên Thì Là đã tận tình chăm sóc bà. Chính lòng hiếu thảo của em đã làm ông trời cảm động và muôn loài đều rất yêu mến Thì Là.
Vận dụng
Trả lời câu hỏi vận dụng trang 124 SGK Tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo
Kể tên và nêu ý nghĩa của 1 – 2 hoạt động cộng đồng ở nơi em sống.
- Sinh hoạt hè
- Tổng vệ sinh khu phố
- ?
Phương pháp giải:
Em kể tên và nêu ý nghĩa của 1 – 2 hoạt động cộng đồng ở nơi em sống.
Lời giải chi tiết:
Hoạt động: Tổng vệ sinh khu phố
Ý nghĩa: Làm sạch đường phố, môi trường xung quanh, bảo vệ môi trường sống, mang lại không gian xanh sạch đẹp,…