Bài 20: Cụ Đồ Chiểu trang 101 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 2 Kết nối tri thức — Không quảng cáo

Tiếng Việt lớp 5, giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 kết nối tri thức, tập đọc lớp 5 Tuần 29. Tiếp bước cha ông


Bài 20: Cụ Đồ Chiểu trang 101 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 2 Kết nối tri thức

Giới thiệu về một người có tấm lòng yêu nước, thương dân mà em biết.

Khởi động

Trả lời câu hỏi khởi động trang 101 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức

Giới thiệu về một người có tấm lòng yêu nước, thương dân mà em biết.

Phương pháp giải:

Em dựa vào hiểu biết của bản thân để giới thiệu.

Gợi ý:

- Người đó là ai?

- Tấm lòng yêu nước, thương dân của người đó được thể hiện như thế nào?

- Tình cảm, cảm xúc của em ra sao?

Lời giải chi tiết:

Bên cạnh hình ảnh một Hồ Chí Minh tận trung với nước - người anh hùng giải phóng dân tộc - là hình ảnh một Hồ Chí Minh hết mực yêu thương con người. Lòng yêu thương con người chính là động lực to lớn, thôi thúc hoạt động không mệt mỏi vì nước, vì dân của Người, cũng là nền gốc để quy tụ hết thảy mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết lại. Tình cảm ấy, không đơn thuần là do truyền thống “yêu nước, thương dân” được thừa hưởng từ dân tộc, nó còn là sự lắng đọng sâu sắc của tất cả những gì Người đã trải qua, chứng kiến và cảm nhận trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước cũng như trong cả sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người. Tình yêu thương đó đã vượt qua mọi giới hạn để trở thành phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất.

Bài đọc 1

Trả lời câu hỏi 1 bài đọc trang 102 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức

CỤ ĐỒ CHIỂU

Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) sinh ra trong một gia đình nhà nho ở làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 1833, do cuộc binh biến trong triều đình, cha bị mất chức, gia đình li tán, cậu bé Chiểu mới mười hai tuổi đã phải xa cha mẹ, ra Huế ở nhờ nhà một người bạn của cha để ăn học.

Năm 1843, Nguyễn Đình Chiểu trở về quê mẹ, đỗ tú tài tại trường thi Gia Định. Hai năm sau, ông lại trở ra Huế học tập, chờ kì thi năm Kỷ Dậu, 1849. Nhưng cuối năm 1848, mẹ mất, Nguyễn Đình Chiều phải bỏ thi về Nam chịu tang mẹ. Trên đường về, ông bị ốm nặng, mù cả hai mắt, chạy chữa mãi không khỏi. Cuối năm 1849, Nguyễn Đình Chiểu mới về đến Gia Định “lỡ bề báo hiếu, lỡ đường lập thân”.

Không gục ngã trước những thử thách nặng nề liên tiếp của số phận, sau thời gian chịu tang mẹ, ông mở trường dạy học và làm thuốc chữa bệnh cho dân. Học trò gần xa nghe danh, mến đức xin học rất đông. Tiếng thơ chan chứa tinh thần nghĩa hiệp của Đồ Chiểu cũng bắt đầu vang khắp miền Lục tỉnh.

Năm 1858, giặc Pháp xâm lược nước ta. Nguyễn Đình Chiểu cùng các lãnh tụ nghĩa quân bàn mưu tính kế đánh giặc. Ông sáng tác thơ văn bày tỏ niềm tiếc thương, cảm phục đối với những người đã hi sinh vì đất nước; khích lệ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của nhân dân. Trái tim nhân hậu của ông luôn gắn bó sắt son với vận mệnh của đất nước. Ông được nhân dân Lục tỉnh gọi bằng cái tên trìu mến “cụ Đồ Chiểu” như một cách tri ân với người thầy đáng kính của “lòng dân”.

(Theo Trần Thị Hoa Lê)

Từ ngữ

- Nhà nho: người học theo đạo Nho thời xưa.

- Tú tài: học vị thấp nhất trong hệ thống khoa cử thời xưa.

- Nghĩa hiệp: có tinh thần quên mình vì việc nghĩa, cứu giúp người gặp khó khăn, hoạn nạn.

- Lục tỉnh: tên gọi vùng đất Nam Bộ thời nhà Nguyễn.

Dựa vào đoạn mở đầu và những hiểu biết của em, hãy nói 2 – 3 câu giới thiệu về Nguyễn Đình Chiểu.

Phương pháp giải:

Em dựa vào đoạn mở đầu và những hiểu biết của em để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) sinh ra trong một gia đình nhà nho ở làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Ông là một nhà thơ lớn của nước ta nửa cuối thế kỉ XIX, đem thơ văn vào trong kháng chiến, khích lệ tinh thần sĩ quân; là nhà thuốc giỏi, có trái tim nhân ái; người thầy được nhiều học trò mến đức, theo học. Vào ngày 24 tháng 11 năm 2021, ông được UNESCO công nhận là danh nhân văn hoá thế giới; khu lăng mộ của ông được nhà nước công nhận là khu di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.

Bài đọc 2

Trả lời câu hỏi 2 bài đọc trang 102 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức

Tóm tắt những sự kiện chính trong cuộc dời của thầy giáo, thầy thuốc, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

- Chặng đường học hành, thi cử

- Thời kì gặp nhiều áp nhiều biến cố đau thương

- Giai đoạn ra tay giúp đời, cứu người

Phương pháp giải:

Em dựa vào nội dung bài đọc để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Những sự kiện chính trong cuộc đời của thầy giáo, thầy thuốc, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu:

– Chặng đường học hành, thi cử của ông: Năm 1833, ông ra Huế ở nhờ nhà người bạn của cha ăn học; Năm 1843, ông về quê và đỗ tú tài tại trường thi Gia Định; Hai năm sau, ông trở ra Huế học tập, chờ kì thi năm Kỷ Dậu 1849 nhưng đã bỏ thi vì phải về chịu tang mẹ mất, lỡ đường lập thân.

– Thời kì gặp nhiều biến cố đau thương: Nghe tin mẹ mất, ông bỏ thi kì thi năm Kỷ Dậu về chịu tang mẹ; Trên đường về quê chịu tang mẹ, ông ốm nặng, mù cả hai mắt, chạy chữa mãi không khỏi; Từ năm 1848 đến cuối năm 1849 ông mới về đến Gia Định “lỡ bề báo hiếu, lỡ đường lập thân”.

– Giai đoạn ra tay giúp đời, cứu người: Sau thời gian chịu tang mẹ, ông mở trường dạy học, làm thuốc chữa bệnh, tiếng thơm loan xa gần nhiều người biết tới; ông cùng các lãnh tụ nghĩa quân bàn mưu tính kế đánh giặc Pháp xâm lược; Sáng tác thơ văn khích lệ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của nhân dân.

Bài đọc 3

Trả lời câu hỏi 3 bài đọc trang 102 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức

Vì sao Nguyễn Đình Chiểu được nhân dân Lục tỉnh gọi bằng cái tên thân mật “cụ Đồ Chiểu”?

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Nguyễn Đình Chiểu được nhân dân Lục tỉnh gọi bằng cái tên thân mật “cụ Đồ Chiểu” vì nhân dân yêu thương, cảm phục trái tim nhân hậu của ông, nên gọi là cụ; đồng thời cách gọi này như tỏ lòng tri ân với người thầy đáng kính của “lòng dân”.

Bài đọc 4

Trả lời câu hỏi 4 bài đọc trang 102 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức

Nêu chủ đề của bài đọc.

Phương pháp giải:

Em dựa vào nội dung bài đọc, suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Chủ đề bài đọc: Lòng yêu nước, thương dân

Bài đọc 5

Trả lời câu hỏi 5 bài đọc trang 102 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức

Đọc đoạn văn dưới đây và thực hiện yêu cầu.

Năm 1858, giặc Pháp xâm lược nước ta. Nguyễn Đình Chiểu cùng các lãnh tụ nghĩa quân bàn mưu tính kế đánh giặc. Ông sáng tác thơ văn bày tỏ niềm tiếc thương, cảm phục đối với những người đã hi sinh vì đất nước ; khích lệ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của nhân dân.

a. Tìm từ đồng nghĩa với mỗi từ in đậm trong đoạn văn trên.

b. Đặt câu với 1 - 2 từ đồng nghĩa em tìm được.

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn văn để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

a. Từ đồng nghĩa với mỗi từ in đậm trong đoạn văn trên là:

+ sáng tác: viết nên, nghĩ ra.

+ bày tỏ: chia sẻ, bộc bạch, giãi bày.

+ đất nước: non sông, nước non, tổ quốc.

+ chiến đấu: chống chọi, đấu tranh, đương đầu.

b. Đặt câu với từ đồng nghĩa em tìm được:

– Nhạc sĩ viết nên những lời ca thật hay.

– Trong tiết sinh hoạt lớp, cả lớp cùng nhau bày tỏ quan điểm của mình.

– Non sông Việt Nam ngày nay có được đều nhờ công lao dựng nước, giữ nước của cha ông ta ngàn đời.

– Nhân dân ta quyết đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nước nhà.

Vận dụng

Trả lời câu hỏi vận dụng trang 102 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức

Các câu trong đoạn văn ở bài tập 1 liên kết với nhau bằng những cách nào?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn văn ở bài tập 1 để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Các câu trong đoạn văn ở bài tập 1 liên kết với nhau bằng những cách: lặp từ ngữ (giặc); dùng từ ngữ thay thế (Nguyễn Đình Chiểu – ông)


Cùng chủ đề:

Bài 19: Luyện tập về từ đồng nghĩa và từ đa nghĩa trang 99 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 2 Kết nối tri thức
Bài 19: Trải nghiệm để sáng tạo trang 98 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 1 Kết nối tri thức
Bài 19: Viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách trang 101 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 1 Kết nối tri thức
Bài 19: Viết đoạn văn nêu ý kiến tán thành một sự việc, hiện tượng (Bài viết số 1) trang 100 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 2 Kết nối tri thức
Bài 20: Cuốn sách tôi yêu trang 104 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 1 Kết nối tri thức
Bài 20: Cụ Đồ Chiểu trang 101 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 2 Kết nối tri thức
Bài 20: Khổ luyện thành tài trang 102 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 1 Kết nối tri thức
Bài 20: Đánh giá, chỉnh sửa đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách trang 104 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 1 Kết nối tri thức
Bài 20: Đánh giá, chỉnh sửa đoạn văn nêu ý kiến tán thành một sự vật, hiện tượng trang 103 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 2 Kết nối tri thức
Bài 20: Đền ơn đáp nghĩa trang 104 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 2 Kết nối tri thức
Bài 21: Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa trang 106 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 2 Kết nối tri thức