Bài 21: Tìm hiểu cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện trang 108 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 1 Kết nối tri thức
Đọc câu chuyện dưới đây và trao đổi với bạn.
Câu 1
Trả lời câu hỏi 1 trang 108 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức
Đọc câu chuyện dưới đây và trao đổi với bạn.
Không nên phá tổ chim
Thấy trên cành cây có một tổ chim chích choè, ba con chim non mới nở, tôi liền trèo lên cây, bắt chim non xuống để chơi. Chị tôi thấy vậy, nhẹ nhàng bảo: “Chim non đang sống với mẹ, sao em nỡ bắt nó? Lát nữa chim mẹ về, không thấy con, sẽ buồn lắm dầy. Còn lũ chim non xa mẹ, chúng sẽ chết. Hãy đặt lại chim vào tổ. Sau này chim lớn, chim sẽ hát ca, bay lượn, ăn sâu bọ giúp ích con người.”.
Nghe lời chị, tôi đem những chú chim non đặt lại vào tổ.
(Theo Quốc vẫn giáo khoa thư)
a. Vì sao người chị khuyên em không nên phá tổ chim?
b. Theo lời người chị, loài chim có ích gì đối với con người?
c. Câu chuyện này giúp em nhận ra điều gì?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ câu chuyện, suy nghĩ và trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
a. Người chị khuyên em không nên phá tổ chim vì: lát nữa chim mẹ về, không thấy con, sẽ buồn lắm đấy. Còn lũ chim non xa mẹ, chúng sẽ chết.
b. Theo lời người chị, loài chim có ích đối với con người là: chim sẽ hát ca, bay lượn, ăn sâu bọ giúp ích con người.
c. Câu chuyện này giúp em nhận ra: mọi loài vật cũng cần được nâng niu, chăm sóc, bảo vệ cuộc sống, môi trường của chúng. Cần tạo ra một thế giới chan hoà, cộng sinh giữa tất cả vạn vật trên trái đất này.
Câu 2
Trả lời câu hỏi 2 trang 108 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức
Đọc đoạn văn dưới dây và trả lời câu hỏi,
Không nên phá tổ chim là một câu chuyện giản dị nhưng lại mang đến cho tôi nhiều cảm xúc khó quên. Câu chuyện kể về một em nhỏ vì tò mò mà trèo lên cây, bắt ba con chim non xuống để chơi. Nhưng lời khuyên của chị gái đã làm cho em tỉnh ngộ. Chị đã nói về nỗi buồn của chim mẹ khi không tìm thấy con, số phận của những chim non khi bị tách ra khỏi mẹ. Chị còn nói với em về lợi ích mà loài chim mang lại cho con người. Lời khuyên của chị thật nhẹ nhàng mà thấm thía. Nó giúp người em có một hành động đáng khen: đem những con chim non đặt lại tổ của chúng. Câu chuyện tuy ngắn nhưng thật xúc động bởi ý nghĩa nhân văn cao đẹp: Cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn nếu chúng ta biết yêu quý và trân trọng sự sống của muôn loài. Gấp trang sách lại, hình ảnh những chú chim non bé bỏng quấn quýt bên mẹ vẫn in đậm trong tâm trí tôi.
(Phan Nguyên)
a. Người viết muốn nói điều gì qua đoạn văn trên?
b. Tìm các câu văn trong đoạn ứng với phần mở đầu, triển khai, kết thúc của đoạn văn và xác định nội dung tương ứng của mỗi phần.
- Mở đầu: Nhấn mạnh ấn tượng của câu chuyện đối với bản thân.
- Triển khai: Giới thiệu câu chuyện Không nên phá tổ chim và nêu ấn tượng chung về câu chuyện.
- Kết thúc
+ Nêu nội dung chính, những chi tiết gây ấn tượng trong câu chuyện.
+ Bộc lộ cảm xúc trước ý nghĩa nhân văn cao đẹp của câu chuyện.
c. Tìm trong đoạn văn những từ ngữ hoặc câu văn thể hiện tình cảm, cảm xúc của người viết.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn văn, suy nghĩ và trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
a. Qua đoạn văn trên, người viết muốn nói rằng: Cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn nếu chúng ta biết yêu quý và trân trọng sự sống của muôn loài.
b. Các câu văn trong đoạn ứng với phần mở đầu, triển khai, kết thúc của đoạn văn:
Các câu văn trong đoạn |
Nội dung |
|
Mở đầu |
Từ “Không nên phá tổ chim” đến “cảm xúc khó quên”. |
Giới thiệu về tên câu chuyện và ấn tượng ban đầu của bản thân với câu chuyện. |
Triển khai |
Từ “Câu chuyện kể về một em nhỏ” đến “trân trọng sự sống của muôn loài”. |
Kể tóm tắt lại nội dung câu chuyện kết hợp với cách thể hiện tình cảm, cảm xúc của bản thân trước các sự việc câu chuyện; bài học và điều rút ra từ câu chuyện. |
Kết thúc |
Từ “Gấp trang sách lại” đến hết |
Bộc lộ cảm xúc trước ý nghĩa nhân văn của câu chuyện. |
c. Trong đoạn văn, những từ ngữ hoặc câu văn thể hiện tình cảm, cảm xúc của người viết:
– Những từ ngữ: giản dị, cảm xúc khó quên, nhẹ nhàng, thấm thía, xúc động, ý nghĩa nhân văn, cao đẹp, tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, yêu quý, trân trọng, quấn quýt, in đậm trong tâm trí.
– Những câu văn:
+ Không nên phá tổ chim là một câu chuyện giản dị nhưng lại mang đến cho tôi nhiều cảm xúc khó quên.
+ Lời khuyên của chị thật nhẹ nhàng mà thấm thía.
+ Câu chuyện tuy ngắn nhưng thật xúc động bởi ý nghĩa nhân văn cao đẹp: Cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn nếu chúng ta biết yêu quý và trân trọng sự sống của muôn loài.
+ Gấp trang sách lại, hình ảnh những chú chim non bé bỏng quấn quýt bên mẹ vẫn in đậm trong tâm trí tôi.
Câu 3
Trả lời câu hỏi 3 trang 109 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức
Trao đổi về những điểm cần lưu ý khi viết đoạn văn nếu tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện.
G:
- Đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện thường có mấy phần? Đó là những phần nào?
– Nội dung chính của mỗi phần là gì?
– Người viết thể hiện tình cảm, cảm xúc như thế nào?
Phương pháp giải:
Em tiến hành trao đổi về những điểm cần lưu ý khi viết đoạn văn nếu tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện dựa vào gợi ý.
Lời giải chi tiết:
- Đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện thường có 3 phần: mở đầu, triển khai, kết thúc.
- Nội dung chính mỗi phần là:
+ Mở đầu: Giới thiệu tên câu chuyện, tên tác giả và nếu ấn tượng chung về câu chuyện.
+ Triển khai: Kể tóm tắt nội dung câu chuyện, nêu những điều yêu thích ở câu chuyện (nhân vật, sự việc, ý nghĩa của câu chuyện,...) và thể hiện tình cảm, cảm xúc đối với câu chuyện.
+ Kết thúc: Khẳng định một lần nữa giá trị, ý nghĩa của câu chuyện hoặc nhấn mạnh tình cảm, cảm xúc đối với câu chuyện.
- Người viết cần thể hiện tình cảm, cảm xúc chân thật, nhẹ nhàng, phù hợp với nội dung và tình tiết có trong câu chuyện. Đồng thời phải đồng cảm với nhân vật có trong truyện.
Ghi nhớ
Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện thường có 3 phần:
– Mở đầu: Giới thiệu tên câu chuyện, tên tác giả và nêu ấn tượng chung về câu chuyện.
– Triển khai: Kể tóm tắt nội dung câu chuyện, nêu những điều yêu thích ở câu chuyện (nhân vật, sự việc, ý nghĩa của câu chuyện,...) và thể hiện tình cảm, cảm xúc đối với câu chuyện.
– Kết thúc: Khẳng định một lần nữa giá trị, ý nghĩa của câu chuyện hoặc nhấn mạnh tình cảm, cảm xúc đối với câu chuyện.
Vận dụng
Trả lời câu hỏi vận dụng trang 109 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức
Tìm đọc câu chuyện kể về tấm gương học tập hoặc những đóng góp của một nhà khoa học.
Phương pháp giải:
Em tìm đọc câu chuyện kể về tấm gương học tập hoặc những đóng góp của một nhà khoa học qua sách báo, internet,…
Lời giải chi tiết:
Em tìm đọc câu chuyện kể về tấm gương học tập hoặc những đóng góp của một nhà khoa học qua sách báo, internet,…
Gợi ý:
– Gương sáng học đường
– Kể chuyện gương hiếu học
– Truyện kể về gương hiếu học
– Đác-uyn và các nhà khoa học khác
Câu chuyện: Nữ khoa học trẻ năng động Nguyễn Kim Anh
Tiến sỹ Nguyễn Kim Anh (sinh ngày 2/5/1984), làm việc tại Viện Địa lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một trong những nhà nữ khoa học trẻ có nhiều nghiên cứu nổi bật trong quản lý môi trường và giảm thiểu ảnh hưởng do thiên tai để tiến tới phát triển bền vững. Đặc biệt, cô tích cực hoạt động kết nối giữa các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm cùng nhau trao đổi kiến thức, hợp tác trên nhiều phương diện. Chị hiện là Chủ tịch của Hội Chuyên gia Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc), hội phi lợi nhuận đầu tiên dành cho các chuyên gia Việt Nam tại Đài Loan.
Các nghiên cứu của Tiến sỹ Nguyễn Kim Anh hướng đến đánh giá độ tổn thương môi trường sinh thái, hiện tượng đô thị đảo nhiệt liên quan đến thay đổi sử dụng đất, chuyển đổi lớp phủ bị tổn thương do bão. Ngoài ra, chị còn nghiên cứu các đánh giá không gian xanh đô thị nhằm cung cấp thông tin chiến lược về nền sinh thái và môi trường để đề xuất các biện pháp chính sách phù hợp nhằm cải thiện và phục hồi môi trường; nâng cao hiểu biết về các thảm họa thiên nhiên để hỗ trợ giảm thiểu, thích ứng và quản lý để ứng phó với các rủi ro và tối ưu hóa việc quản lý không gian xanh đô thị để tạo ra môi trường sống tốt hơn và chất lượng cao hơn cho con người.
Tiến sỹ Nguyễn Kim Anh cũng đã nhận 12 giải thưởng khoa học quốc tế và các suất tài trợ dành cho nhà khoa học trẻ từ các tổ chức quốc tế: Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, Hội Địa vật lý Mỹ (AGU), Hội Địa tin học và Viễn thám quốc tế (IEEE GRSS), APEC, Hội Địa vật lý châu Âu (EGU), Hiệp hội Khoa học Địa chất châu Á, châu Đại Dương (AOGS)... Cô cũng được chọn là gương mặt làm Đại sứ truyền thông cho tổ chức Địa tin học và Viễn thám quốc tế (IEEE-GRSS).
Trong 5 năm gần đây, Tiến sỹ Nguyễn Kim Anh là tác giả của ba cuốn sách, 13 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI (danh sách khoảng 10.000 tạp chí khoa học có chất lượng cao trên thế giới), 10 bài báo về kỹ thuật điện và điện tử, hơn 50 bài thuyết trình hội nghị quốc tế... Tính riêng trong năm 2022, chị đã công bố 3 bài báo thuộc danh mục ISI, tham gia trình bày 5 báo cáo tại các hội nghị chuyên ngành quốc tế và nhận được Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam vì đã lập thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học.
Là nhà nữ khoa học trẻ, năng động, trong thời gian công tác tại Đài Loan vào năm 2021, Kim Anh đã cùng với các nhà khoa học Việt Nam thành lập Hội Chuyên gia Việt Nam tại Đài Loan. Với các thành viên là đội ngũ đông đảo tri thức, chuyên gia có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, Hội hướng đến tạo lập một môi trường năng động và độc đáo, cung cấp cho các thành viên sự kết nối, hợp tác và phát triển. Hội đặt mục tiêu thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Đài Loan và Việt Nam trên nhiều phương diện như khoa học, công nghệ, giáo dục, kinh tế, xã hội, văn hóa và dịch vụ; xây dựng mạng lưới và cơ sở dữ liệu giữa các Chuyên gia Việt Nam đang làm việc và học tập tại Đài Loan và kết nối họ với các đối tác Đài Loan, kết nối giữa mạng lưới tri thức Việt Nam tại Đài Loan với giới trí thức trong nước và thế giới...