Bài 22: Bức tường có nhiều phép lạ trang 97 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống — Không quảng cáo

Tiếng Việt lớp 4, giải bài tập Tiếng Việt lớp 4 kết nối tri thức, tập đọc lớp 4 Tuần 12: Niềm vui sáng tạo


Bài 22: Bức tường có nhiều phép lạ trang 97 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống

Nói về một điều tưởng tượng mà em mong là có thật. Tìm chi tiết tả không gian nơi Quy đang ngồi học. Hành động và suy nghĩ nào của Quy cho biết Quy đang gặp khó khăn với bài làm văn. Điều gì khiến Quy nghĩ bức tường vôi xanh có phép lạ. Tìm 3 – 5 tính từ chỉ đặc điểm của sự vật hoặc hoạt động có trong bài Bức tường có nhiều phép lạ.

Khởi động

Nói về một điều tưởng tượng mà em mong là có thật.

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ về điều em tưởng tượng và mong muốn có thật để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Em mong có tồn tại siêu nhân thật sự.

Bài đọc

BỨC TƯỜNG CÓ NHIỀU PHÉP LẠ

Quy chống tay, tì má, nhìn lên bức tường trước mặt. Màu vôi xanh mát hiện ra như tấm màn ảnh rộng. Quy đọc nhầm đề bài tập làm văn:"Em hãy tả lại quang cảnh một trận mưa rào". Quy thở dài: "Trời thì nắng mà bài văn lại yêu cầu tả mưa.".

Quy nghĩ đến bố. Bố Quy là một người viết văn. Bố tài thật, cứ ngồi vào bàn là bố viết được ngay. Cũng có khi, bố tì cằm lên tay, nhìn thẳng vào bức tường trước mặt. Nhìn một lúc, lúc nữa... rồi bố cầm bút, viết lia lịa, quên cả ăn cơm. Bức tường này có phép lạ gì đây? Nhưng sao Quy nhìn mãi mà bức tường chưa bảo Quy cách làm bài?

Bố vào. Đúng lúc quá!

Quy chạy lại:

– Bố ạ, con nhìn mãi bức tường như bố nhìn mà chẳng thấy trận mưa rào đâu cả.

Bố hiểu ngay, tủm tỉm:

– Bố thấy những trận mưa rào hồi năm ngoái, năm kia. Con chạy ra nghịch mưa, ướt hết.

Quy nhoẻn miệng cười:

– Vâng.

– Bố còn gặp lại trận mưa bão khi bố còn bé tí. Bà nội đi cấy về, sấm chớp liên hồi.

Quy chớp mắt:

– Bố có thấy cái thuyền giấy con thả ở rãnh nước không ạ?

– Có chứ!

– Cả chiếc ô tô chạy trong mưa? Hôm ấy, trời đang nắng thì mưa...

Bố lại tủm tỉm:

– Thế mà con bảo chẳng thấy gì.

Quy ngơ ngác:

– Thật đấy ạ.

– Bây giờ con ngồi vào bàn. Mắt nhìn bức tường, nhưng con hãy nghĩ đến những trận mưa mà con biết!

Quy ngồi vào bàn, nhìn lên bức tường và thấy chiếc thuyền giấy trôi bồng bềnh giữa sân, những vai áo ướt sũng nước mưa của người đi cày, những hạt mưa đan nhau rơi xuống rào rào,...

Quy cầm bút, cắm cúi viết, quên cả ngẩng lên nhìn bức tường có nhiều phép lạ.

(Theo Phong Thu)

Câu 1

1. Tìm chi tiết tả không gian nơi Quy đang ngồi học.

Phương pháp giải:

Em đọc 2 câu văn đầu tiên của bài đọc để tìm câu trả lời.

Lời giải chi tiết:

Chi tiết tả không gian Quy đang ngồi học là:

- Bức tường trước mặt.

- Màu vôi xanh mát hiện ra như tấm màn ảnh rộng.

Câu 2

2. Hành động và suy nghĩ nào của Quy cho biết Quy đang gặp khó khăn với bài làm văn?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn văn thứ 1 và thứ 2 của bài đọc để tìm ra câu trả lời.

Lời giải chi tiết:

- Hành động:

+ Chống tay, tì má, nhìn lên bức tường trước mặt.

+ Quy thở dài: "Trời thì nắng mà bài văn lại yêu cầu tả mưa."

- Suy nghĩ: nghĩ đến bố và bức tường trước mặt.

Câu 3

3. Điều gì khiến Quy nghĩ bức tường vôi xanh có phép lạ?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn văn thứ 2 của bài đọc để tìm câu trả lời.

Lời giải chi tiết:

Quy nghĩ bức tường vôi xanh có phép vì cứ ngồi vào bàn là bố viết được ngay. Cũng có khi, bố tì cằm lên tay, nhìn thẳng vào bức tường trước mặt.

Câu 4

4. Vì sao bố kể cho Quy nghe về những trận mưa? Tìm câu trả lời đúng.

A. Vì những trận mưa gắn với kỉ niệm tuổi thơ của bố.

B. Vì bố muốn Quy tả những trận mưa mà bố đã từng gặp.

C. Vì bố muốn gợi cho Quy nhớ lại những trận mưa mà Quy đã gặp.

D. Vì bố muốn Quy nhớ về bà nội của mình.

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Bố kể cho Quy nghe về những trận mưa vì: C. Vì bố muốn gợi cho Quy nhớ lại những trận mưa mà Quy đã gặp.

Chọn C.

Câu 5

5. Theo em, vì sao Quy có thể làm được bài văn mà không cần nhìn bức tường có nhiều phép lạ nữa?

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Quy có thể làm được bài văn mà không cần đến bức tường có những phép lạ là vì bố đã gợi cho Quy nhớ đến những cơn mưa mà cậu đã gặp, đã biết.

Luyện tập

Câu 1:

1. Tìm 3 – 5 tính từ chỉ đặc điểm của sự vật hoặc hoạt động có trong bài Bức tường có nhiều phép lạ.

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ bài đọc và tìm các tính từ chỉ đặc điểm của sự vật hoặc hoạt động có trong bài.

Lời giải chi tiết:

- xanh mát

- lia lịa

- tủm tỉm

- ngơ ngác

- bồng bềnh

- rào rào

Câu 2

2. Viết 2 – 3 câu tả một cơn mưa, trong đó có sử dụng những tính từ tả tiếng mưa.

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo 1:

Mưa rơi, những hạt mưa đầu tiên nhẹ nhàng hôn lên đám lá đang reo vui chờ đón mưa đến gột sạch bụi bặm trên mình. Mưa rơi tí tách, nhảy múa vui vẻ, rộn ràng trên những mái nhà và trên mặt đường. Mưa thi nhau từng hạt, từng hạt rơi xuống. Chúng hò reo, hạt này chê hạt kia rơi chậm và thách đố nhau xem ai về đích trước. Thế rồi chúng phấn khích, rào rào lao xuống thành từng lớp như những mũi tên nhỏ lóng lánh ánh bạc. Lớp này nối tiếp lớp kia xối xả rơi xuống tạo ra những bong bóng nước trên mặt đường, rồi từ đó lại nở xòe ra vô số những bông hoa bong bóng nhỏ xinh

Bài tham khảo 2:

Mưa rơi lộp bộp trên mái nhà, chảy thành dòng xuống máng hứng nước của ba. Những cành cây cam, cây khế xòe rộng ra để hứng những dòng nước mát lành. Luống rau muống của mẹ trồng cười hả hê thích thú. Chỉ có những nụ hoa mười giờ là cụp mặt xuống buồn rầu.


Cùng chủ đề:

Bài 21: Làm thỏ con bằng giấy trang 93 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 21: Luyện viết mở bài, kết bài cho bài văn miêu tả cây cối trang 101 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 21: Những cánh buồm trang 98 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 21: Tìm hiểu cách viết hướng dẫn thực hiện một công việc trang 95 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 21: Tính từ trang 94 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 22: Bức tường có nhiều phép lạ trang 97 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 22: Cái cầu trang 102 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 22: Kể chuyện: Nhà phát minh và bà cụ trang 100 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 22: Kể chuyện: Về quê ngoại trang 105 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 22: Lập dàn ý cho bài văn miêu tả cây cối trang 104 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 22: Viết hướng dẫn thực hiện một công việc trang 99 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống