Bài 3: Cánh rừng trong nắng trang 17, 18 SGK Tiếng Việt lớp 3 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Quan sát tranh minh họa bài đọc và cho biết em thích hình ảnh nào nhất. Vào rừng, các bạn nhỏ nghe thấy những âm thanh gì. Cây cối và con vật trong rừng được tả như thế nào. Trên đường về, ông đã kể những gì cho các bạn nhỏ. Theo em, các bạn nhỏ có thấy thú vị với chuyến đi thăm rừng cùng ông không. Vì sao.
Khởi động
Quan sát tranh, cho biết em thích hình ảnh nào nhất.
Phương pháp giải:
Em quan sát thật kĩ 2 bức hình và cho biết em thích hình ảnh nào?
Lời giải chi tiết:
- Em thích nhất là hình ảnh ông cùng các cháu ở trong rừng cọ. Mỗi bạn nhỏ cầm một tàu lá cọ trông rất đẹp. Ai cũng đều rất vui!
- Em thích hình ảnh ba chú hươu nai bên bờ suối. Nhìn chúng hiền lành và xinh đẹp. Cảnh tượng thiên nhiên rất yên bình.
Bài đọc
CÁNH RỪNG TRONG NẮNG
Làng tôi ở lưng Trường Sơn, giữa vùng núi non trùng điệp. Một lần, tôi và mấy đứa bạn được ông tôi cho đi thăm rừng. Đứa nào cũng vui.
Hôm đó là một ngày nắng ráo. Ông đưa cho mỗi đứa một tàu lá cọ che nắng. Chưa hết mùa mưa, đâu đâu cũng thấy cây ra thêm chồi và mọc cỏ xanh um. Đi trong rừng, nghe rất rõ tiếng suối róc rách và tiếng chim hót líu lo.
Mặt trời chiếu những luồng sáng qua kẽ lá. Cây cối vươn ngọn lên cao tít đón nắng. Nhiều cây thân thẳng tắp, tán lá tròn xoe. Những con sóc nâu cong đuôi nhảy thoăn thoắt qua các cành cây. Thấy có người đi tới, chúng dừng cả lại, nhìn ngơ ngác.
Khi nắng đã nhạt màu trên những vòm cây, chúng tôi ra về trong tiếc nuối. Trên đường, ông kể về những cánh rừng thuở xưa. Biết bao cảnh sắc như hiện ra trước mắt chúng tôi: bầy vượn tinh nghịch đánh đu trên cành cao, đàn hươu nai xinh đẹp và hiền lành rủ nhau ra suối, những vạt cỏ đẫm sương long lanh trong nắng.
(Vũ Hùng)
Từ ngữ:
- Trường Sơn: dãy núi dài khoảng 1100km, chia thành Trường Sơn Bắc (ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào) và Trường Sơn Nam (gồm các khối núi ở tỉnh Kon Tum)
- Trùng điệp: nối nhau liên tiếp như không bao giờ hết
Câu 1
Khi đi trong rừng, các bạn nhỏ nghe thấy những âm thanh gì?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn văn thứ hai và tìm những âm thanh mà các bạn nhỏ nghe được trong rừng.
Lời giải chi tiết:
Những âm thanh mà các bạn nhỏ nghe thấy khi vào rừng là: tiếng suối róc rách, tiếng chim hót líu lo.
Câu 2
Cây cối và con vật trong rừng được tả như thế nào?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn văn thứ ba của bài đọc để tìm những chi tiết miêu tả cây cối và con vật trong rừng.
Lời giải chi tiết:
Cây cối:
- Vươn ngọn lên cao tít đón nắng
- Nhiều cây thân thẳng tắp, lá tròn xoe
Con vật: Những con sóc nâu cong đuôi nhảy thoăn thoắt qua các cành cây. Thấy có người đi tới, chúng dừng cả lại, nhìn ngơ ngác.
Chú ý: Đoạn văn cuối cũng có những chi tiết miêu tả con vật nhưng đó là cảnh sắc mà các bạn nhỏ tưởng tượng ra thông qua lời kể của ông.
Câu 3
Trên đường về, ông đã kể những gì cho các bạn nhỏ?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn văn cuối của bài đọc để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Trên đường về, ông đã kể cho các bạn nhỏ về những cánh rừng thuở xưa.
Câu 4
Theo em, các bạn nhỏ có thấy thú vị với chuyến đi thăm rừng cùng ông không? Vì sao?
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và đưa ra câu trả lời theo ý kiến riêng của mình.
Lời giải chi tiết:
Theo em, các bạn nhỏ cảm thấy rất thú vị với chuyến đi thăm rừng cùng ông. Vì nhờ có chuyến đi đó mà các bạn đã thấy được những cảnh đẹp của cây cối, của các con vật trong rừng. Các bạn còn được nghe những âm thanh hấp dẫn ở trong rừng nữa.
Nội dung
Bài đọc kể về một buổi được ông đưa vào thăm rừng Trường Sơn của hai bạn nhỏ. Cảnh vật trong rừng hiện lên rất đỗi bình yên. |