Bài 4. Sự hình thành Trái Đất, vỏ Trái Đất và vật liệu cấu tạo vỏ Trái Đất SGK Địa lí 10 Kết nối tri thức — Không quảng cáo

Soạn Địa 10, giải bài tập Địa Lí 10 Kết nối tri thức với cuộc sống Chương 2: Trái Đất


Bài 4. Sự hình thành Trái Đất, vỏ Trái Đất và vật liệu cấu tạo vỏ Trái Đất SGK Địa lí 10 Kết nối tri thức

1. Nguồn gốc hình thành Trái Đất. 2. Trình bày đặc điểm vỏ Trái Đất. Nêu sự khác nhau giữa vỏ lục địa và vỏ đại dương. 3. Các vật liệu cấu tạo nên vỏ Trái Đất. 4. Đặc điểm các tầng đá của vỏ Trái Đất. 5. Các loại đá cấu tạo nên vỏ Trái Đất gồm mấy nhóm? Các nhóm đã được hình thành như thế nào? 6. Nguồn gốc hình thành và vùng phân bố của đá vôi ở Việt Nam.

? mục 1

Trả lời câu hỏi mục 1 trang 15 SGK Địa lí 10

Dựa vào thông tin trong mục 1, hãy trình bày nguồn gốc hình thành Trái Đất.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin trong mục 1 (Nguồn gốc hình thành Trái Đất).

Lời giải chi tiết:

Nguồn gốc hình thành Trái Đất:

- Nguồn gốc hình thành Trái Đất liên quan chặt chẽ với sự hình thành hệ Mặt Trời.

- Mặt Trời khi hình thành di chuyển trong dải Ngân Hà, đi qua đám mây bụi và khí. Do lực hấp dẫn của Vũ Trụ mà trước hết là của Mặt Trời, khí và bụi chuyển động quanh Mặt Trời theo quỹ đạo hình elip, dần dần ngưng tụ thành các hành tinh (trong đó có Trái Đất).

- Vào cuối thời kì vật chất ngưng tụ, khi Trái Đất đã có khối lượng lớn gần như hiện nay, quá trình tăng nhiệt bắt đầu diễn ra và dẫn đến sự nóng chảy của vật chất ở bên trong và sắp xếp thành các lớp.

? mục 2

Trả lời câu hỏi mục 2 trang 16 SGK Địa lí 10

Dựa vào thông tin trong mục 2 và hình 4, hãy:

- Trình bày đặc điểm vỏ Trái Đất.

- Nêu sự khác nhau giữa vỏ lục địa và vỏ đại dương.

Phương pháp giải:

- Dựa vào thông tin trong mục 2 (Đặc điểm của vỏ Trái Đất) và quan sát hình 4.

- Trình bày đặc điểm của vỏ Trái Đất theo từng ý: vị trí, độ dày, các kiểu vỏ Trái Đất, các tầng đá cấu tạo vỏ Trái Đất.

Lời giải chi tiết:

- Đặc điểm vỏ Trái Đất:

+ Lớp vật chất cứng ngoài cùng của Trái Đất;

+ Độ dày: 5 km (ở đại dương) – 70 km (ở lục địa).

+ Có 2 kiểu vỏ Trái Đất: vỏ lục địa và vỏ đại dương => Cấu tạo từ các loại đá khác nhau.

+ Gồm 3 tầng đá: tầng trầm tích, tầng granit và tầng 3 badan.

- Khác nhau giữa vỏ lục địa và vỏ đại dương:

Tiêu chí

Vỏ lục địa

Vỏ đại dương

Độ dày

Trung bình 35 km.

5 – 10 km.

Các tầng đá cấu tạo

Trầm tích, granit và badan.

Đá badan và trầm tích (rất mỏng).

Thành phần chủ yếu

Silic và nhôm.

Silic và magiê.

? mục 3

Trả lời câu hỏi mục 3 trang 16 SGK Địa lí 10

Đọc thông tin trong mục 3, hãy nêu các vật liệu cấu tạo nên vỏ Trái Đất.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin trong mục 3 (Vật liệu cấu tạo vỏ Trái Đất).

Lời giải chi tiết:

Các vật liệu cấu tạo nên vỏ Trái Đất:

- Khoáng vật;

- Đá: macma, trầm tích và biến chất.

Luyện tập

Giải bài luyện tập 1 trang 16 SGK Địa lí 10

Hãy nêu đặc điểm các tầng đá của vỏ Trái Đất.

Phương pháp giải:

Vỏ Trái Đất gồm 3 tầng đá: tầng trầm tích, tầng granit và tầng 3 badan.

=> Nhớ lại đặc điểm của 3 tầng đá trên để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

- Tầng trầm tích:

+ Do các vật liệu vụn, nhỏ bị nén chặt tạo thành;

+ Không liên tục và có độ dày không đều.

- Tầng granit:

+ Gồm các loại đá nhẹ (đá granit và các loại đá có tính chất tương tự như đá granit) tạo nên.

+ Vật liệu cấu thành chủ yếu của vỏ lục địa.

- Tầng badan:

+ Gồm các loại đá nặng hơn (đá badan và các loại đá có tính chất tương tự như đá badan) tạo nên.

+ Vật liệu cấu thành chủ yếu của vỏ đại dương.

Giải bài luyện tập 2 trang 16 SGK Địa lí 10

Theo nguồn gốc, các loại đá cấu tạo nên vỏ Trái Đất gồm mấy nhóm? Các nhóm đã được hình thành như thế nào?

Phương pháp giải:

Dựa vào kiến thức đã học về vật liệu cấu tạo vỏ Trái Đất.

Lời giải chi tiết:

Loại đá cấu tạo nên vỏ Trái Đất

Đặc điểm hình thành

Đá macma

Tạo thành do quá trình ngưng kết (nguội lạnh) của các silicat nóng chảy.

Đá trầm tích

Hình thành trong các vùng trũng do sự lắng tụ và nén chặt các vật liệu vụn bở.

Đá biến chất

Thành tạo từ đá macma hoặc đá trầm tích bị biến đổi sâu sắc do tác động của nhiệt, áp suất,…

Vận dụng

Giải bài vận dụng trang 16 SGK Địa lí 10

Hãy tìm hiểu về nguồn gốc hình thành và vùng phân bố của đá vôi ở Việt Nam.

Phương pháp giải:

Tìm kiếm các thông tin về nguồn gốc hình thành và vùng phân bố của đá vôi ở Việt Nam trên Internet, sách báo,…

Lời giải chi tiết:

Đá vôi ở Việt Nam:

- Nguồn gốc hình thành:

+ Đá vôi chủ yếu hình thành trong môi trường biển nông và ấm, do kết tủa dần từ nước biển chứa nhiều CaCO 3 hoặc do tích tụ dần từ vỏ, xương, xác nhiều loài sinh vật biển.

+ Ban đầu, đá vôi hầu như nằm dưới đáy biển. Sau đó, do những vận động địa chất mà các lớp đá vôi được nâng lên, ép nén, uốn lượn.

- Vùng phân bố: Tập trung hầu hết ở miền Bắc nước ta.

+ Những tỉnh có diện tích đá vôi chiếm tới 50% diện tích toàn tỉnh: Hòa Bình (53,4%), Cao Bằng (49,47%), Tuyên Quang (49,92%).

+ Nhiều thị xã, trị trấn nằm trọn vẹn trên đá vôi: Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu, Yên Châu Sơn La (Sơn La), Tùa Chùa, Tâm Đường (Lai Châu), Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang),…

Sơ đồ phân bố các diện đá vôi chủ yếu ở Việt Nam

Nguồn: Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản (2005)


Cùng chủ đề:

Bài 1. Môn Địa lí với định hướng nghề nghiệp SGK Địa lí 10 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 2. Phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lí trên bản đồ SGK Địa lí 10 Kết nối tri thức
Bài 3. Sử dụng bản đồ trong học tập và đời sống, một số ứng dụng của GPS và bản đồ số trong đời sống SGK Địa lí 10 Kết nối tri thức
Bài 4. Sự hình thành Trái Đất, vỏ Trái Đất và vật liệu cấu tạo vỏ Trái Đất SGK Địa lí 10 Kết nối tri thức
Bài 5. Hệ quả địa lí các chuyển động của Trái Đất SGK Địa lí 10 Kết nối tri thức
Bài 6. Thạch quyển. Thuyết kiến tạo mảng SGK Địa lí 10 Kết nối tri thức
Bài 7. Nội lực và ngoại lực SGK Địa lí 10 Kết nối tri thức
Bài 8. Thực hành: Sự phân bố các vành đai động đất, núi lửa SGK Địa lí 10 Kết nối tri thức
Bài 9. Khí quyển, các yếu tố khí hậu SGK Địa lí 10 Kết nối tri thức