Bài 5: Nhà nước Văn Lang, Nhà nước Âu Lạc - SGK Lịch sử và Địa lí 5 Chân trời sáng tạo
Thành tựu tiêu biểu nào sau đây là của nền văn minh sông Hồng?
Khởi động
Thành tựu tiêu biểu nào sau đây là của nền văn minh sông Hồng? Chia sẻ điều em biết về thành tựu đó.
Sự hình thành Nhà nước Văn Lang và Nhà nước Âu Lạc |
Trống đồng Đông Sơn |
Châu bản Triều Nguyễn |
Phương pháp giải:
- Vận dụng những kiến thức đã học và tham khảo trên mạng
- Chỉ ra thành tựu của nền văn minh sông Hồng và chia sẻ về thành tựu đó.
Lời giải chi tiết:
- Những thành tựu tiêu biểu của văn minh sông Hồng là:
+ Sự hình thành của Nhà nước Văn Lang và Nhà nước Âu Lạc
+ Trống đồng Đông Sơn
- Chia sẻ hiểu biết về Nhà nước Văn Lang:
+ Nước Văn Lang ra đời cách ngày nay khoảng 2700 năm, kinh đô đặt tại Phong Châu (Phú Thọ ngày nay).
+ Nhà nước Văn Lang được chia thành 15 bộ. Đứng dầu nhà nước là Vua Hùng, giúp việc cho Vua Hùng là các Lạc hầu, Lạc tướng…
Khám phá 1
Đọc thông tin và quan sát các hình 1, 2, em hãy trình bày sự ra đời của nước Văn Lang, Âu Lạc.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ phần 1. Sự ra đời của nước Văn Lang, Âu Lạc (SGK trang 22)
- Chỉ ra sự ra đời của nước Văn Lang, Âu Lạc
Lời giải chi tiết:
- Sự ra đời của Nhà nước Văn Lang:
+ Khoảng thế kỉ VII trước Công nguyên (TCN), ở lưu vực các dòng sông thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam ngày nay, Nhà nước Văn Lang đã ra đời.
+ Sự ra đời của nhà nước này được phản ánh thông qua truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên và nhiều bằng chứng khảo cổ học thuộc nền văn hoá Đông Sơn. Các hiện vật đã được tìm thấy như: lưỡi cày, rìu, đồ gốm, trống đồng,
- Sự ra đời của Nhà nước Âu Lạc:
+ Năm 208 TCN, sau khi lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống quân Tần thắng lợi, Thục Phán lên làm vua, xưng là An Dương Vương, lập ra Nhà nước Âu Lạc.
+ Kinh đô được dời xuống Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).
Khám phá 2
Đọc thông tin và quan sát các hình 3, 4, 5, 6, 7, em hãy:
- Mô tả đời sống kinh tế của cư dân Văn Lang, Âu Lạc.
- Cho biết đời sống kinh tế của cư dân Văn Lang, Âu Lạc được thể hiện như thế nào qua truyền thuyết “Vua Hùng dạy dân cấy lúa”
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ phần 2. Đời sống kinh tế của cư dân Văn Lang, Âu Lạc (SGK trang 24)
- Chỉ ra đời sống kinh tế của cư dân Văn Lang, Âu Lạc và sự thể hiện đời sống kinh tế của cư dân Văn Lang, Âu Lạc qua truyền thuyết “Vua Hùng dạy dân cấy lúa”.
Lời giải chi tiết:
* Đời sống kinh tế của cư dân Văn Lang, Âu Lạc:
- Cư dân Văn Lang, Âu Lạc chủ yếu sống bằng nghề nông trồng lúa nước.
- Họ dùng lưỡi cày, lưỡi hái, cuốc, rìu,... bằng đồng làm công cụ sản xuất và chế tạo các đồ dùng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt như thạp đồng, thau, châu, bình gồm, muôi đồng....
* Truyền thuyết “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” phản ánh nhiều điều thú vị về đời sống kinh tế của cư dân Văn Lang, Âu Lạc. Cụ thể là:
- Vua Hùng tổ chức cho dân đến đắp bờ giữ nước
- Vua Hùng bày cách cho nhân dân gỡ hạt lúa hoang, gieo mạ, cấy lúa…
Khám phá 3
Đề bài: Đọc thông tin và quan sát các hình 8, 9, 10, em hãy:
- Trình bày công cuộc đấu tranh bảo vệ Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc.
- Cho biết “Sự tích nỏ thần phản ánh công cuộc đấu tranh bảo vệ Nhà nước Âu Lạc như thế nào.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ phần 3. Công cuộc đấu tranh bảo vệ nhà nước Văn Lang, Âu Lạc (SGK trang 25)
- Chỉ ra công cuộc đấu tranh bảo vệ Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc và diễn biến của “Sự tích nỏ thần phản ánh công cuộc đấu tranh bảo vệ Nhà nước Âu Lạc”.
Lời giải chi tiết:
* Công cuộc đấu tranh bảo vệ Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc:
- Từ khi lập nước, dân cư Văn Lang Âu lạc đã nhiều lần chiến đấu chống giặc phương Bắc xâm lược. Đến năm 179 TCN, Âu Lạc bị quân của Triệu Đà - vua nước Nam Việt (thuộc Trung Quốc) tấn công và bị sáp nhập vào Nam Việt.
- Công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước của người dân Văn Lang, Âu Lạc được thể hiện qua các truyền thuyết như Thánh Gióng, Sự tích nỏ thần.
* Sự tích nỏ thần phản ánh về cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc của nhân dân Âu Lạc.
Luyện tập 1
Kể tên một số truyền thuyết, hiện vật khảo cổ liên quan đến sự ra đời và công cuộc đấu tranh bảo vệ nhà nước của cư dân Văn Lang, Âu Lạc.
Phương pháp giải:
- Vận dụng kiến thức đã học và tham khảo trên mạng
- Chỉ ra một số truyền thuyết, hiện vật khảo cổ liên quan đến sự ra đời và công cuộc đấu tranh bảo vệ nhà nước của cư dân Văn Lang, Âu Lạc.
Lời giải chi tiết:
- Một số truyền thuyết, hiện vật khảo cổ liên quan đến sự ra đời và công cuộc đấu tranh bảo vệ nhà nước của cư dân Văn Lang, Âu Lạc:
+ Truyền thuyết Thánh Gióng; sự tích nỏ thần,…
+ Hiện vật: rìu chiến; mũi tên đồng; lẫy nỏ,…
Luyện tập 2
Truyền thuyết Vua Hùng dạy dân cấy lúa cho em biết điều gì về đời sống kinh tế của cư dân Văn Lang Âu Lạc?
Phương pháp giải:
- Vận dụng kiến thức đã học và tham khảo trên mạng
- Những điều biết về đời sống kinh tế của cư dân Văn Lang Âu Lạc qua Truyền thuyết Vua Hùng dạy dân cấy lúa
Lời giải chi tiết:
- Truyền thuyết Vua Hùng dạy dân cấy lúa cho biết:
+ Cư dân Văn Lang sớm biết làm thủy lợi (qua chi tiết: vua Hùng dạy nhân dân đắp bờ để giữ nước)
+ Lúa nước là loại cây trồng chủ yếu của cư dân Văn Lang.
+ Nhờ sự phát triển của nền nông nghiệp, nên đời sống của cư dân Văn Lang no ấm.
Vận dụng
Sưu tầm và kể lại một số truyền thuyết có liên quan đến đời sống kinh tế của cư dân Văn Lang, Âu Lạc (gợi ý: Truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy; Sự tích Dưa hấu;...).
Phương pháp giải:
- Vận dụng kiến thức đã học và tham khảo trên mạng
- Kể lại một số truyền thuyết có liên quan đến đời sống kinh tế của cư dân Văn Lang, Âu Lạc.
Lời giải chi tiết:
* Tham khảo: Sự tích Bánh chưng, bánh dày
Vua Hùng Vương thứ sáu có hai mươi người con trai, vua muốn tìm một người nối được chí của mình lên làm vua. Vua hạ lệnh, trong lễ Tiên Vương, ai làm vừa ý mình vua sẽ truyền ngôi cho.
Các lang ai nấy đều tất bật sai người tìm của ngon vật lạ để dâng vua, chỉ có Lang Liêu là buồn nhất. Lang Liêu là người con thứ mười tám, chỉ quen với việc trồng trọt nên trong nhà chàng chẳng có gì ngoài lúa gạo, ngô khoai nên không biết dâng gì trong ngày lễ Tiên Vương. Một hôm có vị thần đến báo mộng cho chàng rằng hãy đem những hạt gạo quý giá mà chàng có dâng lên vua. Nghe lời thần, chàng đã chọn ra thứ gạo nếp ngon nhất để làm ra hai thứ bánh có hình vuông và hình tròn.
Đến hôm lễ, vua rất hài lòng với mâm bánh của Lang Liêu, bèn đặt tên bánh hình vuông là bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh tròn là bánh dày tượng trưng cho trời. Vua dùng bánh của Lang Liêu để lễ Trời, Đất và Tiên Vương. Lang Liêu được lên làm vua. Kể từ đó, nhân dân ta có truyền thống làm bánh chưng, bánh dày trong ngày Tết.