Bài tập Viết trang 21 Sách bài tập Ngữ Văn 6 tập 1 Chân trời sáng tạo
Tải vềTheo em, khi làm bài viết kể lại một truyện cổ tích có cần lập dàn ý hay không? Vì sao? Trong bài thơ Chuyện cổ nước mình có câu
Câu 1
Theo em, khi làm bài viết kể lại một truyện cổ tích có cần lập dàn ý hay không? Vì sao?
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức đã học về truyện cổ tích để làm bài tập này
Lời giải chi tiết:
Khi làm bài viết kể lại một truyện cổ tích cần phải lập dàn ý. Bởi vì:
- Lập dàn ý sẽ giúp chọn lọc, sắp xếp những nội dung cơ bản dự định triển khai khi kể lại truyện cổ tích.
- Giúp người viết bao quát các luận điểm, luận cứ cần triển khai
- Giúp kể lại truyện theo một trình tự thời gian chính xác, việc này tiếp nối việc kia, nhờ đó tránh được tình trạng bỏ sót ý khi kể.
Câu 2
Trong bài thơ Chuyện cổ nước mình có câu:
Ở hiền thì lại gặp hiền,
Người ngay thì gặp người tiên độ trì.
(Lâm Thị Mỹ Dạ)
Câu thơ trên gợi cho em nhớ đến truyện cổ tích nào nhiều nhất? Hãy kể lại truyện đó.
Phương pháp giải:
Liên hệ câu thơ với những bài học trong truyện cổ tich
Lời giải chi tiết:
* Câu thơ trên gợi cho em nhớ đến truyện cổ tích Hà rầm hà rạc .
* Kể lại truyện:
Bài làm
Ở hiền thì lại gặp hiền,
Người ngay thì gặp người tiên độ trì.
(Lâm Thị Mỹ Dạ)
Truyện cổ tích luôn luôn chứa nhiều bài học cuộc sống mà chúng ta được tiếp cận khi còn nhỏ. Triết lý “Ở hiền thì gặp lành” trong truyện cổ tích đến bây giờ vẫn còn nguyên ý nghĩa trong thực tiễn. Khi đọc truyện cổ tích Hà rầm hà rạc giúp em lại càng thấy rõ triết lý đó qua hai hình tượng đối lập của người anh và người em.
Ngày xưa, ở một nhà nọ có hai anh em sống với nhau. Cha mẹ họ mất sớm, để lại một gia sản cũng vào hạng khá trong vùng. Ít lâu sau, người anh lấy vợ. Anh bảo em mình cùng chia tài sản, nói với người em bây giờ đã đến lúc phải chia gia tài ra để cho mày học ăn học làm với người ta.
Đến ngày chia của, anh chìa ra một tờ giấy, bảo với em rằng của cải của cha mẹ để lại có ba giống: giống đực, giống cái và giống con. Người em bé bỏng nên người anh nhường cho tất cả những đồ đạc giống đực, còn giống cái và giống con thì phần của hắn.
Người anh bảo người em kí vào tờ giấy chia tài sản. Em ngây thơ tưởng là anh thương mình thật nên không nghĩ ngờ gì cả, ký ngay vào giấy. Cuộc chia của bắt đầu. Nhưng đồ vật nào mà chả gọi là “cái” hay là “con”. Cuối cùng người anh đếm các đồ vật “con trâu, cái nhà, cái chum, cái cày, cái búa”,… tất cả các đồ vật trong nhà đều là của hắn. Suốt từ sáng đến chiều, những của chìm của nổi chia đã sắp vơi đi mà vẫn chưa có một vật nào thuộc giống đực cả. Mãi đến lúc trời đã tối, người em tức mình mới chụp lấy một cây dao rựa dựng ở bờ hè mà nói rằng đây là “đực rựa” thuộc về phần em. Nói xong, người em vác rựa lùi lũi đi ra giữa lúc người anh cười ha hả vì thấy mưu kế của mình đã đạt.
Từ đây, người em ngày ngày vác rựa vào rừng chặt củi làm kế sinh nhai. Vì không có nhà ở nên anh ta phải ăn nhờ ở đậu hết nhà người bà con này qua người quen khác. Có hôm phải ăn đình nằm chùa, ngủ cầu ngủ quán như kẻ cầu bơ cầu bất. Mặc dù khổ như vậy nhưng anh vẫn chăm chỉ làm ăn đề khỏi phải ngửa tay ăn xin mọi người.
Một hôm, trăng non vừa mọc, anh đang ngủ say tỉnh dậy tưởng trời đã sáng, bèn vớ lấy rựa đi miết lên rừng. Đến cửa rừng mới hay là mình nhầm: trời vẫn còn khuya. Anh bèn nằm duỗi chân dưới một gốc cổ thụ đợi sáng, nhưng bỗng dưng ngủ quên lúc nào không hay. Anh chàng không ngờ rằng nơi đây là chốn chơi đùa của một bầy khỉ. Hôm ấy chúng cũng kéo nhau đến đây, nhưng khi thấy dưới gốc cây có một người lạ nằm thẳng đuỗn thì tưởng là một thây người; chúng bèn xúm nhau khiêng đi chôn đề lấy chỗ nhảy nhót. Đang đi, anh chàng bỗng tỉnh giấc, toan la lên, nhưng thấy chuyện hay hay, nên cứ nằm im xem bọn khỉ khiêng mình đi đến đâu. Hồi lâu, anh nghe bầy khỉ dừng lại nói với nhau rằng “Hà rầm hà rạc, chôn vào hố bạc, không chôn hố vàng!” Nhưng trong bầy khỉ có một con khỉ đột đứng đầu, bảo chúng: “Hà rầm hà rạc, chôn vào hố vàng, không chôn hố bạc”
Thế là bầy khỉ lại tiếp tục khiêng anh tới một chỗ khác xa hơn. Đến nơi, chúng đặt anh xuống, rồi kéo nhau trở về gốc cổ thụ. Anh chàng nhìn thấy xung quanh mình có những cục vàng sáng chói thì mừng lắm, bèn chờ cho chúng đi khuất mới đứng dậy nhặt đầy túi mang về. Từ khi trở nên giàu có, anh chàng hết làm nhà cửa lại tậu ruộng vườn, nuôi trâu bò, cuộc đời muôn phần tươi hơn trước.
Câu chuyện một người tiều phu lên núi bắt được vàng từ đó lan đi khắp nơi. Người anh nghe nói nửa tin nửa ngờ. Một hôm vào ngày giỗ cha, hắn thấy em mình tìm đến mời về nhà ăn giỗ. Hắn vội vã nhận lời. Bước vào nhà em, người anh không giấu được kinh ngạc hỏi lý do tại sao người em lại phát lên như vậy.
Người em thật thà, vui vẻ kể tỉ mỉ cho anh nghe câu chuyện lên rừng gặp khi, và từ hố bạc tình cờ được chúng chuyển sang hố vàng. Nghe xong, người anh mượn ngay cây rựa, và cũng chờ một đêm trăng non, một mình vác rựa lên cửa rừng. Hắn ta cũng giả vờ duỗi chân nằm dưới gốc cổ thụ nọ. Lát sau, quả nhiên có một bầy khỉ đến nhảy nhót xung quanh gốc cây. Khi thấy có người lạ nằm choáng chỗ chúng vui đùa, chúng cũng xúm lại khiêng đi chôn, vì tưởng rằng đó là một cái thây người chết. Nhưng đến lúc nghe bầy khỉ nói: “Hà rầm hà rạc, chôn vào hố bạc, không chôn hố vàng!” thì hắn vội ngửng đầu cãi lại rằng: “Chôn vào hố vàng chứ! Chôn vào hố vàng chứ!”. Bầy khỉ không ngờ cái thây người vẫn còn sống, cuống cuồng quẳng hắn xuống rồi bỏ chạy. Hắn bị lăn xuống sườn núi, đầu va vào đá, vỡ sọ chết.
Câu chuyện Hà rầm hà rạc không chỉ hấp dẫn, thú vị, mà còn dạy cho em những bài học ý nghĩa. Đó chính là ở hiền thì gặp lành, ác giả thì ác báo - đó là những bài học mà ông cha muốn truyền cho con cháu. Truyện cổ tích Hà rầm hà rạc đã răn dạy ta nên sống lương thiện, biết yêu thương và sẻ chia cũng như hãy trở thành một con người mang trái tim thiện lương. Khi đã có thiện lương dù cuộc sống có thành bại như thế nào, thì tinh thần sống tích cực luôn luôn dẫn đường chúng ta.