Bàn về cái đẹp trong xã hội và trong thiên nhiên - Ngữ Văn 12
Không có thơ thì rượu sơn thủy cũng vô nghĩa; nếu không có đàn bà đẹp thì trăng hoa cũng vô ích. Tài tử mà lại đẹp, giai nhân mà lại biết làm văn đều là không thọ được.
HOA VÀ MĨ NHÂN
Hoa không nên thấy rụng, trăng không nên thấy chìm, mĩ nhân không nên thấy chết yểu.
Trông hoa nên thấy hoa nở, đón trăng nên thấy trăng tròn, viết sách nên viết cho xong, mĩ nhân nên thấy vui vẻ, sung sướng, nếu không thì uổng công.
Ngắm đàn bà buổi sáng, nên đợi lúc phấn son xong.
Có những bộ mặt xấu mà dễ coi, có những bộ mặt không xấu mà khó coi: có những áng văn viết không thông (mẹo) mà khả ái, có những áng văn viết thông mà đọc rất chán. Điều đó, không dễ gì giảng cho hạng nông cạn hiểu được.
Lấy lòng yêu hoa và yêu mĩ nhân thì tất cả có cái thú riêng; lấy lòng yêu mĩ nhân mà yêu hoa thì thêm cái thâm tình và thêm lòng nâng niu thương tiếc.
Mĩ nhân, hơn hoa ở chỗ biết nói; hoa hơn mĩ nhân ở chỗ tỏa hương. Nếu không được cả hai thì bỏ hương mà lựa biết nói. Thường hoa đẹp thì không thơm, cánh nhiều tần thì không trái.
Gọi mĩ nhân thì mặt đẹp như hoa, tiếng nói như chim, tinh thần như trăng, vẻ như liễu, xương như ngọc, da như băng tuyết, dáng như nước thu, lòng người thơ, ta không còn chỗ nào chê cả.
Trong thiên hạ không có sách thì thôi, có thì phải đọc: không có rượu thì thôi, có thì phải uống; không có núi đẹp thì thôi, có thì phải tới chơi; không có hoa có trăng thì thôi, có thì phải mến yêu, thương tiếc.
Người đàn bà xấu không cho gương là thù địch vì nó là vật vô tri, nếu gương mà hữu tri thì tất cả đã tan tành rồi.
Mua được một chậu hoa đẹp còn nâng niu thương tiếc, huống là đối với một “đóa hoa biết nói”.
Không có thơ thì rượu sơn thủy cũng vô nghĩa; nếu không có đàn bà đẹp thì trăng hoa cũng vô ích. Tài tử mà lại đẹp, giai nhân mà lại biết làm văn đều là không thọ được. Không phải chỉ vì tạo vật đố kị, mà còn vì hạng người đó không phải là bảo vật của một thời, mà là bảo vật cổ kim vạn đại, cho nên tạo hóa không muốn cho lưu lại lâu trên đời mà hóa nhàm.
Lâm Ngữ Đường (Trung Quốc)
Nguyễn Hiến Lê dịch