Bình giảng bài Tân xuất ngục, học đăng sơn (Mới ra tù, tập leo núi) của Hồ Chí Minh — Không quảng cáo

Soạn văn 11 tất cả các bài, Ngữ văn 11 , tổng hợp văn mẫu hay nhất Tân xuất ngục, học đăng sơn (Mới ra tù, tập leo núi)


Bình giảng bài Tân xuất ngục, học đăng sơn (Mới ra tù, tập leo núi) của Hồ Chí Minh.

Tình yêu nước là tình yêu sâu sắc nhất, mãnh liệt nhất của Hồ Chí Minh. Bác có nhiều bài thơ hay nói lên một cách chân thành, cảm động tình yêu nước ấy.

Đề bài

Bình giảng bài Tân xuất ngục, học đăng sơn (Mới ra tù, tập leo núi) của Hồ Chí Minh.

Lời giải chi tiết

Lại thương nỗi đọa đày thân Bác

Mười bốn trăng tê tái gông cùm

Ôi chân yếu mắt mờ tóc bạc

Mà thơ bay... cánh hạc ung dung

(Theo chân Bác)

Đoạn thơ cảm động trên đây của Tố Hữu đã làm hiện lên trong tâm trí chúng ta hình ảnh Bác Hồ sau khi thoát khỏi nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch tại Liễu Châu, Trung Quốc, đồng thời giúp chúng ta cảm nhận Ngục trung nhật kí của Người.

Ngay sau khi giành được tự do, để phục hồi thể lực, Bác Hồ kiên trì tập luyện: tập khí công, tập bơi, tập leo núi,... tích cực chuẩn bị ngày lên đường trở về Tổ quốc thân yêu. Ngày Bác được tự do là ngày 10-9-1943; dự đoán bài thơ Mới ra tù, tập leo núi được Bác viết vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 năm 1943. Chữ "tân" trong nhan đề hài thơ cho ta niềm tin khẳng định đó.

Tác giả hồi kí Vừa đi đường vừa kể chuyện có ghi rõ là khi Bác đã trèo lên tận đỉnh ngọn núi cao. Bác đã xúc động viết bài thơ này:

Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân,

Giang tâm như kính tịnh vô trần;

Bồi hồi độc bộ Tây Phong Lĩnh,

Dao vọng Nam thiên, ức cố nhân

Bác đã ghi bài thơ vào rìa một tờ báo Trung Quốc, kèm theo dòng chừ sau: "Chúc chư huynh ở nhà mạnh khỏe và cố gắng công tác. Ở bên này bình yên". Bài thơ không chỉ mang tính chất "đưa tin" một cách bí mật mà còn mang ý nghĩa của một văn kiện lịch sử của Cách mạng Việt Nam. Theo hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, hồi ấy các yếu nhân của Tổng bộ Việt Minh tại căn cứ địa Cách mạng Cao - Bắc - Lạng vô cùng phấn khởi khi nhận được bài thơ này và đã phái người đi đón Bác.

Về phương diện thi ca, bài Mới ra tù, tập leo núi là một tác phẩm văn chương toàn bích thể hiện cốt cách thi sĩ Hồ Chí Minh: tâm hồn trong sáng, thiết tha yêu thiên nhiên, nặng tình đối với đất nước và bạn bè yêu quý. Cảnh sắc thiên nhiên và bức tranh tâm cảnh đều rất đẹp, rất đậm đà:

Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân

Giang tâm như kính tịnh vô trần

Cảnh mây núi nhấp nhô trập trùng. Mây, núi được nhân hóa, trở nên hữu tình: núi ấp ôm mây, mây ấp núi. Mây núi quấn quýt, bao bọc lấy nhau. Một câu thơ bảy chữ mà chữ "vân", chữ "ửng", chữ "sơn" được điệp lại hai lần gợi tả cảnh mây núi tầng tầng lớp lớp, ngắm nhìn không chán mắt. Hình ảnh "trùng sơn" làm nổi bật vẻ đẹp hùng vĩ cảnh núi mây và cảm xúc dào dạt của nhà thơ lúc leo núi.

Câu thứ hai tả lòng sông (giang tâm). Mặt sông trong vắt, phẳng lặng được ví với tấm gương không một chút bụi mờ. Bầu trời có trong sáng thì người đứng trên núi cao mới cảm nhận gương sông đẹp như thế. Hai câu đầu bài thơ đã vẽ nên một bức tranh sơn thủy hùng vĩ, hữu tình. Với tâm trạng sảng khoái của nhà thơ chiến sĩ mới thoát cảnh tù ngục thì mới có cái nhìn say mê, nồng nàn, thú vị như vậy. Người xưa có nói: "Văn vô sơn thủy phi kì khí", nghĩa là văn chương không nói đến sông núi (không mang tình đất nước) thì không có khí chất kỳ lạ. Qua đó, ta cảm thấy thơ Hồ Chí Minh mang vẻ đẹp "kì khí" đáng yêu. Cảnh mây núi, sông nước ở đây là cảnh thực ở Liễu Châu về cuối thu hơn nửa thế kỷ trước. Đồng thời nó mang ý nghĩa tượng trưng cho lòng người, cho tình người. Ngoại cảnh thì hùng vĩ, hữu tình. Tâm cảnh thì trong sáng, yêu đời. Thi nhân vừa leo núi vừa ngắm nhìn vẻ đẹp sông núi, mây trời với phong thái ung dung và tâm hồn thanh cao tuyệt đẹp. Mây, núi, gương sông ấy là ba ẩn dụ mà nhà thơ Hồ Chí Minh gửi gắm tâm hồn mình, trạng thái mình:

"Đằng sau bức tranh phong cảnh này, đằng sau những mây núi trập trùng, đằng sau dòng nước sông trong dưới chân Tây Phong Lĩnh, ấn tượng không bao giờ phai nhạt trong tâm hồn của độc giả chính là tâm trạng vừa trong trắng sâu sắc, vừa cao cả của con người” (Đặng Thai Mai)

Chỉ với ba nét vẽ ("vân", "trùng sơn", "giang tâm") mà tác giả đã gợi lên cái hồn vũ trụ. Mượn cảnh để tả tình, ngôn ngữ hàm súc, hình tượng - đó là vẻ đẹp cổ điển đầy thi vị trong bài thơ này của Bác. Câu thơ dịch khá hay:

Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,

Lòng sông gương sáng bụi không mờ

Đã hai mùa thu ly hương, nếm trải đủ mùi cay đắng, thế mà tấm lòng nhà thơ vẫn đêm ngày nhớ nước khôn nguôi. Hai câu thơ ba và bốn nói lên tâm tình ấy:

Bồi hồi độc bộ Tây Phong Lĩnh,

Dao vọng Nam thiên, ức cố nhân

Tây Phong Lĩnh là dãy núi trập trùng ở Liễu Châu, Trung Quốc. Nam thiên là trời Nam hai địa danh ở 2 phía chân trời. Chữ "bồi hồi", chữ "dao vọng" và ba tiếng "ức cố nhân" diễn tả tâm trạng của Bác Hồ lúc leo núi.

"Bồi hồi" nghĩa là bồn chồn, không yên dạ. "Độc bộ" nghĩa là một mình bước đi; trong văn cảnh gợi lên sự lẻ loi, đơn độc. Càng leo núi lên cao càng hồi hồi, càng cảm thấy mình lẻ loi, đơn độc, mà dõi nhìn về phía chân trời xa. Người xưa khi đứng trên lầu cao mà man mác buồn, bởi lẽ "Nhật mộ hương quan hà xứ thị”, người con gái lưu lạc ngậm ngùi xót xa: "Lòng quê đi một bước đường một đau"... Tình cố hương, tình cố quốc là một trong những tình cảm sâu sắc thắm thiết của con người xưa nay:

Quê hương nghĩa nặng tình sâu,

Bể dâu biến đối biết đâu là nhà

Bác Hồ đã trải qua những năm dài bôn ba hải ngoại, đi tìm đường cứu nước, canh cánh trong lòng nỗi thương, nỗi nhớ vơi đầy: "Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước..." ("Người đi tìm hình của nước"). "Giờ đây" mỗi bước leo núi lên cao, Người lại hồi hồi thương nhớ: "Dao vọng Nam thiên, ức cố nhân". "Dao vọng" là trông vời, trông xa, "ức cố nhân" nghĩa là nhớ người xưa, nhớ bạn cũ, ở đây là Bác nhớ đồng chí thân yêu. Câu thơ bảy chữ nói lên được hai nỗi nhớ: nhớ nước và nhớ bạn. Thơ hàm súc và biểu cảm là vậy.

Nhớ nước, nhớ bạn là tình cảm thường trực, thiết tha của Bác. Nhớ nước cả lúc thức và cả trong lúc mơ: "Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh" ( Không ngủ được ). Nhớ nước, nhớ quê suốt ngày suốt đêm, suốt cả năm tháng: "Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng - Tin tức bên nhà bữa bữa trông" ( Tức cảnh ). Càng xa nước, Bác càng nhớ nước:

Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ,

Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay

(Đêm thơ)

"Ức hữu" (Nhớ bạn) là một trong những chủ đề nổi bật trong Nhật kí trong tù . Nhớ bạn với bao kỉ niệm, với bao nỗi khắc khoải chờ mong. Trong cảnh tù đày, Bác càng nhớ bạn:

Ngày đi bạn tiễn đến bên sông,

Hẹn bạn về khi lúa đỏ đồng.

Nay gặt đã xong, cày đã khắp,

Quê người tôi vẫn chốn lao lung

(Nhớ bạn)

Tình yêu nước là tình yêu sâu sắc nhất, mãnh liệt nhất của Hồ Chí Minh. Bác có nhiều bài thơ hay nói lên một cách chân thành, cảm động tình yêu nước ấy. Bài thơ Mới ra tù, tập leo núi đã thể hiện rất đẹp cảm hứng thiên nhiên trữ tình và cảm hứng yêu nước. Mỗi câu, mỗi chữ, mỗi vần thơ đều dạt dào tình yêu tạo vật sông núi mây trời, tình nhớ nước, nhớ bạn. Một cái ngóng nhìn xa, một nỗi bồi hồi lúc leo núi, một niềm mong nhớ Tổ quốc, nhớ bạn bè - được diễn tả và thể hiện qua một bài tứ tuyệt mang màu sắc cổ điển, một bút pháp lả cảnh ngụ tình đặc sắc. Người chiến sĩ cách mạng "Bồi hồi độc bộ Tây Phong Lĩnh" ấy có một bản lĩnh phi thường, một phong thái ung dung tự tại, và có một hồn thơ đẹp được nhân dân ta kính yêu và nhớ mãi.


Cùng chủ đề:

Bài ca lưu biệt - Huỳnh Thúc Kháng
Bài thơ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư
Bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay, trang 35 SGK Văn 11
Bình giảng Giải đi sớm (I và II) của Hồ Chí Minh trong Nhật kí trong tù
Bình giảng bài Mưa xuân của Nguyễn Bính
Bình giảng bài Tân xuất ngục, học đăng sơn (Mới ra tù, tập leo núi) của Hồ Chí Minh
Bình giảng bài thơ Cuốc kêu cảm hứng của Nguyễn Khuyến
Bình giảng bài thơ Giải đi sớm (I và II) của Hồ Chí Minh trong Nhật kí trong tù
Bình giảng bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử
Bình giảng bài thơ Tảo giải (Giải đi sớm) của Hồ Chí Minh
Bình giảng bài thơ Tiến sĩ giấy - Bài 2 của Nguyễn Khuyến