Bình giảng bài thơ Xuân về của Nguyễn Bính — Không quảng cáo

Soạn văn 11 tất cả các bài, Ngữ văn 11 , tổng hợp văn mẫu hay nhất


Bình giảng bài thơ Xuân về của Nguyễn Bính.

Tình quê, hồn quê là nét đẹp trong Xuân về của Nguyễn Bính. Thơ trong sáng, dung dị vơi đầy một tình xuân đồng quê đầm ấm và rung động, thiết tha. Thơ Nguyễn Bính dịu dàng, êm đẹp như ca dao, dân ca.

Đề bài

Bình giảng bài thơ Xuân về của Nguyễn Bính.

Lời giải chi tiết

Đã thấy xuân về với gió đông,

Với trên màu má gái chưa chồng.

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.

Từng đàn con trẻ chạy xum xoe,

Mưa tạnh, giời quang, nắng mới hoe.

Lá nõn, nhành non, ai tráng bạc

Gió về từng trận, gió bay đi...

Thong thả dân gian nghỉ việc đồng,

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi, hoa cam rụng,

Ngào ngạt hương bay, bướm lượn vòng.

Trên đường cát mịn, một đôi cô,

Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa.

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,

Tay lần tràng hạt miệng nam mô

1937 (Tâm hồn tôi)

Thi sĩ Nguyễn Bính xuất hiện prong phong trào "Thơ mới" trước năm 1945. Phong cảnh đồng quê, hình ảnh cô thôn nữ, bến đò ngang, phiên chợ Tết... được Nguyễn Bính nói lên một cách bình dị, thân mật đáng yêu. "Tương tư", "Chợ Tết", "Mưa xuân", "Xuân về",... là những bài thơ hay của ông được nhiều người yêu thích.

Bài thơ "Xuân về" là một bức tranh xuân có bốn cảnh xinh xắn, thân mật về đồng quê. làng quê Việt Nam hơn 60 năm về trước. Con người và cảnh sắc nông thôn đã được thi vị hóa qua một hồn thơ lãng mạn tài hoa.

Cảnh xuân thứ nhất nói về cô thôn nữ khi gió đông (gió xuân) thổi về. Gió xuân mang hơi ấm và khí xuân làm hồng lên đôi má "gái chưa chồng", tuổi xuân mơn mởn. Cô láng giềng, cô hàng xóm của nhà thơ bâng khuâng nhìn trời với “đôi mắt trong" như đang ước hẹn, đợi chờ ai... Bức tranh xuân trẻ trung, tình tứ được chấm phá qua hai hình ảnh "màu má gái chưa chồng" và "đôi mắt trong" của cô hàng xóm đang "ngước mắt" nhìn trời xuân:

"Đã thấy xuân về với gió đông,

Với trên màu má gái chưa chồng.

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong "

Cảnh xuân thứ hai vừa đẹp, vừa sống động, hồn nhiên và tươi xinh. Gió xuân thổi về từng trận rồi "gió bay đi", gợi lên sự phơi phới. Sau những tháng ngày mưa xuân, mưa bụi trắng trời, nay mưa đã tạnh, bầu trời rất đẹp, một không gian ấm áp: "giời quang, nắng mới hoe". Nắng mới là nắng đầu xuân: "nắng mới hoe" là nắng hồng nhạt, cỏ cây đâm chồi nảy lộc:

"Lá nõn, nhành non, ai tráng bạc?"

"Lá nõn" là những mầm lá, những lá non màu xanh mượt, "nhành non" là những cành tơ mới nẩy lộc có nhiều lá nõn màu xanh như ngọc. Nhà thơ sung sướng ngạc nhiên nhìn “lá nõn, nhành non" rồi thốt lên câu hỏi "ai tráng bạc".

Lá xuân mỡ màng, non tơ sáng ngời lên lấp lánh. Các chữ: "nõn", "non", 'bạc?", đã gợi lên sắc xuân và sức xuân kì diệu. Thi sĩ Xuân Diệu cũng đã nói hoa, lá, cành mùa xuân, cũng nói đến "cành tơ" đầy gợi cảm:

"Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất... "

("Vội vàng")

Cảnh xuân càng trở nên rộn ràng, vui tươi và hồn nhiên khi xuất hiện "Từng đàn con trẻ chạy xum xoe". Các em nô đùa, các em đón nắng mới, các em theo bà, theo chị đi trẩy hội mùa xuân. Cảnh xuân càng trở nên ý vị đậm đà.

Nét xuân đẹp thứ ba trong bức tranh xuân của Nguyễn Bính mở ra một không gian nghệ thuật rộng lớn gợi lên cái hồn quê buổi xuân về.  Giêng hai là thời gian nông nhàn, bà con dân cày "nghỉ việc đồng", ai nấy đều tíu tít trong lễ hội mùa xuân. Cánh đồng làng bát ngát "lúa con gái mượt như nhung". Một so sánh rất hay, rất gợi cảm làm hiện lên những cánh đồng quê lúa xanh thẫm, biển lúa êm đềm "mượt như nhung". Vườn tược, xóm thôn nở trắng màu hoa cam, hoa bưởi "ngào ngạt hương bay". Mùi thơm nồng nàn, quấn quít "bướm vẽ vòng". Cảnh bướm, hoa trong vườn xuân thật trữ tình nên thơ:

"Đầy vườn hoa bưởi, hoa cam rụng,

Ngào ngạt hương bay, bướm lượn vọng. "

Chữ "đầy", chữ "ngào ngạt" là hai nét vẽ gợi lên cái thần, cái hồn của vườn xuân chốn quê. Nguyễn Bính đã đem cái tình yêu mùa xuân, yêu làng mạc đồng quê để viết nên những câu thơ tuyệt bút về hương hoa, về bướm hoa trong mùa xuân.

Một nét đẹp nữa trong bức tranh "Xuân về" là cảnh đi trẩy hội. "Một đôi cô" duyên dáng, tươi xinh trong bộ đồ dân tộc: "yếm đỏ khăn thâm" đi trẩy hội chùa. Các cụ già, bà già "tóc bạc" lưng còng, tay chống gậy trúc, vừa đi vừa lần tràng hạt, miệng lầm rầm tụng nam mô. Có cái phơi phới, say mê của cô gái quê. Có cái phúc hậu, thánh thiện của tuổi già. Cảnh trẩy hội xuân vừa tưng bừng náo nhiệt, vừa dân dã hồn hậu đáng yêu. Ta cảm thấy như mình đang được sống lại lễ hội mùa xuân của làng quê hơn trăm năm về trước:

"Trên đường cát mịn, một đôi cô,

Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa.

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,

Tay lần tràng hạt miệng nam mô".

"Xuân về" là một bài thơ xuân đẹp, cho ta nhiều ấn tượng và yêu thích. Những nét vẽ về "lá nõn, nhành non...", về lúa con gái, "mượt như nhung", về hoa bưởi hoa cam rụng đầy vườn "ngào ngạt hương bay", với "bướm vẽ vòng", tất cả đã gợi lên một bức tranh xuân tươi đẹp, đầy hương sắc, rất mặn mà, thân thuộc. Bức tranh xuân ấy còn có hình ảnh thiếu nữ với má hồng, mắt trong, duyên dáng đi hội chùa làng, với "yếm đỏ khăn thâm"-, còn có bà già đi hội, chống gậy trúc, lần tràng hạt, miệng nam mô. Cảnh xuân, tình xuân được nhà thơ nói đến rất bình dị, mộc mạc, rất thân thuộc đậm đà, đáng yêu. Nguyễn Bính đã gợi lên cái hồn quê nơi thôn quê, đã để thương để nhớ trong lòng người bấy nay.

Tình quê, hồn quê là nét đẹp trong "Xuân về" của Nguyễn Bính. Thơ trong sáng, dung dị vơi đầy một tình xuân đồng quê đầm ấm và rung động, thiết tha. Thơ Nguyễn Bính dịu dàng, êm đẹp như ca dao, dân ca.


Cùng chủ đề:

Bình giảng bài thơ Cuốc kêu cảm hứng của Nguyễn Khuyến
Bình giảng bài thơ Giải đi sớm (I và II) của Hồ Chí Minh trong Nhật kí trong tù
Bình giảng bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử
Bình giảng bài thơ Tảo giải (Giải đi sớm) của Hồ Chí Minh
Bình giảng bài thơ Tiến sĩ giấy - Bài 2 của Nguyễn Khuyến
Bình giảng bài thơ Xuân về của Nguyễn Bính
Cảm nghĩ về một nhà thơ, một bài thơ mà anh (chị) yêu thích
Cảm nhận về bài Luận về một chính sách khai hóa của Phan Châu Trinh
Cảm nhận về nhân vật Đan Thiềm qua hồi 5 vở kịch Vũ Như Tô
Chạy giặc - Nguyễn Đình Chiểu
Chơi xuân - Phan Bội Châu