Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài "Cánh diều tuổi thơ" của Tạ Duy Anh — Không quảng cáo

Văn mẫu lớp 4, tập làm văn tả, kể chuyện lớp 4 Cảm nghĩ, cảm nhận về một bài văn


Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài "Cánh diều tuổi thơ" của Tạ Duy Anh

Chơi diều, thả diều là một trò chơi dân gian có đã lâu đời. Một trò chơi vô cùng hấp dẫn và say mê của tuổi thơ.

Đề bài

Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài "Cánh diều tuổi thơ" của Tạ Duy Anh

Phương pháp giải - Xem chi tiết

Con viết bài cảm nhận về bài văn theo dàn bài như sau:

A. Mở bài: Giới thiệu về bài văn (tên tác phẩm, tác giả, thể loại, viết về điều gì,...)

B. Thân bài: Cảm nhận về bài văn trên phương diện nội dung, nghệ thuật qua đó làm nổi bật thông điểm ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải.

Nội dung: Niềm vui sướng và những khát vọng tốt đẹp mà trò chơi thả diều mang lại cho đám trẻ mục đồng khi các em lắng nghe tiếng sáo diều, ngắm những cánh diều lơ lửng trên tầng mây.

C. Kết bài: Cảm nhận của em về bài văn

Lời giải chi tiết

Tạ Duy Anh đã có một tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng và bay bổng, như anh đã thổ lộ: "Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều". Cánh diều của trò chơi, cánh diều của mơ ước bay cao bay xa.

Kỉ niệm đẹp tuổi thơ không bao giờ có thể phai mờ theo năm tháng. Làm sao quên được những buổi chiều, những đêm trăng tuyệt vời của những ngày xưa thân ái ấy. Cảnh "hò hét nhau thả diều thi " của lũ trẻ mục đồng trên bãi những buổi chiều quê. Cảnh lũ trẻ "vui sướng đến phát dại nhìn lên bầu trời" ngắm những cánh diều của mình và của bạn bè "mềm mại như cánh bướm", rồi say sưa lắng nghe tiếng sáo diều "vi vu trầm bổng". Với Tạ Duy Anh thì tiếng sáo diều của các bạn trẻ mục đồng là khúc nhạc của đồng quê, đó là "sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè...", là "sáo lông ngỗng vi vu trầm bổng". Tiếng sáo diều như "nâng lên" bay bổng những tâm hồn nhiều mơ ước của tuổi thơ, tưởng "như gọi thấp xuống những vì sao sớm".

Bãi thả diều ban đêm lại càng "huyền ảo hơn". Bầu trời quê mênh mông không một gợn mây trở thành "bầu trời tự do" cho những cánh diều bay, cánh diều "trôi trên dải Ngân Hà", làm cho bầu trời bao la hơn, xanh biếc hơn, "đẹp như một tấm thảm nhung khổng lồ". Khát vọng tuổi thơ dào dạt dâng lên, "cháy mãi" trong tâm hồn tuổi thơ lũ trẻ mục đồng. Có thú vui nào say mê hơn cái thú nằm trên bãi cỏ "ngửa cổ" theo dõi những cánh diều "mềm mại như cánh bướm", bay lượn giữa "bầu trời tự do", lắng tai nghe tiếng sáo diều vi vu trầm bổng? Tạ Duy Anh cùng những đứa bạn nhỏ mục đồng vô cùng say mê "chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời". Cánh diều tuổi thơ cũng là cánh diều cổ tích của miền thơ ấu. Tiếng cầu xin của lũ trẻ mục đồng "tha thiết" vang lên: "Bay lên diều ơi! Bay đi!". Cánh diều càng bay cao, bay xa, tiếng sáo diều càng vi vu ngân vang, Tạ Duy Anh càng xúc động bồi hồi cảm thấy nỗi khát khao cháy bỏng tâm hồn mình đã "bay đi" cùng "cánh diều tuổi ngọc ngà"...

Chơi diều, thả diều là một trò chơi dân gian có đã lâu đời. Một trò chơi vô cùng hấp dẫn và say mê của tuổi thơ. Cánh diều tuổi thơ đã mang theo bao ước mơ đẹp, làm cháy lên bao khát vọng tuổi ngọc ngà. Bài "Cánh diều tuổi thơ" là một trang văn đẹp của Tạ Duy Anh, trang văn nhiều thơ mộng, thi vị.


Cùng chủ đề:

Cây liễu mùa xuân, cây liễu mùa thu, cây liễu mà em thương mến. Hãy tả cây liễu
Cảm nghĩ của em khi đọc và học bài thơ "Gà Trống và Cáo" của La Phông - Ten
Cảm nghĩ của em sau khi học bài "Con sẻ" của nhà văn Nga I. Tuốc - Ghê - Nhép
Cảm nghĩ của em sau khi học bài thơ "Nói với em " của Vũ Quần Phương
Cảm nghĩ của em sau khi học bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận
Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài "Cánh diều tuổi thơ" của Tạ Duy Anh
Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài "Người tìm đường lên các vì sao"
Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài "Tuổi Ngựa " của Xuân Quỳnh
Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài "Vệ sĩ của rừng xanh " trích trong tác phẩm "Thú rừng Tây Nguyên"của Thiên Lương
Cảm nghĩ của em sau khi đọc hai bài thơ của Bác Hồ: "Ngắm trăng" và “Sáu mươi tuổi"
Cảm nghĩ của em sau khi đọc đoạn thơ trong bài "Chợ Tết" của Đoàn Văn Cừ