Cảm nghĩ của em về bài "Sầu riêng" của Mai Văn Tạo
Bài "Sầu riêng" của Mai Văn Tạo là một bài văn tả cây cối, hoa trái đặc sắc. Sầu riêng là đặc sản của các khu vườn Nam Bộ.
Đề bài
Cảm nghĩ của em về bài "Sầu riêng" của Mai Văn Tạo
Phương pháp giải - Xem chi tiết
Con viết bài cảm nhận về bài văn theo dàn bài như sau:
A. Mở bài: Giới thiệu về bài văn (tên tác phẩm, tác giả, thể loại, viết về điều gì,...)
B. Thân bài: Cảm nhận về bài văn trên phương diện nội dung, nghệ thuật qua đó làm nổi bật thông điểm ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải.
Nội dung: Hiểu được giá trị và vẻ đẹp đặc sắc của cây sầu riêng.
C. Kết bài: Cảm nhận của em về bài văn
Lời giải chi tiết
Bài "Sầu riêng" của Mai Văn Tạo là một bài văn tả cây cối, hoa trái đặc sắc. Sầu riêng là đặc sản của các khu vườn Nam Bộ.
Đoạn văn thứ nhất, tác giả tả trái sầu riêng. Câu văn: "Sầu riêng là loại trái quý, trái hiếm của miền Nam", chứa đựng biết bao yêu quý, tự hào của đứa con đối với quê hương xứ sở. Hương sầu riêng được Mai Văn Tạo cảm nhận với tất cả khứu giác và tâm hồn mình. Hương vị nó để xa hàng chục mét, "đã ngào ngạt xông vào cánh mũi". Hương vị nó rất đặc biệt: "mùi thơm đậm, bay rất xa, lây lan trong không khí". Tác giả rất tinh tế khi tả và so sánh hương vị sầu riêng với các hoa trái khác như mít chín, quả trứng gà, hoa bưởi, và cả mật ong nữa:
"Sầu riêng" thơm mùi thơm của mít chín, quyện với hương bưởi, béo cái béo của trứng gà, ngọt cái vị của mật ong già hạn. Hương vị quyến rũ đến kì lạ".
Đoạn văn thứ hai, Mai Văn Tạo nói về hoa sầu riêng. Tác giả cho biết: "Hoa sâu riêng trổ vào cuối năm". Hương hoa sầu riêng "thơm ngát như hương cau hương bưởi " được gió đưa xa, lan tỏa khắp vườn. Hình sắc hoa sầu riêng rất lạ: "Hoa đậu từng chùm, màu trắng ngà. Cánh hoa nhỏ như vảy cá, hao hao giống cánh sen con, lác đác vài nhụy li ti giữa những cánh hoa". Cách so sánh hoa sầu riêng cho thấy tác giả có tài quan sát và nghệ thuật dùng từ, hình ảnh rất tinh tế, chính xác. Các chữ: "tím ngắt", "nhỏ như vảy cá", "hao hao", "lác đác"," li ti" dùng rất thần tình.
Hoa sầu riêng kết thành trái như thế nào? - Mỗi cuống hoa ra một trái. Trái sầu riêng như tổ kiến treo lủng lẳng dưới cành. Vào tháng tư, tháng năm là "mùa trái rộ" của sầu riêng trong những khu vườn Nam Bộ.
Đoạn văn cuối miêu tả dáng cây sầu riêng. Càng ngắm ta càng thấy "cái dáng cây kì lạ ". Thân cây chẳng đẹp mã: "khẳng khiu, cao vút, cành ngang thẳng đuột, thiếu cái dáng cong, dáng nghiêng, chiều quằn, chiều lượn của cây xoài, cây nhãn". Còn lá sầu riêng thì nhỏ, màu xanh vàng, lúc nào cũng khép lại "như lá úa". Thế mà cái cây có dáng kì lạ đó lại sinh ra nhiều hoa thơm, trái quý dâng cho đời: "Vậy mà khi trái chín, hương tỏa ngạt ngào, vị ngọt đến đam mê".
Bài "Sầu riêng” là một bài văn cho ta nhiều ý vị và nhã thú. Cách quan sát, cách lựa chọn chi tiết, cách so sánh và dùng từ của tác giả lúc tả hoa sầu riêng, trái sầu riêng, dáng sầu riêng - thật tinh tế, tài hoa, đặc sắc. Tác giả đã biểu cảm trong quá trình miêu tả, thể hiện một tấm lòng quý trọng, yêu mến, tự hào về hoa trái sầu riêng, về hương vị đất nước.
Đọc bài văn, ta tưởng như mình đang đứng giữa một ngôi vườn tươi tốt xanh tươi nơi đồng bằng Nam Bộ để ngắm hoa trái sầu riêng, tận hưởng cái hương vị ngạt ngào của nó.
Bạn đã đọc truyện cổ tích "Sầu riêng" chưa? Bạn đã được thưởng thức một múi sầu riêng chưa? Hương vị sầu riêng cũng là hương vị quê hương đất nước thân yêu.