Cảm nhận bài thơ Xa ngắm thác núi Lư của Lý Bạch — Không quảng cáo

Tổng hợp các bài văn nghị luận về tác phẩm Xa ngắm thác


Cảm nhận bài thơ Xa ngắm thác núi Lư của Lý Bạch.

Lý Bạch đi nhiều, biết rộng. Hầu như tất cả các danh lam thắng cảnh trên đất nước Trung Hoa rộng lớn ông đều đặt chân tới. Bài thơ này tuyệt bút tả cảnh thác núi Lư hùng vĩ, tráng lệ qua đó biểu hiện một tình yêu thiên nhiên, yêu núi sông Tổ quốc.

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Lí Bạch (những nét chính về tiểu sử, đặc điểm sáng tác…)

- Giới thiệu về bài thơ “Vọng Lư sơn bộc bố” (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật…)

2. Thân bài

a. Đỉnh núi Hương Lô

- Vị trí: đứng từ xa để ngắm cảnh thác nước.

⇒ Quan sát một cách bao quát, toàn diện.

- Động từ “sinh”: nảy nở, sinh ra, qua đó cho ta thấy ánh mặt trời xuất hiện như chủ thể làm cho mọi vật sinh sôi, nảy nở.

- Đỉnh núi Hương Lô được miêu tả dưới những tia nắng mặt trời chiếu rọi, làn hơi nước phản quang với ánh mặt trời ấy tạo nên những làn khói màu tím vừa rực rỡ vừa kì ảo, đó chính là nét đặc trưng của đỉnh núi Hương Lô.

⇒ Câu thơ đầu gợi ra cái nền, cái khung cảnh đẹp huyền ảo của cảnh vật.

b. Thác núi Lư

- Động từ “quải” (treo) đã biến cảnh vật từ trạng thái động sang trạng thái tĩnh: nhìn từ xa, đỉnh núi là khói tía mù mịt, chân núi là dòng sông tuôn chảy, khoảng giữa là thác nước treo lơ lửng như giải lụa trắng rủ xuống bất động.

- Với hai động từ “phi”, “lưu” cảnh vật đang từ trạng thái tĩnh lại chuyển sang trạng thái động. Thác nước được miêu tả một cách trực tiếp nhưng qua đó ta lại thấy được thế núi cao và sườn dốc đứng.

- “Tam thiên xích” lag một con số ước lệ, qua đó làm tăng thêm độ nhanh, sức mạnh và thế đổ của dòng thác

- Phép so sánh, lối nói phóng đại: thác nước – dải Ngân Hà, qua đó cho thấy sự mạnh mẽ, kì vĩ của thiên nhiên

⇒ Thác núi Lư hiện lên rất đẹp, kì vĩ và mạnh mẽ. Qua đó, giúp chúng ta cảm nhạn được tình yêu thiên nhiên và phần nào đó tính cách mạnh mẽ, hào phóng của tác giả.

=> Qua đặc điểm cảnh vật được miêu tả ta có thể thấy Lí Bạch là nhà thơ có một tình cảm bao la, cảm xúc sâu lắng phát xuất từ tình yêu thiên nhiên say đắm mãnh liệt cùng với đó là tâm hồn lãng mạn và bay bổng, phóng khoáng, biểu lộ ước vọng mạnh mẽ về lẽ sống của ông.

3. Kết bài

- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ:

+ Nội dung: cảnh tượng thiên nhiên thác núi Lư hùng vĩ, huyền ảo và tình yêu thiên nhiên, tính cách mạnh mẽ, hào phóng của tác giả.

+ Nghệ thuật: hình ảnh tráng lệ huyền ảo, sử dụng nhiều các động từ, nghệ thuật so sánh và phóng đại.

- Cảm nhận của bản thân về bài thơ: bài thơ thể hiện rõ những đặc điểm sáng tác của Lí Bạch.

Bài mẫu

Nhắc đến Lý Bạch là nhắc đến cây đại thụ của nền văn học cổ điển Trung Hoa. Ông sống vào đời Đường (701-762), học rộng, tài cao, tính tình phóng khoáng thích ngao du sơn thuỷ. Thơ ông tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn, khoáng đạt tự do bay bổng. Có lẽ như vậy mà ngọn núi Lư sơn hiện ra như một thắng cảnh tuyệt mĩ trong thơ ông:

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên

Dao khan bộc bố quải tiền xuyên

Phi lưu trực há tam thiên xích

Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên

Dịch thơ:

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay

Xa trông dòng thác trước sông này

Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước

Tưởng dải ngân hà tuột khỏi mây

(Tương Như dịch)

Lý Bạch đi nhiều, biết rộng. Hầu như tất cả các danh lam thắng cảnh trên đất nước Trung Hoa rộng lớn ông đều đặt chân tới. Bài thơ này tuyệt bút tả cảnh thác núi Lư hùng vĩ, tráng lệ qua đó biểu hiện một tình yêu thiên nhiên, yêu núi sông Tổ quốc.

Mở đầu bài thơ là cảnh thác núi Lư sơn từ xa nhìn lại:

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên

Hương Lô là ngọn núi cao nằm phía tây bắc của dãy Lư sơn, đứng xa quan sát nó giống như một chiếc Lư Hương, làm cái phông nền cho dòng thác. Ngọn Hương Lô như gợi cho người đọc một sự liên tưởng và hình dung: ánh nắng mặt trời lan toả khoác lên dãy núi Lư lớp áo choàng huy hoàng rực rỡ. Giữa khung cảnh ấy nổi lên ngọn Hương Lô, chiếc Lư Hương khổng lồ nghi ngút khói trầm hương màu tím. Đây chính là sự khúc xạ ánh sáng, trên đỉnh núi lúc này như được thắp lên những luồng sáng hàng nghìn ánh màu rực rỡ, lộng lẫy huy hoàng. Hình ảnh núi Hương Lô quan sát từ xa như vừa thực vừa ảo làm hiện lên vẻ đẹp kỳ lạ của thác núi Lư. Câu thơ như đầy màu sắc, màu trắng của thác, xanh của núi, vàng của nắng và tím của sương khói. Đằng sau câu thơ ta như thấy vị tiên thơ đang trầm ngâm ngắm cảnh, chiêm ngưỡng sự diệu kỳ này.

Cảnh Hương Lô thật kỳ tuyệt, nhưng thu hút và huyền ảo hơn vẫn là ngọn thác:

Dao khan bộc bố quải tiền xuyên

Phi lưu trực há tam thiên xích

Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên

Nhan đề là vọng một vị trí quan sát từ xa, nhìn dòng thác, thác nước tuôn trào đổ xuống ầm ầm tựa ngang trời. Dòng thác qua con mắt thi tiên đã biến thành dải lụa trắng xoá mềm mại treo ngang trời. Từ quải được coi như nhãn tự của câu thơ, nó biến cái động thành cái tĩnh, thể hiện rất thực cảm giác khi nhìn thấy dòng thác từ xa. Đỉnh núi khói tía bao phủ, ngang trời, lưng núi dòng sông tuôn chảy như dải lụa mềm mại uyển chuyển, bức tranh tráng lệ kỳ vĩ biết bao:

Phi lưu trực há tam thiền xích

Đến câu thơ thứ ba này cảnh vật từ tĩnh chuyển sang động. Thế nước chảy như bay (phi lưu) được diễn tả qua hai động từ đi kèm hai trạng từ. Ta hình dung thấy núi cao, nước đổ thẳng xuống như dựng đứng, ba ngàn thước là lối nói khoa trương nhưng người đọc vẫn cảm thấy chân thực.

Bằng cảm hứng lãng mạn của mình, sự liên tưởng kỳ lạ nhà thơ đã thấy:

Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên

Câu thơ trác tuyệt thể hiện tài năng quan sát và cảm hứng lãng mạn tuyệt vời của thi nhân. Tả thác nước thần tình giữa cái ảo và cái thực, cái hình và cái thần diễn tả được cảm giác kỳ diệu do hình ảnh thác nước gợi trong tâm khảm nhà thơ. Do vậy nghi thị (ngỡ là) rất thành công. Hồ nghi mà vẫn cho là thật. Từ trên cao ba ngàn thước, thác nước ầm ầm tuôn trào uyển chuyến mạnh mẽ nhưng mềm mại như dải lụa. Hay hơn thế tác giả ngỡ là dòng sông sao tuột khỏi chín tầng mây đang lơ lửng treo ngang trời. Đây là hình ảnh đẹp nhất trong bài thơ, ở đây ngôn ngữ thơ đã chắp cánh cho hồn thơ bay bổng diệu kỳ. Ngắm dòng thác Lư sơn ngỡ như lạc vào chốn bồng lai ngư phủ.

Với tình yêu thiên nhiên say đắm, thi tiên đã dựng lên bức tranh thác nước Lư sơn hoành tráng tuyệt vời. Hơn một thiên niên kỉ trôi qua đã mấy ai được đến núi Lư sơn để ngắm lại dòng thác khi nắng rọi? Quả vậy thác núi Lư làm cho thơ Lý Bạch vĩnh hằng bất tử với thời gian. Một nhà thơ khác đời Đường là Tử Ngưng phải thẹn thùng khi cất bút.

Bài thơ là một tuyệt tác, nó thể hiện trí tưởng tượng hiếm có, nét thậm xưng tráng lệ, cảm hứng lãng mạn dạt dào. Qua đó ta hiểu rõ một tâm hồn thơ say sưa với cảnh đẹp thiên nhiên đất nước. Biết bao danh lam thắng cảnh đã đi vào thơ ông để mãi mãi muôn đời nhớ đến thi tiên - Lý Bạch.


Cùng chủ đề:

Cảm nghĩ về bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh
Cảm nghĩ về bản sắc văn hóa Việt Nam
Cảm nghĩ về người thân (ông, bà, cha, mẹ, chị, bạn, thầy cô giáo)
Cảm nhận bài thơ Hồi hương ngẫu thư
Cảm nhận bài thơ Qua đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan
Cảm nhận bài thơ Xa ngắm thác núi Lư của Lý Bạch
Cảm nhận của em về bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương
Cảm nhận của em về bài thơ “Cảnh khuya”
Cảm nhận của em về bài thơ “Qua đèo ngang"
Cảm nhận của em về bài thơ “Rằm tháng Giêng”
Cảm nhận của em về hình ảnh quê hương đất nước qua ca dao, dân ca