Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn trích trong bài thơ Việt Bắc và Tây Tiến
Kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn trích sau:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
(Trích Tây Tiến , Quang Dũng, Ngữ văn 12, tập 1, tr.88, NXB Giáo dục, 2011)
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
(Trích Việt Bắc , Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập 1, tr.112, NXB Giáo dục, 2011)
Dàn ý
A. MỞ BÀI: GIỚI THIỆU CHUNG
- Quang Dũng là gương mặt tiêu biểu của nền thơ ca trong kháng chiến chống Pháp với hồn thơ đầy cảm hứng lãng mạn, hào hoa, thanh lịch, giàu chất mộng mơ. Trong suốt cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa ấy, có lẽ khoảng thời gian đáng nhớ nhất là những năm tháng chiến đấu trong đoàn quân Tây Tiến. Biết bao kỉ niệm sâu sắc, bao vẻ đẹp bi tráng và hào hùng của một quãng đời không thể quên nơi miền Tây tổ quốc được Quang Dũng tái hiện trong bài thơ “Tây Tiến”.
- Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Đường cách mạng, đường thơ của Tố Hữu gắn liền với các chặng đường của cách mạng Việt Nam. “Việt Bắc” là một trong những đỉnh cao của thơ Tố Hữu. Bài thơ như một khúc hát tâm tình, gợi lại những kỉ niệm gắn bó thủy chung giữa Việt Bắc và Cách mạng.
- Cùng viết về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhưng Quang Dũng và Tố Hữu lại có những kỉ niệm, những ấn tượng sâu sắc riêng. Đó là cái riêng hòa trong cái chung của những năm tháng hào hùng mà oanh liệt.
B. THÂN BÀI: PHÂN TÍCH
1. Đoạn trích trong bài thơ Tây Tiến
* Câu thơ thứ nhất trực tiếp miêu tả dốc núi miền Tây trập trùng, hiểm trở:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
- Sự hiểm trở của dốc núi miền Tây trước hết hiện ra trong ý nghĩa tạo hình và biểu cảm của những từ láy “khúc khuỷu” và “thăm thẳm”.
+ “Khúc khuỷu” miêu tả sự gồ ghề, gập ghềnh của dốc núi ngay dưới chân chiến sĩ.
+ “Thăm thẳm” gợi độ cao hun hút, độ xa vời khi đưa mắt nhìn tiếp con đường hành quân vẫn cheo leo, ngút ngàn như khôn cùng.
- Thanh điệu:Trong 1 câu thơ 7 chữ, tác giả dùng đến 5 thanh trắc đã tạo ra âm hưởng gập ghềnh khiến người đọc có thể hình dung ra phần nào cuộc hành quân gian truân, vất vả vô cùng của chiến sĩ.
- Câu thơ ngắt nhịp 4/3, từ “dốc” điệp lại ở đầu hai vế câu thơ đã thể hiện sự trùng điệp, chồng chất, nối tiếp như tới vô tận của những con dốc, cũng phần nào gợi lên nỗi nhọc nhằn của người lính trên đường hành quân: con dốc này chưa qua, con dốc khác lại đợi sẵn. Nhịp thơ dừng ở vần trắc “Dốc lên khúc khuỷu/dốc thăm thẳm” khiến ta tưởng như nghe được nhịp thở nặng nhọc, gấp gáp của người chiến sĩ đang trèo núi để chiếm lĩnh những độ cao thăm thẳm.
=> Con đường lên miền Tây “khó như đi lên trời xanh” đối với những người lính trong đoạn bình Tây Tiến.
* Dốc núi miền Tây còn được gợi tả gián tiếp trong câu thơ sau với việc tô đậm ấn tượng về một độ cao chót vót:
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
- Từ láy “heo hút” vừa gợi cao, vừa gợi xa, vừa gợi sự vắng vẻ, được đảo lên đầu câu như để nhấn mạnh sự hoang sơ, xa vắng, thăm thẳm như vô tận của dốc núi miền Tây trong cảm nhận của chiến sĩ Tây Tiến - những chàng trai đến từ thủ đô hoa lệ.
- “Cồn mây”: là một ẩn dụ đặc sắc cho thấy mây núi miền Tây chồng chất, dựng lên thành dốc, thành cồn.
=> Câu thơ gián tiếp cho thấy dốc núi miền Tây như chìm vào mây, mây bao phủ đường lối, mây mờ mịt trập trùng, mây khiến con đường hành quân của chiến sĩ càng thêm cheo leo, hiểm trở, hoang vu.
- Vế sau của câu thơ cũng tiếp tục gợi tả độ cao của dốc núi khi người lính như đi trong mây, mũi súng như chạm tới đỉnh trời. Đó là một cảm nhận có thực của thị giác khi những người lính hành quân trên dốc núi miền Tây, địa hình heo hút, hiểm trở, làm tăng thêm những vất vả, gian truân cho người lính. Nhưng bằng cách nói tếu táo, hóm hỉnh đầy chất lính trong hình ảnh nhân hóa “súng ngửi trời”, Quang Dũng đã cho thấy tâm hồn trẻ trung của những người lính phong trần coi thường gian lao, vất vả.
* Dốc núi tiếp tục được miêu tả trong một nét vẽ sắc sảo và gân guốc ở câu thơ tiếp theo:
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
- Điệp ngữ “ngàn thước” khắc họa vẻ đẹp hùng vĩ, chênh vênh, kì thú của núi rừng miền Tây. Yếu tố tương đồng của điệp ngữ “ngàn thước” và tính chất tương phản của các động từ “lên - xuống” trong hai vế câu đã tạo ra cảm giác về một nét gập đột ngột, dữ dội cho câu thơ, cũng là cách để nhà thơ gợi tả thật tài hoa độ của của dốc, độ sâu của vực: bên này đường lên núi dựng đứng, vút cao; bên kia vực đổ xuống hun hút, hiểm trở.
=> Ba câu thơ trênrất giàu tính tạo hình và biểu cảm, dốc núi miền Tây được miêu tả hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng đều khắc họa được đồng thời cả sự hiểm trở lẫn vẻ đẹp hùng vĩ, kì thú. Thông qua bức tranh thiên nhiên, có thể thấy vẻ đẹp tâm hồn của những người lính Tây Tiến: họ lạc quan, mạnh mẽ, coi thường mọi gian truân, vất vả; những thử thách của thiên nhiên chỉ càng làm rõ hơn ý chí, sức mạnh, tâm hồn trẻ trung và tư chất nghệ sĩ của họ.
* Câu thơ thứ 4:
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
- Sau những câu thơ hun hút, nhọc nhằn miêu tả dốc núi, câu thơ thứ tư tả mưa miên man trong bảy thanh bằng, cùng với rất nhiều âm tiết mở; câu thơ đã gợi tả một không gian mênh mang, dàn trải, nhạt nhòa trong mưa.
- Hình ảnh “mưa xa khơi” là một ẩn dụ cho thấy cả thung lũng mờ mịt như loãng tan trong miền mưa, không gian bỗng như mênh mang, xa vời hơn...
- Cả câu thơ chỉ có duy nhất tiếng “nhà” mang thanh huyền như một thoáng trầm lắng, suy tư để rồi sau đó, tất cả những thanh không chơi vơi trong nỗi nhớ. Giữa mưa rừng buốt lạnh, giữa núi rừng mênh mông, hình ảnh ngôi nhà gợi cảm giác ấm áp, nhớ nhung dễ làm xao xuyến lòng người xa quê.
=> Nhớ đến miền Tây, không thể nào quên được sự hiểm trở và hùng vĩ vô cùng của dốc núi. Qua sự miêu tả thiên nhiên hiểm trở ở đoạn thơ 4 câu trên, Quang Dũng đã làm hiện lên cuộc hành quân gian lao, vất vả, ý chí bất khuất, kiên cường, tinh thần lạc quan, yêu đời của người lính Tây Tiến.
2. Đoạn trích trong bài thơ Việt Bắc
* Bức tranh toàn cảnh quân dân ta ra trận chiến đấu với khí thế hào hùng, sôi sục, khẩn trương:
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
- Hai câu thơ gợi được không gian rộng lớn (Những đường Việt Bắc) và thời gian đằng đẵng (Đêm đêm) của cuộc kháng chiến vĩ đại, trường kì.
- Đại từ sở hữu “của ta” được vang lên một cách dõng dạc khẳng định niềm tự hào của những con người ở vị thế làm chủ đất nước. Đồng thời, đại từ sở hữu “của ta” cũng khẳng định sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, khẳng định chiến khu Việt Bắc là chiến khu tự do.
- Khí thế xung trận được cảm nhận bằng âm thanh “rầm rập”vừa gợi âm thanh, vừa tạo hình ảnh, gợi sức mạnh của đoàn quân trong kháng chiến, không chỉ diễn tả được tiếng động mạnh của bước chân mà còn giúp người đọc hình dung được nhịp độ khẩn trương, gấp gáp của một số lượng người đông đảo cùng hành quân về một hướng, tất cả tạo thành một sức mạnh tổng hợp làm rung chuyển cả mặt đất.
- Hình ảnh so sánh cường điệu “Đêm đêm rầm rập như là đất rung” nêu bật sức mạnh đại đoàn kết của quân dân ta quyết tâm chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do.
* Hình ảnh bộ đội hành quân ra trận:
- Hình ảnh hào hùng của đoàn quân kháng chiến:
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
- Từ láy “điệp điệp”, “trùng trùng”vừa tái hiện không khí sôi nổi trong những ngày chiến dịch của cuộc kháng chiến, vừa gợi lên sự đông đảo, vừa gợi lên sức mạnh, khí thế hào hùng của đoàn quân ra trận. Câu thơ khắc họa hình ảnh đoàn quân đông đảo bước đi mạnh mẽ như những đợt sóng dân trào, đợt này nối tiếp đợt kia tưởng chừng kéo dài đến vô tận.
- Người lính thời chống Pháp đã trải qua biết bao nhiêu hi sinh gian khổ nhưng rất hùng tráng và đầy lạc quan.
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
- Câu thơ ngắt nhịp 4/4: “Ánh sao đầu súng / bạn cùng mũ nan” càng làm tăng thêm vẻ đẹp của người lính - một vẻ đẹp vừa mang tính lãng mạn vừa mang tính hiện thực sâu sắc.
- Hình ảnh “Ánh sao đầu súng” có thể là hình ảnh ánh sao trời treo trên đầu súng của những người lính trong mỗi đêm hành quân như “Đầu súng trăng treo” trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu; “ánh sao đầu súng” ấy cũng có thể là ánh sáng của ngôi sao gắn trên chiếc mũ nan của người lính, ánh sáng của lí tưởng cách mạng soi cho người lính tiến lên, như nhà thơ Vũ Cao trong bài “Núi đôi” đã viết:
Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
- Hình ảnh “bạn cùng mũ nan”: những người lính trong kháng chiến, giản dị, đơn sơ, mộc mạc nhưng chứa đựng một sức mạnh phi thương, mang trong mình một lí tưởng cao cả, đẹp đẽ, sẵn sàng cống hiến vì sự nghiệp chung.
⟹ Đoàn quân ra mặt trận hùng tráng, mang cả sức mạnh của lòng yêu nước, của lí tưởng cách mạng, khát khao chiến đấu và chiến thắng quân thù. Qua câu thơ, giúp ta cảm nhận hình ảnh những đoàn quân đầy khí thế đang ngày đêm tiến về mặt trận. Mỗi bước đi của đoàn quân ra trận mang theo sức mạnh của lòng yêu nước, của lí tưởng cách mạng, khát khao chiến đấu và quyết tâm chiến thắng quân thù.
* Hình ảnh quần chúng nhân dân trong kháng chiến:
- Trên núi rừng Việt Bắc đêm khuya, cùng hành quân với bộ đội là những đoàn dân công phục vụ chiến đấu.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
- Góp phần vào sự hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta có cả một tập thể quần chúng nhân dân tham gia kháng chiến. Họ là những “dân công đỏ đuốc từng đoàn” tải lương thực, súng đạn để phục vụ cho chiến trường. Hình ảnh của họ cũng thật đẹp, thật hào hùng và đầy lạc quan không kém những người lính.
+ Những bó đuốc đỏ rực soi đường đã làm sáng bừng lên hình ảnh những đoàn dân công tiếp lương tải đạn. Có thể hình dung ở đó đủ cả trẻ già trai gái, họ đến từ nhiều miền quê với đủ mọi phương tiện chuyên chở gồng gánh quyết tâm, kiên cường vượt qua núi cao đèo dốc đảm bảo sức mạnh vật chất cho bộ đội chiến đấu, chiến thắng.
- Hình ảnh cường điệu “Bước chân nát đá” – khẳng định ý chí phi thường, sức mạnh to lớn của nhân dân kháng chiến. Người nông dân lao động (lực lượng nòng cốt của cách mạng) là lực lượng góp phần rất lớn để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn sau này. Họ là những người nông dân hồn hậu, chất phác, lớn lên từ bờ tre, gốc lúa nhưng họ đi vào cuộc kháng chiến với tất cả những tình cảm và hành động cao đẹp, họ bất chấp những hi sinh, gian khổ, chấp mưa bom bão đạn của quân thù, đạp bằng mọi trở lực để đi theo tiếng gọi của lòng yêu nước và lí tưởng cách mạng.
⟹ Hai hình ảnh “dấu chân nát đá” và “muôn tàn lửa bay” đã thể hiện cái khí thế hào hùng của lực lượng quần chúng nhân dân đông đảo trong kháng chiến.
* Khẳng định niềm lạc quan tin tưởng vững chắc “Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi”:
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên
- Sự tương quan đối lập giữa bóng tối và ánh sáng: nếu câu trên khắc họa bóng đêm đen tối thăm thẳm gợi kiếp sống nô lệ của cả dân tộc dưới ách đô hộ của kẻ thù thì câu dưới lại bừng lên ánh sáng của niềm tin vào ngày mai chiến thắng huy hoàng, tương lai tươi đẹp.
⟹ Dù có trải qua bao nhiêu gian khổ, có nghìn đêm đi trong “thăm thẳm sương dày” nhưng niềm lạc quan tin tưởng vào ngày mai thắng lợi vẫn sáng ngời. Như “ngọn đèn pha bật sáng” giữa cái “nghìn đêm thăm thẳm sương dày” ấy, mang một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.
C. KẾT BÀI: ĐÁNH GIÁ CHUNG
- Nếu như đoạn thơ của Quang Dũng trong bài Tây Tiến chủ yếu miêu tả sự hiểm trở, hùng vĩ của thiên nhiên thì đoạn thơ trong bài Việt Bắc của Tố Hữu lại chủ yếu khắc họa hình ảnh con người trong kháng chiến.
- Hai đoạn thơ đã tái hiện những cảm nhận khác nhau về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đầy gian khổ. Dẫu là bất cứ khó khăn nào, bằng sức mạnh, ý chí quyết tâm đồng lòng, quân và dân ta cũng đã giành chiến thắng vang dội trước thực dân Pháp.
Bài mẫu
Quang Dũng là gương mặt tiêu biểu của nền thơ ca trong kháng chiến chống Pháp với hồn thơ đầy cảm hứng lãng mạn, hào hoa, thanh lịch, giàu chất mộng mơ. Trong suốt cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa ấy, có lẽ khoảng thời gian đáng nhớ nhất là những năm tháng chiến đấu trong đoàn quân Tây Tiến. Biết bao kỉ niệm sâu sắc, bao vẻ đẹp bi tráng và hào hùng của một quãng đời không thể quên nơi miền Tây tổ quốc được Quang Dũng tái hiện trong bài thơ "Tây Tiến". Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Đường cách mạng, đường thơ của Tố Hữu gắn liền với các chặng đường của cách mạng Việt Nam. "Việt Bắc" là một trong những đỉnh cao của thơ Tố Hữu. Bài thơ như một khúc hát tâm tình, gợi lại những kỉ niệm gắn bó thủy chung giữa Việt Bắc và Cách mạng. Cùng viết về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhưng Quang Dũng và Tố Hữu lại có những kỉ niệm, những ấn tượng sâu sắc riêng. Đó là cái riêng hòa trong cái chung của những năm tháng hào hùng mà oanh liệt. Điều này được thể hiện rõ qua hai đoạn trích trên.
Hai bài thơ sáng tác ở hai giai đoạn khác nhau: lấy cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc làm trung tâm, Tây Tiến sáng tác ở giai đoạn đầu, Việt Bắc là bản tổng kết một hành trình lịch sử sau khi quân và dân ta đã toàn thắng. Hai đoạn thơ: nằm trong hai bài thơ, có những điểm giống và khác nhau đặc sắc.
Đoạn thơ trong bài nằm ở phần đầu tác phẩm, khi tác giả nói về nỗi nhớ da diết với núi rừng Tây Bắc, nơi đóng quân của đoàn Tây Tiến. Ngồi ở Phù Lưu Chanh mà nỗi nhớ cứ như ăm ắp dội về.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Đoạn thơ khắc họa thiên nhiên núi rừng đầy hiểm trở. "Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm", địa hình toàn núi cao, hiểm trở. Tác giả sử dụng những thanh trắc liên tiếp nhau như đoạn đường gồ ghề, lên dốc xuống đèo trên đường hành quân củ người chiến sĩ. Vừa khúc khuỷu, khó đi, vừa thăm thẳm nơi núi rừng, địa hình ấy còn cao, gợi cảm giác đoàn quân đi, đầu súng có thể cham tới trời. Khắc nghiệt của núi rừng hiểm trở còn có “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Điệp từ “ngàn thước” lặp lại hai lần trong một câu thơ nói về số nhiều, cứ trùng trùng điệp điệp, hết cái này lại đến cái khác. Cặp từ đối lập “lên cao” – “xuống” làm ta hình dung ra con đường hành quân vô cùng gian lao. Nơi ấy rừng sâu nước độc. Nơi ấy địa hình hiểm trở cứ như chỉ chờ để nuốt chửng con người.
Thiên nhiên không chỉ hiện lên hiểm trở, dữ dội mà cũng có nét rất hiền hóa, đáng yêu, thơ mộng. Đó là câu thơ toàn thanh bằng ở cuối như gợi lên cái vẻ dịu dàng sau bao nhiêu đoạn trèo núi vượt đồi.
Bao trùm lên tất cả là nỗi nhớ của một người đã từng gắn bó máu thịt nhưng nay phải đi xa, nên tha thiết, nhớ thương. Người lính Tây tiến lạc quan, coi thường mọi khó khăn gian khổ: Cách nói “súng ngửi trời” tếu táo cho thấy tâm hồn họ luôn trẻ trung, biến mọi khó khăn trở nên nhẹ nhàng. Phẩm chất ấy tiếp thêm sức mạnh để người lính luôn hoàn thành nhiệm vụ. Không khắc họa trực tiếp nhưng để vượt qua một chặng đường như vậy, người lính Tây tiến phải có lòng dũng cảm, lý tưởng sống chiến đấu cho Tổ quốc đã giúp họ vượt qua tất cả.
Nhà thơ sử dụng từ láy, điệp từ, từ trái nghĩa nhằm hiện lên chân thực nhất hình ảnh núi rừng. Đọc đoạn thơ, nhịp điệu nhịp nhàng, như âm nhạc vang lên, có tiết tấu. Thơ Quang Dũng như ngậm nhạc ở trong miệng (Xuân Diệu) là như vậy.
Đoạn trích trong bài thơ "Việt Bắc" là bức tranh toàn cảnh quân dân ta ra trận chiến đấu với khí thế hào hùng, sôi sục, khẩn trương.
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Hai câu thơ đầu gợi được không gian rộng lớn (Những đường Việt Bắc) và thời gian đằng đẵng (Đêm đêm) của cuộc kháng chiến vĩ đại, trường kì. Đại từ sở hữu “của ta” được vang lên một cách dõng dạc khẳng định niềm tự hào của những con người ở vị thế làm chủ đất nước. Đồng thời, đại từ sở hữu “của ta” cũng khẳng định sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, khẳng định chiến khu Việt Bắc là chiến khu tự do. Khí thế xung trận được cảm nhận bằng âm thanh “rầm rập”vừa gợi âm thanh, vừa tạo hình ảnh, gợi sức mạnh của đoàn quân trong kháng chiến, không chỉ diễn tả được tiếng động mạnh của bước chân mà còn giúp người đọc hình dung được nhịp độ khẩn trương, gấp gáp của một số lượng người đông đảo cùng hành quân về một hướng, tất cả tạo thành một sức mạnh tổng hợp làm rung chuyển cả mặt đất. Hình ảnh so sánh cường điệu “Đêm đêm rầm rập như là đất rung” nêu bật sức mạnh đại đoàn kết của quân dân ta quyết tâm chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do.
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Hình ảnh đoàn quân ra trận thật hào hùng. Từ láy “điệp điệp”, “trùng trùng”vừa tái hiện không khí sôi nổi trong những ngày chiến dịch của cuộc kháng chiến, vừa gợi lên sự đông đảo, vừa gợi lên sức mạnh, khí thế hào hùng của đoàn quân ra trận. Câu thơ khắc họa hình ảnh đoàn quân đông đảo bước đi mạnh mẽ như những đợt sóng dân trào, đợt này nối tiếp đợt kia tưởng chừng kéo dài đến vô tận. Người lính thời chống Pháp đã trải qua biết bao nhiêu hi sinh gian khổ nhưng rất hùng tráng và đầy lạc quan.
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Câu thơ ngắt nhịp 4/4: “Ánh sao đầu súng / bạn cùng mũ nan” càng làm tăng thêm vẻ đẹp của người lính - một vẻ đẹp vừa mang tính lãng mạn vừa mang tính hiện thực sâu sắc. Hình ảnh “Ánh sao đầu súng” có thể là hình ảnh ánh sao trời treo trên đầu súng của những người lính trong mỗi đêm hành quân như “Đầu súng trăng treo” trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu; “ánh sao đầu súng” ấy cũng có thể là ánh sáng của ngôi sao gắn trên chiếc mũ nan của người lính, ánh sáng của lí tưởng cách mạng soi cho người lính tiến lên, như nhà thơ Vũ Cao trong bài “Núi đôi” đã viết:
Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Hình ảnh “bạn cùng mũ nan”: những người lính trong kháng chiến, giản dị, đơn sơ, mộc mạc nhưng chứa đựng một sức mạnh phi thương, mang trong mình một lí tưởng cao cả, đẹp đẽ, sẵn sàng cống hiến vì sự nghiệp chung.
Đoàn quân ra mặt trận hùng tráng, mang cả sức mạnh của lòng yêu nước, của lí tưởng cách mạng, khát khao chiến đấu và chiến thắng quân thù. Qua câu thơ, giúp ta cảm nhận hình ảnh những đoàn quân đầy khí thế đang ngày đêm tiến về mặt trận. Mỗi bước đi của đoàn quân ra trận mang theo sức mạnh của lòng yêu nước, của lí tưởng cách mạng, khát khao chiến đấu và quyết tâm chiến thắng quân thù.
Trên núi rừng Việt Bắc đêm khuya, cùng hành quân với bộ đội là những đoàn dân công phục vụ chiến đấu.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
Góp phần vào sự hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta có cả một tập thể quần chúng nhân dân tham gia kháng chiến. Họ là những “dân công đỏ đuốc từng đoàn” tải lương thực, súng đạn để phục vụ cho chiến trường. Hình ảnh của họ cũng thật đẹp, thật hào hùng và đầy lạc quan không kém những người lính. Những bó đuốc đỏ rực soi đường đã làm sáng bừng lên hình ảnh những đoàn dân công tiếp lương tải đạn. Có thể hình dung ở đó đủ cả trẻ già trai gái, họ đến từ nhiều miền quê với đủ mọi phương tiện chuyên chở gồng gánh quyết tâm, kiên cường vượt qua núi cao đèo dốc đảm bảo sức mạnh vật chất cho bộ đội chiến đấu, chiến thắng. Hình ảnh cường điệu “Bước chân nát đá” –khẳng định ý chí phi thường, sức mạnh to lớn của nhân dân kháng chiến. Người nông dân lao động (lực lượng nòng cốt của cách mạng) là lực lượng góp phần rất lớn để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn sau này. Họ là những người nông dân hồn hậu, chất phác, lớn lên từ bờ tre, gốc lúa nhưng họ đi vào cuộc kháng chiến với tất cả những tình cảm và hành động cao đẹp, họ bất chấp những hi sinh, gian khổ, chấp mưa bom bão đạn của quân thù, đạp bằng mọi trở lực để đi theo tiếng gọi của lòng yêu nước và lí tưởng cách mạng. Hai hình ảnh “dấu chân nát đá” và “muôn tàn lửa bay” đã thể hiện cái khí thế hào hùng của lực lượng quần chúng nhân dân đông đảo trong kháng chiến.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên
Sự tương quan đối lập giữa bóng tối và ánh sáng: nếu câu trên khắc họa bóng đêm đen tối thăm thẳm gợi kiếp sống nô lệ của cả dân tộc dưới ách đô hộ của kẻ thù thì câu dưới lại bừng lên ánh sáng của niềm tin vào ngày mai chiến thắng huy hoàng, tương lai tươi đẹp.Dù có trải qua bao nhiêu gian khổ, có nghìn đêm đi trong “thăm thẳm sương dày” nhưng niềm lạc quan tin tưởng vào ngày mai thắng lợi vẫn sáng ngời. Như “ngọn đèn pha bật sáng” giữa cái “nghìn đêm thăm thẳm sương dày” ấy, mang một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.
Nếu như đoạn thơ của Quang Dũng trong bài Tây Tiến chủ yếu miêu tả sự hiểm trở, hùng vĩ của thiên nhiên thì đoạn thơ trong bài Việt Bắc của Tố Hữu lại chủ yếu khắc họa hình ảnh con người trong kháng chiến. Hai đoạn thơ đã tái hiện những cảm nhận khác nhau về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đầy gian khổ. Dẫu là bất cứ khó khăn nào, bằng sức mạnh, ý chí quyết tâm đồng lòng, quân và dân ta cũng đã giành chiến thắng vang dội trước thực dân Pháp.
Hai bài thơ đã của hai tác giả đã góp phần làm phong phú thêm văn học viết về kháng chiến chống Pháp. Thời gian qua đi, nhưng giá trị, khoong khí sục sôi, hào hùng của hai tác phẩm vẫn còn nguyên vẹn.