Cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp qua hai đoạn thơ trong Tây Tiến và Việt Bắc — Không quảng cáo

Soạn văn 12 tất cả các bài, Ngữ văn 12 , tổng hợp văn mẫu hay nhất Các dạng bài nghị luận văn học liên hệ, so sánh


Cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp qua hai đoạn thơ trong Tây Tiến và Việt Bắc

Xây dựng hình tượng tập thể anh hùng, hai đoạn thơ góp phần thể hiện đặc điểm của thơ ca cách mạng là khuynh hướng sử thi vẻ đẹp lãng mạn.

Đề bài

Cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp qua hai đoạn thơ sau:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Ðêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

(Quang Dũng, Tây Tiến , SGK Ngữ văn 12, chương trình chuẩn)

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên

(Tố Hữu, Việt Bắc , SGK Ngữ văn 12, chương trình chuẩn)

Lời giải chi tiết

1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:

- Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu có sức chinh phục mạnh mẽ bởi niềm say mê lí tưởng, khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn, tính dân tộc đậm đà.

- Quang Dũng là hồn thơ lãng mạn, hào hoa, yêu tha thiết quê hương đất nước. Tác giả có khuynh hướng khai thác vẻ đẹp bi tráng, hào hùng.

- Việt Bắc Tây Tiến là những thành tựu xuất sắc của thơ ca cách mạng Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp. Cả hai tác phẩm đều khắc họa hình tượng những con người Việt Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến.

Đây là hai đoạn thơ tiêu biểu trong hai bài thơ khắc họa vẻ đẹp của tập thể những con người Việt Nam anh hùng.

2. Trình bày cảm nhận:

a. Chỉ rõ, phân tích điểm tương đồng trong hình tượng tập thể trong 2 đoạn thơ:

- Đều được xây dựng bằng bút pháp sử thi và cảm hứng lãng mạn.

- Cả 2 đoạn đều tái hiện lại một không khí hào hùng, âm vang chiến trận mà trong đó, hình tượng tập thể nổi lên như những người anh hùng có sức mạnh phi thường, hai hình tượng tập thể với phẩm chất anh hùng, dũng cảm, với trái tim yêu nước nồng nàn và sẵn sàng hi sinh cho lí tưởng, có tâm hồn lãng mạn. Khẳng định lẽ sống cao đẹp sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước.

- Cảm xúc tự hào ngợi ca.

b. Chỉ  ra và phân tích điểm khác biệt trong hình tượng tập thể con người Việt Nam trong hai đoạn thơ:

* Đoạn thơ trong bài Tây Tiến thể hiện vẻ đẹp của một tập thể anh hùng: hội tụ sức mạnh của tuổi trẻ Việt Nam và mang nét rất riêng của đoàn binh Tây Tiến, vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn của thanh niên trí thức Hà thành. Hình tượng được khắc họa trong mất mát, hi sinh nhưng vẫn hoành tráng, hào hùng; vì vậy, âm hưởng của đoạn thơ là âm hưởng bi tráng.

- Vị trí của đoạn thơ: là đoạn ba của bài thơ. Sau khi khắc họa hình tượng người lính trên những cung đường hành quân, nhà thơ đã khắc họa tượng đài tập thể  những người lính Tây Tiến.

- Đặc điểm của hình tượng:

+ Người lính Tây Tiến được khắc họa một cách chân thực, có những giới hạn không thể vượt qua như bệnh tật, ốm yếu, cái chết: “không mọc tóc”, da “xanh màu lá”, dãi dầu và “về đất”.

+ Nhưng họ vẫn thể hiện vẻ đẹp phi thường, hào hùng: dữ oai hùm, mắt trừng .

+ Họ cũng là những thanh niên lãng mạn, hào hoa: Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

+ Lí tưởng sống cao đẹp: sự hi sinh tự nguyện: " Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" . Qua trí tưởng tượng của Quang Dũng, người lính được khoác trên mình tấm áo bào sang trọng của các chiến tướng mặc khi ra trận, mang vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cổ điển. Sự ra đi của người lính nhẹ nhàng, thanh thản như là sự trở về với đất mẹ yêu thương. Âm thanh tiếng gầm của dòng sông Mã như khúc tráng ca đưa người lính về nơi an nghỉ. Cảm xúc tiếc thương, đau đớn, nhưng vẫn tràn đầy niềm tự hào.

- Nghệ thuật biểu hiện: sắc thái cổ điển thường thấy trong thể hành, hình ảnh ước lệ, từ Hán Việt, vẻ đẹp lãng mạn và bi tráng.

* Đoạn thơ trong bài Việt Bắc : Tập thể anh hùng trong đoạn thơ của bài Việt Bắc hội tụ sức mạnh của cả dân tộc, sức mạnh của quá khứ, được khắc họa trong không khí ra trận, âm hưởng anh hùng ca.

- Nội dung của đoạn trích: là lời người ra đi đáp lại người ở lại, thể hiện nỗi nhớ Việt bắc trong những ngày chiến dịch.

- Đặc điểm của hình tượng tập thể anh hùng trong đoạn thơ:

+ Không gian xuất hiện: những con đường Việt Bắc.

+ Thời gian: ban đêm; cho thấy sự gian khổ, điều bất thường của chiến tranh.

+ Những người lính đông đảo và có sức mạnh lay trời chuyển đất, thể hiện ánh sáng lí tưởng đẹp đẽ, tâm hồn lãng mạn (chú ý các hình ảnh: “ rầm rập như là đất rung”, “điệp điệp trùng trùng”, “ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”).

+ Đoàn dân công phục vụ chiến dịch được miêu tả trong ánh sáng của ngày hội kháng chiến và ánh sáng của tương lai, họ có trái tim cách mạng rực lửa và sức mạnh san phẳng mọi khó khăn. (Chú ý các hình ảnh: “đỏ đuốc”, “ từng đoàn”, “bước chân nát đá”, “đèn pha bật sáng”).

+ Cảm xúc: tự hào tin tưởng, lạc quan (hình ảnh “Những đường Việt Bắc của ta”, “Đèn pha bật sáng như ngày mai lên ”).

- Nghệ thuật biểu hiện:  những yếu tố thể hiện tính dân tộc trong thơ Tố Hữu: thể thơ lục bát, vận dụng thành ngữ, từ láy, tiểu đối, hình ảnh ước lệ. Đoạn thơ thể hiện xu hướng đổi mới thơ lục bát bằng cảm hứng anh hùng ca và giọng điệu hào hùng; đoạn thơ đã xây dựng hình tượng  những con người anh hùng và bút pháp khoa trương mang màu sắc sử thi.

3. Đánh giá chung:

- Xây dựng hình tượng tập thể anh hùng, hai đoạn thơ góp phần thể hiện đặc điểm của thơ ca cách mạng là khuynh hướng sử thi vẻ đẹp lãng mạn.

- Cùng thể hiện lòng yêu nuớc, đề cao lí tưởng sống cao đẹp của con người.

- Hai đoạn thơ góp phần khẳng định giá trị là bản anh hùng ca cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc


Cùng chủ đề:

Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp của hình tượng sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà và hình tượng sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông?. Từ đó, trình bày suy nghĩ của mình về v
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù) và nhân vật người lái đò trong cảnh vượt thác sông Đà (tùy bút Người lái đò sông Đà) để làm rõ cách nhìn của Nguyễn Tuân
Cảm nhận của anh/chị về ý nghĩa của hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn “Chí Phèo” (Nam Cao) và hình ảnh nồi cháo cám trong truyện ngắn “Vợ nhặt” (Kim Lân)
Cảm nhận khi đọc về Luân lí xã hội ở nước ta - Ngữ Văn 12
Cảm nhận sâu sắc của em về cuộc đời nhà văn Nguyễn Đình Chiểu
Cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp qua hai đoạn thơ trong Tây Tiến và Việt Bắc
Cảm nhận về “cảnh cho chữ” trong “Chữ người tử tù” và “cảnh vượt thác” trong “Người lái đò sông Đà”, qua đó chỉ rõ sự thay đổi phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám 1945
Cảnh sắc và con người đất kinh kỳ trong thơ văn thời thịnh Lê
Chỉ cần bỏ ra chưa tới 10,000 đồng, sinh viên có trong tay hàng trăm luận văn. . . . Anh (chị) có suy nghĩ gì về hiện tượng đáng xấu hổ này
Con đường bạn đi không mang tên Đại Học thì suy nghĩ của bạn sẽ như thế nào về tình trạng đó?
Cùng tái hiện vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận, mỗi nhà thơ lại có cách khám phá và thể hiện riêng. Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trong bài "Tây Tiền" và "Việt Bắc