Câu tục ngữ: Giấy rách phải giữ lấy lề — Không quảng cáo

Văn mẫu 9 - Phân tích, cảm nhận, dàn ý, thuyết minh, tự sự và nghị luận lớp 9 hay nhất Tổng hợp các bài văn nghị luận về tư tưởng đạo lý


Câu tục ngữ: Giấy rách phải giữ lấy lề

Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, tục ngữ ca dao, dân gian đã sử dụng biểu tượng ẩn dụ một cách sâu sắc, ý vị, để gửi gắm một lời khuyên, để nêu lên một bài học đạo lí, đúc kết một kinh nghiệm ứng xử giàu tính nhân văn.

Dàn ý

1. Mở bài:

- Giới thiệu truyền thống đạo lí của nhân dân lao động trong việc bảo vệ, giữ gìn phẩm chất, cốt cách cao đẹp của mình.

- Dẫn ra câu tục ngữ.

2. Thân bài:

a. Giải thích câu tục ngữ:

- Nghĩa đen: Giấy có thể rách (bị xé, không còn nguyên vẹn như ban đầu, gợi liên hệ tới số phận rơi vào cảnh nghèo đói, khó khăn), nhưng vẫn phải giữ được “lề” (phần giấy trắng không viết hoặc chỉ dùng để ghi những lời nhận xét, chú thích, được coi là gốc của tờ giấy, gợi liên hệ tới phẩm chất trong sạch, đạo đức tốt đẹp, tính cách ngay thẳng…)/

- Nghĩa bóng: Lời khuyên đề cập tới ý thức bảo vệ, giữ gìn phẩm chất, cốt cách cao đẹp của mỗi con người; dù trong bất cứ hoàn cảnh nào (nghèo đói, bất hạnh,…), cũng không được phép sa ngã, làm hoen ố phẩm cách.

b. Lí giải cơ sở của lời khuyên (Tại sao nhân dân lại khuyên “Giấy rách phải giữ lấy lề?)

- Lề của tờ giấy (cũng như đạo đức, phẩm cách con người) là cái gốc rễ, căn bản, làm nên giá trị của sự vật, con người. Do vậy, cần được bảo vệ, gìn giữ.

- Mở rộng ra: “Lề” còn là nề nếp, phong tục, tập quán, những giá trị chung của cộng đồng mà mỗi người cần có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ.

- Lời khuyên có ý nghĩa nhắc nhở con người cần có ý thức, có bản lĩnh để tránh mọi cám dỗ của sự sa ngã, biến chất; kể cả khi số phận bị xô đẩy tới bước đường cùng.

c. Liên hệ thực tiễn xã hội, liên hệ bản thân (Cần làm gì để thực hiện lời khuyên của người xưa?)

3. Kết bài:

- Khẳng định giá trị của lời khuyên và sức sống của câu tục ngữ.

- Định hướng nhận thức, hành động cho bản thân.

Bài làm

Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, tục ngữ ca dao, dân gian đã sử dụng biểu tượng ẩn dụ một cách sâu sắc, ý vị, để gửi gắm một lời khuyên, để nêu lên một bài học đạo lí, đúc kết một kinh nghiệm ứng xử giàu tính nhân văn.

Thật kì diệu, trước những hiện tượng tha hóa của một số người, ta lại nghe tiếng của ông bà cha mẹ khẽ nhắc: “Con ơi! Giấy rách phải giữ lấy lề”. Lời khuyên răn ấy thật là thấm thía. “Giấy rách” là ẩn dụ nói về một trang đời, một cảnh ngộ như “sông có khúc, người có lúc” gặp khó khăn, nghèo đói, họan nạn, hoặc gặp vận rủi ro, vấp ngã trên con đường lập nghiệp, mưu sinh. “Lề" là cái gì mà ta “phải giữ”? Trên tờ giấy, trang vở, trang sách, hình thành một đường kẻ, một đường thẳng, phân định làm 2 phần theo chiều dọc. Trước lúc viết phải biết kẻ lề. Lề nằm bên trái, chiếm một tỉ lệ vừa phải, hợp lí với tờ giấy, trang sách vở. hi là một khoảng trắng nghệ thuật làm cho trang viết, trang sách thêm đẹp, một vẻ đẹp trang nhã. Đặc biệt trên lề trang giấy bài tập của học sinh, thầy giáo, cô giáo ghi một cách ngắn gọn lời nhận xét, đánh giá đúng sai, hoặc khen, chê về chất lượng, về phẩm hạnh trong học tập của học trò. Cũng cần biết, thì từ viết trên tờ giấy, nếu không có lề là khiếm nhã. Quyển vở hoặc tờ giấy bài tập của học sinh mà thiếu lề hoặc lề kẻ một cách tùy tiện, điều đó phản ánh một tinh thần học tập thiếu nền nếp chu đáo.

Hai chữ “phải giữ" nhắc nhở một ý thức, một quyết tâm bảo vệ, giữ gìn một cách trọn vẹn. Câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề” thật là giản dị và dễ hiểu. Cuốn sách, quyển vỏ không thể không có lề. Giấy có thể bị rách (do khách quan hay chủ quan) nhưng phần lề, gốc lề vẫn được giữ lại trong cuốn sách, quyển vở. Con người ta cũng vậy, khi đứng trước mọi khó khăn, họan nạn, phải biết nêu cao lòng tự tôn tự trọng, biết giữ lấy gia phong, truyền thống tốt đẹp của ông bà, tổ tiên, của gia đình mình. Câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề" đã nêu lên bài học đạo đức sáng giá. Qua câu tục ngữ, nhân dân nhắc nhở mọi người phải biết trau dồi nhân cách phẩm hạnh, có ý thức bảo vệ nếp nhà. gia phong, giữ gìn và phát huy mọi truyền thống tốt đẹp của gia tiên, của gia tộc. Không được đánh rơi nhân cách, không được làm những điều bất lương xằng bậy mà bị thiên hạ mỉa mai là “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, hoặc chê cười là “nhà kia bạc phúc”.

Gia đình nào, dòng họ nào. miền quê nào cũng có những mặt tốt đẹp, truyền thống tốt đẹp. Có những “làng nghề", "đất học" nổi tiếng trong thiên hạ xưa nay:

- Xứ đông: Cổ An, xứ nam: Hành Thiện (đất học). - Nghệ: Yên Thành, Thanh hoá: Nông Cống (vựa lúa). - Trai Cầu Vồng, Yen Thế, gái Nội Duệ, Cầu Um. (Trai tài gái đảm) - v.v...

Là con em, con cháu của những miền quê ấy, dòng học ấy, không chỉ tự hào mà họ còn biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia tiên mình, quê hương mình.

Trong ngôn ngữ dân gian còn có những câu tục ngữ. thành ngữ, từ ngữ như “đất lề, quê thói”, “đất có lề, quê có thói”, "lề luật", "lề lối”. Một chữ lề nhiều ý nghĩa. Lề của phong tục, lề của tập quán, lề trong sinh họat đã định hình trong tâm hồn. Trong đời sống vật chất và tinh thần của một miền quê. Nó được thanh lọc trong dòng chảy thời gian, kết tinh thành truyền thống tốt đẹp, thành thuần phong mĩ tục. Vì thế, trước mọi biến cố, mọi thử thách, câu tục ngữ: “Giấy rách phải giữ lấy lề ” có tác dụng to lớn nâng đỡ tinh thần mọi người, động viên nhau biết giữ lấy phẩm hạnh, nêu cao truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương với tất cả niềm tự hào.

Đầu thế kỉ XX, trong cái xã hội dở Tây dở ta, nén đạo đức bị băng họai một cách ghê gớm, có biết bao hiện tượng đồi phong bại tục:

" Nhà kia lỗi đạo con khinh bố, Mụ nó chanh chua, vợ chửi chồng". ("Đất Vị Hoàng" - Tú Xương)

Hiện thực đen tối ấy cho thấy không chỉ giấy đã rách mà lề cũng đã rách, đã nát! Tiếng thơ chứa đựng bao nỗi đau trước sự băng họai của thói đời đen bạc!

“Giấy rách phải giữ lấy lề”, muốn làm được như thế phải được học, được giáo dục, ai cũng phải tu dưỡng đức hạnh và có lòng tự trọng. Dù đói nghèo, khó khăn cũng luôn phải giữ gìn phẩm chất, nhân cách. Những hiện tượng trộm cắp, càn quấy, nghiện ngập, bê tha... hiện nay mà ta thấy đã nói lên rằng, đạo đức gia đình sa sút còn có một số gia đình không còn biết tự xấu hổ, không biết giữ lấy nếp nhà. Và một phần lớn là do cha mẹ không dạy bảo con cái nên mới xảy ra nông nỗi ấy!

Phần cuối bài thơ “Tiếng chổi tre”, Tố Hữu đã tâm tình nhắn gửi tuổi thơ gần xa. Hai chữ “lề” và “lối” nghe thật ý vị, thấm thía:

“Nhớ em nghe Tiếng chổi tre Chị quét Những đêm hè Đêm đông gió rét Tiếng chổi tre Sớm tối Đi về Giữ sạch lề Đẹp lối Em nghe".

Đường đời nhiều khó khăn trắc trở: "Người có lúc vinh lúc nhục, nước có lúc đục lúc trong" (Tục ngữ). Câu “Giấy rách phải giữ lấy lề" không thể thiếu trong hành trang của mỗi người, nhất là đối với tuổi trẻ thời cắp sách.

Qua 4000 năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã nêu cao ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc. Bảo vệ, giữ gìn nếp nhà, gia phong, sự trong sáng của cốt cách và phẩm hạnh nòi giống Rồng Tiên là bài học sâu sắc mà ông bà tổ tiên luôn luôn nhắc nhở con cháu. “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Đói cho sạch, rách cho thơm” là những bài học làm người vô giá.


Cùng chủ đề:

Các bài viết số 5 lớp 9: Nghị luận xã hội
Các bài viết số 6 lớp 9: Nghị luận văn học
Các bài viết số 7 lớp 9: Nghị luận văn học
Cánh cò từ trong lời ru đã đi vào tiềm thức tuổi thơ, trở nên gần gũi và sẽ theo cùng con người đến suốt cuộc đời. Hãy phân tích và chứng minh qua bài Con cò của Chế lan Viên
Câu chuyện Cái kén bướm gợi cho anh, chị suy nghĩ gì?
Câu tục ngữ: Giấy rách phải giữ lấy lề
Cây bưởi quê em
Cây bưởi quê em ( Bài 2 )
Cây chuối trong đời sống người Việt Nam
Cây chuối trong đời sống người Việt Nam ( Bài 2 )
Cây lau chứng kiến việc Vũ Nương ngồi bên bờ Hoàng Giang than thở một mình rồi tự vẫn. Hãy kể lại câu chuyện đó theo giọng kể ở ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba