Công việc đọc sách ( Bài 2 )
Công việc đọc sách là một thói quen khoa học, cung cấp cho ta thêm sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực. Đọc sách là một công việc đòi hỏi ở mỗi người sự cần mẫn, kiên nhẫn và nhất là có ý chí cao. Chúng ta sẽ thấy đời đẹp hơn nếu đọc sách.
Học là một vấn đề rộng lớn mang tính chất giáo dục. Học giúp ta thêm kiến thức, thêm hiểu biết, thế nhưng có rất nhiều cách học khác nhau mà ta không thể nào thực hiện tốt các cách đó hết được vì nó rất rộng, rất bao quát. Thế nhưng tôi có thể chắc chắn rằng không một ai muốn học giỏi mà không từng một lần dùng phương pháp này, nó là một công việc khá quen thuộc: công việc đọc sách.
Một câu hỏi được đặt ra: Vậy sách là gì? Câu trả lời thật đơn giản, về hình thức, sách là một tập hợp của những trang giấy có chữ, có nghĩa, được sắp xếp theo một trình tự nhất định. Mỗi quyển sách mang một nội dung khác nhau, về ý nghĩa, sách là nơi lưu trữ kiến thức để truyền lại cho con người những hiểu biết về thế giới xung quanh. Sách thể hiện tư tưởng tiến bộ; sách lưu trữ kiến thức của con người.
Đọc sách có ích lợi gì? Đọc sách đưa ta đến sự hiểu biết về thế giới, về vũ trụ, về lịch sử, nguồn gốc của con người, về lịch sử sự hình thành vũ trụ... Hiểu biết hơn về xã hội, về khoa học tự nhiên, về đất, về nước... sẽ giúp ích cho ta rất nhiều trong cuộc sống. Rất nhiều nhà khoa học, nhà bác học, các danh nhân nổi tiếng trên thế giới như Ê-đi-xơn, Lê-nin, Bác Hồ,... đều có được sự uyên thâm và sự thành công trên nhiều lĩnh vực là nhờ đọc sách. Sách như một người thầy, một người bạn trung thành dẫn dắt ta trên con đường học tập.
Chúng ta có thể đọc sách như thế nào? Có rất nhiều cách: đọc sách tại nhà, đọc sách ở thư viện, có thể là thư viện nhà trường, thư viện thành phố hay thư viện quốc gia. Chúng ta có thể đọc ở mọi lúc, mọi nơi, mọi chỗ. Sách hiện nay được bày bán trên thị trường khá rộng rãi, tuy nhiên không phải sách nào ta cũng mua mà cần phải chọn lọc kĩ càng để tìm ra cuốn sách nào là phù hợp nhất với mình. Khi đọc sách, ta cũng cần luyện thói quen ghi chép, nhớ và phải rút ra những kết luận, kiến thức cho bản thân. Cũng giống như khi ta xem những cuốn sách khoa học nói về những phát minh xuất phát từ một ý tưởng đơn giản nhưng đã giúp ích cho con người rất nhiều trong cuộc sống thì ta phải đúc rút ra một quá trình hình thành nên phát minh đó gồm những gì, bằng cách nào, vận dụng tính chất gì... để về sau giúp ta có những sáng tạo lí thú hơn. Đọc sách chưa hẳn là đủ nếu ta không vận dụng những gì sách cung cấp cho mình về vốn hiểu biết, kiến thức vào cuộc sống. Và để đáp lại những ích lợi mà sách dành cho ta thì chúng ta cần phải giữ gìn, nâng niu, quý trọng, bảo vệ và bảo quản sách. Có như thế chúng ta mới lưu giữ được cái kho tàng ấy lâu dài được.
Đọc sách là một thói quen tốt nhưng không phải ai cũng làm được, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn mà đọc hết cuốn sách dày đặc những chữ, nhất là thanh niên thời nay. Điều này thật đáng buồn, vì thế hệ cần đọc sách đế tiếp nạp trí thức hơn cả là thế hệ thanh niên - những chủ nhân tương lai của đất nước. Tôi cũng hiểu cái cảm giác hoa mày, chóng mặt mỗi khi giở ra những trang đầu tiên của cuốn sách mà chỉ toàn chữ là chữ, trong khi thứ cuốn hút chúng ta bây giờ là truyện tranh, là trò chơi điện tử, là bóng đá,... Vì vậy, nếu bạn ngại đọc thì mỗi ngày, hãy bỏ ra một ít thời gian, đọc lần lượt từng trang một. Cứ thế, mỗi ngày bạn đọc được vài trang thì dần dần cũng sẽ đọc hết cả cuốn. Tuy nhiên, chúng ta cũng chớ ham quá mà quên ăn, quên ngủ, ở lì đọc sách và lười vận động sẽ không tốt cho sức khoẻ. Chúng ta nên đọc sách một cách hợp lí, nhất là lúc đầu óc thư thái, thời gian rỗi vì những gì bạn đọc được ở trong sách có như thế mới nhớ lâu được và không gây cho người đọc cảm giác chán nản.
Công việc đọc sách là một thói quen khoa học, cung cấp cho ta thêm sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực. Đọc sách là một công việc đòi hỏi ở mỗi người sự cần mẫn, kiên nhẫn và nhất là có ý chí cao. Chúng ta sẽ thấy đời đẹp hơn nếu đọc sách.