Dàn ý phân tích “phần tuyên ngôn” trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Một dân tộc đã gan góc...; dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Đề bài
Phân tích “phần tuyên ngôn” trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lời giải chi tiết
1. Ý nghĩa sâu sắc của “phần tuyên ngôn” trong bản Tuyên ngôn Độc lập
a. Ý nghĩa lịch sử của Tuyên ngôn Độc lập rất sâu sắc và tiến bộ.
- Đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập.
- Đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.
=> Như vậy là, cùng một lúc, Cách mạng tháng Tám 1945 đã giải quyết cả hai nhiệm vụ: Độ c lập cho dân tộc và dân chủ cho nhân dân để đưa nước Việt Nam sang một kỉ nguyên mới - kỉ nguyên của độc lập - tự do và chủ nghĩa xã hội (Bình ngô đại cáo xưa kia, do lịch sử, chỉ mới giải quyết được độc lập dân tộc).
b. Nội dung tuyên ngôn: đầy đủ, toàn diện, chặt chẽ, dứt khoát:
- Tuyên bố thoát li và xóa bỏ mọi điều với Pháp (về quan hệ, hiệp ước, đặc quyền).
- Tuyên bố với thế giới về độc lập và tự do của nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam trên cả ba phương diện.
+ Có quyền hưởng tự do và độc lập.
+ Sự thật đã thành một nước tự do độc lập.
+ Quyết giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.
2. Lập luận chặt chẽ, giọng văn hùng biện dầy sức thuyết phục.
a. Lập luận chặt chẽ.
- Lời tổng kết tình hình trong một câu ngắn gọn, hàm súc: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”.
- Nêu ý nghĩa lịch sử của Tuyên ngôn Độc lập bằng hai câu gọn, rõ.
- Tuyên bố với Pháp: “thoát li hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam (về chứ không phải với), xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất Việt Nam (chữ dùng chính xác và dứt khoát).
- Tranh thủ các nước Đồng minh (“tin rằng”..., “quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.
- Khẳng định quyền tự do độc lập của dân tộc Việt Nam một cách mạnh mẽ bằng những điệp ngữ được láy đi láy lại (“Một dân tộc đã gan góc...; dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”).
=> Những điều trên đây là tiền đề về lí luận đồng thời cũng là để tạo không khí đưa bài văn đến cao trào, đến lời tuyên bố cuối cùng, lời tuyên b ố trịnh trọng với thế giới về ba phương diện của một nước Việt Nam tự do, độc lập.
b. Giọng văn hùng biện:
- Phần lập luận trên đây cũng đã cho ta thấy rõ giọng văn hùng biện qua cách dùng từ, qua điệp ngữ, qua lời văn trang trọng và giọng văn đanh thép, dứt khoát, khẳng định.
- Tất cả đã làm nên sức thuyết phục mạnh mẽ của “phần tuyên ngôn” trong bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử này. Đó là do tài nghệ của tác giả, nhưng nguồn gốc sâu xa lại chính là ở tấm lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết và ý chí độc lập tự do đã trở thành máu thịt tâm hồn của người viết.