Đề 23 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Tải vềĐáp án và lời giải chi tiết - Đề 23 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề bài
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi nêu bên dưới:
Có bao giờ chúng ta yêu thế gian này như yêu ngôi nhà có bếp lửa ấm áp của mình không? Có bao giờ chúng ta yêu nhân loại như yêu một người máu thịt của mình không? Chúng ta đã từng nói đến việc làm sao trở thành những công dân toàn cầu. Danh từ công dân toàn cầu rất dễ làm cho những ai đó lầm tưởng về một siêu nhân trong khía cạnh nào đấy. Nhưng bản chất duy nhất của một công dân toàn cầu là một người biết yêu thương thế gian này và luôn tìm cách cải biến thế gian. Có thể sẽ có những công dân kêu lên đầy bất lực: Ta chỉ là một sinh linh nhỏ bé làm sao ta có thể yêu thương và che chở cho cả một thế gian rộng lớn nhường kia! Việc yêu thương và che chở cho cả thế gian có phải là một ước mơ hay một nhân cách hão huyền không? Không. Đó là một hiện thực và đó là một nguyên lí. Khi một con người yêu thương chân thực mảnh đất con người đó đang đứng dù chỉ vừa hai bàn chân thì người đó đã yêu cả trái đất này. Khi bạn yêu một cái cây bên cạnh bạn thì bạn yêu mọi cái cây trên thế gian. Khi bạn yêu thương một con người bên cạnh thì bạn đang yêu cả nhân loại. Và khi tất cả những con người dù nhỏ bé đến đâu yêu thương người bên cạnh thì tình yêu thương ấy sẽ ngập tràn thế gian này.
… Hãy cứu thế gian này khỏi những hận thù ích kỉ, những vô cảm và giá lạnh bằng những hành động cụ thể của mỗi con người đang sống trong thế gian này. Đấy là tiếng kêu khẩn thiết và đầy tình thương yêu và trách nhiệm của biết bao con người đang sống trong thế gian này.
(Trích Cần một ngày hòa giải để yêu thương, dẫn theo http://www.tuanvietnamnet, ngày 7/9/2010)
Câu 1. Theo văn bản, phẩm chất cốt lõi của một công dân toàn cầu là gì?
Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 3. Văn bản trên sử dụng thao tác lập luận nào khi bàn về bản chất duy nhất của công dân toàn cầu ?
Câu 4. Anh/chị thử đưa ra một định nghĩa khác về công dân toàn cầu.
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1.
Thế hệ trẻ Việt Nam cần làm gì để trở thành công dân toàn cầu?
Anh( chị) hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) để trả lời câu hỏi trên.
Câu 2.
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
( Vội vàng – Xuân Diệu, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr22)
Làm sao được tan ra
Thành trăng con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
( Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr 156)
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1:
- Phẩm chất cốt lõi của một “công dân toàn cầu” là: “Một người biết yêu thế gian này và luôn tìm cách cải biến thế gian”.
Câu 2:
Học sinh có thể lựa chọn các biện pháp tu từ khác nhau miễn là đúng với nội dung bài: So sánh, Điệp ngữ, Câu hỏi tu từ:
- So sánh: Có bao giờ chúng ta yêu thế gian này như yêu ngôi nhà có bếp lửa ấm áp của mình không? Có bao giờ chúng ta yêu nhân loại như yêu một người máu thịt của mình không?
- Điệp cấu trúc:
+ Có bao giờ chúng ta yêu thế gian…? Có bao giờ chúng ta yêu nhân loại …?
+ Khi một con người yêu thương chân thực mảnh đất con người đó đang đứng ... Khi bạn yêu một cái cây bên cạnh bạn…. Khi bạn yêu thương một con người bên cạnh …
- Câu hỏi tu từ: Có bao giờ ?...
- Tác dụng: Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của tình yêu thương.
Câu 3:
Thao tác lập luận được sử dụng khi bàn về “bản chất duy nhất của công dân toàn cầu” : Bác bỏ.
Câu 4:
- Công dân toàn cầu là những người có thể sống và làm việc ở một hay nhiều quốc gia khác nhau, họ có thể vượt qua những ranh giới về không gian, thời gian, văn hóa,…Nhưng những công việc mà họ làm phải mang lại lợi ích cho cộng đồng toàn cầu.
- Công dân toàn cầu là công dân có kiến thức nền tảng về các vấn đề văn hóa nhân loại, có thể giao lưu học tập, làm việc ở bất cứ quốc gia nào, có khả năng hòa nhập với người dân trên khắp thế giới, có năng lực giải quyết các vẫn đề chung của toàn nhân loại: bảo vệ môi trường, chống chiến tranh, đẩy lùi dịch bệnh…
II. LÀM VĂN
Câu 1:
1. Giải thích
- Công dân toàn cầu: Công dân toàn cầu là những người có thể sống và làm việc ở một hay nhiều quốc gia khác nhau, họ có thể vượt qua những ranh giới về không gian, thời gian, văn hóa,…Nhưng những công việc mà họ làm phải mang lại lợi ích cho cộng đồng toàn cầu
2. Phân tích, bàn luận vấn đề
- Cần làm những gì để trở thành công dân toàn cầu:
+ Để trở thành một công dân toàn cầu chúng ta cần phải xây dựng nền tảng tri thức phổ thông vững chắc, có hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
+ Có những kĩ năng thiết yếu như: kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kĩ năng tự học, sáng tạo…trong đó năng lực tiếng Anh, năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông là điều quan trọng nhất.
+ Bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức mạng tính cốt lõi: lòng tự trọng, tinh thần yêu nước, tinh thần trách nhiệm, lòng yêu thương, khát vọng thay đổi, …
+ Công dân toàn cầu có thể hòa nhập với thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc của dân tộc mình. Đây là một thách thức lớn với giới trẻ trong xu hướng hội nhập với thế giới.
- Phê phán những người vì chưa hiểu đúng về khái niệm công dân toàn cầu mà sẵn sàng đánh mất bản sắc dân tộc, biểu dương những con người lao động không mệt mỏi để cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, cho nhân loại..
3. Bài học liên hệ:
- Công dân toàn cầu là ước mơ của người Việt trẻ cũng như mọi công dân trên thế giới này. Trở thành công dân toàn cầu là phù hợp với xu thế chung của thế giới. Phấn đấu để thực hiện mong muốn đó bằng những hành động, việc làm thiết thực.
Câu 2:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Xuân Diệu là cây bút xuất sắc của phong trào Thơ mới. Ông được giới trẻ tấn phong là ”ông hoàng của thơ tình yêu” bởi đã đem vào thơ tình một quan niệm đầy đủ, toàn diện, một cách thể hiện mới mẻ, phong phú đặc biệt là sự diễn đạt chân thực và táo bạo về tình yêu. Xuân Diệu đem đến cho thơ hiện đại Việt Nam một giọng điệu thiết tha, sôi nổi.
- Vội vàng được in trong tập Thơ thơ (1938). Thi phẩm đầu tay này ngay lập tức vinh danh Xuân Diệu như một đại biểu tiêu biểu nhất của phong trào thơ Mới.
- Xuân Quỳnh là gương mặt tiêu biểu thuộc thế hệ các nhà thơ trường thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường.
- Sóng (1967) là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.
2. Phân tích
2.1 Đoạn thơ trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu bộc lộ một cái tôi sôi nổi, vồ vập và giàu khát vọng.
- Mở đầu đoạn thơ, ta thấy sự lên tiếng trực tiếp của cái tôi khao khát đến mãnh liệt: tôi muốn – điệp từ lặp lại hai lần.
- Nắng, gió là hiện tượng của tự nhiên nhưng ở đây tác giả lại muốn tắt nắng, buộc gió ⟶ muốn đoạt quyền tạo hóa, thay đổi tự nhiên.
- Mục đích: cho màu đừng nhạt, hương đừng bay ⟶ giữ lại hương sắc cho cuộc đời, muốn vĩnh cửu hóa cái đẹp.
- Điệp từ đừng ⟶ cầu xin khẩn thiết, cầu xin tạo hóa dừng lại những khả năng vô biên để cuộc sống mãi mãi tươi đẹp như hiện tại.
→ Xuân Diệu vô cùng nhạy cảm trước bước đi của thời gian cho nên thi sĩ khát vọng chiếm lấy quyền năng của tạo hóa để vũ trụ ngừng quay, thời gian ngừng trôi , để thi nhân tận hưởng những phút giây đẹp nhất của đời người. Đây cũng chính là một khát vọng rất nhân văn.
- Thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu góp phần diễn tả tự nhiên khát vọng của nhà thơ, cả đoạn thơ giống như một lời bộc bạch.
2.2 Đoạn thơ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh thể hiện cái tôi đầy khao khát.
- Khát vọng được hóa thành trăm con sóng nhỏ, khát vọng được tan thành trăm con sóng nhỏ là khát vọng được cho đi và dâng hiến bởi có một nghịch lí trong tình yêu là "Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi bạn dám mạnh dạn cho đi chứ không phải nắm giữ thật chặt " (Christopher Hoare). "Tan ra" không phải là tan biến đi mà là để còn mãi.
- Khát vọng muốn hòa nhập tình yêu của mình để ngàn năm còn vỗ . Đây là khát vọng muốn được vĩnh cửu hóa, bất tử hóa tình yêu.
- Nghệ thuật :
+ Thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu , âm hưởng của những con sóng biển
+ Sử dụng phép nhân hóa, so sánh.
2.3 So sánh
- Giống nhau: đều sử dụng thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu, đều thể hiện được khát vọng mãnh liệt, cháy bỏng về tình yêu với cuộc đời.
- Khác nhau: khát vọng trong Sóng là khát vọng của tình yêu lứa đôi, là khao khát dâng hiến đến tận cùng. Còn trong Vội Vàng thì thể hiện một qun niệm sống : sống vội vàng, sống giục giã, cuống quýt, phải tận hưởng vì thời gian đi qua tuổi trẻ sẽ không còn.
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.