ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HK1 Văn 11 Cánh diều có đáp án — Không quảng cáo

Đề thi học kì 1 Văn 11 - Cánh diều


Đề cương ôn tập học kì 1 Văn 11 - Cánh diều

Tải về

Gồm nội dung ôn tập và bài tập vận dụng

A. NỘI DUNG ÔN TẬP

1. Phần đọc hiểu

a. Thơ và truyện thơ

- Truyện thơ thuộc loại hình tự sự, có cốt truyện, câu chuyện, nhân vật, lời kể,… nhưng lại được thể hiện dưới hình thức thơ. Với dung lượng tương đối lớn, truyện thơ có thể bao quát được nhiều sự kiện, con người, chi tiết cụ thể, sinh động của đời sống thường nhật. Truyện thơ hiện diện trong nhiều nền văn học, có lịch sử lâu đời, phát triển thành một số dòng riêng theo sự chi phối của các điều kiện văn hóa, xã hội cụ thể

- Truyện thơ dân gian do tầng lớp bình dân hoặc các trí thức sống gần gũi với tầng lớp bình dân sáng tác; lưu hành chủ yếu bằng truyền miệng nhưng cũng có khi thông qua các văn bản viết. Truyện thơ dân gian khai thác đề tài từ nhiều nguồn khác nhau như truyện cổ, sự tích tôn giáo hay những câu chuyện đời thường

- Thơ trữ tình thường có những đặc điểm chung như ngôn từ tươi sáng và tinh tế, tập trung vào cảm xúc cá nhân, diễn đạt tâm trạng, sử dụng hình ảnh mạnh mẽ, và thể hiện tương tác giữa tác giả và người đọc.

- Thơ trữ tình thường được sáng tác trong những khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc sống, như khi tác giả trải qua cảm xúc mạnh mẽ. Phong cách biểu đạt thường sử dụng ngôn từ sâu sắc, tường thuật chân thực và có thể chứa nhiều hình tượng và phép tu từ để tạo nên một không gian tương tác tinh tế giữa tác giả và người đọc.

b. Thơ văn Nguyễn Du

Vận dụng những hiểu biết về bối cảnh lịch sử, tác giả, truyện thơ Nôm, thể loại thơ Đường luật để đọc hiểu những đoạn trích tiêu biểu trong Truyện Kiều, thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Hiểu được vẻ đẹp tâm hồn, tài năng cùng những đóng góp to lớn của đại thi hào đối với sự phát triển của văn học dân tộc

Nguyễn Du – cuộc đời và sự nghiệp

c. Truyện

*Truyện ngắn

- Là thể loại tự sự cỡ nhỏ, đặc trưng nổi bật là sự ngắn gọn

- Thường chỉ xoay quanh một, hai tình huống diễn ra trong khoảng thời gian, không gian hạn chế

- Đòi hỏi sự chắt lọc, dồn nén của các chi tiết và việc vận dụng bút pháp chấm phá trong trần thuật

* Tiểu thuyết

- Là một thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua nhân vật, hoàn cảnh, sự việc để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và những vấn đề của cuộc sống con người, biểu hiện tính chất tường thuật, tính chất kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi theo những chủ đề xác định.

- Giàu chất văn xuôi, tự sự

-Phản ánh nghệ thuật kể chuyện của nhà văn

-Có tính nghệ thuật hư cấu cao

- Có sự đang dạng trong màu sắc phẩm mỹ và mang bản chất tổng hợp

d. Văn bản thông tin

- Văn bản thông tin là một hình thức viết nhằm truyền đạt thông tin và kiến thức một cách chính xác và trung thực. Loại văn bản này rất phổ biến và hữu ích trong đời sống hàng ngày. Nó bao gồm nhiều thể loại khác nhau, như thông báo, chỉ dẫn, mô tả công việc, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, lịch biểu, cơ sở dữ liệu, hợp đồng quảng cáo, các văn bản hành chính, từ điển và bản tin.

- Mục đích chính của văn bản thông tin là truyền đạt thông tin một cách khách quan và trung thực.

- Nhan đề của văn bản thông tin thường tập trung nêu bật đề tài của văn bản

- Bố cục văn bản thông tin thường có các phần: nhan đề, sa- pô; thời gian và nơi in văn bản; nội dung chính của văn bản

- Văn bản thông tin thường được trình bày bằng kênh chữ và có thể kết hợp với kênh hình

2. Phần tiếng Việt

a. Biện pháp lặp cấu trúc
b. Biện pháp tu từ đối
c. Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết
d. Lỗi về thành phần câu và cách sửa

3. Phần làm văn

a. Viết bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý
b. Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật
c. Viết bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học
d. Viết bài thuyết minh tổng hợp

B. BÀI TẬP

1. Phần đọc hiểu

*Đề bài

Văn bản Sóng

Câu 1: “Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ”

Mở đầu khổ 1, tác giả đã nêu ra những trạng thái đối lập của:

A. Sóng

B. Người con gái trong tình yêu

C. Người con trai trong tình yêu

D. A và B đúng

Câu 2: Hai câu thơ sau sử dụng biện pháp nghệ thuật gì?

“Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”

A. Ẩn dụ, so sánh

B. Ẩn dụ, nhân hóa

C. So sánh, nhân hóa

D. So sánh, nghệ thuật đối lập

Câu 3: Chọn đáp án đúng về nỗi nhớ được diễn tả trong khổ thơ thứ năm:

A. Nỗi nhớ được diễn tả mãnh liệt, da diết hiển hiện trong mọi chiều kích của không gian, thời gian, trạng thái cảm xúc của cuộc sống

B. Nỗi nhớ bao trùm cả không gian, khắc khoải trong thời gian

C. Nỗi nhớ đi sâu vào ý thức, tiềm thức và đi cả vào trong giấc mơ

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 4: Những câu thơ dưới đây sử dụng thủ pháp nghệ thuật gì?

“Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương”

A. Phép điệp, nghệ thuật đối lập

B. Ẩn dụ, so sánh

C. Ẩn dụ, nhân hóa

D. Phép điệp, so sánh

Văn bản Lời tiễn dặn

Câu 5: Bối cảnh câu chuyện trong văn bản Lời tiễn dặn là gì?

A. Người con trai ra trận trong sự quyến luyến của mọi người

B. Người con gái về nhà chồng

C. Cô gái và chàng trai yêu nhau nhưng không đến được với nhau.

D. Đáp án khác

Câu 6: Đoạn trích cho biết điều gì về không gian tồn tại và đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào dân tộc Thái

A. Tâm hồn đa sầu đa cảm

B. Khát khao hạnh phúc lứa đôi

C. Thủy chung, một lòng một dạ

D. Tất cả các đáp án trên

Văn bản Tôi yêu em

Câu 7: “Tôi yêu em: đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”

Câu thơ trên sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?

A. So sánh

B. Ẩn dụ

C. Nhân hóa

D. Hoán dụ

Câu 8: Cách dùng từ “có lẽ, chưa tắt hẳn” thể hiện cảm xúc gì của tác giả?

A. Sự dè dặt

B. Thể hiện tình yêu âm ỉ, dai dẳng

C. Thể hiện sự buông bỏ

D. A và B đúng

Câu 9: Câu thơ nào trong bài thơ Tôi yêu em thể hiện nhân cách cao thượng của tác giả?

A. Tôi yêu em: đến nay chừng có thể/ Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;

B. Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,/ Hay hồn em phải gợn bóng u hoài

C. Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,/ Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,

D. Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,/ Cầu em được người tình như tôi đã yêu em

Văn bản Nỗi niềm tương tư

Câu 10: Quyết tâm đoàn tụ của hai người được thể hiện qua câu thơ nào?

A. Sao Khun Lú trên trời còn đợi

Áng mây kia vương vấn còn chờ

B. Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông.

Không lấy được nhau thời trẻ ta sẽ lấy nhau lúc góa bụa về già.

C. Chỉ cá liền với nước

Chỉ lúa liền với ruộng

D. Anh yêu em, lẽ tiễn đưa em đến tận nhà chồng

Câu 11: Giá trị nội dung của tác phẩm Nỗi niềm tương tư là gì?

A. Thể hiện rõ nét tâm trạng của chàng Tú Uyên đem lòng thương nhớ, tương tư nàng Giáng Kiều

B. Mang thông điệp về sự thủy chung trong tình yêu

C. Thể hiện tình cảm gia đình gắn bó

D. A và B đúng

Câu 12: Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm Nỗi niềm tương tư là gì?

A. Xây dựng hình tượng nhân vật độc đáo

B. Kết hợp yếu tố tự sự và trữ tình đặc sắc

C. Sử dụng nhiều điển tích điển cố

D. A và B đúng

Văn bản Trao duyên

Câu 13: Thúy Kiều dùng những từ như “cậy”, “thưa” cùng hành động “lạy” là muốn thể hiện điều gì?

A. Việc Kiều nhờ em rất thiêng liêng.

B. Kiều đặt Vân vào hoàn cảnh không thể từ chối.

C. Kiều đang trong một hoàn cảnh đặc biệt khác thường, nài ép Vân phải nhận.

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 14: Khi kể về mối tình với chàng Kim, Thúy Kiều đã nhắc đến điển tích điển cố, thành ngữ nào?

A. Đứt gánh tương tư, chắp nối, quạt ước chén thề

B. Mối tơ thừa, chắp mối, quạt ước chén thề

C. Đứt gánh tương tư, mối tơ thừa, chắp mối, quạt ước chén thề

D. Đứt gánh tương tư, quạt ước chén thề

Văn bản Đọc Tiểu Thanh kí

Câu 15: "Son phấn", "văn chương" là để nói về điều gì ở Tiểu Thanh?

A. Là cô gái xinh đẹp, tài hoa

B. Là cô gái điệu đà

C. Là cô gái tài năng

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 16: Việc sử dụng phép đối trong các câu thơ thực và luận thể hiện điều gì?

A. Thể hiện tấm lòng nhân đạo của tác giả

B. Thể hiện nỗi oán thán của nàng Tiểu Thanh với số phận

C. Thể hiện cái tài, cái sắc đi kèm với số phận bi thảm, đau khổ

D. Tất cả các đáp án trên

Văn bản Chí Phèo

Câu 17: Ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo là:

A. Tiếng chửi trong vô thức của một tên say rượu

B. Khát khao được giao tiếp với mọi người của Chí Phèo

C. Thể hiện tâm trạng phẫn uất cùng cực của Chí

D. B và C đúng

Câu 18: Ý nghĩa chi tiết cái lò gạch bỏ hoang xuất hiện ở đầu và cuối tác phẩm Chí Phèo là:

A. Nhấn mạnh một lần nữa lai lịch của Chí Phèo

B. Gợi niềm thương cảm sâu sắc đối với số phận người nông dân nghèo bị tha hóa như Chí Phèo

C. Dự báo về tương lai đứa con Chí Phèo cũng sẽ bị cuộc đời bỏ quên

D. Đưa ra lời cảnh báo về một quy luật: còn tồn tại cái xã hội làng Vũ Đại thì còn có kẻ bị tha hóa, bi kịch như Chí Phèo

Văn bản Chữ người tử tù

Câu 19: Tình huống truyện của tác phẩm Chữ người tử tù là:

A. Huấn Cao đứng đầu một cuộc tạo phản chống lại triều đình

B. Cuộc gặp gỡ tình cờ, éo le và trở thành tri âm, tri kỉ trong một hoàn cảnh đặc biệt giữa Huấn Cao và quản ngục

C. Cảnh cho chữ, một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 20: Việc xây dựng tình huống truyện đặc biệt có tác dụng:

A. Làm nổi bật vẻ đẹp hình tượng Huấn Cao

B. Thể hiện chủ đề tác phẩm: cả ngợi cái đẹp, cái thiện có thể chiến thắng cái xấu, cái ác ở ngay nơi bóng tối bao trùm, nơi cái ác ngự trị

C. Làm sáng tỏ lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục

D. Tất cả các đáp án trên

Văn bản Phải coi luật pháp như khí trời để thở

Câu 21: Ý nghĩa của việc nêu thông tin bằng cách kể chuyện là gì?

A. Làm cho thông tin thêm tính xác thực

B. Thu hút người đọc

C. Lập luận rõ ràng

D. A và B đúng

Văn bản Tạ Quang Bửu – người thầy thông thái

Câu 22: Điều gì khiến Giáo sư Lê Văn Thiêm kinh ngạc về Tạ Quang Bửu?

A. Vì thấy Tạ Quang Bửu hiểu biết rất nhiều lĩnh vực

B. Vì thấy Tạ Quang Bửu dù bận rộn với công việc vẫn dành ra thời gian để đọc sách.

C. Vì Tạ Quang Bửu rất giản dị

D. Vì Tạ Quang Bửu có một kho sách rất lớn

Văn bản tiếng Việt lớp trẻ bây giờ

Câu 23: Nội dung của phần sa pô là gì?

A. Đồng tình với lối nói, lối viết của giới trẻ hiện nay

B. Bất bình với lối nói, lối viết của giới trẻ hiện nay

C. Thắc mắc với lối nói, lối viết của giới trẻ hiện nay

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 24: Đâu là loại sáng tạo “lệch chuẩn” ngôn từ được đề cập trong bài viết là:

A. Sáng tạo ra nhiều kiểu nói, dựa trên hiện tượng đồng âm nối từ

B. Sử dụng “tiếng lóng”

C. Sử dụng “teencode”

D. Tất cả các đáp án trên

2. Phần tiếng Việt

a. Biện pháp lặp cấu trúc

Câu 1: Xác định câu văn KHÔNG sử dụng phép lặp cú pháp trong đoạn trích sau?

“Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa."

(Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh)

A. Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa

B. Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

C. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị.

D. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập

Câu 2: Lặp cấu trúc thường được dùng nhiều trong:

A. Phong cách ngôn ngữ chính luận

B. Phong cách ngôn ngữ văn chương

C. Phong cách ngôn ngữ báo chí

D. A và B đúng

Câu 3: Câu văn sau sử dụng phép liên kết gì?

Nghệ thuật nói nhiều với tư tưởng nữa, nghệ thuật không thể nào thiếu tư tưởng. Không tư tưởng, con người có thể nào còn là con người

A. Phép lặp từ ngữ

B. Phép trái nghĩa

C. Phép đồng nghĩa

D. Phép thế

b. Biện pháp tu từ đối

Câu 4: Đáp án nào dưới đây KHÔNG sử dụng phép đối?

A. Có bầu, có bạn, can chi tủi,

Cùng gió, cùng mây, thế mới vui.

(Muốn làm thằng Cuội – Tản Đà)

B. Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử

Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi.

(Bài 77: Thế gian biến đổi - Nguyễn Bỉnh Khiêm)

C. Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng.

D. Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề

(Nguyễn Du)

Câu 5: Câu nào là vế đối của câu: “Tết đến, cả nhà vui như tết”

A. Xuân đến, khắp nước vui như Tết

B. Xuân về, khắp nước trẻ cùng xuân

C. Xuân sang, khắp nước vui cùng Tết

D. Xuân qua, khắp nước trẻ hơn xuân

c. Đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

Câu 6: Phương tiện sử dụng của ngôn ngữ nói là:

A. Âm thanh

B. Cử chỉ, điệu bộ

C. Nét mặt

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 7: Hạn chế của ngôn ngữ nói là:

A. Người nói và người nghe khó hiểu ý nhau

B. Khó phổ biến rộng và lưu giữ lâu dài

C. Khó khăn trong việc truyền tải

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 8: Phương tiện trong ngôn ngữ viết được kết hợp với:

A. Hình ảnh

B. Kí hiệu

C. Sơ đồ

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 9: Đặc điểm của ngôn ngữ viết là gì?

A. Được thể hiện qua chữ viết trong văn bản, hình thành một cách có chọn lọc kĩ càng, có suy nghĩ và căn chỉnh một cách cẩn thận

B. Được thể hiện qua hình vẽ, màu sắc, bố cục

C. Được thể hiện qua lời nói, truyền miệng từ người này sang người kia

D. Đáp án khác

Câu 10: Từ ngữ trong ngôn ngữ viết có đặc điểm gì?

A. Từ ngữ được thoải mái viết theo ý thích của người biên soạn

B. Từ ngữ được lựa chọn, thay thế nên có điều kiện đạt được tính chính xác, tránh các từ ngữ địa phương, tiếng lóng, tiếng tục

C. Từ ngữ được quy định theo từng địa phương, không thống nhất

D. Từ ngữ phải thay đổi theo ý độc giả

Câu 11: Ngôn ngữ viết thường là ngôn ngữ:

A. Dùng để trao đổi giữa hai người với nhau

B. Không trau chuốt, hoàn chỉnh

C. Được trau chuốt, hoàn chỉnh

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 12: Trong những trường hợp sau, trường hợp nào mang đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ viết?

A. Bài báo ghi lại cuộc đàm thoại

B. Biên bản ghi lại những lời phát biểu trong cuộc họp

C. Lời thuyết trình theo một văn bản chuẩn bị trước

D. Đoạn đối thoại của các nhân vật trong tác phẩm văn học

Câu 13: So với ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết:

A. Được lựa chọn rất kĩ càng, chính xác

B. Các truyền đạt tới người tiếp nhận được cụ thể

C. Người đọc có thể xem đi xem lại nhiều lần

D. Tất cả các đáp án trên

d. Các hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường

Câu 14: Có những hiện tượng phá vỡ nguyên tắc trong ngôn ngữ nào?

A. Tạo ra những kết hợp từ trái logic nhằm “lạ hóa” đối tượng được nói tới

B. Sử dụng hình thức đảo ngữ để nhấn mạnh một đặc điểm nào đó của đối tượng miêu tả, thể hiện.

C. Cung cấp nét nghĩa mới cho từ ngữ nhằm đưa đến phát hiện bất nhờ về đối tượng được đề cập.

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 15: Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

(Tràng giang)

Câu thơ trên sử dụng hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường nào?

A. Bổ xung chức năng mới cho dấu câu (khi trình bày văn bản trên giấy)

B. Sử dụng hình thức đảo ngữ để nhấn mạnh một đặc điểm nào đó của đối tượng miêu tả, thể hiện.

C. Tạo ra những kết hợp từ trái logic nhằm “lạ hóa” đối tượng được nói tới

D. Bổ xung chức năng mới cho dấu câu (khi trình bày văn bản trên giấy)

Câu 16: Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi

(Vội vàng, Xuân Diệu)

Câu thơ trên sử dụng hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường nào?

A. Bổ xung chức năng mới cho dấu câu (khi trình bày văn bản trên giấy)

B. Sử dụng hình thức đảo ngữ để nhấn mạnh một đặc điểm nào đó của đối tượng miêu tả, thể hiện.

C. Tạo ra những kết hợp từ trái logic nhằm “lạ hóa” đối tượng được nói tới

D. Bổ xung chức năng mới cho dấu câu (khi trình bày văn bản trên giấy)

Lỗi về thành phần câu và cách sửa

Câu 17: Có thể đặt những câu hỏi nào khi gặp một câu khó hiểu?

A. Vì câu đó sử dụng những từ ngữ khó hiểu?

B. Vì câu thiếu thành phần chính?

C. Vì câu thiếu lô - gíc?

D. Tất cả các đáp án trê

Câu 18: Có thể sửa lỗi về thành phần câu bằng cách nào?

A. Bổ xung từ ngữ để làm thành phần bị thiếu

B. Cắt bớt từ ngữ để từ ngữ còn lại đảm nhận được vai trò của thành phần bị thiếu

C. Thay đổi trật tự từ ngữ để một từ ngữ nhất định đảm nhận được vai trò của thành phần bị thiếu

D. Tất cả các đáp án trên

3. Phần làm văn

a. Viết bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý

Đề 1: “Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết” (B.Babbles). Hãy trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.

Đề 2: Phân tích và làm sáng tỏ ý nghĩa của câu nói: “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Bá Học)

Đề 3: “Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết”. Viết bài văn nêu ý kiến của anh/chị về câu nói trên

b. Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

Đề 1: Viết bài văn nghị luận về khát khao tình yêu của người phụ nữ trong bài thơ Sóng

Đề 2: Viết bài văn nghị luận về cái đẹp được hiện lên qua tác phẩm Chữ người tử tù

Đề 3: Phân tích tâm trạng Thúy Kiều trong đoạn trích Trao duyên

c. Viết bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học

Đề 1: Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người (Đỗ Trung Quân). Hai câu thơ trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về tình cảm quê hương?

Đề 2: Từ văn bản Chí Phèo, hãy trình bày suy nghĩ của em về số phận của người nông dân trong xã hội cũ

d. Viết bài thuyết minh tổng hợp

Đề 1: Thuyết minh về một lễ hội em được tham gia hoặc biết đến

Đề 2: Em hãy viết bài thuyết minh giới thiệu một số phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam

C. LỜI GIẢI CHI TIẾT

1. Phần đọc hiểu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

C

B

D

A

C

D

B

D

D

B

D

D

D

C

A

C

D

D

D

D

B

B

D

D

2. Phần tiếng Việt

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

C

D

A

A

B

D

B

D

A

B

C

C

D

D

B

C

D

D

3. Phần làm văn

a. Viết bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý

Đề 1: “Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết” (B.Babbles). Hãy trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: câu nói: “Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết”.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.

2. Thân bài

a. Giải thích

Ý câu nói nhắn nhủ đến những người mẹ dù cho có yêu thương con cái đến đâu đi chăng nữa thì hãy nghiêm khắc với con của mình, dạy chúng thành người thật tốt, hãy để chúng tự bước đi trên đôi chân của mình, tự lập với cuộc sống của chính mình.

b. Phân tích

Người mẹ nào cũng đều rất thương con, muốn mang đến cho con mình những điều tuyệt vời nhất, đẹp đẽ nhất để chúng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn nhưng chính suy nghĩ, hành động bao bọc đó làm cho những người con không được va vấp với bên ngoài, không rút ra được những kinh nghiệm sống riêng cho bản thân, từ đây sẽ khó có thể có được thành công trong cuộc sống.

Người mẹ hãy là hậu phương cho những người con, hãy dạy chúng tự lập, tự đứng trên đôi chân của mình, tự tạo ra cho bản thân giá trị tốt đẹp để trở thành người công dân tốt, cống hiến cho xã hội.

Mẹ cha không thể theo ta đến hết đời, chỉ có thể dìu dắt con cái đi một đoạn đường ngắn, chính vì thế, việc dạy dỗ, uốn nắn con trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đến chúng có thể thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt ngoài kia.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những người mẹ biết cách dạy con tự lập để minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người mẹ vô tâm, không yêu thương con mình, thậm chí là bỏ rơi con khi con còn rất nhỏ. Lại có những người mẹ quá yêu thương, cưng chiều con của mình khiến chúng trở nên hư hỏng,… Những trường hợp này thật đáng chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: câu nói: “Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết” đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Đề 2: Phân tích và làm sáng tỏ ý nghĩa của câu nói: “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Bá Học)

1. Mở bài:

– Sức mạnh của ý chí quyết định sự thành bại trong mọi công việc. Thiếu ý chí thì sẽ khó vượt qua trở ngại để thành công.

– Dẫn câu danh ngôn.

2. Thân bài:

a. Giải thích ý nghĩa câu nói:

– Nghĩa đen: Đường đi có nhiều chướng ngại, vất vả. Ta muốn đến nơi phải quyết tâm vượt qua núi cao sông sâu.

– Nghĩa bóng:

+ Đường: Dẫn đến đích mà con người muốn đạt được.

+ Sông, núi: Những trở ngại lớn của hoàn cảnh khách quan.

+ Lòng người: Ý chí, nghị lực của con người.

– Sức mạnh của ý chí giúp con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để thành công.

b. Vì sao đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông?

– Vì sao đường đi không khó vì những trở ngại khách quan? (Trong cuộc đời tuy có nhiều trở ngại thật, nhưng không phải là không thể chiến thắng. Núi cao đến mấy, sông rộng đến mấy, người ta vẫn có thể vượt qua. Cũng vậy, mọi khó khăn, gian lao trên đường đời chỉ là thử thách ý chí, nghị lực của ta chứ không thể làm cho ta lùi bước nếu ta quyết tâm).

– Vì sao đường đi lại khó vì lòng người ngại núi e sông? (Điều kiện quyết định để thực hiện ý muốn của mình là ý chí và nghị lực. Với lòng quyết tâm, con người có thể vượt qua thử thách để đạt mục đích mà mình đã chọn. Thiếu ý chí, thiếu nghị lực thì cho dẫu đường đời thuận lợi, cũng khó vượt qua để đến đích).

* Dẫn chứng:

– Trong sách vở, tác phẩm văn học.

– Trong lịch sử, trong thực tế (gương các danh nhân, các gương vượt khó trong cuộc sống…)

c. Rút ra bài học: Xem việc rèn luyện ý chí là không thể xao lãng. Chỉ có quyết tâm vượt khó mới đem lại thành công trên đường đời.

3. Kết bài:

– Câu danh ngôn là một chân lí, khẳng định vai trò của ý chí, quyết tâm và nghị lực trong cuộc sống.

– Liên hệ thực tế bản thân trong học tập và cuộc sống.

Đề 3: “Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết”. Viết bài văn nêu ý kiến của anh/chị về câu nói trên

A. Mở bài

- Trong cuộc sống nhiều khi người ta chỉ nghĩ đến ngợi ca lòng vị tha, tình đoàn kết mà ít chú ý đến phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người. Hai vấn đề ấy thực chất cũng thống nhất như thứ tình cảm yêu- ghét nhất quán trong mỗi con người vậy. Có thể nói chúng quan trọng và cần thiết như nhau.

- Bởi vậy có ý kiến cho rằng “ Phê phán….đoàn kết”

B. Thân bài

1. Giải thích

a. Lòng vị tha, tình đoàn kết

- Lòng vị tha: là tấm lòng vì người khác, hiểu rộng hơn là bản thân luôn vì lợi ích chung của cộng đồng hay xã hội.

- Tình đoàn kết: là thứ tình cảm làm cho nhiều người liên hiệp với nhau, tạo thành sức mạnh kết nối, gắn bó trên cơ sở lí tưởng chung, lợi ích chung nào đó.

- Vì vậy có thể khẳng định, lòng vị tha và tình đoàn kết là những tình cảm cao đẹp của con người, có thể tạo nên mối quan hệ hết sức tốt đẹp, giữa người với người trong xã hội. Thậm chí, có thể hóa giải mọi sự ích kỉ, tư lợi. Từ đó con người có thể vượt qua được nhiều khó khăn, chướng ngại trong cuộc sống, sống đẹp hơn, có ích hơn.

b.Thái độ thờ ơ, lạnh nhạt

- Trong khi đó, sự thờ ơ, lạnh nhạt lại mang một giá trị ngược lại, bởi đó là thứ tình cảm mà ở đó con người ta không hề quan tâm tới, hoặc giả không có một chút tình cảm gì đối với con người và cuộc sống; không có cả những biểu hiện tình cảm thân mật, gần gũi trong giao tiếp, ứng xử giữa con người với con người.

- Vì thế, thái độ thờ ơ lạnh nhạt với con người không gì khác chính là dấu hiệu của thái độ sống ích kỉ, nhỏ nhen.

c. Phê phán… đoàn kết: thực chất là hai mặt của một vấn đề, đều chung một mục đích là xây dựng lối sống đúng đắn và cao đẹp.

2. Bàn luận

a. Chứng minh trong cuộc sống và văn học:

* Trong cuộc sống: (Có thể nêu những biểu hiện dễ thấy hoặc diễn đạt những suy nghĩ của cá nhân)

- Rất nhiều người có cuộc sống bấp bênh, khó khăn, thậm chí đau đớn, tủi nhục (mảnh đời lang thang, cơ nhỡ; những người bị bạo hành, đánh đập dã man; những tai nạn thương tâm, ...). Song mấy ai có thể chia sẻ hết. Điều đáng nói là, những biểu hiện đó diễn ra trước mắt, mà vẫn không ai lên tiếng, không ai đưa ra bàn tay giúp đỡ (đặc biệt những vụ bạo hành trẻ em xảy ra gần đây...)

- Có những kẻ lấy việc soi mói, dằn vặt những điểm yếu, vết thương, nỗi đau mặc cảm của người khác làm đề tài trao đổi, bàn luận, rồi rốt cục không giúp được gì, trái lại càng khiến họ cảm thấy bị xúc phạm, làm tổn thương hơn.

- Có những lời góp ý quá khắt khe, phủ sạch hoàn toàn, trù dập người khác, khiến tập thể tan rã, ảnh hưởng đến các mối quan hệ tốt đẹp.

→ Từ đó: Trong cuộc sống rất cần:

- Nhắc nhở, khuyên nhủ ai đó chưa biết quan tâm, cảm thông chia sẻ với những khó khăn, vất vả… của người thân hoặc có những lời lẽ, việc làm, ứng xử khiến cho người thân phải buồn khổ.

- Tỏ thái độ không đồng tình với những người vô tâm chạm vào nỗi đau của người khác

- Bất bình trước thái độ dửng dưng, giễu cợt, nhạo báng những người tàn tật

- Lên án những kẻ xúc phạm nhân phẩm, danh dự

* Trong văn học:

- Trong các sáng tác văn học dân gian: mẹ con Cám, Sọ Dừa,

- Tác phẩm của Thạch Lam (Nhà mẹ Lê, Một cơn giận,…)

- Trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố: vợ chồng Nghị Quế

- Những đứa con đại bất hiếu, những con người tham gia đám tang trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” (Trích “Số đỏ”) và thái độ của tác giả.

* Cách thức phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt: Phê phán trung thực, xuất phát từ thái độ thiện chí với tinh thần xây dựng

b. Bác bỏ những biểu hiện sai lệch:

- Lên án những kẻ ngụy biện cho thái độ thờ ơ lạnh nhạt (VD lấy lí do cuộc sống có quá nhiều sức ép: gia đình, công việc…)

- Lên án lối phê phán nhằm hạ thấp, xúc phạm

- Biểu hiện ngộ nhận: quan tâm, can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư là vi phạm quyền cá nhân, thực ra đó là lối sống “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”

3. Bài học nhận thức và hành động

- Điều quan trọng là luôn biết nhận ra, biết xẩu hổ với những biểu hiện sống thờ ơ, lạnh nhạt của chính mình.

- Nghiêm khắc với chính bản thân, quyết tâm khắc phục, từ bỏ lối sống thờ ơ lạnh nhạt nếu mình đã vô tình mắc phải.

- Hành động tích cực để vươn tới một XH tốt đẹp (với bạn bè, người xung quanh mình…)

C. Kết luận

- Làm điều xấu tất nhiên là không tốt nhưng thấy cái xấu mà không phê phán, lên án thì cũng chưa phải là tốt.

- Ý kiến nói trên đúng vì có thể giúp mỗi cá nhân khắc phục cách ứng xử có tính chất cực đoan trước vấn đề đạo đức nhân sinh nảy sinh trong đời sống XH hiện nay.

b. Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

Đề 1: Viết bài văn nghị luận về khát khao tình yêu của người phụ nữ trong bài thơ Sóng

1. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm: Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu nhất thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói đầy cảm xúc, có sắc thái rất riêng, đậm chất nữ tính của một tâm hồn phụ nữ rất thông minh, sắc sảo, giàu yêu thương. “Sóng” được sáng tác năm 1967, là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.

- Giới thiệu về luận đề: Bài thơ “Sóng” là tiếng lòng chân thành, bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.

2. Thân bài

- Giới thiệu hình tượng sóng: Là một sáng tạo độc đáo của Xuân Quỳnh. “Sóng” là sự ẩn thân, hóa thân của nhân vật trữ tình “em”. Qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh diễn tả cụ thể, sinh động những trạng thái, cung bậc tình cảm, tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu: nhân hậu, khao khát yêu thương và luôn hướng tới một tình yêu cao thượng, lớn lao.

- Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu:

+Thể hiện tiếng nói của trái tim tuổi trẻ mang khát vọng tình yêu muôn thuở (Ôi con sóng ngày xưa/ Và ngày sau vẫn thế/ Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ).

+Khao khát khám phá sự bí ẩn của quy luật tình yêu nhưng không tìm thấy câu trả lời (Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau).

+Bộc lộ một tình yêu sôi nổi, đắm say, nồng nàn, mãnh liệt, một nỗi nhớ cồn cào, da diết, chiếm lĩnh cả thời gian và không gian (Con sóng dưới lòng sâu/Con sóng trên mặt nước… Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức…).

+Luôn hướng tới một tình yêu thủy chung, son sắt (Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh – một phương).

+Ước vọng có một tình yêu vĩnh hằng, bất tử để làm đẹp cho cuộc đời (Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ).

- Đặc sắc nghệ thuật: ẩn dụ (mượn hình tượng sóng để thể hiện tình yêu một cách sinh động, gợi cảm); thể thơ năm chữ với nhịp điệu linh hoạt, nhịp nhàng gợi âm vang của sóng; ngôn từ giản dị, trong sáng, hình ảnh thơ giàu sức gợi.

- Bàn luận chung: Bài thơ đã thể hiện nổi bật vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu: chân thành, say đắm, nồng nàn, mãnh liệt, thủy chung, trong sáng, cao thượng. Nó vừa mang nét đẹp tình yêu của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, vừa có nét táo bạo, chủ động đến với tình yêu của người phụ nữ Việt Nam hiện đại.

3. Kết bài

- Đánh giá chung: “Sóng” là bài thơ tiêu biểu của Xuân Quỳnh và của thơ ca Việt Nam hiện đại viết về đề tài tình yêu.

- Khẳng định: Giá trị nhân văn của bài thơ chính là sự khắc họa vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.

Đề 2: Viết bài văn nghị luận về cái đẹp được hiện lên qua tác phẩm Chữ người tử tù

I. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về tác giả Nguyễn Tuân: Một cây bút tài hoa độc đáo, có vị trí quan trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam

- Khái quát chung về tác phẩm Một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách tài hoa nghệ sĩ của ông, được in trong tập Vang bóng một thời (1940)

II. Thân bài

1. Tình huống truyện

Không gian: nhà tù. Đây không phải là nơi dành cho những cuộc gặp gỡ.

Thời gian: những ngày cuối cùng trước khi ra pháp trường của Huấn Cao.

→ Không gian và thời gian góp phần tạo nên kịch tính cho tình huống.

- Cuộc gặp gỡ khác thường của hai con người khác thường :

→ Cuộc hội ngộ diễn ra giữa chốn ngục tù căng thẳng

2. Nhân vật Huấn Cao

a. Một người nghệ sĩ tài hoa

- Người khắp vùng tỉnh Sơn khen Huấn Cao là người:

Có tài viết chữ “rất nhanh và rất đẹp”.

“Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm … có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật ở trên đời”.

b. Một con người có khí phách hiên ngang bất khuất

- Là thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa chống lại triều đình.

- Ngay khi đặt chân vào nhà ngục: Thản nhiên rũ rệp trên thang gông:

→ khí phách, tiết tháo của nhà Nho

- Khi được viên quản ngục biệt đãi: “Thản nhiên nhận rượu thịt” như “việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh”

→ phong thái tự do, ung dung, xem nhẹ cái chết.

- Trả lời quản ngục bằng thái độ khinh miệt: “Ngươi hỏi ta muốn gì ...vào đây”.

→ Không khuất phục trước cường quyền.

→ khí phách của một người anh hùng.

c. Một nhân cách, một thiên lương cao cả

- Tâm hồn trong sáng, cao đẹp: “Không vì vàng ngọc hay quyền thê mà ép mình viết câu đối bao giờ” → trọng nghĩa, khinh lợi, chỉ cho chữ những người tri kỷ.

- Khi chưa biết tấm lòng của quản ngục: xem y là kẻ tiểu nhân

- Khi biết tấm lòng”biệt nhỡn liên tài” của quản ngục: Huấn Cao nhận lời cho chữ

→ Chỉ cho chữ những người biết trân trọng cái tài và quý cái đẹp.

- Câu nói của Huấn Cao với quản ngục: “Thiếu chút nữa ... trong thiên hạ”

→ Sự trân trọng đối với những người có sở thích thanh cao, có nhân cách cao đẹp.

Huấn Cao là một anh hùng - nghệ sĩ, một thiên lương trong sáng.

3. Nhân vật quản ngục

a. Tấm lòng biệt nhỡn liên tài

- Trong những ngày Huấn Cao trong ngục, quản ngục luôn bày tỏ thái độ nghiêm kính khiêm nhường

- Dũng cảm biệt đãi Huấn Cao

- Cảm thấy tiếc nuối khi biết Huấn Cao sắp phải từ giữ cõi đời: “Bấy nhiêu ...vũ trụ”.

b. Sự khát khao và trân trọng cái đẹp

- Khát khao cái đẹp: mong ước của ông là “được treo ở nhà riêng một đôi câu đối” do chính tay Huấn Cao viết.

- Lo lắng nếu như không xin được chữ ông Huấn trước khi bị hành hình thì “ân hận suốt đời mất”

4. Cảnh cho chữ

- Thời gian: đêm trước khi Huấn Cao ra pháp trường chịu án chém, khi chỉ còn “vẳng có tiếng mõ trên vọng canh”

- Địa điểm: trại giam tỉnh Sơn

- Không gian: buồng tối chật hẹp, ẩm ướt...

- Đây là "cảnh tượng xưa nay chưa từng có"

Thân phận và hành động của người cho chữ và nhận chữ đặc biệt:

Xây dựng được các cặp phạm trù đối lập nhau

- Chi tiết quản ngục cúi đầu vái lạy người tử tù Huấn Cao: sự thức tỉnh trước cái đẹp, quản ngục đã thoát ra những cái tầm thường, ràng buộc để vươn tới cái cao đẹp.

→ Toàn bộ cảnh cho chữ là bài ca tôn vinh cái đẹp, cái thiện, cái thiên lương của con người trong hoàn cảnh tối tăm ngục tù bậc nhất.

III. Kết bài

Khẳng định những nét nghệ thuật đặc sắc làm nên thành công của tác phẩm

Chữ người tử tù là một văn phẩm xuất sắc đạt “gần đến sự toàn thiện, toàn mĩ” (Vũ Ngọc Phan)

Đề 3: Phân tích tâm trạng Thúy Kiều trong đoạn trích Trao duyên

1. Mở bài:

Giới thiệu vài nét đặc sắc nhất về tác giả, tác phẩm và vị trí của đoạn tích.

Dẫn dắt đặt vấn đề (theo yêu cầu đề ra).

2. Thân bài:

- Đoạn 1: Thúy Kiều nhờ Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.

(“Cậy em em có chịu lời…phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”)

Kiều nhờ cậy Vân, lời nhờ cậy có sắc thái khác thường (cậy, chịu lời, lạy, thưa). Lời xưng hô của Kiều vừa như trông cậy, vừa như nài ép, phù hợp để nói về vấn đề tế nhị “tình chị duyên em”.

Nhắc nhở mối tình của mình với chàng Kim: thắm thiết nhưng mong manh, nhanh tan vỡ.

Cách nói của Kiều thể hiện sự thông minh khôn khéo, qua đó thể hiện tài năng bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Du.

+ Kiều trao duyên cho em. Chú ý cách trao duyên – trao lời tha thiết, tâm huyết; trao kỉ vật lại dùng dằng nửa trao, nửa níu – để thấy tâm trạng của Kiều trong thời khắc đoạn trường này: Kiều đang mâu thuẫn giữa hành động và lời nói, lí trí và tình cảm. Kiều trao duyên chứ không muốn trao tình.

- Đoạn 2: Tâm trạng của Kiều sau khi trao duyên

(Mai sau dù có bao giờ...thiếp đã phụ chàng từ đây)

Dự cảm về cái chết cứ trở đi, trở lại trong tâm hồn Kiều ; trong lời độc thoại nội tâm đầy đau đớn,Kiều hướng về người yêu với tất cả tình yêu thương và mong nhớ.

Từ chỗ nói với em Kiều chuyển sang nói với mình, nói với người yêu ; từ giọng đau đớn chuyển thành tiếng khóc, khóc cho mình, khóc cho mối tình đầu trong sáng, đẹp đẽ vừa mới chớm nở đã tan vỡ.

→ Với nghệ thuật miêu tả tinh tế diễn biến nội tâm nhân vật và ngôn ngữ độc thoại sinh động, đoạn trích Trao duyên đã ánh lên vẻ đẹp nhân cách Thúy Kiều thể hiện qua nỗi đau đớn khi tình yêu tan vỡ và sự hy sinh đến quên mình vì hạnh phúc của người thân.

3. Kết bài:

Tài năng xuất sắc của Nguyễn Du trong việc khám phá và thể hiện quy luật nội tâm sâu sắc của con người.

Đoạn trích thể hiện bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh và nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều, qua đó thấy được cái nhìn hiện thực và nhân đạo của Nguyễn Du

c. Viết bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học

Đề 1: Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người (Đỗ Trung Quân). Hai câu thơ trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về tình cảm quê hương?

A. Mở bài

- Quê hương mãi là nguồn cảm hứng vô tận cho văn thơ, nhạc, họa.

- Nghệ thuật là tiếng nói của tâm hồn mà một trong những tiếng nói tha thiết của tâm hồn là tình quê hương.

- Dẫn khổ thơ của Đỗ Trung Quân để đi đến luận điểm: Tình quê hương có vai trò rất lớn trong việc tôi luyện nên người.

B. Thân bài

1. Hai câu đầu gợi lên nhiều cách hiểu về quê hương:

- Quê hương hiểu theo nghĩa hẹp là quê cha đất tổ, gắn với gia đình, dòng họ, mồ mả, bàn thờ tổ tiên.

- Quê hương hiểu theo nghĩa rộng là đất nước.

- Nói “Quê hương mỗi người chỉ một” là nhấn mạnh sự duy nhất cũng như vai trò quan trọng của quê hương trong tình cảm của mỗi con người. “Như là chỉ một mẹ thôi”: khẳng định sự duy nhất nêu trên như một quy luật của tự nhiên về nguồn gốc con người. Đã là quy luật tự nhiên thì điều đó (mỗi người chỉ một quê hương) là không bao giờ thay đổi.

- Mặt khác còn là nói lên tình đất nước như tình mẫu tử, một tình cảm sâu nặng nhất của con người, của cả muôn loài.

- Tình yêu mẹ, yêu làng, yêu đất nước là thống nhất: Càng yêu gia đình thì càng yêu làng và càng yêu làng thì càng yêu đất nước. Trung thành với đất nước là “đại hiếu” (theo lời Phi Khanh nói với Nguyễn Trãi).

- Trong mối quan hệ đó, đôi khi trong một hoàn cảnh cụ thể vẫn nảy sinh mâu thuẫn, buộc người ta phải lựa chọn, lúc đó phải để tình đất nước lên trên (Nguyễn Trãi nén nỗi đau từ biệt cha quay về tìm đường cứu nước, các thanh niên từ biệt mẹ già, làng xóm, lên đường nhập ngũ ra tiền tuyến;...).

2. Hai câu sau tác giả muốn nói rõ vai trò quê hương đôi vỏi sự trưởng thành của mỗi con người:

a) Cần hiểu “nhớ quê” cho đầy đủ ỷ nghĩa:

- “Nhớ”: một biểu hiện của tình cảm lưu giữ rõ nét đến từng chi tiết con người, cảnh vật quê hương và lúc nào cũng nghĩ đến và tha thiết muốn gặp lại.

- Nhớ quê là không chỉ nói nhớ một vùng đất, một lãnh thổ mà nhớ nhiều về cội nguồn, lịch sử, văn hóa, thuần phong mĩ tục, về con người đang đổ mồ hôi sôi nước mắt cho quê hương, đất nước,...

- Không chỉ ôm nỗi nhớ suông, nhớ quê là phải làm gì cho quê hương, có hoài bão xây dựng quê hương.

b) “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”:

- Với cách hiểu như trên thì thấy tình quê hương đất nước có ý nghĩa to lớn trong nhân cách một con người.

- Đối với tuổi trẻ, hai câu thơ cảnh tỉnh những kẻ không nhớ quê hương, cội nguồn và nhấn mạnh phải chăm lo bồi đắp tình cảm quê hương như đã nêu. Không nên chỉ chăm lo bồi dưỡng trí tuệ, sức khỏe, vật chất,...

(Có thể nêu dẫn chứng về số phận của những kẻ phản bội quê hương, đất nước).

C. Kết bài

- Tiếng nói tha thiết và độc đáo của Đỗ Trung Quân khiến bài thơ đã được phổ nhạc và được các thế hệ yêu mến, thuộc lòng

Đề 2: Từ văn bản Chí Phèo, hãy trình bày suy nghĩ của em về số phận của người nông dân trong xã hội cũ

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Nam Cao và tác phẩm  Chí Phèo

- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận

2. Thân bài

- Qua nhân vật Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã phản ánh một cách chân thực khách quan trong từng chi tiết về nỗi thống khổ của người nông dân bị áp bức, bị lưu manh hóa trước Cách mạng.

- Nam Cao không nói về sưu thuế như Ngô Tất Tố, mà tác giả nói về số phận người lao động bị chà đạp ở hai bình diện:

+Bị tha hóa, lưu manh.

+ Muốn trở lại làm người lương thiện nhưng bị cự tuyệt.

- Nam Cao có cái nhìn mới mẻ, sâu sắc trong việc thể hiện nỗi đau khổ của người nông dân bị áp bức bóc lột trong xã hội cũ. Từ nỗi đau khổ của họ, nhà văn đã biểu hiện thái độ căm thù giai cấp địa chủ, cường hào đã đẩy người nông dân vào chỗ lưu manh hóa.

- Từ hình tượng Chí Phèo sau khi ở tù ra, Nam Cao đã phản ánh được quy luật ở nông thôn nước ta thời thuộc Pháp: người lương thiện bị xô đẩy vào con đường cùng. Họ đã phản kháng lại để tồn tại.

- Nam Cao bày tỏ sự cảm thương cho số phận đau khổ của người nông dân (qua nhân vật Chí Phèo) và tác giả đã viết những trang văn đầy xúc động. Người đọc cảm thương cho người cố nông phai sống trong trạng thái cùng khổ triền miên, bị cướp mất hình người và linh hồn người.

- Nam Cao đã chỉ ra được bản chất lương thiện của người lao động ẩn giấu trong con người lưu manh của họ. Tác giả khẳng định tình người, tình yêu đã sưởi ấm và làm sống dậy trong tâm hồn kẻ bất hạnh như Chí Phèo. Thị Nở và bao kiếp người cùng khốn trong xã hội cũ.

3. Kết bài

- Thể hiện thái độ trân trọng, xót thương của Nam Cao đối với nỗi thống khổ của người nông dân

- Lên án, tố cáo xã hội đương thời

d. Viết bài thuyết minh tổng hợp

Đề 1: Thuyết minh về một lễ hội em được tham gia hoặc biết đến

I. Mở bài

Giới thiệu lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại.

II. Thân bài:

Giới thiệu những đặc điểm của lễ hội theo kết cấu thời gian kết hợp với kết cấu logic.

– Trình bày thời gian tổ chức lễ hội, địa điểm, nguồn gốc lễ hội:

Thời gian cụ thể (thời gian ấy gắn với ý nghĩa lịch sử như thế nào).

Địa điểm tổ chức lễ hội.

Nguồn gốc, lí do tổ chức lễ hội (tôn vinh nét đẹp phong tục truyền thống hay thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại).

– Giới thiệu các công việc chuẩn bị cho lễ hội:

Chuẩn bị các tiết mục biểu diễn.

Chuẩn bị trang trí, tiến trình lễ hội (nếu là lễ hội truyền thống thì chuẩn bị cho việc rước kiệu, trang trí kiệu, chọn người,…).

Chuẩn bị về địa điểm…

– Giới thiệu diễn biến của lễ hội theo trình tự thời gian. Thường lễ hội có hai phần: phần lễ và phần hội.

Nếu là lễ hội tôn vinh nét đẹp phong tục truyền thống thì bao gồm: rước kiệu lễ Phật, dâng hương lễ vật, các hình thức diễn xướng dân gian, các đoàn khách thập phương.

Nếu là lễ hội thể hiện khí thế của thời đại: tuyên bố lí do; các đại biểu nêu ý nghĩa, cảm tưởng về lễ hội, các hoạt động biểu diễn (như đồng diễn, diễu hành, ca nhạc, các trò vui chơi,…)

– Đánh giá về ý nghĩa lễ hội.

III. Kết bài:

Khẳng định lại ý nghĩa lễ hội.

Chú ý: bài văn viết đúng với phong cách của văn thuyết minh, có thể kết hợp thêm các yếu tố miêu tả (đặc điểm, tiến trình của lễ hội), biểu cảm (nêu cảm nhận về ý nghĩa của lễ hội); trình bày sạch đẹp, logic.

Đề 2: Em hãy viết bài thuyết minh giới thiệu một số phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam

a. Mở bài:

Dẫn dắt và giới thiệu về vẻ đẹp phẩm chất của con người Việt Nam.

b. Thân bài:

- Nêu một số phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam như chăm chỉ, sáng tạo, yêu nước, thủy chung,…

- Phân tích các phẩm chất ấy dựa trên các ví dụ, dẫn chứng cụ thể trong đời sống hằng ngày, trong học tập, lao động và chiến đấu.

- Phân tích, lí giải nguồn gốc của các phẩm chất đáng quý ấy.

- Phát biểu suy nghĩ, cảm nhận về những phẩm chất của con người Việt Nam.

c. Kết bài:

Khái quát lại về vai trò, ý nghĩa của những phẩm chất cao đẹp trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.


Cùng chủ đề:

5 đề kiểm tra giữa học kì 1 Văn 11 cánh diều có đáp án và lời giải chi tiết
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HK1 Văn 11 Cánh diều có đáp án
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HK2 Văn 11 Cánh diều có đáp án
Đề thi giữa kì 1 Ngữ Văn 11 Cánh diều có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi giữa kì 1 Ngữ Văn 11 Cánh diều có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi giữa kì 1 Văn 11 Cánh diều - Đề số 1
Đề thi giữa kì 1 Văn 11 Cánh diều - Đề số 2