Đề cương ôn tập học kì 1 Văn 11 - Chân trời sáng tạo
Tải vềGồm nội dung ôn tập và bài tập vận dụng
A. NỘI DUNG ÔN TẬP
1. Phần đọc hiểu
a. Tùy bút, tản văn
- Tùy bút là tiểu loại thuộc loại hình kí; thường tập trung thể hiện cái “tôi” của tác giả, luôn có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình. Ở tùy bút, chi tiết, sự kiện chỉ là cái cớ, là tiền đề để bộc lộ cảm xúc, suy tư, nhận thức, đánh giá về con người và cuộc sống. Ngôn ngữ của tùy bút giàu chất thơ (có chất trữ tình, giàu nhạc điệu, giàu sức gợi,…)
- Tản văn: là một dạng văn xuôi gần với tùy bút; thường kết hợp tự sự, trữ tình, nghị luận, miêu tả thiên nhiên, khắc họa nhân vật. Tản văn chú trọng việc nêu lên được nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội và bộc lộ tình cảm, ý nghĩa của tác giả. Sức hấp dẫn của tản văn chủ yếu ở khả năng phát hiện những nét đặc thù, đặc biệt của sự việc, đối tượng hay khả năng kết nối, xâu chuỗi các sự việc, đối tượng có vẻ rời rạc, nhỏ nhặt để hướng đến thể hiện chủ đề của tác phẩm.
b. Văn bản nghị luận
- Một văn bản nghị luận bao gồm nhiều thành tố: luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng… Các thành tố đó được tổ chức thành một chỉnh thể, có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhằm đạt hiệu quả thuyết phục cao nhất
- Là thành tố có tính chất bao trùm, luận đề có chức năng định hướng việc triển khai các luận điểm. Các luận điểm trong văn bản nghị luận, với sự thống nhất của lí lẽ và bằng chứng, có nhiệm vụ làm rõ từng khía cạnh và thể hiện tính nhất quán của luận đề. Mối quan hệ có tính bản chất giữa các thành tố như vậy tạo nên cấu trúc đặc thù của văn bản nghị luận
c. Truyện thơ
- Truyện thơ thuộc loại hình tự sự, có cốt truyện, câu chuyện, nhân vật, lời kể,… nhưng lại được thể hiện dưới hình thức thơ. Với dung lượng tương đối lớn, truyện thơ có thể bao quát được nhiều sự kiện, con người, chi tiết cụ thể, sinh động của đời sống thường nhật. Truyện thơ hiện diện trong nhiều nền văn học, có lịch sử lâu đời, phát triển thành một số dòng riêng theo sự chi phối của các điều kiện văn hóa, xã hội cụ thể
- Truyện thơ dân gian do tầng lớp bình dân hoặc các trí thức sống gần gũi với tầng lớp bình dân sáng tác; lưu hành chủ yếu bằng truyền miệng nhưng cũng có khi thông qua các văn bản viết. Truyện thơ dân gian khai thác đề tài từ nhiều nguồn khác nhau như truyện cổ, sự tích tôn giáo hay những câu chuyện đời thường
d. Văn bản thông tin
- Văn bản thông tin là một hình thức viết nhằm truyền đạt thông tin và kiến thức một cách chính xác và trung thực. Loại văn bản này rất phổ biến và hữu ích trong đời sống hàng ngày. Nó bao gồm nhiều thể loại khác nhau, như thông báo, chỉ dẫn, mô tả công việc, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, lịch biểu, cơ sở dữ liệu, hợp đồng quảng cáo, các văn bản hành chính, từ điển và bản tin.
- Mục đích chính của văn bản thông tin là truyền đạt thông tin một cách khách quan và trung thực.
- Nhan đề của văn bản thông tin thường tập trung nêu bật đề tài của văn bản
- Bố cục văn bản thông tin thường có các phần: nhan đề, sa- pô; thời gian và nơi in văn bản; nội dung chính của văn bản
- Văn bản thông tin thường được trình bày bằng kênh chữ và có thể kết hợp với kênh hình
e. Bi kịch
- Là một thể loại thuộc về kịch
- Bi kịch tập trung diễn tả những xung đột hệ trọng, đạt tới mức căng thẳng tột độ giữa những mong muốn, hành động cao đẹp, hào hùng của con người với những tình thế bi đát không thể đảo ngược của thực tại hay với những trở ngại tồn tại ngay trong bản tính con người
2. Phần tiếng Việt
a. Giải thích nghĩa của từ
b. Ngôn ngữ nói
c. Cách trích dẫn và lập danh mục tài liệu tham khảo
d. Ngôn ngữ viết
3. Phần làm văn
a. Viết văn bản thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận
b. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội
c. Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội
d. Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim)
B. BÀI TẬP
1. Phần đọc hiểu
*Đề bài
Văn bản Ai đã đặt tên cho dòng sông
Câu 1: Ngay câu mở đầu văn bản, tác giả đã nêu đặc điểm đặc biệt gì của dòng sông Hương?
A. Quá trình hình thành, kiến tạo của dòng sông qua nhiều thế kỉ
B. Vẻ đẹp dữ dội, hùng tráng của dòng sông Hương ở đoạn thượng lưu
C. Những bí ẩn về hành trình của dòng sông Hương trước khi xuôi về cố đô Huế
D. Trong các dòng sông đẹp trên thế giới, chỉ có sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất
Câu 2: Khi ở thượng nguồn, vẻ đẹp của sông Hương được so sánh với hình ảnh nào?
A. Bản trường ca của rừng già
B. Cô gái Di – gan man dại
C. Người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 3: Hình ảnh nào sau đây KHÔNG ĐƯỢC DÙNG để miêu tả về dòng sông Hương?
A. Một mảnh trăng non
B. Một tấm lụa, tấm voan huyền ảo
C. Một tiếng “vâng” không lời của tình yêu
D. Một người con gái dịu dàng của đất nước
Câu 4: Đáp án nào KHÔNG ĐÚNG khi nói về đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?
A. Đoạn trích thể hiện vốn hiểu biết sâu rộng của nhà văn về nhiều lĩnh vực: văn hóa, địa lý, lịch sử, văn chương
B. Văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế và rất mực tài hoa
C. Đoạn trích thể hiện tình yêu đắm say, sự gắn bó thiết tha, sâu nặng của tác giả với dòng sông Hương, với đất và người xứ Huế
D. Giọng điệu thông minh, sắc sảo pha lẫn sự hóm hỉnh, từng trải
Văn bản Cõi lá
Câu 5: Tác phẩm Cõi lá thuộc thể loại:
A. Tiểu thuyết
B. Tản văn
C. Tùy bút
D. Ký
Câu 6: Cõi lá đã làm nổi bật nét đặc trưng gì của cảnh sắc Hà Nội?
A. Sinh động, đầy sức sống
B. U tối, buồn bã
C. Ảm đạm, tiêu điều
D. Không có gì đặc sắc
Câu 7: Tính từ nào được sử dụng để miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên Hà Nội?
A. Trời trong veo
B. Nắng chao chát
C. Sắc lá ngọt ngào như mật
D. Tất cả các đáp án trên
Văn bản Một cây bút và một quyển sách có thể thay đổi thế giới
Câu 8: Việc lặp lại cấu trúc “ Chúng tôi kêu gọi…” có tác dụng gì ?
A. Làm cho nội dung bài đọc trở nên thu hút, có nhịp điệu, mang tính liên kết cao
B. Nhấn mạnh đến đối tượng mà tác giả muốn truyền tải
C. Kêu gọi tất cả mọi người hãy trả lại công bằng, trả lại sự bình đẳng cho trẻ em gái
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 9: Luận đề nào dưới đây KHÔNG PHẢI luận đề của văn bản?
A. Mọi phụ nữ, mọi thanh thiếu niên nam nữ đều được quyền bảo vệ quyền lợi của mình.
B. Tầm quan trọng bút và sách - Giáo dục mang tới sức mạnh to lớn khiến họ sợ hãi.
C. Tấm gương những con người đã đứng lên đòi công bằng và hòa bình
D. Đã đến lúc mọi người lên tiếng đòi công bằng và hoà bình
Câu 10: Văn bản viết ra nhằm mục đích gì?
A. Nêu lên tội ác của những kẻ khủng bố, kẻ cực đoan đã làm với những người vô tội
B. Đem đến thông điệp hãy đứng lên đòi quyền bình đẳng
C. Phê phán xã hội đương thời
D. A và B đúng
Văn bản Công nghệ AI của hiện tại và tương lai
Câu 11: Theo văn bản, do đâu mà AI có được khả năng vượt trội và có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống?
A. AI là năng lực “tự học” của máy tính, có thể tự phán đoán, phân tích trước các dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người, đồng thời có khả năng xử lí dữ liệu với số lượng rất lớn ở tốc độ cao.
B. Trí tuệ nhân tạo nhân tạo có khả năng tự thích nghi, tự học và tự phát triển, tự đưa ra các lập luận để giải quyết vấn đề, có thể giao tiếp như con người…
C. Trí tuệ nhân tạo có khả năng vượt xa trí tưởng tượng của con người trong mọi mặt
D. A và B đúng
Câu 12: Ý nào KHÔNG ĐÚNG khi nói về thuận lợi mà công nghệ AI mang đến cho con người?
A. Có thể xử lý khối lượng lớn công việc.
B. Giúp các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, khởi nghiệp và chính phủ có thể định hướng mục tiêu phát triển cho tương lai.
C. Tốn kém
D. Hỗ trợ hệ thống thông tin chính phủ, hỗ trợ nhận diện khuôn mặt, hỗ trợ ngành vận tải tự lái.
Văn bản Lời tiễn dặn
Câu 13: Khi biết người yêu đã đi lấy chồng, chàng trai có suy nghĩ gì?
A. Mong được bế con của người yêu
B. Mong được lấy người yêu
C. Suy nghĩ đến cái chết
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 14: Lời thề nguyền thủy chung được diễn tả qua biện pháp nghệ thuật nào?
A. So sánh
B. Điệp cấu trúc
C. Nhân hóa
D. Nói quá
Văn bản Tú Uyên gặp Giáng Kiều
Câu 15 : Nguồn gốc tác phẩm được lấy cảm hứng từ:
A. Câu chuyện hư cấu
B. Câu chuyện có thật trong lịch sử
C. Câu chuyện trong dân gian Việt Nam
D. Câu chuyện trong dân gian nước ngoài
Câu 16: Tác giả so sánh nỗi nhớ của chàng Tú Uyên với:
A. Trăng dưới nước
B. Sông Tương mơ hình
C. Lá thu rụng vàng
D. Nỗi buồn chiều thu
Câu 17: Thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc là gì?
A. Hãy không ngừng tìm kiếm tình yêu đích thực
B. Không nên tin vào những điều thần kì trong cuộc sống
C. Hãy trân trọng hiện tại
D. Tất cả các đáp án trên
Văn bản Sơn Đoòng – thế giới chỉ có một
Câu 18: Nhan đề “Sơn Đoòng - thế giới chỉ có một” cho thấy văn bản muốn đề cập đến thông tin gì về hang Sơn Đoòng?
A. Đề cập đến thông tin du lịch, các điểm tham quan ở hang Sơn Đoòng
B. Đề cập đến nét nổi bật đặc sắc và các thông tin liên quan đến hang Sơn Đoòng
C. Đề cập đến những điểm thu hút khách du lịch nhất của hang Sơn Đoòng
D. Đề cập đến những lưu ý khi du lịch ở Sơn Đoòng
Câu 19: Cách trình bày đề mục được in đậm và tách dòng khoa học có tác dụng gì:
A. Giúp người đọc dễ dàng theo dõi văn bản
B. Giúp người đọc hiểu được ý chính của đoạn văn nhắc đến.
C. Giúp bài viết được trình bày đẹp hơn
D. A và B đúng
Văn bản Đồ gốm gia dụng của người Việt
Câu 20: Những thông tin cơ bản của văn bản này gợi cho người đọc suy nghĩ gì về văn hóa dân tộc?
A. Văn hóa đồ gốm sứ xưa không chỉ mang giá trị lớn về mặt vật chất mà còn cả mặt tinh thần.
B. Đồ gốm chính là một phần “đời sống” của người Việt còn lại, là chất men tạo sự đam mê cho giới chơi đồ gốm sứ xưa ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
C. Đồ gốm sứ xưa là những đồ vật tĩnh lặng, nhưng chúng lại hàm chứa nội dung văn hoá, mỹ thuật trang trí dân tộc phong phú.
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 21: Cách sử dụng các yếu tố hình thức của văn bản này có gì đặc biệt?
A. Xen giữa các đoạn văn là một số bài thơ
B. Các đoạn có độ dài ngắn khác nhau
C. Có lồng ghép nhiều hình ảnh minh họa
D. Tất cả các đáp án trên
Văn bản Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài
Câu 22: Tác phẩm Vũ Như Tô là một vở bi kịch lịch sử năm hồi viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517 dưới triều của vua nào?
A. Lê Long Đĩnh
B. Lê Chiêu Thống
C. Trần Dụ Tông
D. Lê Tương Dực
Câu 23: Những mâu thuẫn cơ bản trong tác phẩm Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài là?
A. Mâu thuẫn giữa cuộc sống xa hoa, trụy lạc của Lê Tương Dực với cuộc sống khốn khổ của người nông dân
B. Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật thuần túy của Vũ Như Tô và lợi ích thiết thực của nhân dân
C. Mâu thuẫn giữa hình thức và nội dung, bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo
D. Đáp án A và
Tác phẩm Chí khí anh hùng
Câu 24: Quan niệm về chí anh hùng trong bài thơ là gì?
A. Nam nhi chí ở bốn phương
B. Nam nhi sinh ra trên đời này đầu đội trời chân đạp đất, mang nợ tang bồng
C. Nam nhi trung với nước hiếu với dân
D. Đáp án khác
Câu 25: Quan niệm về chí làm trai thể hiện như thế nào qua tác phẩm?
A. Kẻ sĩ phải làm nên sự nghiệp to lớn, để lại công đức, danh tiếng cho đất nước, quê hương
B. Kẻ sĩ phải lập thân bằng con đường khoa cử
C. Làm quan là để thực hiện lý tưởng trung quân ái quốc
D. Tất cả các đáp án trên
2. Phần tiếng Việt
a. Giải thích nghĩa của từ
Câu 1: Khi giải thích “Cầu hôn: xin được lấy làm vợ” là đã giải thích nghĩa của từ bằng cách nào?
A. Dùng từ đồng nghĩa với từ cần được giải thích
B. Trình bày khái niệm mà từ biểu thị
C. Kết hợp giữa dùng từ đồng nghĩa với trình bày khái niệm mà từ biểu thị
D. Dùng từ trái nghĩa với từ được giải thích
Câu 2: Trung niên: người đã quá tuổi thanh niên nhưng chưa già
Từ trên được giải thích theo cách nào?
A. Dùng từ trái nghĩa với từ được giải thích
B. Dùng từ đồng nghĩa với từ được giải thích
C. Trình bày khái niệm mà từ biểu thị
D. Miêu tả hành động kết hợp với trình bày khái niệm mà từ biểu thị
Câu 3: Học lỏm có nghĩa là:
A. Nghe hoặc thấy người ta làm rồi làm theo, chứ không được ai trực tiếp dạy bảo
B. Học và luyện tập để có hiểu biết và có kỹ năng
C. Học văn hóa có thầy, có chương trình, có hướng dẫn (nói một cách khái quát)
D. Tìm tòi, hỏi han để học tập
b. Ngôn ngữ nói
Câu 4: Hạn chế của ngôn ngữ nói là:
A. Người nói và người nghe khó hiểu ý nhau
B. Khó phổ biến rộng và lưu giữ lâu dài
C. Khó khăn trong việc truyền tải
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 5: Người nói có thể sử dụng:
A. Yếu tố chêm xen
B. Những từ biểu cảm như trợ từ, thán từ
C. Câu rút gọn, câu đặc biệt.
D. Tất cả các đáp án trê
c. Cách trích dẫn và lập danh mục tài liệu tham khảo
Câu 6: Trong tiểu luận hay báo cáo nghiên cứu, việc trích dẫn có tác dụng gì?
A. Giúp đảm bảo độ tin cậy, sự minh bạch
B. Tránh tình trạng đạo văn
C. Cho phép người đọc theo dõi và tìm được nguồn trích dẫn.
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 7: Danh mục tài liệu tham khảo thường đặt ở:
A. Đầu bài báo cáo
B. Giữa bài báo cáo
C. Cuối bài báo cáo
D. Có thể đặt bất kì đâu
d. Ngôn ngữ viết
Câu 8: Đặc điểm của ngôn ngữ viết là gì?
A. Được thể hiện qua chữ viết trong văn bản, hình thành một cách có chọn lọc kĩ càng, có suy nghĩ và căn chỉnh một cách cẩn thận
B. Được thể hiện qua hình vẽ, màu sắc, bố cục
C. Được thể hiện qua lời nói, truyền miệng từ người này sang người kia
D. Đáp án khá
Câu 9: Ngôn ngữ viết thường là ngôn ngữ:
A. Dùng để trao đổi giữa hai người với nhau
B. Không trau chuốt, hoàn chỉnh
C. Được trau chuốt, hoàn chỉnh
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 10: Trong những trường hợp sau, trường hợp nào mang đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ viết?
A. Bài báo ghi lại cuộc đàm thoại
B. Biên bản ghi lại những lời phát biểu trong cuộc họp
C. Lời thuyết trình theo một văn bản chuẩn bị trước
D. Đoạn đối thoại của các nhân vật trong tác phẩm văn học
3. Phần làm văn
a. Viết văn bản thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận
Đề 1: Thuyết minh về một lễ hội em được tham gia hoặc biết đến (trong bài có sử dụng kết hợp yếu tố miêu tả và biểu cảm)
Đề 2: Em hãy viết bài thuyết minh giới thiệu một số phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam (trong bài có sử dụng kết hợp yếu tố miêu tả và biểu cảm)
b. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội
Đề 1: Viết bài văn nghị luận về vấn đề chảy máu chất xám
Đề 2: Viết bài văn nghị luận về vấn đề ô nhiễm môi trường
Đề 3: Viết bài văn nghị luận về tệ nạn cờ bạc
Đề 4: Nêu ý kiến của em về vấn đề an toàn giao thông hiện nay
c. Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội
Đề 1: Nghiên cứu về cấu trúc Hoàng thành Thăng Long
Đề 2: Nghiên cứu về vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình hiện nay
d. Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim)
Đề 1: Viết bài nghị luận về ý nghĩa thực sự của cái đẹp thông qua văn bản Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài
Đề 2: Viết bài nghị luận về văn bản Sống hay không sống, đó là vấn đề
C. LỜI GIẢI CHI TIẾT
1. Phần đọc hiểu
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
17 |
18 |
19 |
20 |
21 |
22 |
23 |
24 |
25 |
D |
D |
A |
D |
B |
A |
D |
D |
C |
D |
D |
C |
D |
B |
C |
B |
C |
B |
D |
D |
C |
D |
D |
B |
D |
2. Phần tiếng Việt
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
B |
C |
A |
B |
D |
D |
C |
A |
C |
C |
3. Phần làm văn
a. Viết văn bản thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận
Đề 1: Thuyết minh về một lễ hội em được tham gia hoặc biết đến
I. Mở bài
Giới thiệu lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại.
II. Thân bài:
Giới thiệu những đặc điểm của lễ hội theo kết cấu thời gian kết hợp với kết cấu logic.
– Trình bày thời gian tổ chức lễ hội, địa điểm, nguồn gốc lễ hội:
Thời gian cụ thể (thời gian ấy gắn với ý nghĩa lịch sử như thế nào).
Địa điểm tổ chức lễ hội.
Nguồn gốc, lí do tổ chức lễ hội (tôn vinh nét đẹp phong tục truyền thống hay thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại).
– Giới thiệu các công việc chuẩn bị cho lễ hội:
Chuẩn bị các tiết mục biểu diễn.
Chuẩn bị trang trí, tiến trình lễ hội (nếu là lễ hội truyền thống thì chuẩn bị cho việc rước kiệu, trang trí kiệu, chọn người,…).
Chuẩn bị về địa điểm…
– Giới thiệu diễn biến của lễ hội theo trình tự thời gian. Thường lễ hội có hai phần: phần lễ và phần hội.
Nếu là lễ hội tôn vinh nét đẹp phong tục truyền thống thì bao gồm: rước kiệu lễ Phật, dâng hương lễ vật, các hình thức diễn xướng dân gian, các đoàn khách thập phương.
Nếu là lễ hội thể hiện khí thế của thời đại: tuyên bố lí do; các đại biểu nêu ý nghĩa, cảm tưởng về lễ hội, các hoạt động biểu diễn (như đồng diễn, diễu hành, ca nhạc, các trò vui chơi,…)
– Đánh giá về ý nghĩa lễ hội.
III. Kết bài:
Khẳng định lại ý nghĩa lễ hội.
Chú ý: bài văn viết đúng với phong cách của văn thuyết minh, có thể kết hợp thêm các yếu tố miêu tả (đặc điểm, tiến trình của lễ hội), biểu cảm (nêu cảm nhận về ý nghĩa của lễ hội); trình bày sạch đẹp, logic.
Đề 2: Em hãy viết bài thuyết minh giới thiệu một số phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam
a. Mở bài:
Dẫn dắt và giới thiệu về vẻ đẹp phẩm chất của con người Việt Nam.
b. Thân bài:
- Nêu một số phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam như chăm chỉ, sáng tạo, yêu nước, thủy chung,…
- Phân tích các phẩm chất ấy dựa trên các ví dụ, dẫn chứng cụ thể trong đời sống hằng ngày, trong học tập, lao động và chiến đấu.
- Phân tích, lí giải nguồn gốc của các phẩm chất đáng quý ấy.
- Phát biểu suy nghĩ, cảm nhận về những phẩm chất của con người Việt Nam.
c. Kết bài:
Khái quát lại về vai trò, ý nghĩa của những phẩm chất cao đẹp trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
b. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội
Đề 1: Viết bài văn nghị luận về vấn đề chảy máu chất xám
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: hiện tượng chảy máu chất xám. (Học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực).
2. Thân bài
a. Giải thích
Hiện tượng chảy máu chất xám: là cách gọi ẩn dụ để chỉ tình trạng nhân tài, trí thức – “chất xám” Việt Nam đang có xu hướng định cư và làm việc, phục vụ hoàn toàn cho lợi ích của nước ngoài thay vì cống hiến cho dân tộc.
b. Thực trạng
Nhiều người tài giỏi sau khi du học ở nước ngoài đã quyết định định cư luôn tại quốc gia đó và làm việc, tạo ra của cải, vật chất cho đất nước họ trong khi đất nước mình đang cần, “thèm khát” những nhân tài.
Một ví dụ điển hình phải kể đến đó là chương trình Đường lên đỉnh Olympia, đa số những quán quân sau khi qua nước ngoài du học đều chọn ở lại nước ngoài định cư và làm việc,…
c. Nguyên nhân
Chủ quan: do ý thức con người muốn sống trong một môi trường tốt hơn, đầy đủ tiện nghi hơn,…
Khách quan: do cơ sở vật chất nước nhà chưa đủ để đáp ứng nhu cầu làm việc, nghiên cứu của con người; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với công sức,…
d. Giải pháp
Trước hết mỗi con người cần có nhận thức đúng đắn, sẵn sàng cống hiến cho nước nhà, bỏ qua những lợi ích cá nhân.
Nhà nước cần có những biện pháp đặc biệt nhằm chiêu mộ nhân tài về nước, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chuẩn và trả công cho họ một cách xứng đáng.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: hiện tượng chảy máu chất xám và rút ra bài học cho bản thân.
Đề 2: Viết bài văn nghị luận về vấn đề ô nhiễm môi trường
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: vấn đề ô nhiễm môi trường.
2. Thân bài
a. Giải thích vấn đề
Ô nhiễm môi trường là hiện trạng môi trường xuất hiện những chất độc, chất hại dẫn đến thay đổi nhanh chóng và gây tác hại xấu đến cuộc sống con người.
b. Thực trạng
Hàng ngày có hàng tấn rác thải được đổ ra biển, các chất độc hại ngày càng tích lũy và ảnh hưởng xấu tới môi sinh và các sinh vật biển. Bên cạnh đó, môi trường nước ngọt cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Môi trường không khí bị ô nhiễm nặng nề do khí thải công nghiệp, khí thải xe cộ và mùi rác thải sinh hoạt của con người.
Diện tích rừng bị chặt phá ngày càng tăng.
c. Nguyên nhân
Chủ quan: Do ý thức kém của con người.
Khách quan: Do hiện tượng cực đoan của xã hội; do sự quản lí của nhà nước hoạt động của các doanh nghiệp trong việc xử lí.
d. Hậu quả
Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Mất đi các nguồn lợi từ biển: các hải sản, du lịch biển.
Mất cân bằng đa dạng sinh học của môi trường sống.
e. Giải pháp
Mỗi người cần có ý thức bảo vệ môi trường sống quanh mình, thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất để khiến cho môi trường được cải thiện tốt hơn.
Nhà nước cần tăng cường sự quản lí cũng như xử phạt nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm làm ô nhiễm môi trường.
Tiến hành áp dụng công nghệ khoa học để giải quyết hiện trạng ô nhiễm nước thải ... hiện nay.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: hiện tượng ô nhiễm môi trường; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.
Đề 3: Viết bài văn nghị luận về tệ nạn cờ bạc
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tệ nạn cờ bạc.
Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.
2. Thân bài
a. Khái niệm
Cờ bạc là những may rủi trong tiền bạc, là một cách kiếm tiền ăn may, nhưng không phải kiếm tiền bằng chính công sức, mồ hôi và nước mắt mà chỉ là bằng vận may của mình.
Cờ bạc còn được xem là một trò chơi kích thích, gây nghiện, những ai dính vào tệ nạn này đều bị sức hút của nó mê hoặc.
b. Thực trạng
Cờ bạc được diễn ra dưới nhiều hình thức như: đánh lô, đánh đề, tổ tôm, cá độ đá banh…
Tệ nạn cờ bạc hiện nay diễn ra rất nhiều nơi, nhiều khu vực rất khó kiểm soát. Từ việc chơi những canh bạc nhỏ sẽ dẫn đến những canh bạc lớn.
Những người tham gia thường ở trong những độ tuổi từ thanh thiếu niên đến trung niên, và đặc biệt thường là những người đàn ông, con trai.
Hiện nay, với sự phát triển của Internet, hình thức đánh cờ bạc ngày càng tinh vi hơn, đó là đánh bài bạc qua mạng.
c. Nguyên nhân
Chủ quan: do ý thức của con người chưa cao, chưa hiểu về tác hại của cờ bạc, thậm chí có những người hiểu về tác hại của nó nhưng vẫn tham gia vì để muốn chứng minh bản thân mình hoặc muốn “gỡ lại những gì đã mất”.
Khách quan: do bị người khác lôi kéo, dụ dỗ,…
d. Hậu quả
Gây thiệt hại nặng nề về tiền của khiến nhiều người rơi vào cảnh nợ nần, bần cùng.
Chia rẽ tình cảm gia đình: gia đình phản đối đánh bạc sẽ gây ra xung đột, cãi vã.
Ảnh hưởng đến nhân cách, suy nghĩ, hành động của người tham gia đánh bạc,…
e. Giải pháp
Mỗi cá nhân tự ý thức được tác hại to lớn của cờ bạc và tránh xa chúng.
Gia đình và nhà trường cần xây dựng tư tưởng cho con em mình ngay từ nhỏ.
Nhà nước cần đặt ra nhiều quy định nghiêm khắc hơn.
3. Kết bài
Khẳng định lại tác hại của tệ nạn cờ bạc và rút ra bài học cho bản thân.
Đề 4: Nêu ý kiến của em về vấn đề an toàn giao thông hiện nay
I. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận
Ngày nay xã hội phát triển thì nhu cầu về cơ sở vật chất của con người ngày càng tăng. Đối với chuyện đi lại cũng thế, ngày nay nhu cầu đi lại ngày càng nhiều. Chính vì thế mà tình trạng gia thông ngày nay khá phức tạp. Để hiểu rõ thêm về an toàn giao thông chúng ta cùng đi tìm hiểu và nhận thức đối với học sinh ta nên làm gì để hiểu rõ hơn về an toàn giao thông.
II. Thân bài
1. Thực trạng về an toàn giao thông hiện nay
Tình trạng tai nạn giao thông xảy ra ở nước ta ngày càng phổ biến. Theo Cục CSGT, năm 2016 thì:
Cả nước xảy ra hơn 21.000 vụ tai nạn giao thông
Cướp đi sinh mạng gần 9.000 người.
Cùng nhiều thiệt hại về tài sản khác
2. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông
- Do người tham gia giao thông không chấp hành đúng luật giao thông.
- Những người điều khiển phương tiện giao thông không nắm được luật giao thông.
- Sự thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm của người tham gia giao thông như: lạng lách, đua xe, đi xe không đúng tốc độ, không đúng làn đường quy định.
- Say xỉn khi tham gia giao thông.
- Những người đi bộ, người bán hàng rong đi không đúng đường quy định
- Lỗi do phương tiện giao thông yếu kém.
- Những phương tiện giao thông đã quá cũ kĩ không thể tiếp tục tham gia giao thông.
- Lỗi do cơ sở hạ tầng yếu kém: giao thông có những ổ voi, ổ gà, đường quá chật,….
3. Hậu quả:
Nhiều người thiệt mạng.
Mất mát về tiền của, vật chất của con người.
Ùn tắc giao thông, mất trật tự xã hội.
4. Giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông
Đưa ra những biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tham gia giao thông của người tham gia giao thông.
Đưa ra những chính sách phù hợp nhằm mang tính chất răn đe phòng ngừa những người tham gia giao thông để họ có thể tham gia giao thông an toàn.
Làm tốt hơn nữa việc kiểm tra chất lượng cũng như khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông.
III. Kết bài:
- Nêu cảm nghĩ của cá nhân em về tai nạn giao thông
c. Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội
Đề 1: Nghiên cứu về cấu trúc Hoàng thành Thăng Long
Kiến trúc kinh thành, cố đô phong kiến ở Việt Nam luôn mang theo cái gì đó rất chung và rất riêng với văn hóa kiến trúc của Trung Hoa và nó luôn thể hiện nét đẹp truyền thống, văn hóa lịch sử lâu đời của người Việt. Bên cạnh quần thể kiến trúc Cố đô Huế từ xưa, người Việt vẫn luôn tự hào với kiến trúc thành Thăng Long – tòa thành đã trải qua biết bao năm tháng của lịch sử.
Như chúng ta đã biết, kinh thành Thăng Long luôn được gắn với một sự kiện lịch sử nổi tiếng đó là vào năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư đến Đại La và cho xây dựng kinh thành Thăng Long. Cùng với đó là hàng loạt các cung điện, lăng tẩm được xây dựng, nổi bật là công trình Điện Kính Thiên cao tới 2 tầng rộng hơn 2300 mét vuông. Thời Hậu Lê, thành Thăng Long vẫn được coi là kinh đô, trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước.
Về vị trí, kinh thành Thăng Long tọa lạc ở phía Bắc Việt Nam và được giảm dần về diện tích qua các triều đại. Ở thời Hậu Lê, hầu như không xây dựng thêm các chùa tháp mà chủ yếu là trùng tu. Thay vào đó, hàng loạt phủ đệ mới của giới quý tộc, quan lại trung ương được xây dựng, tạo ra hình ảnh một kinh thành Thăng Long đầy quyền uy, thâm nghiêm.
Về kiến trúc, trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, thành Thăng Long đã có nhiều thay đổi, biến dạng, nhưng đến nay vẫn còn thấy được cả di tích trên mặt đất, dưới lòng đất, di tích lịch sử cách mạng, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật,… tạo thành hệ thống các di tích được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích đô thị cổ, trung, cận, hiện đại của nước ta. Hiện tại, trong khu vực trung tâm Thành cổ Thăng Long - Hà Nội còn lại 5 điểm di tích nổi trên mặt đất phân bố theo trục Bắc – Nam, còn gọi là “Trục chính tâm”, “Trục ngự đạo”, gồm có: Kỳ Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và kiến trúc cổng hành cung thời Nguyễn, di tích nhà và hầm D67, các công trình kiến trúc Pháp…
Kinh thành Thăng Long từ thời Lý được xây dựng theo cấu trúc ba vòng thành, gọi là “tam trùng thành quách”: vòng thành ngoài là La thành hay Đại La thành, vòng thành giữa là Hoàng thành (thời Lý - Trần - Lê gọi là Thăng Long thành, thời Lê còn gọi là Hoàng thành) và vòng thành trong cùng gọi là Cấm thành (hay Cung thành). Cấm thành từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18 hầu như không thay đổi và còn bảo tồn cho đến nay hai vật chuẩn rất quan trọng: Thứ nhất là nền điện Kính Thiên xây dựng thời Lê sơ (1428) trên nền điện Càn Nguyên (sau đổi tên là điện Thiên An) thời Lý, Trần. Đó vốn là vị trí của núi Nùng (Long Đỗ - Rốn Rồng), được coi là tâm điểm của Cấm thành và Hoàng thành, nơi chung đúc khí thiêng của non sông đất nước theo quan niệm phong thuỷ cổ truyền, mà di tích hiện còn là nền điện với bậc thềm và lan can đá chạm rồng thế kỷ 15. Thứ hai là cửa Đoan Môn, cửa Nam của Cấm thành thời Lý - Trần - Lê. Trên vị trí này hiện nay vẫn còn di tích cửa Đoan Môn thời Lê.
Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), trong sách Đại Việt địa dư chí toàn biên có đoạn mô tả khá rõ ràng về Hoàng thành Thăng Long thời Lê: “Ở giữa là Cung thành, trong cửa Cung thành là Đoan Môn. Trong Đoan Môn là điện Thị Triều, trong điện Thị Triều là điện Kính Thiên. Bên hữu Kính Thiên là điện Chí Kính, bên tả là điện Vạn Thọ. Bên hữu Đoan Môn là Tây Trường An, bên tả là Đông Trường An, ở giữa có Ngọc Giản. Trong Hoàng thành và ngoài Cung thành ở phía Đông là Thái Miếu, sau là Đông Cung”.
Để giúp thế hệ sau và bạn bè quốc tế hiểu thêm về lịch sử Việt Nam cùng Hoàng thành Thăng Long, đêm tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” đã được tổ chức thành công. Đây không chỉ là một sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch mà nó còn là cách để thế hệ sau tôn vinh, tự hào về lịch sử, văn hóa của dân tộc mình.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, thuộc địa… Kinh thành Thăng Long vẫn nằm đó như một minh chứng trường tồn của lịch sử, về một thời huy hoàng đã qua đi của dân tộc. Chúng ta – thế hệ con cháu phải biết bảo tồn, gìn giữ và phát huy vẻ đẹp của Hoàng thành đến thế hệ tương lai và bạn bè quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. TTXVN (2010), Thăng Long thời Lê, thời Mạc-Lê, Trung Hưng (1428-1788), Ban Tuyên giáo Trung ương.
2. Sở Du lịch Hà Nội (2020), Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Cổng thông tin điện tử Quận Ba Đình – Thành phố Hà Nội.
3. Quang Dương (2018), Hoàng thành Thăng Long – Dấu ấn văn hóa, kiến trúc độc đáo, Báo Xây dựng.
Đề 2: Nghiên cứu về vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình hiện nay.
GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC MƯỜNG Ở TỈNH HÒA BÌNH HIỆN NAY
Tóm tắt:
Quá trình hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với một quốc gia đa dân tộc như Việt Nam. Trước sự tác động của kinh tế thị trường, của hội nhập quốc tế sâu rộng và giao lưu văn hóa hiện nay, nhiều giá trị văn hóa dân tộc đang dần bị mai một, pha trộn, lai căng không còn giữ được bản sắc. Do vậy, việc khẳng định giá trị văn hóa của các dân tộc là vấn đề cấp bách.
I. Một số vấn đề về bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc Mường
Để hiểu được khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc, trước tiên chúng ta phải tìm hiểu khái niệm văn hóa là gì? Theo Lênin, “Nền văn hóa vô sản không phải từ trên trời rơi xuống, nó không phải do những người tự cho mình là chuyên gia về văn hóa vô sản bịa đặt ra. Văn hóa vô sản phải là sự phát triển hợp quy luật của vốn kiến thức mà loài người đã tạo ra dưới ách áp bức của xã hội tư bản, địa chủ và của xã hội quan liêu”.
Theo định nghĩa của UNESCO: “Văn hóa là tổng thể những nét đặc thù về tinh thần và vật chất, về trí tuệ và xúc cảm quy định tính cách của một xã hội hay một nhóm xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản (tồn tại – being) người, những hệ thống giá trị, những truyền thống và tín ngưỡng”.
Theo Đào Duy Anh trong sách Việt Nam văn hóa sử cương: “Văn hóa tức là sinh hoạt”.
Qua một số nghiên cứu vừa tìm hiểu ở trên, chúng ta có thể đưa ra định nghĩa: “Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng thể những giá trị bền vững, những tinh hoa văn hóa vật chất và tinh thần làm nên sắc thái riêng của một dân tộc trong lịch sử trong phát triển mà qua đó chúng ta biết được dân tộc này với dân tộc khác trong đời sống cộng đồng”.
Hòa Bình là một tỉnh miền núi nằm trong vùng Tây Bắc Việt Nam, chính nơi đây các nhà khảo cổ học đã tìm ra những chứng tích của một nền văn hóa. Người Mường còn có những tên gọi khác nhau Mol, Mual, Mon. Bản sắc văn hóa Mường là những nét riêng độc đáo biểu hiện trong các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mà cộng đồng người Mường đã sáng tạo và tích lũy trong lịch sử của mình, những giá trị này được kế thừa và phát triển qua nhiều thế hệ, và cũng được vận động biến đổi cùng với sự vận động biến đổi của văn hóa tộc người gắn liền với sự phát triển chung của văn hóa dân tộc.
II. Thực trạng của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở Hòa Bình hiện nay
Hòa Bình đã tổ chức những công tác hữu hiệu trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở Hòa Bình như Công tác xây dựng đời sống văn hóa; Tổ chức tốt các cuộc vận động xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, bản, khối văn hóa”, “Cơ quan văn hóa”; Công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, giao lưu văn hóa.
Kết quả đạt được trong năm 2013 có 1400/1364 làng bản đạt tiêu chuẩn văn hóa, đạt 102,6%; 155000/146838 gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 105,05%; 570/548 cơ quan đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 104%.
III. Tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở nước ta
Nói đến con người Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam hoàn toàn không có nghĩa là nói đến một cái gì đó có tính chất khuôn mẫu, cố định. Đây là một khái niệm động, nó không ngừng vận động, phát triển để tự hoàn thiện và nâng cao. Từ đó, mang đến một cái nhìn toàn diện, sáng tạo, bất ngờ cho truyền thống.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là giữ gìn tất cả những mặt tích cực trong bản sắc văn hóa dân tộc; khắc phục, loại bỏ những hủ tục; phát huy những yếu tố tích cực, tốt đẹp. Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có dân tộc Mường là một việc vô cùng quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Đối với dân tộc Mường nói riêng, việc giữ gìn bản sắc văn hóa nhằm củng cố và phát triển ý thức dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; góp phần tạo nền tảng cho hội nhập hợp tác phát triển bền vững; thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
III. Kết luận
Vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở tỉnh thị trường trong nền kinh tế thị trường hiện nay đòi hỏi nhiều giải pháp tích cực, liên quan đến đời sống văn hóa của nhân dân và dân tộc. Trong đó, vai trò của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ người Mường hãy tiếp nối, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh (2001), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.13.
2. Vương Anh (2003), Tiếp cận với văn hóa bản Mường, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
3. Huy Cận (1994), Suy nghĩ về bản sắc văn hóa dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
d. Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim)
Đề 1: Viết bài nghị luận về ý nghĩa thực sự của cái đẹp thông qua văn bản Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài
1. Mở bài:
- Giới thiệu vở kịch “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng.
- Giới thiệu nhân vật Vũ Như Tô - nhân vật của bi kịch.
2. Thân bài:
a. Giải thích nhân vật bi kịch:
- Bi kịch là một thể loại kịch thể hiện mối xung đột không điều hoà được giữa thiện và ác, cao cả và thấp hèn, lí tưởng và thực tại,… để dẫn đến kết thúc thường là cái chết bi thảm gây cảm xúc đau thương mãnh liệt cho người đọc, người xem.
- Nhân vật bi kịch: Nhân vật mắc vào những mâu thuẫn, nghịch cảnh oan trái, éo le dẫn tới những kết cục bi đát, đau thương.
b. Bi kịch của Vũ Như Tô:
* Biểu hiện:
- Vũ Như Tô có tài, có ước vọng cao cả, niềm khát khao và đam mê sáng tạo cái đẹp. Vũ Như Tô nhận xây Cửu Trùng Đài không ngoài mục đích sáng tạo một công trình nghệ thuật để tô điểm cho đất nước.
- Nhưng thực tế phũ phàng, ngang trái của xã hội đã dẫn đến sự vỡ mộng thê thảm: Cửu Trùng đài bị đốt, Vũ Như Tô và Đan Thiềm bị đưa ra pháp trường chịu chết.
- Tâm trạng vỡ mộng của Vũ Như Tô qua đoạn trích:
+ Trong thời khắc biến loạn dữ dội, Vũ Như Tô vẫn không tỉnh, vẫn say sưa với giấc mơ Cửu Trùng Đài (phân tích).
+ Chỉ đến khi tận mắt chứng kiến Cửu Trùng Đài bị đốt phá, Vũ Như Tô mới đau đớn kinh hoàng nhận ra sự vỡ mộng lớn.
* Nguyên nhân bi kịch:
- Mâu thuẫn giữa khát vọng cao cả của người nghệ sĩ với cách thực hiện khát vọng ấy: Mục đích của Vũ Như Tô là chân chính những con đường thực hiện lại sai lầm khi ông lợi dụng quyền lực của bạo chúa để thực hiện khát vọng nghệ thuật.
- Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu thuần tuý của muôn đời với lợi ích thiết thực, trực tiếp của quần chúng nhân dân:
+ Niềm khát vọng sáng tạo của người nghệ sĩ đắm chìm trong mơ mộng đã đẩy Vũ Như Tô đến vị thế đối nghịch với nhân dân.
+ Hoàn cảnh xã hội chưa cho phép người nghệ sĩ thực hiện khát khao sáng tạo cái đẹp của mình. Trong hoàn cảnh không thích hợp, cái đẹp thành ra phù phiếm, cao siêu.
* Ý nghĩa của bi kịch Vũ Như Tô
- Thương cảm người nghệ sĩ có tài, có tâm, đam mê nghệ thuật, khao khát sáng tạo, sẵn sàng hi sinh tất cả cho cái đẹp, nhưng xa rời thực tế mà phải trả giá bằng sinh mệnh và cả công trình nghệ thuật của mình.
- Cái đẹp không thể tách rời cái thiện, người nghệ sĩ phải có hoài bão lớn, có khát vọng sáng tạo những công trình vĩ đại nhưng không thể đặt nghệ thuật xa rời với cuộc sống của nhân dân.
- Xã hội phải biết tạo điều kiện sáng tạo cho các tài năng, vun đắp tài năng, quý trọng, nâng niu những sản phẩm đích thực.
3. Kết bài:
Qua bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng gợi những suy tư sâu sắc về mối quan hệ giữa người nghệ sĩ với hoạt động sáng tạo nghệ thuật và hiện thực đời sống của nhân dân.
Đề 2: Viết bài nghị luận về văn bản Sống hay không sống, đó là vấn đề
Đoạn trích "Sống hay không sống? Đó là vấn đề" thể hiện sự sâu sắc của tác giả không chỉ trong việc khám phá chủ đề và tư tưởng của tác phẩm mà còn trong việc đặt ra những câu hỏi quan trọng về bản chất của cuộc sống. Nó mở ra một không gian suy tư về sự tồn tại, những trăn trở, lo âu mà con người thường phải đối mặt trong cuộc sống với mọi khó khăn, nguy hiểm và thách thức.
Ví dụ cụ thể có thể được tìm thấy trong việc khám phá tâm trí của nhân vật chính Hamlet. Hành động và suy nghĩ của anh ta không chỉ đơn thuần là một phản ứng đối với tình hình xung quanh mà còn là sự thể hiện của sự suy ngẫm sâu xa về ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Nhờ tài năng điêu luyện của Shakespeare, các tác phẩm của ông không chỉ đơn thuần là những câu chuyện mà còn là những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Ông biết cách xây dựng những nhân vật sống động, phong phú với những tính cách đa dạng, từ đó tạo nên những tình huống kịch tính và hấp dẫn.
Một ví dụ điển hình là nhân vật Hamlet. Tâm trạng bi ai, những mưu mẹo tinh vi, và sự đau khổ tinh tế của anh ta được thể hiện qua từng từ ngữ, từng hành động. Cách mà Hamlet tương tác với các nhân vật khác trong tác phẩm tạo nên một bức tranh phức tạp về tâm hồn và tình cảm của anh ta.
Những tác phẩm kịch của Shakespeare không chỉ đơn thuần là một phần của quá khứ, mà còn là những tác phẩm vĩ đại còn sống động và ảnh hưởng đến ngày nay và trong tương lai.