ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HK2 Văn 10 Kết nối tri thức có đáp án — Không quảng cáo

Đề thi học kì 2 Văn 10 - Kết nối tri thức


Đề cương ôn tập học kì 2 Văn 10 - Kết nối tri thức

Tải về

Gồm nội dung ôn tập và bài tập vận dụng

A. NỘI DUNG ÔN TẬP

1. Phần đọc hiểu

a. Văn học trung đại Việt Nam

- Văn học trung đại Việt Nam hình thành, phát triển trong khoảng thời gian từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX, trong thời kì phong kiến. Văn học trung đại Việt Nam gồm hai bộ phận: văn học viết bằng chữ Hán và văn học viết bằng chữ Nôm. Văn học trung đại Việt Nam có liên hệ mật thiết với nguồn mạch văn học dân gian; đồng thời tiếp thu một cách chọn lọc, sáng tạo tinh hoa của nhiều nền văn học trong khu vực, đặc biệt là văn học cổ điển Trung Hoa.

- Văn học trung đại Việt Nam luôn gắn bó sâu sắc với vận mệnh của quốc gia, dân tộc, thể hiện rõ tinh thần yêu nước và đề cao các giá trị nhân văn, nhân đạo. Tính quy phạm được xem là đặc trưng nổi bật nhất trong văn học trung đại

b. Truyện kể

- Người kể chuyện ngôi thứ nhất là người kể xưng “tôi” hoặc một hình thức tự xưng tương đương. Tuỳ theo mức độ tham gia vào mạch vận động cốt truyện, người kể chuyện ngôi thứ nhất có thể là nhân vật chính, nhân vật phụ, người chứng kiến, người kể lại câu chuyện được nghe từ người khác hay xuất hiện với vai trò tác giả “lộ diện”. Người kể chuyện ngôi thứ nhất thường là người kể chuyện hạn tri (không biết hết mọi chuyện), trừ trường hợp ở vai trò tác giả “lộ diện” vận dụng quyền năng “biết hết" của mình.

- Người kể chuyện ngôi thứ ba là người kể chuyện ẩn danh, không trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm như một nhân vật, không tham gia vào mạch vận động của cốt truyện và chỉ được nhận biết qua lời kể. Người kể chuyện ngôi thứ ba có khả năng nắm bắt tất cả những gì diễn ra trong câu chuyện, kể cả những biểu hiện sâu kín trong nội tâm nhân vật, do vậy có khả năng trở thành người kể chuyện toàn tri (biết hết mọi chuyện), song người kể chuyện ngôi thứ ba có sử dụng quyền năng toàn tri hay không còn tuỳ thuộc vào nguyên tắc tổ chức truyện kể của từng tác phẩm.

c. Văn bản thông tin

- Văn bản thông tin là loại văn bản chủ yếu dùng để cung cấp thông tin. Trong đời sống, có nhiều loại văn bản thông tin khác nhau như: báo cáo, bản tin, thông báo, thư từ, diễn văn, tiểu luận,...

- Để đảm bảo tính chính xác, khách quan, văn bản thông tin thường dẫn tên người, địa điểm, thời gian, số liệu xác thực, có thể kiểm chứng được. Ngôn ngữ trong văn bản thông tin sáng rõ, đơn nghĩa. Việc sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ như hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ,... góp phần giúp cho người đọc dễ tiếp nhận và ghi nhớ thông tin.

- Để tăng thêm hiệu quả tác động đối với người đọc, đôi khi văn bản thông tin lồng ghép thông tin với một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận. Tuy vậy, việc lồng ghép những yếu tố này phải đảm bảo không được làm mất đi tính chính xác, khách quan của văn bản thông tin.

- Bản tin là một loại văn bản thông tin. Nội dung của bản tin là các sự kiện cập nhật, có thể thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người và tạo được sức tác động xã hội. Thông tin trong bản tin cần mang tính xác thực cao. Ngôn ngữ trong bản tin thường ngắn gọn, sáng rõ, đơn giản. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, để gây ấn tượng mạnh với công chúng, người viết có thể sử dụng các biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh, điệp ngữ,...

- Các biểu đồ, sơ đồ giúp thông tin trong văn bản trở nên cụ thể, trực quan, đồng thời cho thấy mối quan hệ logic giữa các thông tin.

2. Phần tiếng Việt

a. Sử dụng từ Hán Việt
b. Biện pháp chêm xen , biện pháp liệt kê
c. Phương tiện phi ngôn ngữ

3. Phần làm văn

a. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội
b. Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học
c. Viết một văn bản nội quy hoặc văn bản hướng dẫn nơi công cộng
d. Viết bài luận về bản thân

B. BÀI TẬP

1. Phần đọc hiểu

Văn bản Bình Ngô đại cáo

Câu 1: “Chủ quyền dân tộc” được thể hiện ở những phương diện cơ bản nào?

Câu 2: Chủ tướng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã có suy nghĩ và hành động gì trước tội ác của giặc Minh?

Văn bản Bảo kính cảnh giới

Câu 3: Câu thơ mở đầu cho biết điều gì về cuộc sống và tâm trạng của nhân vật trữ tình?

Câu 4: Cuộc sống của con người được nhà thơ tái hiện qua những âm thanh, hình ảnh nào?

Văn bản Dục Thúy Sơn

Câu 5: Nét đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện như thế nào qua bài thơ?

Văn bản Người cầm quyền khôi phục uy quyền

Câu 6: Hoàn cảnh của Phăng-tin được miêu tả như thế nào?

Câu 7: Ngôn ngữ của Giăng Van-giăng qua lời đối thoại với Gia - ve hiện lên như thế nào?

Văn bản Dưới bóng hoàng lan

Câu 8: Nhan đề Dưới bóng hoàng lan có ý nghĩa gì?

Văn bản Một chuyện đùa nho nhỏ

Câu 9: Người kể chuyện thấy đồng cảm với Na - đi - a về điều gì?

Câu 10: Khi chuyển về thời điểm "bây giờ", nhân vật "tôi" có tâm trạng gì?

Văn bản Sự sống và cái chết

Câu 11: Văn bản Sự sống và cái chết viết về đề tài gì?

Câu 12: Việc tác giả tưởng tượng ra một chuyến “du hành” vượt thời gian có ý nghĩa gì?

Câu 13: Văn bản đưa lại cho người đọc hiểu biết gì về mối quan hệ giữa “đấu tranh sinh tồn” và “tiến hóa”?

Văn bản Nghệ thuật truyền thống của người Việt

Câu 14: Tác dụng của yếu tố miêu tả được sử dụng trong văn bản là gì?

Câu 15: Cứ liệu được sử dụng để đưa ra nhận định về khiếu thẩm mĩ của người Việt là gì?

Văn bản Phục hồi tầng Ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu

Câu 16: Hai nhà khoa học Mô-li-nơ và Rao-lân đã phát hiện sự thật gì về chất CFC?

Câu 17: Những nhân tố nào làm nên thành công của nỗ lực phục hồi tầng ozone?

Văn bản Về chính chúng ta

Câu 18: Biện pháp tu từ chính được sử dụng trong văn bản là gì?

Văn bản Con đường không chọn

Câu 19: “Con đường” và “lối rẽ” trong bài thơ ẩn dụ cho điều gì?

Văn bản Một đời như kẻ tìm đường

Câu 20: Tác dụng của việc sử dụng các yếu tố tự sự, biểu cảm trong bài viết là gì?

2. Phần tiếng Việt

a. Sử dụng từ Hán Việt

Câu 1: Điền từ Hán Việt phù hợp vào chỗ trống trong câu sau:

Anh ấy đã ….. anh dũng trong cuộc chiến đấu với kẻ thù

Câu 2: Điền từ Hán Việt phù hợp vào chỗ trống trong câu sau:

Chúng ta phải ……. vì độc lập tự do của Tổ Quốc

Câu 3: “Trong công cuộc xây dựng và phát triển, công ty đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận”

b. Biện pháp chêm xen, biện pháp liệt kê

Câu 4: Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen trong đoạn thơ sau:

c. Phương tiện phi ngôn ngữ

Câu 5: Tại sao không nên quá lạm dụng việc sử dụng hình ảnh, sơ đồ,… trong bài viết?

3. Phần làm văn

a. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội

Đề 1: Viết bài văn nghị luận về văn hóa hội nhập

Đề 2: Viết bài văn nghị luận về bạo lực học đường

Đề 3: Viết bài văn nghị luận về chiến tranh

b. Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học

Đề 1: Viết bài văn phân tích tác phẩm Chữ người tử tù

Đề 2: Viết bài văn phân tích tác phẩm Chí Phèo

c. Viết một văn bản nội quy hoặc văn bản hướng dẫn nơi công cộng

Đề 1: Viết văn bản nội quy lớp học

Đề 2: Viết văn bản nội quy câu lạc bộ Guitar

d. Viết bài luận về bản thân

Đề 1: Viết bài luận về bản thân để thuyết phục BTC của lễ hội hoặc BQL di tích chấp nhận mong muốn

Đề 2: Viết bài luận về bản thân thuyết phục trường đại học ở nước ngoài cấp học bổng du học

C. LỜI GIẢI CHI TIẾT

1. Phần đọc hiểu

Câu 1: “Chủ quyền dân tộc” được thể hiện ở những phương diện cơ bản nào?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ tác phẩm.

- Chú ý những câu thơ nói về “chủ quyền dân tộc” và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết

“Chủ quyền dân tộc” được thể hiện ở những phương diện cơ bản: văn hiến, lãnh thổ, phong tục: Xưng nền văn hiến, chia núi sông bờ cõi, có phong tục riêng, gây dựng nền độc lập, có những vị anh hùng ghi công vào sổ sách.

Câu 2: Chủ tướng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã có suy nghĩ và hành động gì trước tội ác của giặc Minh?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ đoạn (3) của tác phẩm.

- Chú ý những câu thơ viết về suy nghĩ và hành động của chủ tướng Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết

Chủ tướng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn có suy nghĩ và hành động trước tội ác của giặc Minh: Căm tức trước tội ác của giặc, đau lòng trước hoàn cảnh hiện tại của nhân dân ta; trằn trọc, băn khoăn nỗi nước nhà. Họ đã đứng lên hành động, đứng lên khởi nghĩa chống lại quân thù.

Câu 3: Câu thơ mở đầu cho biết điều gì về cuộc sống và tâm trạng của nhân vật trữ tình?

Phương pháp giải

- Dựa vào phần khái quát về hoàn cảnh ra đời bài thơ để khái quát những thông tin về cuộc sống, tâm trạng nhân vật trữ tình mà câu thơ đem lại.

Lời giải chi tiết

Câu thơ đầu tiên: “Rồi hóng mát thuở ngày trường” cho thấy tâm trạng của nhân vật trữ tình là một tâm trạng thư thái, không lo âu sầu muộn, hòa mình vào thiên nhiên, “hóng mát” những ngày dài vô tận.

Câu 4: Cuộc sống của con người được nhà thơ tái hiện qua những âm thanh, hình ảnh nào?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ bài thơ Bảo kính cảnh giới.

- Chú ý những âm thanh, hình ảnh được sử dụng trong bài.

Lời giải chi tiết

Cuộc sống con người được nhà thơ tái hiện qua những hình ảnh, âm thanh:

- Đó là hình ảnh một làng chợ cá với những âm thanh “lao xao” của những con người lao động.

- Bức tranh cuộc sống con người còn được tái hiện bằng hình ảnh “lầu tịch dương” với âm thanh tiếng ve kêu rắn rỏi.

Câu 5: Nét đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện như thế nào qua bài thơ?

Phương pháp giải

- Đọc bài thơ Dục Thúy sơn.

- Nêu kết luận về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi.

Lời giải chi tiết

Nét đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi là vẻ đẹp của một tâm hồn thơ mộng, tài hoa khi đã thành công miêu tả núi Dục Thúy là một thắng cảnh, đẹp kì lạ, hiếm có trên đất nước ta.

Câu 6: Hoàn cảnh của Phăng-tin được miêu tả như thế nào?

Phương pháp giải

- Đọc văn bản Người cầm quyền khôi phục uy quyền.

- Chú ý đoạn văn đầu miêu tả hoàn cảnh của Phăng-tin để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết

Hoàn cảnh và tình trạng của Phăng-tin được miêu tả: Là một người phụ nữ ốm yếu, đang nằm trên giường bệnh.

Câu 7: Ngôn ngữ của Giăng Van-giăng qua lời đối thoại với Gia - ve hiện lên như thế nào?

Phương pháp giải

- Đọc văn bản Người cầm quyền khôi phục uy quyền.

- Đọc kĩ đoạn đối thoại của Gia-ve và Giăng Van-giăng ở trang 41.

- Chú ý ngôn ngữ của Giăng Van-giăng trong cuộc đối thoại đó.

Lời giải chi tiết

Ngôn ngữ của Giăng Van-giăng chứa sự mềm mỏng, nhún nhường và mang theo sự cầu xin nhưng không làm mất đi sự điềm tĩnh.

Câu 8: Nhan đề Dưới bóng hoàng lan có ý nghĩa gì?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ văn bản Dưới bóng hoàng lan.

- Dựa vào nội dung văn bản để tìm ra ý nghĩa nhan đề.

Lời giải chi tiết

Nhan đề Dưới bóng hoàng lan có ý nghĩa như một thông báo đến người đọc về nội dung câu chuyện.

- Nhan đề mang nghĩa ẩn dụ, gợi sự tò mò của người đọc về nội dung câu chuyện liên quan đến cây hoàng lan.

- Cây hoàng lan như một nhân chứng, chứng kiến hết tất cả những kỉ niệm đẹp đẽ của Thanh từ hồi còn bé đến khi lớn lên, chứng kiến tình yêu trong sáng của Thanh và Nga.

- Nhan đề có ý nghĩa rất quan trọng với tác phẩm, nó cũng một phần khẳng định vai trò của cây hoàng lan trong toàn bộ diễn biến của tác phẩm.

Câu 9: Người kể chuyện thấy đồng cảm với Na - đi - a về điều gì?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ tác phẩm Một chuyện đùa nho nhỏ.

- Chú ý lời của người kể chuyện để chỉ ra sự đồng cảm của người kể chuyện với Na-đi-a.

Lời giải chi tiết

Người kể chuyện thấy đồng cảm với Na-đi-a về nỗi sợ của nàng mỗi khi nhắc đến trượt tuyết, nỗi sợ độ cao khi đứng trên quả đồi nhìn xuống giống như nhìn một vực sâu vô hạn vậy. Nó là cái cảm giác ghê sợ, sợ cái cảm giác bị lao xuống dốc không phanh.

Câu 10: Khi chuyển về thời điểm "bây giờ", nhân vật "tôi" có tâm trạng gì?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ tác phẩm Một chuyện đùa nho nhỏ.

- Chú ý chi tiết viết về tâm trạng của nhân vật “tôi” khi chuyển về thời điểm kể “bây giờ” trong đoạn cuối tác phẩm để chỉ ra đó là tâm trạng gì.

Lời giải chi tiết

Tâm trạng của nhân vật “tôi” khi chuyển về thời điểm kể “bây giờ” là tâm trạng của sự hoài niệm, một tâm trạng phức tạp. Na-đi-a đã có cuộc sống riêng, có hạnh phúc riêng và câu nói hồi xưa đã trở thành một kỉ niệm của nàng còn nhân vật “tôi” vẫn không biết vì sao hồi ấy lại nói những lời ấy với Na-đi-a, tại sao phải đùa như vậy.

Câu 11: Văn bản Sự sống và cái chết viết về đề tài gì?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ văn bản Sự sống và cái chết.

- Dựa vào nội dung văn bản để chỉ ra đề tài của văn bản.

Lời giải chi tiết

Đề tài của văn bản là viết về sự sống và cái chết của các loài sinh vật trên Trái Đất, lịch sử hình thành và sự đa dạng của các loài sinh vật.

Câu 12: Việc tác giả tưởng tượng ra một chuyến “du hành” vượt thời gian có ý nghĩa gì?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ đoạn (2) trong văn bản Sự sống và cái chết.

- Tập trung vào những chi tiết về chuyến “du hành” ngược thời gian để nêu ý nghĩa của nó.

Lời giải chi tiết

Ý nghĩa của chuyến “du hành” ngược thời gian là giúp người đọc hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành sự sống, sự đa dạng của các loài sinh vật trên Trái Đất của hàng trăm triệu năm về trước.

Câu 13: Văn bản đưa lại cho người đọc hiểu biết gì về mối quan hệ giữa “đấu tranh sinh tồn” và “tiến hóa”?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ văn bản Sự sống và cái chết.

- Dựa vào những thông tin trong văn bản để chỉ ra mối quan hệ giữa “đấu tranh sinh tồn” và “tiến hóa”.

Lời giải chi tiết

Mối quan hệ giữa “đấu tranh sinh tồn” và “tiến hóa” là mối quan hệ qua lại, bổ sung cho nhau. Các loài sinh vật để có thể sống thì cần phải đấu tranh sinh tồn, để sinh tồn thì cần phải có sự tiến hóa, nâng cấp bản thân để tăng cường sức mạnh, để có thể đánh bại kẻ thù, để không bị chết và tuyệt chủng.

Câu 14: Tác dụng của yếu tố miêu tả được sử dụng trong văn bản là gì?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ văn bản Nghệ thuật truyền thống của người Việt.

- Dựa vào nội dung văn bản để chỉ ra những yếu tố miêu tả và nêu tác dụng.

Lời giải chi tiết

- Yếu tố miêu tả được sử dụng trong văn bản là

+ Miêu tả các công trình kiến trúc tiêu biểu ở Việt Nam, miêu tả các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc nổi tiếng, …

+ Yếu tố miêu tả được sử dụng trong những đoạn văn nói về những nét văn hóa nghệ thuật lâu đời của Việt Nam, miêu tả một số tác phẩm được nhiều người biết đến làm minh chứng, dẫn chứng về nghệ thuật được nhắc đến.

Câu 15: Cứ liệu được sử dụng để đưa ra nhận định về khiếu thẩm mĩ của người Việt là gì?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ đoạn đầu của văn bản.

- Chú ý những câu văn sử dụng cứ liệu để nhận định về khiếu thẩm mĩ của người Việt.

Lời giải chi tiết

Những cứ liệu được sử dụng để đưa ra nhận định về khiếu thẩm mĩ của người Việt là câu nói của linh mục Ca-đi-e-rơ và những chi tiết về việc biến những đồ vật thông thường thành những đồ trang trí đẹp của người Việt.

Câu 16: Hai nhà khoa học Mô-li-nơ và Rao-lân đã phát hiện sự thật gì về chất CFC?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ đoạn văn viết về hợp chất CFC.

- Chỉ ra thông tin mà hai nhà khoa học đã tìm hiểu được về chất CFC.

Lời giải chi tiết

Sự thật về chất CFC là các phân tử khí CFC bị phân hủy dưới tia UV khi ở tầng khí quyển và mỗi nguyên tử Cl tự do sẽ “cướp lấy” một nguyên tử O, khiến O3 (khí ozone) trở thành O2 (khí oxygen).

Câu 17: Những nhân tố nào làm nên thành công của nỗ lực phục hồi tầng ozone?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ đoạn văn viết về sự thành công của nỗ lực phục hồi tầng ozone.

- Chú ý các chi tiết về những nhân tố góp sức trong quá trình phục hồi tầng ozone.

Lời giải chi tiết

Những nhân tố làm nên thành công của nỗ lực phục hồi tầng ozone không chỉ là những cá nhân cụ thể mà còn có sự góp sức của công chúng, sự đồng thuận quốc tế và hành động nhất quán toàn cầu.

Câu 18: Biện pháp tu từ chính được sử dụng trong văn bản là gì?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ văn bản Về chính chúng ta.

- Chỉ ra biện pháp tu từ chính được tác giả sử dụng.

Lời giải chi tiết

Biện pháp tu từ được sử dụng là biện pháp điệp từ “chúng ta”. Tác giả sử dụng biện pháp điệp từ xuyên suốt văn bản để nhấn mạnh đối tượng của vấn đề là chúng ta – con người, làm rõ hơn về các mối quan hệ giữa con người với thực tại, con người với thế giới và con người với tự nhiên.

Câu 19: “Con đường” và “lối rẽ” trong bài thơ ẩn dụ cho điều gì?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ bài thơ Con đường không chọn.

- Dựa vào nội dung bài thơ và ý nghĩa của ẩn dụ “con đường”, “lối rẽ” để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết

Những ẩn dụ “con đường” và “lối rẽ” gợi cho tôi nghĩ đến những khó khăn khi phải lựa chọn, sự phân vân và băn khoăn không biết nên chọn gì. “Con đường” là câu hỏi và “lối rẽ” là những lựa chọn được đưa ra.

Câu 20: Tác dụng của việc sử dụng các yếu tố tự sự, biểu cảm trong bài viết là gì?

Phương pháp giải

- Đọc kĩ văn bản Một đời như kẻ tìm đường.

- Dựa vào kiến thức đã học về các yếu tố tự sự, miêu tả để phân tích tác dụng của chúng trong văn bản.

Lời giải chi tiết

Tác dụng của các yếu tố tự sự, biểu cảm là giúp cho bài viết thêm hấp dẫn hơn, giàu tính hình ảnh; người đọc có thể dễ dàng hòa vào suy nghĩ của người viết, cảm nhận được rõ hơn cảm xúc của người viết.

2. Phần tiếng Việt

Câu 1: Điền từ Hán Việt phù hợp vào chỗ trống trong câu sau:

Anh ấy đã ….. anh dũng trong cuộc chiến đấu với kẻ thù

Phương pháp giải

Dựa vào nghĩa của từ, nghĩa của câu.

Lời giải chi tiết

Từ phù hợp điền vào chỗ trống là hi sinh → tạo sắc thái trang trọng cho câu văn.

Câu 2: Điền từ Hán Việt phù hợp vào chỗ trống trong câu sau:

Chúng ta phải ……. vì độc lập tự do của Tổ Quốc

Phương pháp giải

Dựa vào nghĩa của từ, nghĩa của câu.

Lời giải chi tiết

Từ phù hợp điền vào chỗ trống là chiến đấu (dùng sức mạnh vật chất hay tinh thần chống lại một cách quyết liệt với quân thù, với khó khăn, trở ngại nói chung)

Câu 3: “Trong công cuộc xây dựng và phát triển, công ty đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận”

Nghĩa của từ “thành tựu” trong câu trên là gì?

Phương pháp giải

Phân tích nghĩa của từ.

Lời giải chi tiết

Nghĩa của từ “thành tựu” là cái đạt được có ý nghĩa lớn sau một quá trình hoạt động thành công.

Câu 4: Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen trong đoạn thơ sau:

Cô bé nhà bên (có ai ngờ)

Cũng vào du kích

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)

(Giang Nam)

Phương pháp giải

Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen trong đoạn thơ

Lời giải chi tiết

Tác dụng của biện pháp chêm xen:

- (Có ai ngờ) Bổ xung thêm về thái độ bất ngờ của tác giả trước sự việc.

- (thương thương quá đi thôi!)Thể hiện tình cảm trìu mến của tác giả

Câu 5: Tại sao không nên quá lạm dụng việc sử dụng hình ảnh, sơ đồ,… trong bài viết?

Phương pháp giải

Nhớ lại các yêu cầu khi sử dụng phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ

Lời giải chi tiết

Việc sử dụng quá nhiều phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ như hình ảnh, sơ đồ,... sẽ khiến người đọc không còn tập trung vào nội dung chính của bài viết, khiến bài viết bị rối. Vì vậy, khi sử dụng phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ cần sử dụng đúng thời điểm.

3. Phần làm văn

a. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội

Đề 1: Viết bài văn nghị luận về văn hóa hội nhập

1. Mở bài

- Hội nhập quốc tế là một xu hướng diễn ra từng ngày từng giờ, không chỉ xuất hiện ở bề rộng mà còn đi vào chiều sâu, trong đó nổi bật là hội nhập văn hóa.

2. Thân bài

- Giải thích

+ Bối cảnh hội nhập, đặc biệt là hội nhập về văn hóa ra mở nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức: “nhiều điều rất khó hiểu, khó lường và cả những nguy cơ, nguy hiểm”.

- Thanh niên đang ứng xử trước quá trình hội nhập văn hóa như thế nào?

Các biểu hiện tích cực, thể hiện sự chủ động nắm bắt các cơ hội mà sự hội nhập tạo ra:

+ Đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam ra nước ngoài: Lớp học BETOAJI dạy món ăn Việt Nam của nhóm bạn trẻ học tập và sinh sống tại Nhật Bản.

+ Ứng dụng công nghệ hiện đại để góp phần quảng bá văn hóa: giải pháp tổng thể Visual Museum nhằm tạo ra những bảo tàng ảo ở Việt Nam được nhóm bạn trẻ của Công ty AVR360 áp dụng tại Bảo tàng Quảng Ninh.

- Các biểu hiện tiêu cực do chưa có sự tiếp nhận đúng đắn các giá trị mà sự hội nhập đem đến:

+ Thần tượng các ngôi sao quốc tế một cách thái quá

+ Ăn theo các trào lưu đang “gây bão” toàn thế giới mà không xét đến thuần phong mĩ tục

- Làm thế nào để hình thành thái độ ứng xử phù hợp trong quá trình hội nhập?

+ Am hiểu tường tận nền văn hóa dân tộc mình để xây dựng phông kiến thức vững vàng và tư duy phản biện trước nền văn hóa dân tộc khác.

+ Trau dồi vốn ngoại ngữ để có thể tìm hiểu, khám phá nền văn hóa các dân tộc trên thế giới.

+ Tự tin thể hiện con người, bản sắc của đất nước mình trước bạn bè quốc tế để thực sự là một phần trong sự hội nhập.

- Mở rộng, lật ngược vấn đề về thái độ ứng xử của thế hệ trẻ trước sự hội nhập văn hóa

+ Sự hội nhập quốc tế không dừng lại ở sự giao lưu văn hóa mà còn bao gồm hội nhập về kinh tế, giáo dục,…với những cơ hội, thách thức riêng.

+ Tiếp thu văn hóa có chọn lọc không có nghĩa là nói “không” với giao lưu văn hóa, khép mình trước sự hội nhập.

3. Kết bài

- Hội nhập về văn hóa là một xu hướng tất yếu, tiềm ẩn những cơ hội và thách thức.

Đề 2: Viết bài văn nghị luận về bạo lực học đường

1. Mở bài

- Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Bạo lực học đường

- Hiện nay tình trạng bạo lực học đường diễn ra ngày càng phức tạp và là mối quan tâm lớn của xã hội.

2. Thân bài

a. Hiện trạng

+ "Bạo lực học đường" là việc sử dụng những hành vi bạo lực, là cách ứng xử thô lỗ, thiếu đạo đức của học sinh trong trường học.

+ Bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều ở các trường học.

→ Bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay.

b. Nguyên nhân

- Chủ quan:

+ Suy nghĩ lệch lạc; ảnh hưởng từ các chương trình, trò chơi bạo lực.

+ Mong muốn thể hiện "sức mạnh", cá tính và cái tôi cá nhân.

- Khách quan: Sự "hời hợt" trong việc giáo dục, quản lí của gia đình và sự giám sát chưa sát sao của nhà trường.

c. Hậu quả

- Làm mất đi hình ảnh trong sáng, tốt đẹp nên có ở mỗi học sinh.

- Bạo lực học đường là một con dao hai lưỡi:

+ Gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể chất, tinh thần cho nạn nhân.

+ Ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện nhân cách, đạo đức, gây ra những suy nghĩ lệch lạc, sai trái ở những kẻ "đi bắt nạt"

d. Giải pháp:

+ Cố gắng học tập, tạo dựng những mối quan hệ bạn bè, thầy trò tốt đẹp

+ Gia đình và nhà trường cũng cần quan tâm và có những phương pháp giáo dục hiệu quả để các bạn học sinh có những nhận thức đúng đắn.

3. Kết bài

Rút ra bài học nhận thức.

Đề 3: Viết bài văn nghị luận về chiến tranh

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Thế giới đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh mới có được nền hòa bình như ngày hôm nay. Nhưng cho dù sống trong nền hòa bình thì những hậu quả của chiến tranh thì vẫn luôn tồn tại.

2. Thân bài

a. Giải thích

- Chiến tranh là gì? Có rất nhiều định nghĩa về hai từ chiến tranh. Nhưng hiểu một cách đơn giản: Chiến tranh là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, là hoạt động đấu tranh giữa các nước, các giai cấp, các lực lượng chính trị có lợi ích địa vị đối lập nhau nhằm đạt được lợi ích về kinh tế hay chính trị.

b. Nguyên nhân

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến tranh nhưng chủ yếu là do xung đột về quyền lợi về kinh tế và chính trị.

c. Hậu quả

Chiến tranh gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trên mọi phương diện.

*Con người:

- Để lại những thương vong về bên ngoài:

+ Hàng nghìn người đã ngã xuống vì chiến tranh, họ là những con người không tên không tuổi.

+ Có những con người may mắn sống sót nhưng vẫn để lại nhiều di chứng: các thương binh, các bệnh nhân chất độc màu da cam.

- Để lại những nỗi đau ở bên trong: những dư chấn thời hậu chiến: ám ảnh về cái chết, nỗi đau mất mát người thân, gia đình bị ly tán…

*Của cải, vật chất:

+ Ô nhiễm môi trường, thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng.

+ Các công trình của văn minh nhân loại bị phá hủy.

+ Nền kinh tế trở nên kiệt quệ.

+ Trình độ văn hóa thấp, mất đi bản sắc văn hóa dân tộc.

* Mối quan hệ quốc tế:

+ Ngày một trở nên căng thẳng.

+ Ảnh hưởng đến nền hòa bình của toàn cầu.

d. Liên hệ mở rộng:

- Từ buổi đầu dựng nước, dân tộc Việt Nam đã phải đối mặt với rất nhiều cuộc chiến tranh xâm lược. Nhưng trong đó, phải kể đến cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước suốt một nghìn năm Bắc thuộc và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

3. Kết bài

- Có thể thấy, chiến tranh thực sự là một từ ám ảnh và đáng sợ với toàn nhân loại.

- Mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia hãy cùng đồng lòng chống lại chiến tranh, bảo vệ nền hòa bình của nhân loại.

b. Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học

Đề 1: Viết bài văn phân tích tác phẩm Chữ người tử tù

1. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về tác giả Nguyễn Tuân: Một cây bút tài hoa độc đáo, có vị trí quan trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam

- Khái quát chung về tác phẩm Một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách tài hoa nghệ sĩ của ông, được in trong tập Vang bóng một thời (1940)

2. Thân bài

a,Tình huống truyện

+ Không gian: nhà tù. Đây không phải là nơi dành cho những cuộc gặp gỡ.

+ Thời gian: những ngày cuối cùng trước khi ra pháp trường của Huấn Cao.

-Không gian và thời gian góp phần tạo nên kịch tính cho tình huống.

+Cuộc gặp gỡ khác thường của hai con người khác thường :

+ Cuộc hội ngộ diễn ra giữa chốn ngục tù căng thẳng

b. Nhân vật Huấn Cao

- Một người nghệ sĩ tài hoa

+ Người khắp vùng tỉnh Sơn khen Huấn Cao là người:

+ Có tài viết chữ “rất nhanh và rất đẹp”.

“Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm … có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật ở trên đời”.

-Một con người có khí phách hiên ngang bất khuất

+ Là thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa chống lại triều đình.

+ Ngay khi đặt chân vào nhà ngục: Thản nhiên rũ rệp trên thang gông:

khí phách, tiết tháo của nhà Nho

+ Khi được viên quản ngục biệt đãi: “Thản nhiên nhận rượu thịt” như “việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh” phong thái tự do, ung dung, xem nhẹ cái chết.

+ Trả lời quản ngục bằng thái độ khinh miệt: “Ngươi hỏi ta muốn gì ...vào đây”.

Không khuất phục trước cường quyền. khí phách của một người anh hùng.

-Một nhân cách, một thiên lương cao cả

+ Tâm hồn trong sáng, cao đẹp: “Không vì vàng ngọc hay quyền thê mà ép mình viết câu đối bao giờ” → trọng nghĩa, khinh lợi, chỉ cho chữ những người tri kỷ.

+ Khi chưa biết tấm lòng của quản ngục: xem y là kẻ tiểu nhân

+ Khi biết tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của quản ngục: Huấn Cao nhận lời cho chữ

→ Chỉ cho chữ những người biết trân trọng cái tài và quý cái đẹp.

+ Câu nói của Huấn Cao với quản ngục: “Thiếu chút nữa ... trong thiên hạ”

→ Sự trân trọng đối với những người có sở thích thanh cao, có nhân cách cao đẹp.

→ Huấn Cao là một anh hùng - nghệ sĩ, một thiên lương trong sáng.

c.Nhân vật quản ngục

-Tấm lòng biệt liên tài

+ Trong những ngày Huấn Cao trong ngục, quản ngục luôn bày tỏ thái độ nghiêm kính khiêm nhường

+Dũng cảm biệt đãi Huấn Cao

+ Cảm thấy tiếc nuối khi biết Huấn Cao sắp phải từ giữ cõi đời: “Bấy nhiêu ...vũ trụ”.

-Sự khát khao và trân trọng cái đẹp

+ Khát khao cái đẹp: mong ước của ông là “được treo ở nhà riêng một đôi câu đối” do chính tay Huấn Cao viết.

+ Lo lắng nếu như không xin được chữ ông Huấn trước khi bị hành hình thì “ân hận suốt đời mất”

d. Cảnh cho chữ

+ Thời gian: đêm trước khi Huấn Cao ra pháp trường chịu án chém, khi chỉ còn “vẳng có tiếng mõ trên vọng canh”

+ Địa điểm: trại giam tỉnh Sơn

+Không gian: buồng tối chật hẹp, ẩm ướt...

+ Đây là "cảnh tượng xưa nay chưa từng có" :

+ Thân phận và hành động của người cho chữ và nhận chữ đặc biệt

+ Xây dựng được các cặp phạm trù đối lập nhau

+ Chi tiết quản ngục cúi đầu vái lạy người tử tù Huấn Cao: sự thức tỉnh trước cái đẹp, quản ngục đã thoát ra những cái tầm thường, ràng buộc để vươn tới cái cao đẹp.

→Toàn bộ cảnh cho chữ là bài ca tôn vinh cái đẹp, cái thiện, cái thiên lương của con người trong hoàn cảnh tối tăm ngục tù bậc nhất.

3. Kết bài

-Khẳng định những nét nghệ thuật đặc sắc làm nên thành công của tác phẩm

-Chữ người tử tù là một văn phẩm xuất sắc đạt “gần đến sự toàn thiện, toàn mỹ” (Vũ Ngọc Phan

Đề 2: Viết bài văn phân tích tác phẩm Chí Phèo

1. Mở bài

- Vài nét tiêu biểu về tác giả Nam Cao: Ông được xem là đại diện xuất sắc nhất của văn học hiện thực ở chặng đường phát triển cuối cùng của khuynh hướng này

- Giới thiệu tác phẩm “Chí Phèo”: Truyện ngắn kết tinh thành công của Nam Cao trên đề tài nông thôn, nông dân và là một kiệt tác trong nền văn xuôi trước cách mạng

2. Thân bài

a. Làng Vũ Đại - không gian nghệ thuật của truyện ngắn

- Đây chính là không gian nghệ thuật của truyện bởi toàn bộ những chuyện của Chí Phèo đều diễn ra tại đây

- Mâu thuẫn giai cấp gây gắt, âm thầm mà quyết liệt, không khí tối tăm , ngột ngạt.

- Đời sống của người nông dân vô cùng khổ cực bị đẩy vào đường cùng không lối thoát, bị tha hóa.

→Không gian nghệ thuật làm cơ sở đi sâu khai thác hình tượng nhân vật, đồng thời thấy được giá trị hiện thực, nhân đạo của tác phẩm

b. Nhân vật Bá Kiến

- Tiếng cười Tào Tháo, mềm nắn rắn buông, dùng đầu bò trị đầu bò… →Xảo quyệt, gian hùng, thủ đoạn

- Nhân cách ti tiện bỉ ổi, dâm đãng, ghen tuông và độc ác

→Điển hình cho loại địa chủ cường hào ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng

c. Hình tượng nhân vật Chí Phèo

- Sự xuất hiện của nhân vật

+ Hắn vừa đi vừa chửi...: sự xuất hiện tự nhiên

+ Qua tiếng chửi, chân dung nhân vật hiện lên: Kẻ lưu manh cứ rượu vào là chửi nhưng đằng sau đó thấy Chí Phèo mong muốn được coi là người bình thường

- Lai lịch, cuộc đời Chí Phèo trước khi ở tù

+ Hoàn cảnh xuất thân: không cha, không mẹ, không nhà, không cửa, không một tấc đất cắm dúi cũng không có. Tuy vậy, Chí vẫn giữ những phẩm chất tốt đẹp như:

+ Là một con người lương thiện: đi ở hết nhà này đến nhà khác, cày thuê cuốc mướn để kiếm sống → làm ăn chân chính

+ Từng mơ ước giản dị về cuộc sống gia đình: có một ngôi nhà nho nhỏ, chồn cày thuê cuốc mướn… → Chí Phèo là một người lương thiện.

+ Có lòng tự trọng: Bà ba Bá Kiến gọi lên đấm lưng, bóp chân, Chí cảm thấy nhục → Là người có ý thức về nhân phẩm.

+ Chí Phèo có đủ điều kiện để sống cuộc sống yên bình như bao người khác, quãng đời lương thiện của Chí kéo dài trong khoảng 20 năm đầu

- Sự biến đổi của Chí Phèo sau khi ra tù

Sự kiện Chí Phèo bị bắt vào tù:

+ Vì Bá Kiến ghen với vợ hắn.

+ Chế độ nhà tù thực dân đã biến Chí trở thành lưu manh, có tính cách méo mó và quái dị.

- Hậu quả của những ngày ở tù:

+ Hình dạng:  “Cái đầu trọc lốc, hàm răng cạo trắng hớn, cái mặt thì câng câng đầy những vết sứt sẹo, hai con mắt gườm gườm” → Chí Phèo đánh mất nhân hình.

+ Nhân tính: du côn, du đãng, triền miên trong cơn say, đập đầu, chửi bới, phá phách và làm công cụ cho Bá Kiến → Chí Phèo đã đánh mất nhân tính.

+ Quá trình tha hóa của Chí Phèo: Đến nhà Bá Kiến trả thù ⇒ Chí mắc mưu, trở thành tay sai cho Bá Kiến

+ Chí đã bị cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính, là điển hình cho hình ảnh người nông dân bị đè nén đến cùng cực

→Chí đã bị cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính

→ Cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở

- Tình yêu thương của Thị Nở đã đánh thức bản chất lương thiện của Chí Phèo.

+ Về nhận thức: Nhận biết được mọi âm thanh trong cuộc sống.

+ Nhận ra bi kịch trong cuộc đời của mình và sợ cô đơn, cô độc

+ Về ý thức: Chí Phèo thèm lương thiện và muốn làm hòa với mọi người.

- Hình ảnh bát cháo hành là hình ảnh độc đáo, chân thật và giàu ý nghĩa: lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Chí được ăn trong tình yêu thương và hạnh phúc.

→Chí Phèo đã hoàn toàn thức tỉnh

- Bi kịch bị cự tuyệt

+ Nguyên nhân: do bà cô Thị Nở không cho Thị lấy Chí Phèo. Thể hiện định kiến của xã hội

+ Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo:

+ Lúc đầu: Chí ngạc nhiên trước thái độ của Thị Nở

+ Sau Chí hiểu ra mọi việc: Tuyệt vọng, Chí uống rượu rồi xách dao đên nhà Bá Kiến đâm chết Bá Kiến và tự sát.

- Ý nghĩa hành động đâm chết Bá Kiến và tự sát của Chí:

+ Đâm chết Bá Kiến là hành động lấy máu rửa thù của người nông dân thức tỉnh về quyền sống.

+ Cái chết của Chí Phèo là cái chết của con người trong bi kịch đau đớn trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống làm người

d. Đặc sắc nghệ thuật

- Xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình.

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo.

- Ngôn ngữ giản dị, diễn đạt độc đáo.

- Kết cấu truyện mới mẻ, tưởng như tự do nhưng lại rất chặt chẽ, lôgic.

- Cốt truyện và các tình tiết hấp dẫn, biến hóa giàu kịch tính.

3. Kết bài

-Khẳng định lại những nét tiêu biểu nhất về mặt nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Chí Phèo

-Với tác phẩm này, nam Cao đã tố cáo mạnh mẽ xã hội thực dân nửa phong kiến và đồng thời trân trọng, phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp của con người ngay cả khi tưởng chừng học đã biến thành quỷ dữ

c. Viết một văn bản nội quy hoặc văn bản hướng dẫn nơi công cộng

Đề 1: Viết văn bản nội quy lớp học

- Tên trường, quốc hiệu, tiêu ngữ, ngày tháng năm.

- Nội quy lớp học gồm các nội dung như:

1) Kính trọng người lớn, lễ phép với thầy cô giáo, hòa nhã với bạn bè; không đánh nhau gây mất đoàn kết trong lớp học; không nói tục, chửi bậy.

2) Đi học đúng giờ (có mặt ở trường trước 15 phút khi buổi học bắt đầu), nghỉ học phải có lý do, phải có giấy xin phép được phụ huynh ký xác nhận.

3) Đến lớp học: phải học bài và làm bài tập đầy đủ; phải có đủ đồ dùng học tập; đầu tóc, quần áo gọn gàng nghiêm túc, mặc đồng phục theo đúng quy định của nhà trường; giữ gìn vệ sinh chung của lớp của trường; không xả rác, vứt rác bừa bãi; có ý thức giữ gìn bảo vệ của công.

4) Học sinh có mặt trong lớp sau khi kết thúc hiệu lệnh báo hiệu bắt đầu tiết học. Trường hợp lớp chưa có giáo viên thì phải giữ trật tự, lớp trưởng hoặc bí thư lên báo cáo với ban giám hiệu

5) Trong lớp trật tự chú ý nghe giảng, có ý thức tham gia xây dựng bài; không được nói chuyện riêng, làm việc riêng trong lớp. Chỉ được phát biểu hoặc trình bày ý kiến khi được giáo viên cho phép.

6) Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể.

7) Tất cả học sinh phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các điều trong nội quy học sinh. Nếu vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT và quy định xử lý học sinh vi phạm của trường.

- Chữ kí của hiệu trưởng.

Đề 2: Viết văn bản nội quy câu lạc bộ Guitar

NỘI QUY CÂU LẠC BỘ GUITAR

1. CLB hoạt động từ 3h30 đến 5h30 hai ngày thứ bảy, chủ nhật.

2. Đến sinh hoạt đúng giờ

3. Chuẩn bị kỹ càng dụng cụ và bàn tay trước giờ sinh hoạt CLB

4. Hòa đồng, thân thiện, có ý thức hỗ trợ mọi người

5. Hăng hái tham gia trong mọi hoạt động của CLB

6. Có ý thức đóng góp, xây dựng để CLB hoạt động ngày càng hiệu quả

7. Nghiêm cấm sử dụng rượu,bia, chất kích thích trong CLB

Nếu ai có thắc mắc hoặc vấn đề gì cần giải đáp, xin liên hệ tới SĐT: 09**89****

d. Viết bài luận về bản thân

Đề 1: Viết bài luận về bản thân để thuyết phục BTC của lễ hội hoặc BQL di tích chấp nhận mong muốn

1. Mở bài

- Dẫn dắt và nêu vấn đề của bài viết: Mong muốn gia nhập Câu lạc bộ và khả năng đáp ứng tốt các yêu cầu của một tình nguyện viên trong việc tổ chức hoạt động của lễ hội hoặc giới thiệu di tích lịch sử, văn hoá của địa phương

2. Thân bài

- Lần lượt trình bày các luận điểm. Sử dụng lí lẽ và dẫn chứng để làm rõ luận điểm.

- Người viết có thể sắp xếp các ý theo trật tự khác nhau để thuyết phục Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ chấp nhận nguyện vọng của bản thân. Ví dụ, có thể sắp xếp theo trật tự sau:

+ Giới thiệu khái quát về bản thân (tên, lớp, hiểu biết, mục đích tham gia Câu lạc bộ, ...).

+ Niềm yêu thích, sự sẵn sàng dành thời gian, tâm huyết,... của bản thân cho các hoạt động tình nguyện vì sự phát triển của cộng đồng địa phương.

+ Khả năng tham gia hỗ trợ (hoặc tổ chức) các hoạt động lễ hội hay giới thiệu di tích lịch sử, văn hoá của địa phương. Ví dụ: Viết bài giới thiệu, viết nội quy, hướng dẫn khách tham gia lễ hội/ di tích; biên tập, cập nhật thông tin về lễ hội/ di tích trên trang web của địa phương: tham gia tổ chức hoạt động tìm hiểu thực tế cho các đoàn khách, nhất là học sinh, sinh viên và người nước ngoài (nếu em giỏi ngoại ngữ) ...

+ Cam kết thực hiện tốt các yêu cầu của Câu lạc bộ và địa phương

3. Kết bài

- Khẳng định nguyện vọng, cam đoan về năng lực và trách nhiệm của bản thân trong việc tham gia Câu lạc bộ và thực hiện các hoạt động được phân công

- Cảm ơn Ban Chủ nhiệm về sự quan tâm đọc và xét duyệt.

Đề 2: Viết bài luận về bản thân thuyết phục trường đại học ở nước ngoài cấp học bổng du học

1. Mở bài

Chào mừng và nêu vấn đề chính của bài viết: thuyết phục trường đại học ở nước ngoài cấp học bổng du học

2. Thân bài

- Giới thiệu tổng quan về bản thân (tên, tuổi, lớp,...).

- Thể hiện lòng khao khát của bản thân:

+ Mong muốn theo học ngành…

- Đặc điểm nổi bật của bản thân để thuyết phục trường đại học quốc tế:

+ Sự thành thạo trong giao tiếp tiếng Anh.

+ Thành tích học tập xuất sắc.

+ Tinh thần năng động, tích cực tham gia hoạt động tình nguyện.

- Cam kết tuân thủ nghiêm túc các quy định và yêu cầu của trường đại học đối với du học sinh.

3. Kết bài

- Xác nhận nguyện vọng và cam kết về khả năng, trách nhiệm của bản thân khi học tập tại trường đại học.

- Bày tỏ lòng biết ơn đến trường đại học.


Cùng chủ đề:

10 đề kiểm tra giữa học kì 1 Văn 10 kết nối tri thức có đáp án và lời giải chi tiết
20 đề thi học kì 1 Văn 10 kết nối tri thức có đáp án và lời giải chi tiết
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HK1 Văn 10 Kết nối tri thức có đáp án
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HK2 Văn 10 Kết nối tri thức có đáp án
Đề thi giữa kì 1 Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi giữa kì 1 Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi giữa kì 1 Văn 10 Kết nối tri thức - Đề số 1
Đề thi giữa kì 1 Văn 10 Kết nối tri thức - Đề số 2
Đề thi giữa kì 1 Văn 10 Kết nối tri thức - Đề số 3