Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 11 - Đề số 11 có lời giải chi tiết — Không quảng cáo

Soạn văn 11 tất cả các bài, Ngữ văn 11 , tổng hợp văn mẫu hay nhất Đề kiểm tra giữa học kì II - Lớp 11


Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 11 - Đề số 11 có lời giải chi tiết

Tải về

Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 11 - Đề số 11 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Đề bài

A. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm):

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Theo GS. John Anthony Allan, “nước ảo” không phải là lượng nước tồn tại trong sản phẩm mà là nước được sử dụng trong quá trình sản xuất ra sản phẩm. Và theo cách tính đó, ông đã đưa ra những con số giật mình, ví dụ như để làm ra một chiếc bánh hamburger phải tiêu tốn 2.400 lít nước từ việc trồng lúa mì, xay bột, làm nhân bánh, trồng rau; để có 1 ký thịt bò, phải cần đến 15.340 lít nước để nuôi bò bởi trong ba năm nuôi một con bò cho 200kg thịt, nó đã ăn đến 1.300kg ngũ cốc (lúa mì, bắp, đậu nành, lúa mạch…) và 7.200kg cỏ và để sản xuất lượng ngũ cốc và cỏ đó phải cần đến ba triệu lít nước…

Gọi là “nước ảo” song trong quá trình sản xuất, người ta đều lấy nước thật từ lòng đất, sông hồ… “Ảo” là để chỉ ở góc độ không nhìn thấy của “nước” trong sản phẩm. Khái niệm này có ý nghĩa đặc biệt quan trong khi đặt nó trong thị trường nước và giao dịch nước ảo. Cần hiểu sự giao dịch “nước ảo” chính là trao đổi những hàng hóa mang trong mình “nước ảo”, ví như lương thực, thực phẩm, quần áo, giày dép, nông sản… Vì thế, trao đổi nguồn “nước ảo” là một phương tiện có thể khắc phục tình trạng thiếu nước ở một số quốc gia. Việc buôn bán “nước ảo” có thể tạo ra sự cân bằng về tiêu dùng nước giữa các quốc gia.

Bên cạnh đó, “nước ảo” có ảnh hưởng rất lớn đến chính sách thương mại và nghiên cứu trên toàn cầu, đặc biệt là ở những khu vực khan hiếm nước. Giáo sư John Anthony Allan đã chỉ ra việc nhập siêu “nước ảo”, thông qua lương thực và hàng hóa sẽ giảm bớt sức ép cho những khu vực thiếu nước. Chẳng hạn thay vì sử dụng nguồn nước hạn chế của sông Jordan, Israel đã nhập “nước ảo” qua việc nhập bột mì của Mỹ hay gạo của Thái Lan. Hiện nay Israel nhập đến 80% lương thực vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân tiết kiệm nước.

Nhờ lý thuyết “nước ảo”, người ta phát hiện những quốc gia như Mỹ, Argentina và Brazil xuất khẩu hàng tỉ mét khối nước ảo trong khi các nước như Nhật, Ai Cập và Ý lại nhập hàng tỉ mét khối nước ảo mỗi năm thông qua lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng. 62% lượng nước tiêu thụ ở Anh là nước ảo được nhập khẩu qua hàng hóa và thực phẩm. Trên thế giới những nước xuất khẩu nước ảo nhiều nhất là: Mỹ, Canada, Thailand, Ấn độ, Việt Nam, Pháp và Braxin. Những nước nhập khẩu nước ảo nhiều nhất là: Sri Lanka, Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Ai Cập, Đức và Italy.

Một cuộc sống chất lượng nhưng tiết kiệm hợp lý có lẽ là phương án duy nhất để bảo vệ tài nguyên nước trong tình hình hiện nay. Khi bạn lãng phí một hạt cơm hay vứt đi một món đồ dùng còn sử dụng tốt, hãy nghĩ đến công sức người lao động và số lượng nước kết tinh trong đó và hãy thay đổi thói quen. Bảo vệ môi trường không có nghĩa là từ bỏ các tiện nghi hiện đại để trở về với lối sống đơn sơ. Không ai có thể bắt chúng ta phải thắt lưng buôc̣ bụng trong khi cả xã hội đang hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng sự giàu có phải gắn liền với tính “bền vững” tức là sống có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Đây là những việc nhỏ đầu tiên chúng ta có thể làm để bảo vệ nguồn nước quý giá, cũng như bảo đảm cho cuộc sống tương lai.

( Tài nguyên và môi trường, Kỳ 2, tháng 1,2013)

Câu 1: (0.5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2: (0.5 điểm) Nước ảo là gì? Mối quan hệ giữa nước ảo và nước thật?

Câu 3: (1.0 điểm) Tại sao có thể nói “nước ảo” ảnh hưởng tới những giá trị kinh tế vĩ mô?

Câu 4: (1.0 điểm) Để bảo vệ nguồn nước sạch, theo anh/chị chúng ta cần có những hành động gì?

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Bằng 01 đoạn văn khoảng 200 từ, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trong văn bản ở phần đọc hiểu: sống có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Câu 2 (5,0 điểm):

Cảm nhận của anh chị về hai đoạn thơ sau:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất;

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi

(Trích Vội vàng - Xuân Diệu)

Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình san sẻ với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

(Trích Từ ấy - Tố Hữu)

Lời giải chi tiết

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2:

- Nước ảo là lượng nước sử dụng trong quá trình sản xuất ra sản phẩm

- Mối quan hệ: Sản xuất lấy nước thật để tạo ra nước ảo; Nước ảo được quy đổi ra nước thật

Câu 3:

* Ảnh hưởng:

- Trao đổi nước ảo khắc phục tình trạng thiếu nước, buôn bán “nước ảo” có thể tạo ra sự cân bằng về tiêu dùng nước giữa các quốc gia.

- Nhập siêu “nước ảo”, thông qua lương thực và hàng hóa sẽ giảm bớt sức ép cho những khu vực thiếu nước.

- Phát hiện những quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu nước ảo

Câu 4:

- Thái độ: Để sản xuất ra một sản phẩm thì cần một lượng nước rất lớn/ Lãng phí nước ảo cũng chính là lãng phí nước thật/ có ý thức tiết kiệm nước thật và nước ảo

- Giải pháp: Phải sử dụng hết, không lãng phí lương thực hoặc sản phẩm tiêu dùng/ Tiết kiệm nước/ Đấu tranh với những biểu hiện làm ô nhiễm môi trường nước...

(Thí sinh có thể đưa ra những giải pháp khác nhưng phải thuyết phục...)

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1:

Có thể theo hướng sau:

- Trách nhiệm là phần việc phải làm tròn, nếu không sẽ gánh chịu hậu quả

- Sống có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội là lối sống tiết kiệm, không lãng phí (từ nguồn nước)

- Bảo vệ môi trường

- Quan tâm đến những giá trị chung...

Câu 2:

* Giới thiệu ngắn gọn về hai tác giả, hai tác phẩm, hai đoạn thơ

- Văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 là thời kỳ trỗi dậy của cái tôi cá nhân. Cá nhân muốn khẳng định mình và khát khao giao cảm với đời. Sự thức tỉnh ấy xuất hiện ở tất cả các trào lưu văn học lúc bấy giờ: văn học lãng mạn, văn học hiện thực, văn học cách mạng. Có thể thấy rõ điều đó qua 2 đoạn thơ…

- Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới”. Ông đã mang đến cho thơ ca đương thời một quan niệm sống mới mẻ và những cách tân nghệ thuật vô cùng táo bạo. Vội vàng in trong tập Thơ thơ (1938), tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Diệu trước cách mạng.

- Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng. Thơ ông mang đậm tính chất trữ tình chính trị. Giọng thơ ngọt ngào và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc. Từ ấy là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Tố Hữu. Bài thơ được sáng tác vào tháng 7/ 1938 nhân sự kiện nhà thơ được kết nạp vào Đảng.

* Cảm nhận đoạn thơ thứ nhất:

- Nội dung:

+ Thi nhân trực tiếp bày tỏ khát khao của mình: muốn “tắt nắng”, “buộc gió” chính là muốn chặn bước đi của thời gian, ngăn laị quy luật tuần hoàn của vũ trụ. Thì ra đây không phải là một ước muốn ngông ngạo tầm thường mà là một ước muốn lớn lao, tha thiết, mãnh liệt.

+ Khát khao tận hưởng hương sắc trần thế “cho màu đừng nhạt mất”, “cho hương đừng bay đi”

→ Ước muốn níu giữ cái đẹp của nhân gian người xưa không phải là không ao ước chỉ có điều họ không dám nói ra mà thôi, còn Xuân Diệu đã nói ra một cách thành thực khát vọng không phải của riêng ai. Nhà thơ đã bày tỏ một cái tôi mạnh mẽ, khát khao yêu đời, yêu sống.

- Nghệ thuật:

+ Điệp ngữ “tôi muốn” và điệp cú pháp “Tôi muốn... cho...” → làm cho nhịp điệu câu thơ thêm mạnh mẽ, tha thiết, vừa bày tỏ được niềm khao khát chế ngự thiên nhiên vừa bộc lộ cái tôi lớn lao chưa từng thấy trong thơ ca truyền thống.

* Cảm nhận đoạn thơ thứ hai

- Nội dung:

Từ ấy ghi lại được niềm vui sướng phấn khởi của Tố Hữu khi bắt gặp lý tưởng cách mạng và điều kỳ diệu đã xảy ra: nhà thơ đã có những những chuyển biến lớn lao về nhận thức và tình cảm trước cuộc đời.

+ Cái tôi nhà thơ tự nguyện gắn bó chân thành với quần chúng nhân dân: “Tôi buộc lòng tôi với mọi người”: “buộc” là sự gắn kết chặt chẽ, tự nguyện, cái tôi hòa với cái ta chung của tập thể.

+ Cái tôi ấy đồng cảm sẻ chia, quan tâm tới mọi cảnh đời “Để tình trang trải với trăm nơi”, “trang trải” là trải rộng ra với đời, “trăm nơi” cách viết ước lệ chỉ số nhiều.

+ Tình cảm ấy trở thành sợi dây gắn kết chặt chẽ giữa trái tim của những người cùng khổ, tạo nên sự đoàn kết của khối đời vững chắc. “Khối đời” là hình ảnh ẩn dụ chỉ khối người đông đảo cùng chung cảnh ngộ trong cuộc đời, đoàn kết chật chẽ với nhau, cùng phấn đấu vì một mục đích chung.

→ Tố Hữu đã đặt mình vào giữa dòng đời để tìm thấy niềm vui và sức mạnh mới, không chỉ bằng nhận thức mà bằng cả con tim và tình cảm.

→ Khổ thơ giống như một lời tâm niệm, lời hứa thiêng liêng nguyện gắn bó với nhân dân. Qua đó nhà thơ muốn khẳng định mối quan hệ sâu sắc giữa văn học và cuộc sống mà chủ yếu là cuộc sống của nhân dân.

- Nghệ thuật:

+ Ngôn ngữ, hình ảnh thơ mộc mạc, giản dị, chân thành.

+ Thể thơ thất ngôn tạo nên nhịp điệu trang trọng, tha thiết, thể hiện cái tôi yêu đời, yêu sống

* Nét tương đồng và khác biệt:

- Nét tương đồng:

+ Cả hai đoạn thơ cùng bộc lộ trực tiếp cái tôi trữ tình lãng mạn. Sự thức tỉnh cái tôi cá nhân khát khao muốn giao cảm với đời và thể hiện một thái độ sống tích cực.

+ Giọng thơ chân thành, tha thiết.

- Nét khác biệt:

+ Cái tôi trong thơ Xuân Diệu khát khao chế ngự thiên nhiên, tận hưởng cái đẹp của nhân gian. Đó là cái tôi tiêu biểu cho thơ mới, cho văn học lãng mạn. Còn cái tôi trong thơ Tố Hữu gắn bó với quần chúng lao khổ. Đó là lẽ sống của người chiến sĩ cộng sản, tiêu biểu cho văn học lãng mạn.

+ Hình ảnh thơ Xuân Diệu lãng mạn trẻ trung, tình tứ, còn hình ảnh trong thơ Tố Hữu giản dị, mộc mạc, gần gũi với nhân dân.

- Hai nhà thơ tuy ở cùng một thời đại văn học nhưng lại có những khác nhau về tư tưởng nghệ thuật và quan niệm thẩm mỹ. Mỗi nhà thơ lại có những phong cách nghệ thuật riêng. Chính điều đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền văn học.


Cùng chủ đề:

Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 11 - Đề số 6 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 11 - Đề số 7 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 11 - Đề số 8 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 11 - Đề số 9 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 11 - Đề số 10 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 11 - Đề số 11 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 11 - Đề số 12 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 11 - Đề số 13 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 11 - Đề số 14 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 11 - Đề số 15 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa kì 1 Ngữ văn 11 - Đề số 16 có lời giải chi tiết