Đề số 1 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 11
Tải vềĐáp án và lời giải chi tiết Đề số 1 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Ngữ văn 11
Đề bài
Phần I: Đọc hiểu (4 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
( Thương vợ - Trần Tế Xương)
1. Xác định phong cách ngôn ngữ chính được sử dụng trong văn bản trên?
2. Xác định thể thơ được sử dụng trong văn bản trên?
3. Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong hai câu thơ sau? Nêu hiệu quả sử dụng của biện pháp nghệ thuật đó?
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Phần II: Làm văn (6 điểm)
Anh (chị) hãy phân tích bi kịch tha hoá của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao?
Lời giải chi tiết
Phần I: Đọc hiểu
1.
* Phương pháp: Căn cứ vào đặc điểm của các phong cách ngôn ngữ đã học: sinh hoạt, nghệ thuật, báo chí, chính luận, hành chính – công vụ.
* Cách giải:
- Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
2.
* Phương pháp: Căn cứ vào đặc điểm của các thể thơ mà em đã học.
* Cách giải: Thể thơ thất ngôn bát cú.
3.
* Phương pháp: Căn cứ vào các biện pháp nghệ thuật mà em đã học.
* Cách giải:
- Biện pháp nghệ thuật: Sử dụng thành ngữ “một duyên hai nợ” và “năm nắng mười mưa”
- Tác dụng: thành ngữ và cách nói tăng cấp “một duyên hai nợ”, “năm nắng mười mưa” đã khắc họa cuộc đời cơ cực, tủi nhục của bà Tú. Bà với ông Tú, duyên thì ít mà nợ thì nhiều. Ông Tú tự thấy mình là một gánh nợ trong suốt cuộc đời người vợ. Nhưng người mẹ, người vợ đó không hề ý thức rằng đó là sự hi sinh. Như bao người phụ nữ Việt Nam khác, bà làm mọi việc một cách tự nhiên, âm thầm, không hề đòi hỏi, oán trách. Bà Tú coi đó như một lẽ thường tình, nào có kể công.
Phần II: Làm văn
* Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
* Cách giải:
Yêu cầu hình thức:
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.
- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu nội dung:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Nam Cao là cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. “Đến Nam Cao, chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam từ 1930 đến 1945 mới thực sự tự giác đầy đủ về những nguyên tắc sáng tác của nó”. Những sáng tác của ông xoay quanh hai đối tượng chính là người nông dân nghèo và người trí thức nghèo.
- Chí Phèo thuộc thể loại truyện ngắn nhưng có dung lượng của tiểu thuyết. Tác phẩm này đã đưa Nam Cao lên vị trí là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
2. Phân tích
2.1 Giới thiệu nhân vật
- Xuất thân: là đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi ở lò gạch cũ, được anh đi thả ống lươn nhặt được, mang về cho một bà góa mù, bà góa mù bán cho bác phó cối không con, bác phó cối mất đi thì sống trong sự đùm bọc của dân làng.
→ Mồ côi, bị trao qua đổi lại, lớn lên trong sự cưu mang của cộng đồng.
- Khi lớn lên (20 tuổi): Chí Phèo làm canh điền cho nhà Bá Kiến, lành như đất → lương thiện đích thực:
+ Cày cấy thuê để kiếm sống.
+ Khi bị bà ba gọi vào bóp chân, Chí chỉ thấy nhục → có lòng tự trọng.
+ Mơ ước về mái ấm hạnh phúc, giản dị: chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải…
→ Là một người lương thiện.
2.2 Phân tích bi kịch tha hóa của Chí Phèo
* Từ người nông dân hiền lành, lương thiện bị biến thành thằng lưu manh.
(+) Nguyên nhân:
- Do Bá Kiến: ghen, đẩy Chí Phèo vào tù.
- Do nhà tù đã nhào nặn, tha hóa Chí
→ Xã hội phi lý, bất công, ngang trái.
(+) Biểu hiện:
- Nhân hình:
+ Gương mặt: Cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt cơng cơng, hai mắt gườm gườm…
+ Trang phục: Mặc áo tây vàng với quần nái đen, phanh áo để lộ hình xăm…
- Nhân tính:
+ Uống rượu đến say khướt.
+ Chửi bới.
+ Đánh nhau.
+ Ăn vạ
+ Liều lĩnh, thách thức.
→ Thằng lưu manh hung hăng, liều lĩnh.
* Bị tha hóa từ thăng lưu manh trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
(+) Nguyên nhân:
- Do sự khôn ngoan, gian xảo của Bá Kiến.
- Do sự khờ khạo, u mê của Chí Phèo.
(+) Biểu hiện:
- Nhân hình: biến thành mặt một con vật lạ.
- Nhân tính:
+ Triền miên trong những cơn say → làm bất cứ cái gì mà người ta sai → gây tội ác.
+ Đoạn văn mở đầu tác phẩm: “Hắn vừa đi vừa chửi…” → sự phẫn uất, cô độc cùng cực của Chí Phèo.
3. Tổng kết
- Chí Phèo là một nhân vật điển hình bất hủ của văn xuôi Việt Nam hiện đại. “Hiện tượng Chí Phèo” in đậm dấu ấn của thời kì Tiền khởi nghĩa 1940 – 1945.
- Nam Cao đã rất thành công trong việc tạo dựng hình tượng nhân vật Chí Phèo thông qua bút pháp miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo, giọng kể độc đáo, có sự kết hợp giữa lời trực tiếp với lời nửa trực tiếp.