Đề số 28 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn — Không quảng cáo

Soạn văn 9 tất cả các bài, Ngữ văn 9 , tổng hợp văn mẫu hay nhất Tổng hợp 100 đề thi vào 10 môn Văn


Đề số 28 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 28 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đề bài

Câu 1.

a) Nhận biết

Xác định lời dẫn trong đoạn thơ sau. Cho biết đó là lời dẫn trực tiếp hay lời dẫn gián tiếp?

Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:

“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,

Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”

(Trích Bếp lửa – Bằng Việt, Ngữ Văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.144)

b) Nhận biết

Xác định và gọi tên thành phần biệt lập trong câu sau:

Ngoài cửa sổ bấy giờ những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt – cái giống hoa ngay khi mới nở, màu sắc đã nhợt nhạt.

(Trích Bến quê – Nguyễn Minh Châu, Ngữ Văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.100)

c) Thông hiểu

Đặt câu trong đó có sử dụng một thành phần biệt lập.

Câu 2.

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

(Trích Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.139)

a) Nhận biết

Đoạn thơ trên được trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?

b) Nhận biết

Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ.

c) Thông hiểu

Chỉ ra và nêu tác dụng của các phép tu từ trong hai câu thơ sau:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

d) Vận dụng

Từ nội dung đoạn thơ trên, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 – 7 câu) trình bày suy nghĩ của em về biển đảo quê hương.

Câu 3: (5.0 điểm) Vận dụng cao

Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long (Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2016). Qua đó làm nổi được tình cảm của nhà văn đối với những người có lẽ sống cao đẹp đang lặng lẽ quên mình cống hiến cho Tổ quốc.

Lời giải chi tiết

Câu 1.

a.

Phương pháp: căn cứ bài Lời dẫn trực tiếp, lời dẫn gián tiếp

Cách giải:

- Lời dẫn trong đoạn thơ là:

“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,

Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”

- Đó là lời dẫn trực tiếp.

b.

Phương pháp: căn cứ bài Thành phần biệt lập

Cách giải:

Thành phần biệt lập – thành phần phụ chú: cái giống hoa ngay khi mới nở, màu sắc đã nhợt nhạt.

c.

Phương pháp: căn cứ bài Thành phần biệt lập

Cách giải:

- Chắc hẳn Tế Hanh phải rất yêu quê hương nên ông mới viết được những vần thơ hay như vậy về quê mình.

- Thành phần tình thái: Chắc hẳn.

Câu 2.

a.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Đoàn thuyền đánh cá

Cách giải:

Đoạn thơ trên trích trong bài “Đoàn thuyền đánh cá” của tác giả Huy Cận.

b.

Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học

Cách giải:

Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ: biểu cảm, miêu tả, tự sự.

c.

Phương pháp: căn cứ biện pháp So sánh, Nhân hóa

Cách giải:

- Biện pháp so sánh: Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

=>  Tác dụng của biện pháp so sánh:

+ Gợi ra điểm nhìn nghệ thuật: nhìn từ con thuyền đang ra khơi.

+ Gợi ra thời gian: hoàng hôn -> sự vận động của thời gian.

+ Nhấn mạnh quang cảnh hùng vĩ của bầu trời lúc chiều tà -> vẻ đẹp kì vĩ, tráng lệ của cảnh hoàng hôn trên biển.

- Biện pháp tu từ nhân hóa: Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

=>  Tác dụng:

+ Được sáng tạo từ chi tiết thực: những con sóng cài ngang như chiếc then cửa của vũ trụ. Bóng đêm “sập cửa”  gợi khoảnh khắc ánh ngày vụt tắt và màn đêm bất ngờ buông xuống bao trùm tất cả.

+ Gợi không gian vũ trụ rộng lớn, mênh mông, kì vĩ mà vẫn gần gũi, ấm áp như ngôi nhà của con người.

d.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

Suy nghĩ của em về biển đảo quê hương:

+ Biển đảo cùng với đất liền là phần lãnh thổ thiêng liêng, là máu thịt của Tổ quốc.

+ Biển đảo mang lại những giá trị về văn hóa và kinh tế vô cùng to lớn đối với quốc gia.

+ Bảo vệ chủ quyền biển đảo là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.

+ ….

Câu 3.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu về kĩ năng:

- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.

- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.

- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.

- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.

- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.

* Yêu cầu về kiến thức : đảm bảo được các ý sau:

1. Giới thiệu chung:

- Tác giả:

+ Sáng tác từ thời kì kháng chiến chống Pháp và nhanh chóng trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi cách mạng Việt Nam.

+ Thành công ở truyện ngắn và kí.

+ Tác phẩm của Nguyễn Thành Long tập trung phản ánh vẻ đẹp của con người Việt Nam mới trong lao động và trong chiến đấu.

+ Lối viết vừa chân thực, giản dị, vừa giàu chất trữ tình.

- Tác phẩm: Được viết vào mùa hè năm 1970 – là kết quả chuyến công tác lên Lào Cai của tác giả.

- Anh thanh niên được miêu tả qua cái nhìn của nhiều nhân vật: bác lái xe, ông họa sĩ, cô kĩ sư… Từ những điểm nhìn ấy tác giả dần khám phá, khắc họa những vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn anh.

2.  Phân tích vấn đề

Truyện đã khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động bình thường mà cao đẹp”.

=> Nhận xét đã khẳng định vẻ đẹp bình dị, khiêm nhường của anh thanh niên trong cuộc sống cũng như trong lao động.

a. Là con người thiết tha yêu cuộc sống:

- Được thể hiện qua tình cảm gắn bó, quan tâm, gần gũi của anh với những người xung quanh.

+ Thèm người, nhớ người, mong được trò chuyện anh đã dùng khúc gỗ chắn ngang đường.

+ Anh là người có trái tim biết yêu thương, sẻ chia, thân thiện: gửi củ tam thất cho vợ bác lái xe,; Trò chuyện cởi mở, tặng hoa, tặng quà ăn đường cho người vừa mới gặp lần đầu là ông họa sĩ, cô kĩ sư.

- Anh còn là người có tinh thần lạc quan trong một hoàn cảnh sống nhiều khó khăn, thử thách:

+ Biết tạo ra niềm vui cho cuộc sống của mình: trồng hoa trước nhà.

+ Biết tổ chức một cuộc sống gọn gàng, ngăn nắp, tìm cho mình những thú vui lành mạnh: căn nhà anh ở sạch sẽ, đọc sách.

b. Là con người sống có lí tưởng, có niềm say mê và trách nhiệm với công việc.

- Rất say mê công việc đo gió, đo mưa trên đỉnh Yên Sơn:

+ Chấp nhận sống và làm việc một mình trên đỉnh núi cao mấy nghìn mét so với mặt biển, anh dám đối mặt và vượt lên nỗi cô đơn vì tình yêu công việc.

+ Coi công việc như một người bạn “ta với công việc là đôi”

+ Thấy hạnh phúc khi được làm việc: tin vào ý nghĩa công việc mình làm, dự báo chính xác thời tiết giúp người nông dân sản xuất, giúp không quân bắn rơi máy bay.

- Làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao:

+ Có những đêm trời lạnh giá anh vẫn trở dậy đo gió, đo mưa.

+ Anh đã vượt lên hoàn cảnh và vượt lên chính mình để hoàn thành công việc.

-> Tinh thần trung thực và ý thức trách nhiệm với nghề.

- Tất cả đều bắt nguồn từ lí tưởng sống đẹp của anh thanh niên:

+ Anh muốn góp sức mình vào công cuộc dựng xây và bảo vệ cuộc sống mới (công việc của anh giúp ích cho lao động sản xuất và chiến đấu)

+ Anh không lẻ loi, đơn độc mà tìm thấy những người bạn đồng hành trên con đường mình đã chọn: ông kĩ sư vườn rau Sa Pa, anh cán bộ địa chất lập bản đồ sét => tất cả đều lặng lẽ và bền bỉ với đời sống, với công việc.

+ Anh tác động lớn tới ông họa sĩ và cô kĩ sư. Ông họa sĩ tìm thấy ở anh lí tưởng sáng tạo của mình. Còn cô kĩ sư cũng tìm thấy ở anh một tấm gương về tình yêu cuộc sống, tình yêu công việc.

=> Anh là hiện thân cho vẻ đẹp của một lớp người đang tích cực góp phần tạo dựng lên cuộc sống mới cho quê hương, đất nước.

c. Tình cảm nhà văn

- Trân trọng, yêu quý những người lao động thầm lặng.

- Ngợi ca sự hi sinh, cống hiền thầm lặng của họ đối với đất nước.

d. Nghệ thuật khắc họa nhân vật

- Ngôi kể: ngôi thứ 3, điểm nhìn trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn và ý nghĩ của nhân vật ông họa sĩ, ngoài ra còn có điểm nhìn của cô kĩ sư và bác lái xe.  Khiến cho câu chuyện về nhân vật trở nên khách quan, chân thực, có cái nhìn nhiều chiều về nhân vật. Qua cách nhìn và cảm xúc của các nhân vật, hình ảnh người thanh niên hiện lên rõ nét và đáng mến hơn.

- Tình huống truyện là cuộc gặp gỡ tình cờ, ngắn ngủi giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư và anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn, Sa Pa.Tạo tình huống ấy khiến tác giả giới thiệu nhân vật một cách thuận lợi, nhất là để nhân vật ấy hiện lên qua cái nhìn, ấn tượng của các nhân vật khác. Từ đó làm cho hình tượng của anh thanh niên trở nên khách quan, chân thực.

3. Tổng kết

- Tác phẩm đã khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động bình dị, mà tiêu biểu là anh thanh niên.

- Truyện khẳng định vẻ đẹp của người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

Nguồn: Sưu tầm


Cùng chủ đề:

Đề số 23 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề số 24 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề số 25 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề số 26 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề số 27 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề số 28 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề số 29 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề số 30 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề số 31 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề số 32 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề số 33 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn