Đề số 4 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Tải vềĐáp án và lời giải chi tiết - Đề số 4 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Có rất nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình chỉ vì họ sợ bị thất bại. Họ không muốn thử sức mình với các kỳ thi quốc gia vì họ không tin rằng họ sẽ chiến thắng. Họ sợ phải nhận những bức thư từ chối, nên họ không nộp đơn xin việc ở nước ngoài. Họ ngại tham gia khóa học để cải thiện một kỹ năng còn yếu vì lo sợ phải đối mặt với những sự chế giễu. Nhưng nhiều thách thức, rủi ro hoặc tình huống khó chịu chính là những cơ hội đã được ngụy trang.
“Có chắc không?” là câu hỏi khiến chúng ta cảm thấy bất ổn khi có ý muốn thoát ra khỏi vùng an toàn. “Chắc hẳn mà” là câu trả lời mà chúng ta luôn muốn nghe. Chúng ta muốn chắc chắn sẽ nhận được học bổng khi đăng ký, chúng ta muốn chắc chắn sẽ không bị hổ vồ khi đi thám hiểm Safari, chúng ta muốn chắc chắn rằng người mà chúng ta chọn là vợ hay chồng sẽ ở với chúng ta mãi mãi. Nhưng có gì trên thế giới này mà không có độ rủi ro nhất định? Sự rủi ro có thể đến với từng người trong chúng ta bất kỳ lúc nào. Rủi ro có thể đến với bạn ngay trong khi bạn chấp nhận làm bất cứ việc gì. Để chắc chắn rằng rủi ro không đến với mình, việc duy nhất bạn có thể làm là không làm gì cả, nằm trên giường và… mơ về những thứ mà bạn không dám làm trong thế giới thật. Nhưng bạn có dám chắc là trong cơn mơ, bạn sẽ không bị giật mình và ngã xuống đất? Nếu rủi ro có thể ập đến với bạn cả khi bạn đang mơ, vậy tại sao bạn lại không dám ra ngoài và dám biến những ước mơ của bạn trở thành hiện thực?
(Trích Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới ; Hồ Thu Hương, Nguyễn Phan Linh, Phạm Anh Đức, NXB Thế giới; 2016; trang 147 – 148)
Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2: Theo tác giả, vì sao "có rất nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình " ?
Câu 3: Anh/chị có đồng tình với quan niệm: "nhiều thách thức, rủi ro hoặc tình huống khó chịu chính là những cơ hội đã được ngụy trang"? Vì sao?
Câu 4: Qua đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào là "vùng an toàn"? Với những người đang ở trong vùng an toàn, theo anh/chị cách nào có thể giúp họ bước ra khỏi "vùng an toàn" đó? Nêu ít nhất 02 cách.
II.LÀM VĂN
Câu 1:
Từ đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) thuyết phục các bạn trẻ rằng: "có những lúc cần phải thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra " .
Câu 2.
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân ( Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ Văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam). Từ âm thanh tiếng sáo và hình ảnh bát cháo hành ( Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ Văn 11, NXB Giáo dục Việt Nam) hãy nhận xét về vai trò của các tác nhân đối với tâm hồn con người.
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2:
- Theo tác giả, có rất nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình vì: họ sợ thất bại
Câu 3:
- Đồng tình với quan điểm.
- Vì:
+ Cuộc sống vốn không hề bằng phẳng mà luôn chứa đựng những khó khăn thách thức, cuộc đời mỗi người là hành trình vượt qua những thử thách đó.
+ Những rủi ro, thách thức chính là những khó khăn mà chúng ta phải trải qua để tích lũy tri thức, kinh nghiệm sẵn sàng khi cơ hội đến.
+ Không đương đầu với khó khăn thử thách, luôn cố thủ trong vùng an toàn chúng ta mãi không thể thấy cơ hội và nắm bắt được cơ hội để vươn đến thành công.
Câu 4:
- “Vùng an toàn” là: môi trường thân thuộc với mỗi con người, nơi chúng ta luôn cảm thấy tự do, thoải mái, tự tin nhất để thể hiện bản thân.
- Những cách thức giúp mọi người bước ra khỏi “vùng an toàn”:
+ Can đảm đối mặt với sự sợ hãi để tìm cách vượt qua và chiến thắng những nỗi lo lắng, sợ hãi đó.
+ Tự đặt cho mình những thử thách để cố gắng vượt qua.
+ Bắt tay vào làm những dự án nhỏ, để trải nghiệm và tích lũy tri thức cho bản thân.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề.
* Giải thích vấn đề.
- Vùng an toàn: môi trường thân thuộc với mỗi con người, nơi chúng ta luôn cảm thấy tự do, thoải mái, tự tin nhất để thể hiện bản thân.
* Bàn luận vấn đề:
- Tại sao phải bước ra khỏi vùng an toàn?
+ Thế giới liên tục biến đổi, khiến cho những điều ta đã biết trở nên lỗi thời, bởi vậy nếu không bước ra khỏi vùng an toàn để trải nghiệm, nâng cao hiểu biết của bản thân ta sẽ tụt lại phía sau.
+ Vùng an toàn khiến bạn nhàm chán, cũ kĩ bước chân ra khỏi nó là cách thức làm mới bản thân, phát hiện những khả năng ẩn kín và đem đến thành công.
- Cần làm gì để bước ra khỏi vùng an toàn?
+ Bước ra khỏi vùng an toàn bạn cần sự dũng cảm, để đối mặt với những khó khăn, thách thức ở phía trước, đối mặt với môi trường mới, đồng nghiệp mới. Bởi vậy dũng cảm trải nghiệm là điều kiện quan trọng nhất để bạn vượt ra khỏi vùng an toàn của mình.
+ Vượt qua nỗi sợ hãi thất bại, tự tin với chính mình, không bỏ cuộc trước những khó khăn, thử thách.
- Bạn sẽ được gì khi bước khỏi vùng an toàn:
+ Ra khỏi vùng an toàn sẽ đem lại cho bạn kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, sáng tạo.
+ Mở rộng mối quan hệ xã hội, tăng cường kĩ năng giao tiếp.
+ Ra khỏi vùng an toàn đem đến cho bạn những trải nghiệm mới mẻ, khám phá, phát hiện ra những năng lực mới của bản thân.
+ Cơ hội để bạn đạt đến thành công.
- Chứng minh: học sinh lấy dẫn chứng phù hợp, có phân tích ngắn gọn.
* Tổng kết vấn đề: thay đổi môi trường sống, bước ra khỏi vùng an toàn sẽ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời, tạo cơ hội thành công cho mỗi con người.
Câu 2:
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ , nhân vật Mị
- Tô Hoài là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Trong những sáng tác của mình, ông luôn thể hiện vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta. Ông cũng là nhà văn luôn hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người từng trải, vốn từ vựng giàu có.
- Vợ chồng A Phủ được sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc – tập truyện được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955.
- Đến với tác phẩm, người đọc thật sự ấn tượng với nhân vật Mị - nhân vật chính được khắc họa đậm nét trong khung cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài.
2. Thân bài
* Giới thiệu về nhân vật Mị
- Chân dung, lai lịch:
+ Nhan sắc: “trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị” -> nhan sắc rực rỡ ở tuổi cập kê.
+ Tài năng: thổi sáo, thổi lá hay đến mức có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
+ Phẩm chất tốt đẹp: hiếu thảo, tự tin vào khả năng lao động của mình và khát khao tự do.
- Số phận bi kịch: trở thành con dâu gạt nợ
+ Nguyên nhân: Do món nợ truyền kiếp của gia đình nên bị A Sử lừa bắt về làm vợ theo hủ tục của cướp vợ của người dân tộc thiểu số.
+ Khi mới về làm dâu, Mị mang trong mình ý thức phản kháng nhưng sau đó quen dần và chịu đựng nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.
* Hình tượng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân: Mùa xuân đã làm sống dậy sức sống tiềm tàng trong Mị
- Sự tác động của ngoại cảnh:
+ Khung cảnh thiên nhiên nồng nàn: "cỏ gianh vàng ửng", "những chiếc váy hoa phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ", không khí dần ấm áp,... âm thanh bên ngoài: tiếng sáo cất lên, tiếng trẻ chơi quay cười vang,...
+ Mị nhìn khung cảnh, nghe những âm thanh quanh mình, cảm thấy "thiết tha bổi hổi", "Mị ngồi nhẩm thầm theo lời bài hát của người đang thổi",...
- Sự đối lập giữa hoàn cảnh đêm xuân và cuộc sống của Mị
+ Ngày tết, Mị lén uống rượu, cứ “uống ực từng bát”, Mị say và sống về quá khứ, say sưa trong tiếng sáo gọi bạn tình.
+ Mị sực nhớ đến tình cảnh của mình hiện tại, nhớ đến A Sử, Mị xót xa cho thân phận mình, chỉ muốn chết “nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa, nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra”.
+ Mị nhận thức sự tồn tại của bản thân “thấy phơi phới trở lại”, “Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”, với khát khao tự do.
- Cuộc trỗi dậy của Mị:
+ Tinh thần phản kháng mạnh mẽ: lấy miếng mỡ để thắp sáng lên căn phòng tối, Mị quấn lại tóc, lấy cái váy hoa, nổi loạn muốn “đi chơi tết”, chấm dứt sự tù đày.
+ Hiện thực không trói được trái tim Mị, khi A Sử trói, lòng Mị vẫn lửng lơ theo tiếng sáo, tiếng hát của tình yêu đến những đám chơi.
+ Lúc vùng bước đi nhưng tay chân đau không cựa được, Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa, cô chợt tỉnh trở về với hiện thực.
+ Cả đêm hôm ấy, Mị lúc mê lúc tỉnh, lúc đau đớn, lúc nồng nàn tha thiết.
→ Tâm hồn chai sạn của Mị đã sống lại, Mị luôn tiềm tàng sức sống mãnh liệt, sức sống ấy luôn âm ỉ trong lòng người con gái Tây Bắc và chỉ chờ có cơ hội để bùng lên mạnh mẽ. Dù sự nổi loạn của Mị không thể giải thoát số phận cô nhưng đây là nền tảng nhóm lên ngọn lửa ham sống trong lòng Mị, để sức sống không lụi tắt hẳn, chuẩn bị cho một sự phản kháng trong tương lai: cắt dây trói cho A Phủ.
* Liên hệ với chi tiết “bát cháo hành” trong truyện Chí Phèo của Nam Cao
- Giới thiệu tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao và chi tiết bát cháo hành.
- Ý nghĩa chi tiết “bát cháo hành”:
+ Thể hiện sự quan tâm, chăm sóc ân cần của thị Nở khi Chí Phèo ốm đau, trơ trọi.
+ Là biểu hiện của tình người hiếm hoi mà Chí Phèo được nhận, là hương vị của hạnh phúc, tình yêu muộn màng mà Chí Phèo được hưởng. Điều đó cũng cho thấy Chí vô cùng cô đơn.
+ “Bát cháo hành” đã đánh thức tính người bị vùi lấp lâu nay ở Chí. “Bát cháo hành” gây ngạc nhiên, xúc động mạnh khiến nhân vật ăn năn, suy nghĩ về tình trạng thê thảm hiện tại của mình, khơi dậy niềm khao khát được làm hòa với mọi người, hi vọng vào một cơ hội được trở về với cuộc sống lương thiện.
* Vai trò của tác nhân đối với tâm hồn con người:
- Tác nhân thường gắn bó với một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời nhân vật hoặc tác nhân là yếu tố quen thuộc được lặp lại trong hoàn cảnh đặc biệt.
- Tác nhân sẽ tác động mạnh mẽ lên cảm xúc, tư tưởng của nhân vật khiến nhân vật thức tỉnh hoặc nhận thức được hoàn cảnh thực tại, trỗi dậy những khao khát về hạnh phúc, khao khát sống.
- Trong truyện ngắn tác giả thường sử dụng những chi tiết hoặc hình ảnh có tính chất “tác nhân” để đặt nhân vật vào những hoàn cảnh khác nhau, khắc họa và làm nổi bật tâm lý, tính cách nhân vật.
3. Tổng kết
- Khái quát lại vấn đề