Đề số 46 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn — Không quảng cáo

Soạn văn 12 tất cả các bài, Ngữ văn 12 , tổng hợp văn mẫu hay nhất ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN


Đề số 46 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Tải về

Đáp án và lời giải chi tiết - Đề số 46 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Đề bài

I.ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Trong tiếng Anh, cộng hưởng là “together”. Để dễ nhớ, bạn có thể chiết tự nó thành ba chữ “to get there”, nghĩa là cùng đến đích. Trên thực tế, nếu bạn biết kết hợp mọi nguồn lực xung quanh hoặc biết tạo nên sự cộng hưởng bên trong mình thì nhất định bạn sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra.

Sức mạnh của một tập thể phụ thuộc vào động cơ gắn kết các thành viên trong đó. Nếu động cơ khuyến khích các thành viên tự nguyện hợp tác với nhau thì sức mạnh tập thể sẽ tồn tại lâu bền. Ngược lại, khi các thành viên ràng buộc nhau một cách miễn cưỡng, chắc chắn sức mạnh ấy chỉ mang tính tạm thời.

Hẳn bạn từng nghe câu chuyện ngụ ngôn về tay, chân, mắt, mũi, miệng. Vì tranh giành chức vị quan trọng nhất mà các bộ phận này đã bỏ rơi nhau. Chỉ khi tất cả cùng kiệt sức thì chúng mới nhận ra rằng, sự tồn tại của mình phụ thuộc vào sự tồn tại của các bộ phận khác, mỗi bộ phận tuy đóng vai trò riêng nhưng đều quan trọng như nhau.

Thật tuyệt vời nếu bạn biết kết hợp mọi nguồn lực bên trong để tạo nên sức mạnh cho riêng mình. Ý tưởng về sự cộng hưởng chính là ý tưởng về sự tiến bộ. Khi bạn tập trung mọi nguồn lực của mình vào một việc gì đó, nghĩa là bạn đã sẵn sàng tiến về phía trước. Sự cộng hưởng không những giúp tập thể đoàn kết hơn mà còn có khả năng giúp con người tăng cường sức mạnh của chính bản thân họ. Đây chính là một trong những yếu tố căn bản giúp con người đạt được thành công như mong muốn.

Hãy kết hợp mọi nội lực trong con người bạn, cũng như với mọi người xung quanh. Hãy ghi nhớ: Cộng hưởng nghĩa là cùng đến đích!

( Không gì là không có thể - George Matthew Adams, Thu Hằng dịch)

Câu 1. Chỉ ra thao tác lập luận chính của văn bản trên.

Câu 2. Theo tác giả, “cộng hưởng” là gì, có mấy loại cộng hưởng?

Câu 3. Theo anh/chị, mục đích tác giả đưa câu chuyện ngụ ngôn về tay, chân, mắt, mũi, miệng vào văn bản là gì?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm của tác giả: “Sự cộng hưởng không những giúp tập thể đoàn kết hơn mà còn có khả năng giúp con người tăng cường sức mạnh của chính bản thân họ” không? Vì sao?

II.LÀM VĂN

Câu 1.

“Biết kết hợp mọi nguồn lực xung quanh” có phải là cách tốt nhất để thành công không?

Viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày quan điểm của anh/chị.

Câu 2.

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp thiên nhiên của sông Hương khi vào thành phố Huế (trích Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường). Từ đó liên hệ bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử để thấy điểm chung của các tác giả khi viết về thiên nhiên xứ Huế.

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Thao tác lập luận chính: Bình luận.

Câu 2:

- Cộng hưởng là: cùng đến đích

- Cộng hưởng có hai loại:

+ Cộng hưởng mọi nguồn lực xung quanh, giữa mọi người với nhau.

+ Cộng hưởng sức mạnh trong bản thân mỗi người.

Câu 3:

- Khi đưa câu chuyện ngụ ngôn vào văn bản tác giả nhằm làm tăng sức thuyết phục với người đọc về ý nghĩa, vai trò của sự cộng hưởng, tác động qua lại giữa mọi người với nhau. Chúng ta sống trong cộng đồng, cùng tồn tại và phát triển với cộng đồng, không ai có thể sống nếu hoạt động riêng lẻ.

Câu 4:

- Đồng tình với quan điểm của tác giả.

- Vì:

+ Khi mọi người đều có chung mục tiêu, một đích đến họ sẽ phấn đấu, nỗ lực gấp bội để đạt được mục tiêu đó. Hơn thế, khi có sự góp sức của tập thể sẽ tiến đến đích nhanh hơn.

+ Sự cộng hưởng còn tăng thêm sức mạnh cho mỗi cá nhân, giúp họ phát huy tối đa năng lực của bản thân.

→ Cộng hưởng là một điều tuyệt vời để tập thể và cá nhân phát huy sức mạnh, đường đến thành công sẽ được rút ngắn.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Giới thiệu vấn đề

- Kết hợp nguồn lực xung quanh là gì? Kết hợp các nguồn lực xung quanh tức là biết nhìn nhận sức mạnh, điểm mạnh của mỗi cá nhân, sử dụng những năng lực đó một cách hợp lí vào công việc chung của tập thể, giúp cho công việc đó tiến tới đích nhanh hơn.

* Bàn luận vấn đề

- Ý nghĩa, vai trò của việc kết hợp các nguồn lực.

+ Giúp công việc của tập thể dễ dàng tiến tới thành công.

+ Giúp mỗi cá nhân phát huy được sức mạnh, khả năng vượt trội của mình.

- Cách thức kết hợp các nguồn lực

+ Trong một công việc, cần phải tìm những nguồn lực phù hợp với công việc đó.

+ Giữa các cá nhân cần có sự kết hợp hài hòa, biết phát huy điểm mạnh của bản thân, giúp đỡ những điểm hạn chế của người khác để cùng tiến bộ.

* Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân

- Để tiến tới thành công, không nhất thiết phải kết hợp các nguồn lực với nhau, nhưng kết hợp các nguồn lực là cách tốt nhất, và nhanh nhất đem đến thành công cho chúng ta.

- Liên hệ bản thân.

Câu 2:

1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:

- Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những cây bút tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam hiện đại, chuyên về thể loại bút kí. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý… Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.

- Ai đã đặt tên cho dòng sông? là bài bút ký xuất sắc viết tại Huế, năm 1981, in trong tập sách cùng tên.

- Đoạn trích miêu tả thủy trình sông Hương đoạn chảy vào thành phố Huế là đoạn trích đặc sắc. Qua thủy trình đó, đoạn trích làm nổi bật vẻ đẹp của sông Hương, cảnh sắc thiên nhiên và con người xứ Huế.

2. Phân tích

2.1 Phân tích sông Hương khi vào thành phố Huế

* Bắt đầu đi vào thành phố - Sông Hương được so sánh với người tình vui tươi và duyên dáng:

- Tâm trạng vui tươi của dòng sông từ khi gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ đến đây càng rõ hơn khi đã nhận ra những dấu hiệu của thành phố.

- Người gái đẹp sông Hương làm dáng lần cuối cùng trước khi chảy vào giữa lòng thành phố thân yêu, trước khi đến với người tình nhân đích thực: uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến , khiến dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu .

* Trong lòng thành phố- Sông Hương được so sánh với điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế:

- Nhà văn đã rất tinh tế khi nhận ra đặc điểm riêng của sông Hương là lưu tốc rất chậm “ cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh ”, nhất là khi so sánh với con sông Nê-va băng lướt qua trước cung điện Pê-téc-bua để ra bể Ban-tích.

- Đặc điểm ấy được nhà văn lí giải từ nhiều góc nhìn khác nhau:

+ Từ đặc điểm địa lí tự nhiên: những chi lưu ấy, cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông  đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước

+ Từ lí lẽ của trái tim thì “ điệu chảy lặng lờ”, ngập ngừng muốn đi muốn ở ” của sông Hương là do tình cảm dành riêng cho Huế, do quá yêu thành phố của mình, do muốn được nhìn ngắm nhiều hơn nữa thành phố thân thương trước khi phải rời xa.

* Rời khỏi thành phố - Sông Hương được so sánh với người tình dịu dàng và chung thủy:

- Cuộc gặp gỡ nào rồi cũng phải chia li, dù lưu luyến, dùng dằng đến mấy thì các dòng sông cũng phải trở về với biển cả. Và sông Hương cũng không là ngoại lệ…

- Theo đặc điểm địa lí tự nhiên: khi rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, nhưng rồi theo quy luật, nó lại phải chuyển dòng sang hướng tây đông. Vì thế mà nó lại đi qua một góc của thành phố Huế ở thị trấn Bao Vinh xưa cổ.

- Theo góc nhìn của người nghệ sĩ tài hoa khúc ngoặt ấy là biểu hiện của nỗi vương vấn , thậm chí có chút lẳng lơ kín đáo của người tình thủy chung.

2 . 2 Liên hệ với bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”

* Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm

- Hàn Mặc Tử là cây bút nổi tiếng của phong trào thơ Mới. Ông là một tài năng thi ca độc đáo và có sức sáng tạo mãnh liệt nhất trong phòng trào Thơ mới.

- Đây thôn Vĩ Dạ (lúc đầu có tên là Ở đây thôn Vĩ Dạ ) sáng tác năm 1938, in trong tập Thơ Điên , là một tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ Hàn Mặc Tử và cũng là một trong những thi phẩm xuất sắc của thơ Việt Nam hiện đại.

* Vẻ đẹp thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ :

- Bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ buổi ban mai hiện lên với vẻ đẹp trong trẻo, tinh khôi, thơ mộng, bừng sáng và ngập tràn sức sống: Nắng hàng cau nắng mới lên, vườn ai mướt quá xanh như ngọc…

- Thiên nhiên gắn với cảnh sông nước mơ mộng và hình ảnh con người xứ Huế hiền hậu.

2.3 Đánh giá, nhận xét:

* Nét tương đồng: Cả hai tác giả đều có phong cách nghệ thuật độc đáo, tài hoa; có tâm hồn lãng mạn, tinh tế, nhạy cảm. Cả hai tác giả đều lấy những địa danh nổi tiếng của xứ Huế để làm điểm nhấn và khơi nguồn cảm hứng; cùng khắc họa được vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh sắc, con người xứ Huế. Qua đó bộc lộ tình yêu tha thiết, niềm tự hào đối với quê hương xứ sở.

* Điểm khác biệt:

- Đây thôn Vĩ Dạ :

+ Được gợi cảm hứng từ mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử. Nên vẻ đẹp thôn Vĩ được hiện lên từ cái nhìn của kí ức, của hoài niệm. Qua đó, độc giả thấy được niềm khát khao giao cảm với cuộc đời, con người trong nỗi niềm đầy uẩn khúc, tiếc nuối, bất lực.

+ Về hình thức nghệ thuật: Sử dụng thể thơ thất ngôn, chịu ảnh hưởng khá rõ nét thơ tượng trưng siêu thực; hình ảnh thơ có tính biểu tượng cao; ngôn ngữ giản dị, trong sáng, gợi hình và biểu cảm…

- Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường

+ Vẻ đẹp của sông Hương được khắc họa bằng nguồn cảm hứng về đất nước, Tổ quốc và hiện lên nhiều góc độ, điểm nhìn nên rất sinh động, biến ảo.

+ Về hình thức nghệ thuật: Sử dụng thể loại bút kí giàu chất trữ tình, huy động vốn kiến thức phong phú trên nhiều lĩnh vực; ngòi bút tài hoa, uyên bác, lịch lãm; lối hành văn mê đắm, súc tích, hướng nội; sử dụng nhiều hình ảnh liên tưởng, so sánh độc đáo, bất ngờ, thú vị…

3. Kết luận

- Khái quát và mở rộng vấn đề.


Cùng chủ đề:

Đề số 41 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 42 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 43 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 44 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 45 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 46 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 47 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 48 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 49 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 50 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 51 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn