Đề số 65 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Tải vềĐáp án và lời giải chi tiết - Đề số 65 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề bài
Phần I: Đọc - hiểu
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu :
Bạn hãy tưởng tượng cuộc đời như một trò chơi tung hứng. Trong tay bạn có năm quả bóng mang tên là: công việc, gia đình, sức khoẻ, bạn bè, và tinh thần. Bạn sẽ hiểu ngay rằng công việc là quả bóng cao su. Vì khi bạn làm rơi nó xuống đất, nó sẽ nảy lên lại. Nhưng bốn quả bóng còn lại – gia đình, sức khoẻ, bạn bè và tinh thần – đều là những quả bóng bằng thủy tinh. Nếu bạn lỡ tay đánh rơi một quả, nó sẽ bị trầy xước, có tì vết, bị nứt, bị hư hỏng hoặc thậm chí bị vỡ nát mà không thể sửa chữa được. Chúng không bao giờ trở lại như cũ. Bạn phải hiểu điều đó và cố gắng phấn đấu giữ cho được sự quân bình trong cuộc sống của bạn.
Bạn đừng tự hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh mình với người khác vì mỗi chúng ta là những con người hoàn toàn khác nhau. […]
Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì tốt nhất cho chính mình […]
Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình. […]
Bạn chớ quên nhu cầu tình cảm lớn nhất của con người là cảm thấy mình được đánh giá đúng. […]
Cuộc đời không phải là đường chạy. Nó là một lộ trình mà bạn phải thưởng thức từng chặng đường mình đi qua.
(Trích bài phát biểu Sống trọn vẹn từng ngày của tổng giám đốc Tập đoàn Cocacola; Quà tặng cuộc sống)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính? (nhận biết)
Câu 2. Nêu và chỉ ra hiệu quả của các biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản? (nhận biết)
Câu 3 . Vì sao khi so sánh mình với người khác lại là cách chúng ta hạ thấp mình? (thông hiểu)
Câu 4. Anh, chị hiểu thế nào về câu sau: Cuộc đời không phải là đường chạy. Nó là một lộ trình mà bạn phải thưởng thức từng chặng đường mình đi qua . Hãy trả lời bằng một đoạn văn từ 7- 10 dòng.(vận dụng)
Phần II: Làm văn
Câu 1 .
Hãy viết một đoạn văn (200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong phần Đọc hiểu: Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. (vận dụng cao)
Câu 2.
Cảm nhận của Anh/ chị về hai đoạn thơ sau:
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
(Trích Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
( Trích Tây Tiến - Quang Dũng)
Lời giải chi tiết
Phần I: Đọc – hiểu
Câu 1:
- Phương pháp biểu đạt chính: Nghị luận.
Câu 2:
Chỉ ra được 2 biện pháp nghệ thuật chính:
- So sánh (cuộc đời như một trò hơi tung hứng, công việc là quả bóng cao su, gia đình, sức khỏe, bạn bè và tinh thần là những quả bóng bằng thủy tinh) ⟹ Lối so sánh hình tượng này tạo sự tương tác giữa các giá trị sống quan trọng trong cuộc đời mỗi con người.
- Điệp cấu trúc (bạn… chớ để/ chớ đặt/ chớ quên…) khẳng định, nhấn mạnh ý thức, vai tri trò của bản thân trong cuộc đời.
Câu 3:
- Khi đem ra so sánh mình với người khác, cả người so sánh và cả người bị đem ra so sánh đều bị tổn thương và không được tôn trọng. Bởi vậy, hãy biết trân trọng những gì mình có bởi chúng ta là một cá nhân đặc biệt; chúng ta hãy sống cuộc sống trọn vẹn của chính mình.
Câu 4:
- Cuộc đời không phải là một đường chạy liên tục và bằng phẳng để chúng ta có thể dễ dàng đến đích hay vội vàng bang qua.
- Cuộc đời là một lộ trình bao gồm nhiều chặng đường dài: có thể là chặng đường đang sống, có thể là chặng đường đã qua, cũng có thể là chặng đường ta định tới: có vui – buồn, có khổ đau – hạnh phúc, có thành công – thất bại, thậm chí phải trả giá bằng máu và nước mắt. Để có một cuộc đờitrọn vẹn ta phải suy ngẫm “thưởng thức”, “nhấm nháp” lần lượt tất cả những điều đó.
Phần II: Làm văn
Câu 1:
a. Giải thích
- Để cuộc sống trôi qua kẽ tay: Lãng phí thời gian, tuổi trẻ, khiến cuộc sống buồn tẻ.
- Đắm mình trong quá khứ: là tôn thờ quá khứ, coi quá khứ là những gì tốt đẹp nhất.
- Ảo tưởng về tương lai: vẽ ra tương lai rực rỡ như ý.
→ Lời nhắc nhở mỗi bạn trẻ không nên lãng phí tuổi trẻ, lãng phí cuộc đời mình vì những điều đã qua hoặc những gì chưa tới mà phải sống hết mình với hiện tại, tận hiến, tận hưởng để cuộc đời mình có ý nghĩa. Ý kiến này là lời khuyên hết sức đứng đắn và ý nghĩa. quá
b. Bàn luận
- Quá khứ là những gì đã qua, không bao giờ quay lại. Vì vậy nếu cứ đắm chìm trong quá khứ, ru mình giữa vinh quang hay đau khổ trách móc bản thân, nuối tiếc quá khứ ấy sẽ khiến chúng ta lãng quên, bỏ lỡ những cơ hội, những điều tốt đẹp hiện tại.
- Tương lai là cái chưa đến, sắp đến và sẽ đến. tương lai phụ thuộc hoàn toàn vào hành động của mỗi chúng ta ở hiện tại. Nếu chúng ta biết nắm bắt thời cơ, không ngừng phấn đấu ở hiện tại sẽ được hưởng thành quả trong tương lai.
- Sống, cống hiến, học tập và lao động cũng cần đi liền với hưởng thụ. Biết nâng niu, trân trọng những giá trị vật chất cũng như tinh thần của cuộc sống hiện tại cũng là điều quan trọng và cần thiết.
c. Bài học nhận thức và hành động
- Không chủ quan dựa vào quá khứ, không ảo tưởng trông chờ vào tương lai may mắn.
- Cống hiến hết mình cho hiện tại, xây dựng lục tiêu, kế hoạch cho tương lai.
Câu 2:
1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích:
- Quang Dũng là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Ông là một nghệ sĩ đa tài làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc ở lĩnh vực nào ông cũng có những thành tựu nổi bật nhưng đặc sắc nhất là sáng tác thơ ca. Hồn thơ Quang Dũng phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn tài hoa. Ông có khả năng cảm nhận tinh tế vẻ đẹp của thiên nhiên và con người. Tây Tiến được sáng tác 1948 tại Phù Lưu Chanh thể hiện tập trung nhất những nét đặc trưng trong phong cách nghệ thuật của Quang Dũng. Đoạn trích 4 câu là nỗi nhớ của nhà thơ về thiên nhiên Tây Bắc mĩ lệ, nên thơ.
- Hàn Mặc Tử là nhà thơ lớn của phong trào Thơ mới, cuộc đời bi thương, hồn thơ phong phú kì lạ, sức sáng tạo mạnh mẽ, luôn bộc lộ một tình yêu đau đớn hướng về trần thế. Đây thôn Vĩ Dạ là thi phẩm xuất sắc thểhiện tấm lòng thiết tha đến khắc khoải của nhà thơ với thiên nhiên và cuộc sống, đặc biệt là khổ cuối của bài thơ.
2. Phân tích
2.1 Về đoạn thơ trong bài Tây Tiến
* Nội dung:
- Cảnh thiên nhiên:
+ Chiều sương: không gian bao phủ màn sương bàng bạc, thơ mộng, huyền ảo.
+ Hồn lau nẻo bến bờ:Những bông lau phất phơ dường như cũng có linh hồn.
+ Hoa đong đưa: với cái nhìn lãng mạn, đa tình của những anh lính trẻ, những bông hoa rừng bị lũ cuốn trôi như biết lúng liếng, đong đưa, làm duyên với dòng nước.
- Con người:
+ “Dáng người trên độc mộc”: không xuất hiện rõ nét, cụ thể nhưng gợi hình ảnh con người hiện lên mềm mại, uyển chuyển, khỏe khoắn rắn rỏi . Con người trở thành tâm điểm cho bức tranh thiên nhiên.
* Nghệ thuật:
- Bút pháp lãng mạn hào hoa, phép nhân hóa thần tình, câu hỏi tu từ và phép điệp đã vẽ nên vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên Miền Tây mĩ lệ, thơ mộng đó là kí ức đẹp không thể quên trong tâm hồn người lính Tây Tiến.
2.2 Về đoạn thơ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ .
* Nội dung:
- Mơ ước cháy bỏng nhưng tuyệt vọng của thi nhân.
+ “Mơ”: sự mộng tưởng không có thực.
+ “Khách đường xa”: được điệp lại hai lần và nhịp thơ 4/3 ⟶ Sự xa xôi cách trở giữa chủ thể và đối tượng không dễ rút ngắn khoảng cách
→ Khắc khoải, khẩn cầu, bất lực.
+ “Áo em trắng quá nhìn không ra”: cực tả sắc trắng tuyệt đối, trắng đến chói lòa làm mờ thị giác.
→ Vẻ đẹp thanh khiết, nguyên sơ, tinh khôi nhưng quá xa vời với chủ thể trong hoàn cảnh thực tại
- Khao khát được sống, được giao cảm, chia sẻ đau buồn:
+ “Ở đây”: là từ định vị không gian nhưng trong câu thơ gợi nhiều cách hiểu. Đó là nơi thi nhân đang sống trong cô độc, đau đớn vì bệnh tật giày vò , tuyệt vọng đối lập với ngoài kia (Thôn Vĩ ) là cuộc sống tươi đẹp.
+ “sương khói”: không gian huyền ảo làm nhạt nhòa hình ảnh con người.
+ Đại từ phiếm chỉ “ ai” mang nhiều sắc thái ý nghĩa kết hợp với câu hỏi tu từ thể hiện niềm khao khát tình đời, tình người
* Nghệ thuật:
- Điệp ngữ, hình ảnh cực tả, đại từ phiếm chỉ, câu hỏi tu từ… góp phần thể hiện những đau đớn tuyệt vọng, những khao khát mãnh liệt của một hồn thơ yêu sự sống và tình yêu đến cháy bỏng vậy mà sự sống tắt dần, tình yêu ngày càng rời xa vô vọng.
2.3 Điểm tương đồng và khác biệt giữa hai đoạn thơ:
* Tương đồng:
- Cả hai đoạn thơ đều là cái nhìn đầy tình cảm của cái tôi trữ tình về về thiên nhiên, con người nơi mình từng gắn bó.
- Qua hai đoạn thơ, ta nhận thấy rõ sự tài hoa của hai thi nhân khi miêu tả và cảm nhận con người và thiên nhiên. Cái tôi lãng mạn đã vẽ nên khung cảnh lung linh, huyền ảo, đầy thơ mộng.
* Khác biệt:
- Đoạn thơ trong Tây Tiến cho thấy nỗi nhớ da diết về sông nước miền Tây và kỉ niệm đời lính chiến.
- Đoạn thơ trong Đây thôn Vĩ Dạ cho thấy tâm trạng giằng xé và tình cảm sâu nặng của thi nhân dành cho Thôn Vĩ – nơi có người con gái thi sĩ thầm thương.
* Lí giải nguyên nhân khác biệt:
- Hoàn cảnh riêng biệt của mỗi nhà thơ làm nên sự khác biệt cho mỗi tác phẩm để lại những dư vị khác nhau trong lòng người đọc.
+ Tây Tiến là hoài niệm của Quang Dũng về những ngày tháng gắn bó với thiên nhiên Tây Bắc và đoàn binh Tây Tiến khi nhà thơ đã rời xa đơn vị cũ.
+ Đây thôn Vĩ Dạ được sáng tác khi nhà thơ đang chịu đựng những đau đớn cả về thể xác và tinh thần vì bệnh tật giày vò.
- Sự khác biệt trong phong cách nghệ thuật của mỗi nhà thơ:
+ Ở Quang Dũng đó là một nghệ sĩ đa tài gắn liền với thời chiến nói chung và đoàn binh Tây Tiến nói riêng cùng phong cách thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn, hào hoa.
+ Ở Hàn Mặc Tử đó là một hiện tượng kì lạ bậc nhất của phong trào Thơ mới. Hồn thơ luôn quằn quại đau đớn dường như có cuộc vật lộn giằng xé dữ dội giữa linh hồn và thẻ xác nên tạo ra những vần thơ vừa tinh khiết trong sáng, vừa ma quái, cuồng loạn.
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.