Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 CD - Đề số 4 — Không quảng cáo

Đề thi tiếng việt 5, đề kiểm tra tiếng việt 5 Cánh diều có đáp án và lời giải chi tiết Đề kiểm tra giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 - Cánh diều


Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 CD - Đề số 4

Tải về

Tải về đề thi và đáp án Tải về đề thi Tải về đáp án

Mưa phùn, mưa bụi, mưa xuân Mùa xuân đã tới. Các bạn hãy để ý một chút. Bốn mùa có hoa nở, bốn mùa cũng có nhiều thứ mưa khác nhau. Mưa rào mùa hạ. Mưa ngâu, mưa dầm mùa thu, mùa đông. Mưa xuân, mưa phùn, mưa bụi.

Đề bài

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.

II. Đọc thầm văn bản sau:

Mưa phùn, mưa bụi, mưa xuân

Mùa xuân đã tới.

Các bạn hãy để ý một chút. Bốn mùa có hoa nở, bốn mùa cũng có nhiều thứ mưa khác nhau. Mưa rào mùa hạ. Mưa ngâu, mưa dầm mùa thu, mùa đông. Mưa xuân, mưa phùn, mưa bụi.

Mưa xuân tới rồi. Ngoài kia đương mưa phùn.

Vòm trời âm u. Cả đến mảnh trời trên đầu tường cũng không thấy. Không phải tại sương mù ngoài hồ toả vào. Đấy là mưa bụi, hạt mưa từng làn lăng quăng, li ti đậu trên mái tóc. Phủi nhẹ một cái, rơi đâu mất. Mưa dây, mưa rợ, mưa phơi phới như rắc phấn mù mịt.

Mưa phùn đem mùa xuân đến. Mưa phùn khiến những chân mạ gieo muộn nảy xanh lá mạ. Dây khoai, cây cà chua rườm rà xanh rờn cái trảng ruộng cao. Mầm cây sau sau, cây nhuội, cây bàng hai bên đường nảy lộc, mỗi hôm trông thấy mỗi khác.

Những cây bằng lăng trơ trụi, lẻo khoẻo, thiểu não như cắm cái cọc cắm. Thế mà mưa bụi đã làm cho cái đầu cành bằng lăng nhú mầm. Mưa bụi đọng lại, thành những bọng nước bọc trắng ngần như thủy tinh. Trên cành ngang, những hạt mưa thành dây chuỗi hạt trai treo lóng lánh. Ở búi cỏ dưới gốc, ô mạng nhện bám mưa bụi, như được choàng mảnh voan trắng.

Những cây bằng lăng mùa hạ ốm yếu lại nhú lộc. Vầng lộc non nẩy ra. Mưa bụi ấm áp. Cái cây được uống nước.

(Theo Tô Hoài)

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu :

Câu 1. Những cơn mưa nhắc đến trong bài là?

A. mưa rào, mưa dầm, mưa xuân, mưa bụi, mưa đá.

B. mưa rào, mưa ngâu, mưa phùn, mưa bóng mây, mưa xuân.

C. mưa bóng mây, mưa đá, mưa phùn, mưa xuân, mưa dầm, mưa bụi.

D. mưa rào, mưa ngâu, mưa dầm, mưa xuân, mưa phùn, mưa bụi.

Câu 2. Hình ảnh nào không miêu tả mưa xuân?

A. Lăng quăng, li ti đậu trên mái tóc.

B. Mưa rào rào như quất vào mặt người qua đường.

C. Mưa dây, mưa rợ như rắc phấn mù mịt.

D. Mưa bụi đọng lại, thành những bọng nước bọc trắng ngần như thủy tinh.

Câu 3. Hình ảnh nào miêu tả sức sống của cây cối khi có mưa xuân?

A. Cây nhuội, cây bàng  hai  bên đường nảy lộc, mỗi hôm trông thấy mỗi khác....

B. Vòm trời âm u. Cả đến mảnh trời trên đầu tường cũng không thấy.

C. Những cây bằng lăng trơ trụi, lẻo khoẻo, thiểu não như cắm cái cọc cắm.

D. Mưa phùn đem mùa xuân đến.

Câu 4. Từ nào đồng nghĩa với “mưa phùn”?

A. mưa rào.

B. mưa bụi.

C. mưa ngâu.

D. mưa bóng mây.

Câu 5. Dòng nào dưới đây có chứa từ “lộc” mang nghĩa chuyển?

A. Những cây bằng lăng mùa hạ ốm yếu lại nhú lộc .

B. Mầm cây sau sau, cây nhuội, cây bàng hai bên đường nảy lộc , mỗi hôm trông thấy mỗi khác.

C. Năm mới đến, em mong mình sẽ nhận được nhiều lộc trong học tập và cuộc sống.

D. Vầng lộc non nẩy ra.

Câu 6. Tìm 3 từ đồng nghĩa với từ “lóng lánh”.

Câu 7. Theo em, nội dung của bài đọc trên nói về điều gì?

B. Kiểm tra viết

Đề bài: Em hãy viết bài văn tả một nhân vật truyện tranh mà em yêu thích.

Lời giải

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

II. Đọc thầm văn bản sau:

Câu 1. Những cơn mưa nhắc đến trong bài là?

A. mưa rào, mưa dầm, mưa xuân, mưa bụi, mưa đá.

B. mưa rào, mưa ngâu, mưa phùn, mưa bóng mây, mưa xuân.

C. mưa bóng mây, mưa đá, mưa phùn, mưa xuân, mưa dầm, mưa bụi.

D. mưa rào, mưa ngâu, mưa dầm, mưa xuân, mưa phùn, mưa bụi.

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Những cơn mưa nhắc đến trong bài là: mưa rào, mưa ngâu, mưa dầm, mưa xuân, mưa phùn, mưa bụi.

Đáp án D.

Câu 2. Hình ảnh nào không miêu tả mưa xuân?

A. Lăng quăng, li ti đậu trên mái tóc.

B. Mưa rào rào như quất vào mặt người qua đường.

C. Mưa dây, mưa rợ như rắc phấn mù mịt.

D. Mưa bụi đọng lại, thành những bọng nước bọc trắng ngần như thủy tinh.

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Hình ảnh không miêu tả mưa xuân là: Mưa rào rào như quất vào mặt người qua đường.

Đáp án B.

Câu 3. Hình ảnh nào miêu tả sức sống của cây cối khi có mưa xuân?

A. Cây nhuội, cây bàng  hai  bên đường nảy lộc, mỗi hôm trông thấy mỗi khác....

B. Vòm trời âm u. Cả đến mảnh trời trên đầu tường cũng không thấy.

C. Những cây bằng lăng trơ trụi, lẻo khoẻo, thiểu não như cắm cái cọc cắm.

D. Mưa phùn đem mùa xuân đến.

Phương pháp giải:

Căn cứ bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Hình ảnh miêu tả sức sống của cây cối khi có mưa xuân là: Cây nhuội, cây bàng  hai  bên đường nảy lộc, mỗi hôm trông thấy mỗi khác....

Đáp án A.

Câu 4. Từ nào đồng nghĩa với “mưa phùn”?

A. mưa rào.

B. mưa bụi.

C. mưa ngâu.

D. mưa bóng mây.

Phương pháp giải:

Căn cứ bài Từ đồng nghĩa.

Lời giải chi tiết:

Hai từ “mưa phùn” và “mưa bụi” đều có nghĩa là mưa nhỏ nhưng dày hạt.

Đáp án B.

Câu 5. Dòng nào dưới đây có chứa từ “lộc” mang nghĩa chuyển?

A. Những cây bằng lăng mùa hạ ốm yếu lại nhú lộc .

B. Mầm cây sau sau, cây nhuội, cây bàng hai bên đường nảy lộc , mỗi hôm trông thấy mỗi khác.

C. Năm mới đến, em mong mình sẽ nhận được nhiều lộc trong học tập và cuộc sống.

D. Vầng lộc non nẩy ra.

Phương pháp giải:

Căn cứ bài Từ đa nghĩa.

Lời giải chi tiết:

Từ "lộc” trong câu A, B, D mang nghĩa gốc nói về cây cối.

Từ “lộc” trong câu C mang nghĩa chuyển nói về sự may mắn, thuận lợi, những điều tốt lành.

Đáp án C.

Câu 6. Tìm 3 từ đồng nghĩa với từ “lóng lánh”.

Phương pháp giải:

Căn cứ nội dung bài Từ đồng nghĩa.

Lời giải chi tiết:

Các từ đồng nghĩa với từ “lóng lánh” là: lấp loáng, lấp lánh, long lanh.

Câu 7. Theo em, nội dung của bài đọc trên nói về điều gì?

Phương pháp giải:

Căn cứ vào nội dung bài đọc, suy nghĩ và trả lời.

Lời giải chi tiết:

Bài đọc trên nói về vẻ đẹp của mùa xuân và sức sống của cây cối khi có mưa xuân.

B. Kiểm tra viết

Phương pháp giải:

Phân tích, tổng hợp.

Lời giải chi tiết:

Dàn ý

Mở bài:

- Giới thiệu về truyện tranh mà em đã đọc

- Giới thiệu về nhân vật mà em định tả

Thân bài:

a. Tả ngoại hình

- Dáng người

- Mái tóc

- Đôi mắt

- Nụ cười

- Trang phục

b. Tả tính cách

- Ngoan hiền/lương thiện

- Hèn nhát/dũng cảm

- Cam chịu/đấu tranh

Kết bài:

- Tình cảm của em đối với nhân vật

- Qua nhân vật đó, em rút ra được bài học gì?

Bài tham khảo:

Có một bộ truyện tranh siêu nổi tiếng mà tôi tin chắc rằng hầu hết mọi người trên khắp thế giới biết, và đó chính là bộ truyện Đôrêmon. Câu chuyện về một chú mèo máy đến từ tương lai quay trở về quá khứ để giúp một cậu bé sửa chữa lại cuộc sống khốn khổ của mình. Cậu bé ấy chính là Nobita một người chậm chạp và hậu đậu. Cùng nhau họ trải qua rất nhiều điều thú vị trong cuộc sống hằng ngày cũng như những chuyến phiêu lưu nghẹt thở.

Đôrêmon có một chiếc túi nhỏ trên bụng của mình, nhưng thật ra đó là chiếc túi thần kì có thể chứa được vô số thứ. Đó chính là nơi cậu ấy để những bảo bối đến từ tương lai, và chúng giúp cho Nobita vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh hai nhân vật chính, Nobita có những người bạn khác như Xuka, Chaien, Xêkô, Đôrêmi, Đêkhi và nhiều bạn khác. Xuka là cô bé mà Nobita thích, và sau này sẽ trở thành vợ của cậu ấy. Chaien hay còn được biết đến là Jain là người luôn bắt nạt Nobita bởi vì sự ngốc nghếch của mình, nhưng đôi khi cậu ấy cũng đứng lên để bảo vệ bạn bè và gia đình. Xêkô là một cậu bé giàu có, và cậu ta là trợ thủ tốt nhất của Chaien trong việc bắt nạt Nobita. Họ đánh nhau rất nhiều, nhưng sau cùng thì họ vẫn là những đứa trẻ. Bộ truyện không chỉ đơn giản là một hình thức giải trí, mà nó còn chứa rất nhiều những bài học đắt giá về cuộc sống.

Chúng ta có thể học cách trân trọng tình bạn, bảo vệ môi trường, và tránh xa những điều xấu sau khi đọc nó. Đôrêmon là truyện tranh yêu thích nhất của tôi, và tôi nghĩ cũng có rất nhiều người yêu quý nó như tôi.


Cùng chủ đề:

Đề kiểm tra giữa học kì 1 tiếng việt 5 bộ sách Cánh diều có đáp án và lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì 1 tiếng việt 5 bộ sách Cánh diều có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 CD - Đề số 1
Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 CD - Đề số 2
Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 CD - Đề số 3
Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 CD - Đề số 4
Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 CD - Đề số 5
Đề thi tiếng việt 5, đề kiểm tra tiếng việt 5 Cánh diều có đáp án và lời giải chi tiết