Đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 CTST - Đề số 3
Tấm vé về miền quê thơ ấu Sau bao nhiêu năm xa, tôi đã về thăm lại làng mình, nhưng đứng giữa cái làng đã đổi thay trong ngọn gió thời gian vù vù thổi, tôi vẫn day dứt nhớ tới một điều gì đó thật sâu xa. Rồi tôi lại tạm biệt làng quê, theo chuyến tàu đi tới thành phố, đi tới nơi bao công việc đang đợi tôi.
Đề bài
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Tấm vé về miền quê thơ ấu
Sau bao nhiêu năm xa, tôi đã về thăm lại làng mình, nhưng đứng giữa cái làng đã đổi thay trong ngọn gió thời gian vù vù thổi, tôi vẫn day dứt nhớ tới một điều gì đó thật sâu xa. Rồi tôi lại tạm biệt làng quê, theo chuyến tàu đi tới thành phố, đi tới nơi bao công việc đang đợi tôi.
Nhưng "cái điều gì đó" lại trỗi dậy trong tôi. Và tôi đi ra ga tàu.
Tôi đi nhanh tới ga và hỏi mua tấm vé về miền quê thơ ấu của mình. Chị bán vé quen biết mỉm cười với tôi, vẻ thông cảm. "Không có tàu" - chị nói. Có thể chị muốn bảo rằng, chuyến tàu đi về quê tôi đã rời ga mất rồi. Nhưng từ nụ cười thông cảm của chị, tôi còn nhận được một niềm cảm thông thầm kín: không có chuyến tàu nào mang con người về miền quê thơ ấu của mình được. Khi người ta đã trưởng thành, miền quê tuổi nhỏ cũng đổi thay. Những người già trong tuổi thơ ấu của ta không còn lại cùng với cây đa, giếng nước nữa. Bạn bè tuổi thơ đã lớn, đã tung cánh bay xa tới nhiều chân trời đất nước...
Ôi, bao nhiêu câu hát, ta biết bao giờ hát lại! Ôi nơi thơ ấu, ta biết bao giờ trở lại! Tôi nghe hồn tôi âm vang một câu hát mà tôi đã từng hát trong những ngày xa cách quê hương. Câu hát buồn buồn, đầy vơi thương nhớ.
Tạm biệt chị bán vé, tôi đi lang thang trên đường phố. Và tôi gặp trên đường chị cán bộ biên tập sách thiếu nhi. Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa hai người quen biết từ trước thật thú vị. Chị quả quyết là sẽ tặng tôi tấm vé về miền quê thơ ấu. Rồi chị nói chị cũng rất nhớ miền quê thơ ấu của chị. Miền quê thơ ấu, với tâm hồn trong sáng giúp con người đi tới những chân trời rộng mở đẹp tươi.
(Nguyễn Trọng Tạo)
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1. Bài văn miêu tả về điều gì?
A. Tả tấm vé về miền quê thơ ấu.
B. Việc mua vé về quê thời thơ ấu.
C. Nỗi khát khao về miền quê thơ ấu.
D. Cảnh làng quê thơ ấu yên bình.
Câu 2. Tại sao nhà văn đã về thăm lại làng mình mà lòng vẫn day dứt nhớ?
A. Trong tâm tưởng ông hình ảnh của làng gắn với kỉ niệm tuổi thơ.
B. Làng thay đổi, ông nhớ hình ảnh làng của ngày mình còn thơ bé.
C. Vì ông không gặp được người thân của mình.
D. Cả A và B đúng.
Câu 3. Tại sao chị bán vé cho rằng không thể có chuyến tàu về miền thơ ấu?
A. Chị đã bán hết vé.
B. Trên trời đất này chỉ có miền đất, miền quê.
C. Miền thơ ấu là tuổi thơ của đời người, nó đi qua, không bao giờ trở lại.
D. Các chuyển tàu đã xuất phát.
Câu 4. Chị biên tập viên sách thiếu nhi chia sẻ điều gì với nhà văn?
A. Chị sẽ tặng nhà văn tấm vé về miền quê thơ ấu.
B. Miền quê thơ ấu giúp con người trưởng thành đi tới miền tươi sáng.
C. Chia sẻ nỗi niềm nhớ quê hương của chị và nhà văn.
D. Thông cảm với niềm mong ước được trở về quê hương.
Câu 5. Từ in đậm nào dưới đây được dùng với nghĩa gốc?
A. Câu hát buồn buồn, đầy vơi thương nhớ.
B. Chị cũng rất nhớ miền quê thơ ấu của chị.
C. Trong ngọn gió thời gian vù vù thổi, tôi vẫn day dứt nhớ.
D. Kí ức tuổi thơ của cô ấy như những viên ngọc quý.
Câu 6. Những từ nào trong câu “Nhưng cái điều gì đó lại trỗi dậy trong tôi.” là đại từ?
A. gì, đó, tôi.
B. cái, gì, tôi.
C. đó, gì, cái.
D. cái, gì, đó, tôi.
Câu 7. Theo em, nội dung của bài đọc này là gì?
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Em hãy viết bài văn tả cảnh biển đảo mà em được thấy tận mắt hoặc qua phim ảnh.
Lời giải
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
II. Đọc thầm văn bản sau:
Câu 1. Bài văn miêu tả về điều gì?
A. Tả tấm vé về miền quê thơ ấu.
B. Việc mua vé về quê thời thơ ấu.
C. Nỗi khát khao về miền quê thơ ấu.
D. Cảnh làng quê thơ ấu yên bình.
Phương pháp giải:
Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.
Lời giải chi tiết:
Bài văn miêu tả nỗi khát khao về miền quê thơ ấu của nhà văn.
Đáp án C.
Câu 2. Tại sao nhà văn đã về thăm lại làng mình mà lòng vẫn day dứt nhớ?
A. Trong tâm tưởng ông hình ảnh của làng gắn với kỉ niệm tuổi thơ.
B. Làng thay đổi, ông nhớ hình ảnh làng của ngày mình còn thơ bé.
C. Vì ông không gặp được người thân của mình.
D. Cả A và B đúng.
Phương pháp giải:
Căn cứ nội dung bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.
Lời giải chi tiết:
Nhà văn đã về thăm lại làng mình mà lòng vẫn day dứt nhớ vì làng thay đổi, ông nhớ hình ảnh làng ngày còn thơ bé gắn với những kỉ niệm tuổi thơ.
Đáp án D.
Câu 3. Tại sao chị bán vé cho rằng không thể có chuyến tàu về miền thơ ấu?
A. Chị đã bán hết vé.
B. Trên trời đất này chỉ có miền đất, miền quê.
C. Miền thơ ấu là tuổi thơ của đời người, nó đi qua, không bao giờ trở lại.
D. Các chuyển tàu đã xuất phát.
Phương pháp giải:
Căn cứ bài đọc hiểu, đọc và tìm ý.
Lời giải chi tiết:
Chị bán vé cho rằng không thể có chuyến tàu về miền thơ ấu vì miền thơ ấu là tuổi thơ của đời người, nó đi qua, không bao giờ trở lại.
Đáp án C.
Câu 4. Chị biên tập viên sách thiếu nhi chia sẻ điều gì với nhà văn?
A. Chị sẽ tặng nhà văn tấm vé về miền quê thơ ấu.
B. Miền quê thơ ấu giúp con người trưởng thành đi tới miền tươi sáng.
C. Chia sẻ nỗi niềm nhớ quê hương của chị và nhà văn.
D. Thông cảm với niềm mong ước được trở về quê hương.
Phương pháp giải:
Căn cứ bài đọc hiểu, suy nghĩ và trả lời.
Lời giải chi tiết:
Chị biên tập viên sách thiếu nhi chia sẻ miền quê thơ ấu giúp con người trưởng thành đi tới miền tươi sáng.
Đáp án B.
Câu 5. Từ in đậm nào dưới đây được dùng với nghĩa gốc?
A. Câu hát buồn buồn, đầy vơi thương nhớ.
B. Chị cũng rất nhớ miền quê thơ ấu của chị.
C. Trong ngọn gió thời gian vù vù thổi, tôi vẫn day dứt nhớ.
D. Kí ức tuổi thơ của cô ấy như những viên ngọc quý.
Phương pháp giải:
Căn cứ vào bài Từ đa nghĩa.
Lời giải chi tiết:
Từ “nhớ” trong câu B được dùng với nghĩa gốc vì nó diễn tả cảm giác nhớ nhung về một nơi chốn cụ thể.
Đáp án B.
Câu 6. Những từ nào trong câu “Nhưng cái điều gì đó lại trỗi dậy trong tôi.” là đại từ?
A. gì, đó, tôi.
B. cái, gì, tôi.
C. đó, gì, cái.
D. cái, gì, đó, tôi.
Phương pháp giải:
Căn cứ vào bài Đại từ.
Lời giải chi tiết:
Đại từ trong câu văn trên là : gì – đại từ nghi vấn, đó – đại từ thay thế, tôi – đại từ xưng hô.
Đáp án A .
Câu 7. Theo em, nội dung của bài đọc này là gì?
Phương pháp giải:
Căn cứ vào nội dung bài đọc, suy nghĩ và trả lời.
Lời giải chi tiết:
Nội dung của bài đọc trên nói về cảm xúc của nhà văn khi trở về thăm quê hương sau nhiều năm xa cách. Dù làng quê đã thay đổi, nhà văn vẫn nhớ những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu. Khi hỏi mua vé về quê, tác giả nhận ra không có chuyến tàu nào đưa mình trở lại thời gian đó, vì mọi thứ đã khác đi. Cuộc gặp gỡ với chị cán bộ biên tập cũng cho thấy nỗi nhớ quê hương sâu sắc. Qua bài đọc, em thấy rõ tình yêu quê hương và sự tiếc nuối khi lớn lên của tác giả.
B. Kiểm tra viết
Phương pháp giải:
Phân tích, tổng hợp.
Lời giải chi tiết:
Mùa hè năm ngoái, trong chuyến đi nghỉ mát ở Nha Trang cùng gia đình, em đã được thưởng thức những vẻ đẹp diệu kì của biển. Thành phố Nha Trang trước mặt là biển, sau lưng là núi nên phong cảnh đẹp vô cùng! Bãi biển Nha Trang được xếp loại là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới.
Lúc chiếc xe chở du khách còn đang bon bon trên đường, em đã nhận ra làn gió mát mang hương vị mặn mà của biển. Có ai đó reo lên mừng rỡ: Biển kìa! Nhìn ra phía chân trời, em chỉ thấy một vệt xanh mờ mờ xa tít. Đến lúc xe dừng lại thì mặt biển bao la đã hiện ra trước mắt em. Bờ biển cong cong mềm mại, thoai thoải dần xuống mép sóng. Bãi cát trắng phau, mịn màng dưới chân. Ven bờ, hàng dừa nghiêng nghiêng. Tàu dừa giống như những cánh tay dài vẫy gió.
Chưa bao giờ em được nhìn thấy một vùng trời nước mênh mông nhường ấy. Phóng tầm mắt ra xa, em thấy biển có màu xanh thẫm. Nhìn xuống mặt nước gần ngay bờ cát, em lại thấy nước biển màu xanh da trời. Từng đợt, từng đợt sóng trắng nối nhau ào ạt vỗ bờ rồi lại rút ra xa, chẳng khác nào đám trẻ mê mải nô đùa không biết mệt. Mặt trời trên cao toả nắng vàng rực rỡ xuống biển xanh. Hàng ngàn người vui vẻ, ồn ào trên bãi tắm, tận hưởng không khí trong lành và làn nước mát lạnh của đại dương. Những chiếc phao nhiều màu dập dềnh trên sóng biếc.
Đến chiều, em được cha mẹ cho đi thăm các đảo bằng ca-nô. Chiếc ca-nô sơn hai màu xanh trắng, trước buồng lái cắm một lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay. Bốn, năm chục du khách thích thú cười vang giữa tiếng sóng xô dào dạt. Chiếc ca-nô lướt như bay, đuôi rẽ nước thành hai luồng rẻ quạt, bọt tung trắng xoá.
Khung cảnh thiên nhiên ở đảo nào cũng đẹp! Em như choáng ngợp trước một không gian toàn một màu xanh: xanh trời, xanh biển và xanh cây lá hoà quyện vào nhau, tạo nên thế giới thần tiên. Em thích nhất là khu đảo cá Trí Nguyên với những chiếc hồ nhân tạo được xây ngay trên mặt biển. Trong đó có rất nhiều loài cá quý hiếm của biển khơi: hàng chục loại cá heo, cá mập, cá kiếm, cá song, hàng trăm loại cá cảnh biển đủ màu sắc và hình thù lạ mắt khiến cho người xem mê mải. Em mua một túi bỏng ngô rồi bước xuống bậc tam cấp dẫn xuống hồ nuôi vích. Những chú rùa biển khổng lồ và hiền lành nhẹ nhàng đớp từng hạt ngô từ lòng bàn tay em rồi đủng đỉnh bơi đi.
Ngày hôm sau, đoàn du khách được đưa đi thăm Tháp Bà, bãi biển Hòn Chồng và Viện Hải dương học. Lần đầu tiên, em được tận mắt nhìn thấy những sinh vật kì lạ của đại dương. Trước khi về, em đứng cạnh bộ xương chú cá voi dài như chiếc thuyền, chụp một kiểu ảnh làm kỉ niệm.
Sau hai ngày tham quan Nha Trang, em biết thêm được bao điều mới mẻ và thú vị. Thiên nhiên xung quanh ta quả là đẹp đẽ, hấp dẫn vô cùng! Tạm biệt Nha Trang với biển xanh, cát trắng, với những con đường vàng rực màu hoa Nữ hoàng và lồng lộng làn gió đại dương, em thấy trong lòng dâng lên một cảm xúc rưng rưng khó tả. Tạm biệt nhé Nha Trang! Hẹn mùa hè sang năm, ta sẽ gặp lại nhau!