Đề thi giữa kì 2 Văn 7 Chân trời sáng tạo - Đề số 9
Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới
Đề thi
I. Đọc hiểu (6đ)
Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi phía dưới:
CON NHÀ GIÀU… “VƯỢT SƯỚNG VƯƠN LÊN”
Ngọc Trang
Mây tầng nào bay tầng đó?
Phân biệt giàu - nghèo trong học đường đã không còn là chuyện hiếm gặp, nhất là vấn đề kết giao bạn bè. Cùng một lớp học có những hội nhóm thân thiết riêng lẻ. Thông thường nhóm bạn đó là những người có cùng đặc điểm chung. Và hội con nhà giàu cùng chơi với nhau cũng là điều dễ hiểu. Nhìn thì tưởng những cậu ấm cô chiêu đi học trong vô lo, vô nghĩ. Nhưng thực tế, con nhà giàu cũng có những “thiệt thòi” nhất định.
Bạn Minh Hòa Hà Nội chia sẻ, có nhiều khó khăn mà nhiều người không biết. Chẳng hạn như việc kết bạn, không phải ai cũng thích chơi với “hội nhà giàu”. Đôi khi, tự bạn trẻ nghĩ như vậy rồi tách ra, xa cách, không thích giao lưu hoặc chỉ xã giao với những bạn gia đình khá giả. Điều đó không phải lỗi của các bạn nhà giàu. “Chẳng hiểu sao mấy bạn nhà có điều kiện lại thường bị nhiều người nói là kiêu ngạo. Nào là chỉ chọn bạn cùng đẳng cấp để chơi, mây tầng nào thì bay cùng tầng đó. Nhóm con nhà giàu cũng thường bị nhắc đến như một sự mỉa mai: “hội tiểu thư”, “hội công tử bột”... Vì vậy, các bạn gia đình có điều kiện nhiều khi cũng “cô đơn” bởi ít bạn chơi cùng, khó được cảm thông”, Minh Hòa nói.
Nói thêm về việc kết giao, bạn Họa My (ở một trường quốc tế tại Hà Nội) cho biết, trước đây cô học ở hệ thống trường công lập. Nhiều bạn tuy có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên và học rất giỏi. Bản thân Họa My cũng rất thích chơi cùng những bạn này và cảm thấy mình học được nhiều điều. Thế nhưng, tình bạn này thường không bền. Có nhiều người cho rằng, bạn nhà nghèo mà chơi với bạn nhà giàu là “thích tiền” hay “hám lợi”, ngược lại thì là chơi vì “có mục đích”. Vì thế, để tránh phiền phức, mọi người thường khó thân thiết với nhau.
“Vượt sướng” khó lắm thay...
Nhiều học sinh nhà giàu cho rằng, họ cũng bị phân biệt về thành tích. Bởi con nhà nghèo vượt khó vươn lên được ghi nhận, thậm chí khen ngợi như những tấm gương. Ngược lại, nếu có học bổng, được đi du học hay luôn ở tốp đầu thì con nhà giàu sẽ ít được đánh giá cao. Nhiều bạn trẻ cho rằng, “có tiền thì ai chẳng làm được”. Và việc được đầu tư đầy đủ nên đạt được thành tích cũng là điều hết sức bình thường. Thế nhưng, đánh giá như vậy cũng chưa khách quan.
Bởi con nhà giàu muốn học giỏi còn phải biết “vượt sướng”. Hội “rick kid” trên mạng xã hội thường than vãn: Hãy tưởng tượng tôi phải làm sao để cố gắng để đến trường hằng ngày. Trong khi đó nếu tôi nghỉ học ở nhà thì vẫn có cuộc sống dư dả, có nhà, có xe. Rồi những ngày đó cũng phải học ngày đêm để không bị đánh giá, để xứng đáng với sự đầu tư của cha mẹ...Thử hỏi có bao nhiêu người sống trong nhung lụa, đủ đầy vật chất mà lại không bị cám dỗ, lôi kéo làm cho hư hỏng?
Cũng đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra khoảng cách giàu - nghèo. Nhiều cá nhân xuất phát điểm thấp nhưng thành công. Mặc dù bản thân họ cũng không được đầu tư nhiều. Ngược lại cũng không ít cá nhân xuất phát điểm cao nhưng thất bại. Vì vậy, những thành tích mà hội con nhà giàu có được thực sự là cả một nỗ lực, vất vả chẳng kém so với các bạn con nhà nghèo. “Chưa kể, các bạn có gia cảnh thiếu thốn, nếu sa ngã sẽ cho rằng bị hoàn cảnh xô đẩy, rất dễ được xã hội cảm thông. Ngược lại, con nhà giàu hư hỏng sẽ bị chỉ trích nặng nề. Thậm chí là lôi hết nghề nghiệp, chức vụ, tài sản của cha mẹ ra để bàn tán như một lỗi lầm của cả gia đình. Đó phải chăng là sự phân biệt lớn đối với hội con nhà giàu hay sao?”...
Cần xác định mục tiêu quan trọng của mình thay vì những đánh giá bên ngoài.
Theo chuyên gia, phân biệt giàu - nghèo trong học đường là không nên. Đừng lấy đồng tiền ra để đặt lên bàn cân cho giá trị phẩm chất. Thực chất, tiền không mua được cả thế giới. Có những người dù dát lên người vàng bạc, kim cương, cả đống đồ hiệu nhưng không thể che giấu tính cách nhỏ mọn, thiếu hiểu biết. Nhiều phẩm chất con người như thần thái, nhân cách, tri thức... không tiền nào mua được.
Ngược lại, đối với những bạn trẻ con nhà nghèo, đừng nên vì đồng tiền mà thiếu tự tin ở bản thân. Đôi khi sự “tự kỷ ám thị” đã khiến khoảng cách phân biệt ngày càng lớn trong học đường. Mà sự phân biệt này lại không xuất phát từ các cậu ấm cô chiêu. “Trọng giàu, khinh nghèo là một thói quen xấu xí cần bỏ ngay”.
Không chỉ trong trường học mà cả cuộc sống, một người giàu về nhân cách còn tốt hơn hàng ngàn lần người giàu về vật chất nhưng nhân cách yếu kém. Thực tế, nhiều bạn trẻ sống trong nhung lụa nhưng luôn trau dồi bản thân, sống tử tế là điều vô cùng đáng quý. Vì thế, nếu nói về ý thức rèn luyện và những thành tích trong học tập, các bạn trẻ đều không nên so sánh về điều kiện vật chất - bà Nguyễn Hương Giang – chuyên gia nghiên cứu và phát triển con người nhận định.
( https://giaoducthoidai.vn/con-nha-giau-vuot-suong-vuon-len-post574536.html )
Câu hỏi
Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào? Vì sao?
A. Văn bản nghị luận vì bàn về một vấn đề cụ thể
B. Văn bản nghị luận vì bàn về một hiện tượng.
C. Văn bản nghị luận vì có ý kiến, lí lẽ và dẫn chứng.
D. Cả ý a & b.
Câu 2. Cách trình bày các ý kiến/ luận điểm trong văn bản:
A. Có tiêu đề in đậm, tiêu đề dạng câu hỏi.
B. Tách thành các đoạn văn bản, có tiêu đề in đậm; tiêu đề là dạng câu hỏi.
C. Có tiêu đề in đậm, tách thành các đoạn văn bản.
D. Tất cả các ý trên.
Câu 3. Vấn đề bàn luận trong văn bản trên là:
A. Con nhà giàu... “vượt sướng vươn lên”.
B. Mây tầng nào bay tầng đó?
C. “Vượt sướng” khó lắm thay...
D. Không nên phân biệt giàu nghèo.
Câu 4. Dấu ba chấm trong “Con nhà giàu... vượt sướng vươn lên” là để:
A. Tỏ ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết.
B. Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng.
C. Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ.
D. Chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị hay hài hước, châm biếm.
Câu 5. Lí lẽ, dẫn chứng ở phần Mây tầng nào bay tầng đó? nhằm làm sáng tỏ điều gì?
A. Phân biệt giàu - nghèo trong học đường đã không còn là chuyện hiếm gặp,
nhất là vấn đề kết giao bạn bè.
B. Hội con nhà giàu cùng chơi với nhau cũng là điều dễ hiểu.
C. Có nhiều người cho rằng, bạn nhà nghèo mà chơi với bạn nhà giàu là “thích tiền” hay “hám lợi”.
D. Các bạn gia đình có điều kiện nhiều khi cũng “cô đơn” bởi ít bạn chơi cùng.
Câu 6. Con nhà giàu cũng có những “thiệt thòi” nhất định nào?
a. Không phải ai cũng thích chơi với hội con nhà giàu; bị mỉa mai
B. Có tình bạn thì không bền vì khác gia cảnh.
C. Nhiều khi cũng “cô đơn” bởi ít bạn chơi cùng, khó được cảm thông.
D. Tất cả các ý trên.
Câu 7. Vì sao con nhà giàu “Vượt sướng” khó lắm thay...?
A. Ít được đánh giá cao khi đạt thành tích; vượt sướng để học tập rèn luyện; hư hỏng bị chỉ trích nặng nề
B. Phải học để không bị đánh giá, để xứng đáng với sự đầu tư của cha mẹ...
C. Những thành tích mà hội con nhà giàu có được thực sự là cả một nỗ lực, vất vả chẳng kém so với các bạn con nhà nghèo
D. Sống trong nhung lụa, đủ đầy vật chất dễ bị cám dỗ, lôi kéo làm cho hư hỏng.
Câu 8. Mục đích của luận điểm thứ 3 - “Cần xác định mục tiêu quan trọng của mình thay vì những đánh giá bên ngoài” là
A. Đối với những bạn trẻ con nhà nghèo, đừng nên vì đồng tiền mà thiếu tự tin.
B. Cần xác định mục tiêu quan trọng của mình thay vì những đánh giá bên ngoài ( và lí do không nên phân biệt giàu nghèo).
C. Thực tế, nhiều bạn trẻ sống trong nhung lụa nhưng luôn trau dồi bản thân, sống tử tế là điều vô cùng đáng quý.
D. Có những người dù dát lên người vàng bạc, kim cương, cả đống đồ hiệu nhưng không thể che giấu tính cách nhỏ mọn, thiếu hiểu biết.
Câu 9. Nếu em là con nhà giàu và bị đối xử như hoàn cảnh sau, em sẽ làm thế nào?
“Nhóm con nhà giàu cũng thường bị nhắc đến như một sự mỉa mai: “hội tiểu thư”, “hội công tử bột”… Vì vậy, các bạn gia đình có điều kiện nhiều khi cũng “cô đơn” bởi ít bạn chơi cùng, khó được cảm thông”
Câu 10. Em có đồng tình với ý kiến sau đây không? Hãy đối thoại để thể hiện quan điểm của bản thân (văn bản có độ dài 1/3-1/2 trang giấy)
“…nếu nói về ý thức rèn luyện và những thành tích trong học tập, các bạn trẻ đều không nên so sánh về điều kiện vật chất”
II. LÀM VĂN
Quan sát bức ảnh sau và trả lời câu hỏi
Giả sử, em là người thứ ba trong hội bạn trên, em sẽ chọn bạn như thế nào? Trao đổi về tiêu chí chọn bạn của mình(bài văn dài từ 1-1,5 trang)
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
Đáp án
PHẦN I – TRẮC NGHIỆM (4 điểm)
Câu 1 (0.25đ) |
Câu 2 (0.25đ) |
Câu 3 (0.25đ) |
Câu 4 (0.25đ) |
Câu 5 (0.25đ) |
Câu 6 (0.25đ) |
Câu 7 (0.25đ) |
Câu 8 (0.25đ) |
D |
B |
A |
C |
A |
D |
A |
B |
Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào? Vì sao? A. Văn bản nghị luận vì bàn về một vấn đề cụ thể B. Văn bản nghị luận vì bàn về một hiện tượng. C. Văn bản nghị luận vì có ý kiến, lí lẽ và dẫn chứng. D. Cả ý a & c. |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Nhớ lại kiến thức về đặc điểm nhận biết thể loại
Lời giải chi tiết:
Văn bản trên thuộc thể loại Văn bản nghị luận vì bàn về một vấn đề cụ thể, vì có ý kiến, lí lẽ và dẫn chứng
→ Đáp án: D
Câu 2. Cách trình bày các ý kiến/ luận điểm trong văn bản: A. Có tiêu đề in đậm, tiêu đề dạng câu hỏi. B. Tách thành các đoạn văn bản, có tiêu đề in đậm; tiêu đề là dạng câu hỏi. C. Có tiêu đề in đậm, tách thành các đoạn văn bản. D. Tất cả các ý trên. |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Chú ý đặc điểm hình thức của văn bản
Lời giải chi tiết:
Cách trình bày các ý kiến/ luận điểm trong văn bản: Tách thành các đoạn văn bản, có tiêu đề in đậm; tiêu đề là dạng câu hỏi
→ Đáp án: B
Câu 3. Vấn đề bàn luận trong văn bản trên là: A. Con nhà giàu... “vượt sướng vươn lên”. B. Mây tầng nào bay tầng đó? C. “Vượt sướng” khó lắm thay... D. Không nên phân biệt giàu nghèo. |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Chú ý tiêu đề và các luận điểm chính (phần in đậm trong bài)
Lời giải chi tiết:
Vấn đề bàn luận trong văn bản trên là: Con nhà giàu... “vượt sướng vươn lên”.
→ Đáp án: A
Câu 4. Dấu ba chấm trong “Con nhà giàu... vượt sướng vươn lên” là để: A. Tỏ ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết. B. Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng. C. Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ. D. Chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị hay hài hước, châm biếm. |
Phương pháp:
Nhớ lại kiến thức về tác dụng của dấu ba chấm
Lời giải chi tiết:
Dấu ba chấm trong “Con nhà giàu... vượt sướng vươn lên” là để: Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ
→ Đáp án: C
Câu 5. Lí lẽ, dẫn chứng ở phần Mây tầng nào bay tầng đó? nhằm làm sáng tỏ điều gì? A. Phân biệt giàu - nghèo trong học đường đã không còn là chuyện hiếm gặp, nhất là vấn đề kết giao bạn bè. B. Hội con nhà giàu cùng chơi với nhau cũng là điều dễ hiểu. C. Có nhiều người cho rằng, bạn nhà nghèo mà chơi với bạn nhà giàu là “thích tiền” hay “hám lợi”. D. Các bạn gia đình có điều kiện nhiều khi cũng “cô đơn” bởi ít bạn chơi cùng. |
Phương pháp:
Đọc kĩ phần Mây tầng nào bay tầng đó?
Lời giải chi tiết:
Lí lẽ, dẫn chứng ở phần Mây tầng nào bay tầng đó? nhằm làm sáng tỏ: Phân biệt giàu - nghèo trong học đường đã không còn là chuyện hiếm gặp, nhất là vấn đề kết giao bạn bè
→ Đáp án: A
Câu 6. Con nhà giàu cũng có những “thiệt thòi” nhất định nào? A. Không phải ai cũng thích chơi với hội con nhà giàu; bị mỉa mai B. Có tình bạn thì không bền vì khác gia cảnh. C. Nhiều khi cũng “cô đơn” bởi ít bạn chơi cùng, khó được cảm thông. D. Tất cả các ý trên. |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
Con nhà giàu cũng có những “thiệt thòi”:
- Không phải ai cũng thích chơi với hội con nhà giàu; bị mỉa mai
- Có tình bạn thì không bền vì khác gia cảnh
- Nhiều khi cũng “cô đơn” bởi ít bạn chơi cùng, khó được cảm thông
→ Đáp án: D
Câu 7. Vì sao con nhà giàu “Vượt sướng” khó lắm thay...? A. Ít được đánh giá cao khi đạt thành tích; vượt sướng để học tập rèn luyện; hư hỏng bị chỉ trích nặng nề B. Phải học để không bị đánh giá, để xứng đáng với sự đầu tư của cha mẹ... C. Những thành tích mà hội con nhà giàu có được thực sự là cả một nỗ lực, vất vả chẳng kém so với các bạn con nhà nghèo D. Sống trong nhung lụa, đủ đầy vật chất dễ bị cám dỗ, lôi kéo làm cho hư hỏng. |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
Con nhà giàu “Vượt sướng” khó lắm thay...? vì: Ít được đánh giá cao khi đạt thành tích; vượt sướng để học tập rèn luyện; hư hỏng bị chỉ trích nặng nề
→ Đáp án: A
Câu 8. Mục đích của luận điểm thứ 3 - “Cần xác định mục tiêu quan trọng của mình thay vì những đánh giá bên ngoài” là A. Đối với những bạn trẻ con nhà nghèo, đừng nên vì đồng tiền mà thiếu tự tin. B. Cần xác định mục tiêu quan trọng của mình thay vì những đánh giá bên ngoài ( và lí do không nên phân biệt giàu nghèo). C. Thực tế, nhiều bạn trẻ sống trong nhung lụa nhưng luôn trau dồi bản thân, sống tử tế là điều vô cùng đáng quý. D. Có những người dù dát lên người vàng bạc, kim cương, cả đống đồ hiệu nhưng không thể che giấu tính cách nhỏ mọn, thiếu hiểu biết. |
Phương pháp:
Đọc kĩ phần 3
Lời giải chi tiết:
Mục đích của luận điểm thứ 3 - “Cần xác định mục tiêu quan trọng của mình thay vì những đánh giá bên ngoài” là: Có những người dù dát lên người vàng bạc, kim cương, cả đống đồ hiệu nhưng không thể che giấu tính cách nhỏ mọn, thiếu hiểu biết
→ Đáp án: D
Câu 9. Nếu em là con nhà giàu và bị đối xử như hoàn cảnh sau, em sẽ làm thế nào?
“Nhóm con nhà giàu cũng thường bị nhắc đến như một sự mỉa mai: “hội tiểu thư”, “hội công tử bột”… Vì vậy, các bạn gia đình có điều kiện nhiều khi cũng “cô đơn” bởi ít bạn chơi cùng, khó được cảm thông”
Phương pháp
Dựa vào văn bản và phần phân tích ở trên
Lời giải chi tiết
- HS cần cân nhắc cách ứng xử hợp lý nhất (ít gây tổn thương, xúc phạm cho các bên)
+ Chú ý: Tình huống giao tiếp và trạng thái cảm xúc của các bên trong cuộc giao tiếp
+ Ứng xử: Lời nói, thái độ cần văn minh,tôn trọng đối phương
- Tham khảo gợi ý sau:
+ Đối thoại bằng lời nhẹ nhàng
+ Vẫn chơi cùng bạn bằng thái độ chân thành, kiên trì
Câu 10. Em có đồng tình với ý kiến sau đây không? Hãy đối thoại để thể hiện quan điểm của bản thân (văn bản có độ dài 1/3-1/2 trang giấy)
“…nếu nói về ý thức rèn luyện và những thành tích trong học tập, các bạn trẻ đều không nên so sánh về điều kiện vật chất”
Phương pháp
Nêu quan điểm cá nhân
Lời giải chi tiết
- HS bày tỏ thẳng thắn quan điểm cá nhân về việc: điều kiện vật chất chi phối ý thức rèn luyện và thành tích học tập.
- Có 3 luồng ý kiến:
+ Đồng tình/phản đối: cần có ý lí do trở lên. Đó là 2 luận cứ được phân tích bằng lí lẽ và dẫn chứng để bảo vệ ý kiến của mình.
+ Phản đối: cần có ý lí do trở lên. Đó là 2 luận cứ được phân tích bằng lí lẽ và dẫn chứng để bảo vệ ý kiến của mình.
+ Điều kiện vật chất có những chi phối nhất định, nhưng không quyết định kết quả cuối cùng (có 2 ý lí do, phân tích bằng lí lẽ, dẫn chứng để bảo vệ ý kiến của mình).
PHẦN II – LÀM VĂN ( 4 điểm)
Giả sử, em là người thứ ba trong hội bạn trên, em sẽ chọn bạn như thế nào? Trao đổi về tiêu chí chọn bạn của mình(bài văn dài từ 1-1,5 trang)
Phương pháp:
Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hành viết
Lời giải chi tiết:
Trao đổi về tiêu chí chọn bạn |
||
Phần chính |
Điểm |
Nội dung cụ thể |
Mở bài |
0,5 |
- Nêu vấn đề/ hiện tượng bàn luận - Thái độ, sự quan tâm đối với vấn đề bàn luận |
Thân bài |
2,5 |
- Nêu ngắn gọn quan niệm về tình bạn, vai trò của tình bạn đối với đời sống của mỗi cá nhân - Quan điểm đối với 2 tiêu chí chọn bạn (ở đề bài): + Nếu đồng tình: lí lẽ+ dẫn chứng + Nếu phản đối: lí lẽ+ dẫn chứng - Tiêu chí/ cách chọn bạn của bản thân: lí lẽ+ dẫn chứng |
Kết bài |
0,5 |
- Khẳng định ý nghĩa của tình bạn - Nhận thức và hành động của cá nhân… |
Yêu cầu khác |
0,5 |
- Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại (nghị luận xã hội) - Thể hiện rõ quan điểm cá nhân (đồng tình/phản bác) - Dẫn chứng đa dạng phù hợp với lí lẽ, ý kiến |