Đề thi học kì 2 Văn 11 Kết nối tri thức - Đề số 2
Đề thi học kì 2 Văn 11 bộ sách kết nối tri thức đề số 2 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề thi
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
XUÂN KHÔNG MÙA
(Xuân Diệu)
Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm,
Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu
Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều.
Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng.
Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng;
Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ,
Chim trên cành há mỏ hót ra thơ;
Xuân là lúc gió về không định trước.
Đông đang lạnh bỗng một hôm trở ngược,
Mây bay đi để hở một khung trời
Thế là xuân. Ngày chỉ ấm hơi hơi,
Như được nắm một bàn tay son trẻ...
Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé;
Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa;
Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa
Lùa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng.
Nếu lá úa trên cành bàng không rụng,
Mà hoa thưa ửng máu quá ngày thường;
Nếu vườn nào cây nhãn bỗng ra hương,
Là xuân đó. Tôi đợi chờ chi nữa?
Bình minh quá, mỗi khi tình lại hứa,
Xuân ơi xuân vĩnh viễn giữa lòng ta
Khi những em gặp gỡ giữa đường qua
Ngừng mắt lại, để trao cười, bỡ ngỡ.
Ấy là máu báo tin lòng sắp nở
Thêm một phen, tuy đã mấy lần tàn.
Ấy là hồn giăng rộng khắp không gian
Để đánh lưới những duyên hờ mới mẻ?
Ấy những cánh chuyển trong lòng nhẹ nhẹ
Nghe xôn xao rờn rợn đến hay hay...
Ấy là thư hồi hộp đón trong tay;
Ấy dư âm giọng nói đã lâu ngày
Một sớm tim bỗng dịu dàng đồng vọng.
Miễn trời sáng, mà lòng ta dợn sóng,
Thế là xuân. Hà tất đủ chim, hoa?
Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa,
Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng.
(Nguồn: Thơ Xuân Diệu. NXB Văn Học, 2019)
Trả lời câu hỏi:
Câu 1: Tứ thơ của văn bản Xuân không mùa là gì?
Câu 2: Vai trò của những yếu tố tượng trưng trong Xuân không mùa là gì?
Câu 3: Đất trời, vạn vật biến đổi như thế nào trong tâm hồn Xuân Diệu? Phân tích cảm xúc của chủ thể trữ tình trước phút giây huyền diệu ấy
Câu 4: Tác giả dùng phép tu từ nào để diễn tả Xuân không mùa trong lòng mình? Hãy phân tích những câu thơ mà em cho là đặc sắc nhất
Câu 5: Xuân không mùa của Xuân Diệu khởi xuất từ đâu? Tác giả đã gửi đến chúng ta quan niệm nhân sinh nào trong thi phẩm thơ độc đáo này?
II. VIẾT (4đ)
Câu 1: Quan sát bức hình sau và trả lời câu hỏi a,b (1đ)
(Nguồn ảnh: Internet)
a. Mô tả ngắn gọn, nêu bức thông điệp được chuyển tải qua từng bức hình
b. Hai bức hình có thể gợi ra những vấn đề nào của cuộc sống? Em quan tâm tới vấn đề nào nhất, vì sao?
Câu 2: Viết bài nghị luận: Từ hiểu biết về văn bản đọc Xuân không mùa (Xuân Diệu) và ý nghĩa của 2 bức hình trên, em hãy viết bài luận thể hiện quan điểm sống của bản thân
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
Đáp án
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 (1 điểm)
Câu 1: Tứ thơ của văn bản Xuân không mùa là gì? |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ bài thơ
Nhớ lại kiến thức về tứ thơ
Lời giải chi tiết:
Tứ thơ của văn bản: Xuân của đất trời- Xuân ở lòng người – Xuân không ngày tháng
Câu 2 (1 điểm)
Câu 2: Vai trò của những yếu tố tượng trưng trong Xuân không mùa là gì? |
Phương pháp giải:
Nhớ lại kiến thức về yếu tố tượng trưng
Lời giải chi tiết:
- Tạo nên một thế giới nghệ thuật thơ độc đáo cuốn hút
- Diễn tả niềm yêu đời say mê đến cuồng nhiệt của thi sĩ
- Diễn tả sự tương hợp kì diệu giữa vũ trụ và lòng người
Câu 3 (1 điểm)
Câu 3: Đất trời, vạn vật biến đổi như thế nào trong tâm hồn Xuân Diệu? Phân tích cảm xúc của chủ thể trữ tình trước phút giây huyền diệu ấy |
Phương pháp giải:
Chú ý các chi tiết thể hiện sự biến đổi trong tâm hồn tác giả
Lời giải chi tiết:
*Đất trời, vạn vật biến đổi tinh vi, diệu kì
- Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ,
Chim trên cành há mỏ hót ra thơ;
- Đông đang lạnh bỗng một hôm trở ngược,
Mây bay đi để hở một khung trời
- Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa;
Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa…
→Đất trời, vạn vật biến đổi bất ngờ tinh vi, diệu kì: nắng rạng, chim hót ra thơ, hở một khung trời, trời biếc sau mưa… tất thảy đẹp hơn, rạng rỡ hơn… đem mùa xuân đến với lòng người
* Thi sĩ giao hòa, đắm say ngắm nhìn, ghi lại từng vi mạch của sự sống, những khoảnh khắc trở mình bất chợt của tạo vật… để hân hoan sống, đón nhận sức sống đang bừng lên trong màu nắng, làn gió, áng mây,…
Câu 4 (1.5 điểm)
Câu 4: Tác giả dùng phép tu từ nào để diễn tả Xuân không mùa trong lòng mình? Hãy phân tích những câu thơ mà em cho là đặc sắc nhất |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ bài thơ
Nhớ lại kiến thức về biện pháp tu từ
Lựa chọn câu thơ em cho là đặc sắc và phân tích
Lời giải chi tiết:
- Biện pháp tu từ:
+ Điệp từ, điệp ngữ: Xuân là, ấy là, thế là;
+ Điệp cấu trúc câu: Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều; Thế là xuân. Ngày chỉ ấm hơi hơi; Thế là xuân. Hà tất đủ chim, hoa?
- Phân tích những câu thơ đặc sắc: HS tự lựa chọn theo cảm nhận của cá nhân (gợi ý cách phân tích: phân tích phép tu từ, từ ngữ đặc sắc… cảm xúc của thi sĩ… cảm nhận của cá nhân)
Câu 5 (1.5 điểm)
Câu 5: Xuân không mùa của Xuân Diệu khởi xuất từ đâu? Tác giả đã gửi đến chúng ta quan niệm nhân sinh nào trong thi phẩm thơ độc đáo này? |
Phương pháp giải:
Phân tích mùa xuân của tác giả thể hiện trong văn bản (bắt nguồn từ thiên nhiên, cảnh vật hay từ lòng người)
Rút ra quan niệm nhân sinh tác giả muốn gửi gắm
Lời giải chi tiết:
- Xuân không mùa của Xuân Diệu khởi xuất từ lòng yêu đời của con người
- Quan niệm nhân sinh:
+ Sống lạc quan, yêu đời, sống hết mình và giao hòa cùng vũ trụ, thiên nhiên để cảm nhận những biến chuyển, những tín hiệu sống diệu kì
+ Sống tích cực lạc quan để cảm nhận mùa xuân lai láng trong đất trời vạn vật để có xuân không mùa, xuân lai láng trong lòng mình
II. VIẾT (4đ)
Câu 1 (1 điểm)
a. Mô tả ngắn gọn, nêu bức thông điệp được chuyển tải qua từng bức hình b. Hai bức hình có thể gợi ra những vấn đề nào của cuộc sống? Em quan tâm tới vấn đề nào nhất, vì sao? |
Phương pháp giải:
a. Quan sát kĩ 2 bức hình
b. Dựa vào nội dung thông điệp ở trên
Nêu quan điểm của bản thân
Lời giải chi tiết:
a. Bức 1: Con người tự giam hãm (nhốt) mình trong không gian hẹp
Bức 2: Con người giao hòa cùng đất trời
- Thông điệp: không nên tự giam hãm bản thân trong không gian chật hẹp tù túng; hãy mở lòng giao lưu cùng thiên nhiên đất trời để tiếp thêm năng lượng sống
b. Hai bức hình có thể gợi ra những vấn đề: HS tự đề xuất vấn đề (tham khảo gợi ý sau)
- Sống tiêu cực
- Sống tích cực
- Không gian sống tác động tới quan niệm sống của con người
- Hãy mở rộng không gian sống…
+Em quan tâm tới vấn đề nào nhất, vì sao? HS tự làm theo quan điểm cá nhân
Câu 2 (3 điểm)
Câu 2: Viết bài nghị luận: Từ hiểu biết về văn bản đọc Xuân không mùa (Xuân Diệu) và ý nghĩa của 2 bức hình trên, em hãy viết bài luận thể hiện quan điểm sống của bản thân |
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn
Lời giải chi tiết:
Từ hiểu biết về văn bản đọc Xuân không mùa (Xuân Diệu) và ý nghĩa của 2 bức hình trên, em hãy viết bài luận thể hiện quan điểm sống của bản thân |
||
Phần chính |
Điểm |
Nội dung cụ thể |
Mở bài |
0,25 |
- Giới thiệu luận đề: Quan điểm sống sẽ bàn luận - Tầm quan trọng của luận đề đối với đời sống hiện đại |
Thân bài |
2,0 |
- Làm rõ cách hiểu về quan điểm sống - Vai trò của luận đề: chi phối lối sống, hành động, cảm xúc… - Biểu hiện của quan điểm sống đã lựa chọn - Tác dụng/ hệ quả của quan niệm sống đã lựa chọn - Phân tích quan điểm sống trong sự đối chiếu với quan điểm sống đối lập (với quan điểm đã lựa chọn) |
Kết bài |
0,25 |
Nhận thức, hành động của cá nhân |
Yêu cầu khác |
0,5 |
- Lựa chọn luận đề/ vấn đề nghị luận: quan điểm sống - Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại (nghị luận) - Dẫn chứng tiêu biểu, ngắn gọn phù hợp với lí lẽ, luận điểm |