Đề thi kì 1 môn Văn lớp 9 năm 2020 - 2021 Phòng GD Trảng Bàng
Tải vềGiải chi tiết đề thi kì 1 môn văn lớp 9 năm 2020 - 2021 Phòng GD Trảng Bàng với cách giải nhanh và chú ý quan trọng
Đề bài
I. PHẦN ĐỌC HIỂU: (4 điểm)
Đọc hai câu thơ sau:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa”
Câu 1:( 1 điểm) Cho biết hai câu thơ trên được trích từ bài thơ nào? Tác giả là ai?
Câu 2: (1 điểm) Chép thêm hai câu thơ tiếp theo để hoàn chỉnh đoạn thơ? Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ?
Câu 3: (2 điểm). Phân tích nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ trên?
II. PHẦN LÀM VĂN: (6 điểm)
Nhân ngày 20-11, kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy, cô giáo cũ.
Lời giải chi tiết
I. PHẦN ĐỌC HIỂU:
Câu 1
*Phương pháp : Căn cứ vào thông tin tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”
*Cách giải:
- Hai câu thơ được trích từ văn bản “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận.
Câu 2
*Phương pháp: Nhớ lại nội dung khổ thơ đầu
*Cách giải:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa Sóng đã cài then, đêm sập cửa. Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi, Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
Câu 3
*Phương pháp : Nhớ lại nội dung và nghệ thuật của khổ thơ trên.
*Cách giải:
- Nội dung: đoạn thơ nói về hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ khi đoàn thuyền ra khơi.
- Nghệ thuật:
+ Sử dụng nhuần nhuyễn các biện pháp tu từ đặc sắc:
So sánh: Mặt trời so sánh với "hòn lửa" → khung cảnh lung linh rực rỡ sắc màu.
Ẩn dụ "sóng - cài then", "đêm - sập cửa" → màn đêm đang dần buông xuống
+ Giọng điệu khỏe khoắn, hào sảng.
+ Các hình ảnh chọn lọc, giàu giá trị biểu đạt.
II. PHẦN LÀM VĂN:
*Phương pháp :
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác miêu tả, biểu cảm để tạo lập một văn bản tự sự.
*Cách giải:
- Yêu cầu hình thức:
+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm văn tự sự để tạo lập văn bản.
+ Sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm cho văn bản tự sự.
+ Văn bản đầy đủ bố cục 3 phần; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Yêu cầu nội dung:
1. Mở bài:
- Không khí tưng bừng đón chào ngày 20 - 11 ở trong trường lớp, ngoài xã hội.
- Bản thân mình: nghĩ về thầy cô giáo và bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm vui buồn cùng thầy cô, trong đó có một kỉ niệm không thể nào quên.
2. Thân bài:
- Giới thiệu về kỉ niệm (câu chuyện): Đó là kỉ niệm gì, buồn hay vui, xảy ra trong hoàn cảnh nào,thời gian nào?...
- Kể lại hoàn cảnh, tình huống diễn ra câu chuyện (kết hợp nghị luận và miêu tả nội tâm):
+ Kỉ niệm đó liên quan đến thầy(cô) giáo nào?
+ Đó là người thầy (cô) như thế nào?
+ Diện mạo, tính tình, công việc hằng ngày của thầy (cô).
+ Tình cảm, thái độ của học sinh đối với thầy cô.
- Diễn biến của câu chuyện:
+ Câu chuyện khởi đầu rồi diễn biến như thế nào? Đâu là đỉnh điểm của câu chuyện?...
+ Tình cảm, thái độ, cách ứng xử của thầy (cô) và những người trong cuộc, người chứng kiến sự việc.
- Câu chuyện kết thúc như thế nào? Suy nghĩ sau câu chuyện: Câu chuyện đã để lại cho em những nhận thức sâu sắc trong tình cảm, tâm hồn, trong suy nghĩ: tấm lòng, vai trò to lớn của thầy (cô), lòng biết ơn, kính trọng, yêu mến của bản thân đối với thầy (cô).
3.Kết bài:
- Câu chuyện là kỉ niệm, là bài học đẹp và đáng nhớ trong hành trang vào đời của tuổi học trò.