Đề thi kì 2 môn Văn lớp 6 năm 2019 - 2020 Trường THCS Bình Chuẩn
Giải chi tiết đề thi kì 2 môn văn lớp 6 năm 2019 - 2020 Trường THCS Bình Chuẩn với cách giải nhanh và chú ý quan trọng
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN – TIẾNG VIỆT (3 điểm)
Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi sau:
“Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Đôi cánh tôi trước kia ngắn hủn hoẳn, bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã. Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Đầu tôi to và nổi từng tảng, rất bướng. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc."
1. Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? Tác giả là ai? (1.0 điểm)
2. Nêu nội dung và nghệ thuật của văn bản? (1.0 điểm)
3. Tìm các câu văn có sử dụng phép tu từ so sánh? Hãy cho biết phép tu từ so sánh đó thuộc kiểu so sánh nào? (1.0 điểm)
II. TẬP LÀM VĂN (7 điểm)
1. Viết đoạn văn (8 – 10 dòng) nêu cảm nhận của em về nhân vật Dế Mèn trong văn bản trên. (2 điểm)
2. Em hãy miêu tả cây phượng trên sân trường em vào một ngày hè. (5 điểm)
……………Hết……………
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN – TIẾNG VIỆT
1.
*Phương pháp : Căn cứ vào tác phẩm “Bài học đường đời đầu tiên”.
*Cách giải:
- Văn bản: Bài học đường đời đầu tiên.
- Tác giả: Tô Hoài.
2.
*Phương pháp : Căn cứ vào tác phẩm “Bài học đường đời đầu tiên”.
*Cách giải:
- Nội dung: Bài văn miêu tả Dế Mèn có vẻ đẹp cường tráng của tuổi trẻ nhưng tính nết còn kiêu căng, xốc nổi. Do bày trò trêu chọc chị Cốc nên đã gây ra cái chết thảm thương cho Dế Choắt, Dế Mèn hối hận và rút ra bài học đường đời đầu tiên cho mình .
- Nghệ thuật:
+ Cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất tự nhiên, hấp dẫn.
+ Nghệ thuật miêu tả loài vật sinh động, đặc sắc.
+ Ngôn ngữ chính xác, giàu tính tạo hình.
3.
*Phương pháp : Căn cứ vào bài học “So sánh”.
*Cách giải:
- Các câu sử dụng tu từ so sánh là:
+ Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua.
+ Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc.
- Phép tu từ so sánh đó thuộc kiểu so sánh ngang bằng.
II. TẬP LÀM VĂN
1.
*Phương pháp :
- Sử dụng các phương thức miêu tả, biểu cảm để thiết lập đoạn văn biểu cảm.
*Cách giải:
- Về kĩ năng:
+ Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về nhân vật Dế Mèn trong đoạn trích trên.
+ Đoạn văn ngắn 8 – 10 dòng đáp ứng hình thức, có cảm xúc, không mắc lỗi diễn đạt.
- Về kiến thức: Có thể tham khảo một số ý sau:
Đoạn văn trên nói về vẻ đẹp ngoại hình của nhân vật Dế Mèn:
- Càng: mẫm bóng
- Vuốt: cứng, nhọn hoắt
- Cánh: áo dài chấm đuôi
- Đầu: to, nổi từng tảng
- Răng: đen nhánh, nhai ngoàm ngoạm
- Râu: dài, cong vút
=> Dế Mèn là một chàng thanh niên có vẻ ngoài tự tin, khỏe mạnh, cường tráng.
2.
*Phương pháp :
- Xác định đề để xác định thể loại, yêu cầu.
- Sử dụng kết hợp các phương thức tự sự, biểu cảm để tạo lập một văn bản miêu tả.
*Cách giải:
- Yêu cầu hình thức:
+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm văn miêu tả để tạo lập văn bản.
+ Văn bản đầy đủ bố cục 3 phần; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Yêu cầu nội dung:
1. Mở bài: Giới thiệu về cây phượng trên sân trường em khi mùa hè về.
2. Thân bài
a. Miêu tả chung cây phượng
- Cây phượng trong sân trường em đã được trồng từ hàng chục năm trước.
- Đây là loại cây cổ thụ, ra hoa vào mùa hè.
- Nhìn từ xa cây phượng tỏa bóng mát che rợp cả khoảng trống phía trước trường.
b. Miêu tả chi tiết về cây phượng khi hè về
- Gốc cây lớn, gồm nhiều rễ dài như những con rắn quấn lấy thân cây.
- Thân cây màu nâu, khoảng một vòng tay người ôm, có quét vôi trắng xung quanh.
- Lá phượng nhỏ nhắn như lá me.
- Mùa hè hoa phượng thường nở đỏ rực cả một khoảng trời.
- Nụ hoa phượng mọc thành từng chùm, có màu xanh, nhỏ xinh.
- Mỗi bông hoa phượng thường có năm cánh mỏng, màu đỏ.
- Hoa phượng không có mùi hương nồng nàn nhưng lại rất riêng.
- Hoa phượng nở và tiếng ve là những âm thanh quen thuộc của mùa hè.
c. Tả hoạt động con người bên cây phượng
- Giờ giải lao chúng em thường tụ tập dưới gốc cây phượng vui chơi, ôn bài.
- Tổ chức các hoạt động ngoài trời.
- Thỉnh thoảng có những cô cậu học sinh đi nhặt hoa phượng về làm kỉ niệm.
d. Ý nghĩa của hoa phượng
- Mùa phượng nở báo hiệu mùa hè đến chúng em phải tạm rời xa mái trường.
- Cây phượng gắn bó với nhiều thế hệ học sinh trong trường.
3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về loài cây này
- Em rất yêu cây phượng vì chúng rất có ích.
- Dù sau này có đi đâu nhưng em mãi nhớ về cây phượng trường em với nhiều kỉ niệm tuổi học trò.