Đề thi vào 10 môn Văn Lạng Sơn năm 2023 — Không quảng cáo

Đề thi vào 10 môn văn có đáp án - 9 năm gần nhất Đề thi vào 10 môn Văn Lạng Sơn


Đề thi vào 10 môn Văn Lạng Sơn năm 2023

Tải về

Đọc đoạn trích: Mỗi chúng ta đều có một hoàn cảnh khác nhau, một gia đình và môi trường sống khác nhau. Nếu bạn chưa có một giấc mơ của riêng mình, hãy dành thời gian cho bản thân để nghĩ về điều đó

Đề bài

PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích:

Mỗi chúng ta đều có một hoàn cảnh khác nhau, một gia đình và môi trường sống khác nhau. Nếu bạn chưa có một giấc mơ của riêng mình, hãy dành thời gian cho bản thân để nghĩ về điều đó. Nếu bạn đang sống nhờ vào giấc mơ của người khác, dù là cha mẹ, ông bà, anh chị hay một ai đó trong đời, hãy biết rằng mình không nợ ai một giấc mơ. Cuộc đời quá ngắn ngủi. Tuổi xuân rất có hạn. Một ngày nào đó khi mỏi gối chồn chân, bạn sẽ ngồi đó hối hận vì đã sống nhờ vào giấc mơ người khác.

(Trích Mở cửa tương lai, Nguyễn Phi Vân, NXB Thế giới, 2022, tr.29-30)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.

Câu 2. (0,5 điểm) Theo tác giả, Nếu bạn chưa có một giấc mơ của riêng mình thì bạn hãy làm gì?

Câu 3. (1,0 điểm) Em hiểu như thế nào về nội dung của câu nói: Tuổi xuân rất có hạn. Một ngày nào đó khi mỏi gối chồn chân, bạn sẽ ngồi đó hối hận vì đã sống nhờ vào giấc mơ người khác.

PHẦN LÀM VĂN (8,0 điểm)

Câu 1. Em hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 12 đến 15 câu) trình bày suy nghĩ về những việc em cần làm để thực hiện ước mơ của bản thân.

Câu 2. Em hãy viết bài văn nghị luận trÌnh bày cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Thình lình đèn diện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn.

Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chỉ người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.

(Trích Ánh trăng, Nguyễn Duy, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.156)

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phương pháp:

Căn cứ các phương thức biểu đạt đã học.

Cách giải:

Phương thức biểu đạt trong đoạn trích trên: Nghị luận.

Câu 2:

Phương pháp:

Đọc, tìm ý.

Cách giải:

Theo tác giả, nếu bạn chưa có một giấc mơ của riêng mình thì hãy dành thời gian cho bản thân để nghĩ về điều đó.

Câu 3:

Phương pháp:

Phân tích.

Cách giải:

Học sinh trình bày theo cảm nhận của bản thân, có lý giải phù hợp.

Gợi ý:

- Thời gian là hữu hạn, chúng ta chỉ được sống một lần. Đồng nghĩa với đó, mỗi người trong chúng ta chỉ có thể trải qua tuổi xuân một lần duy nhất.

- Khi tuổi xuân qua đi, sự nhiệt huyết, năng lực và sức học hỏi, làm việc của chúng ta sẽ bị giảm sút không còn được như lúc trẻ. Lúc đó muốn sống theo giấc mơ của mình cũng trở nên khó khăn hơn. Khi ấy, chúng ta sẽ cảm thấy tiếc nuối vì chúng ta chưa từng sống cho ước mơ của chính mình, cuộc sống đã từng sống cũng không thật sự là cuộc sống bản thân mong muốn.

- Qua câu nói tác giả gửi gắm đến tất cả mọi người hãy sống, mơ ước và dùng hết sức mình để biến những mơ ước thành hiện thức, để sau này không bao giờ phải ân hận, hối tiếc.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

1. Nêu vấn đề: Những việc bản thân cần làm để đạt được ước mơ.

2. Giải thích:

- Ước mơ: Là những dự định, hoài bão, mục tiêu mà con người luôn mong muốn đạt được trong cuộc đời của chính mình. Nó là những khát vọng mà con người luôn lấy đó làm mục đích để cố gắng nỗ lực.

-> Tuổi trẻ là tuổi của những ước mơ và hoài bão của những mục tiêu lý tưởng lớn lao. Điều đó khiến cuộc sống của con người trở nên có ý nghĩa hơn. Để đạt được ước mơ, con người ngoài đề ra mục đích còn cần có những hành động cụ thể để hiện thực hóa ước mơ của mình.

3. Bàn luận

- Để hiện thực hóa ước mơ con người trước hết phải xác định ước mơ, mục đích, lý tưởng đúng đắn, rõ ràng.

- Vạch rõ kế hoạch, các bước tiến đến việc hiện thực hóa ước mơ.

- Cố gắng rèn luyện, học hỏi để có thêm kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm phục vụ cho việc chinh phục ước mơ.

- Khi gặp khó khăn, thất bại không lùi bước. Có ý chí, kiên định đến cùng không nản chí.

- Luôn giữ vững ngọn lửa đam mê trong tâm hồn.

4. Rút ra bài học liên hệ:

- Phê phán những người sống không có ước mơ, lý tưởng hoặc có ước mơ lý tưởng nhưng lại không có hành động để biến ước mơ thành hiện thực.

- Theo đuổi ước mơ, hoài bão nhưng không được quên đi những giá trị hạnh phúc bình dị đời thường, cần có sự cân bằng giữa việc theo đuổi ước mơ và tìm sự bình yên trong tâm hồn.

Câu 2:

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

I. Giới thiệu chung:

- Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Duy, nhà thơ quân đội, đã được giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ 1972 – 1973, một gương mặt tiêu biểu cho lớp nhà thơ trẻ thời chống Mỹ cứu nước.

- Tập thơ “Ánh trăng” của ông được tặng giải A của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984. Trong đó, có bài thơ mà tựa để dùng làm nhan đề cho cả tập thơ : Ánh Trăng. Bài thơ là một câu chuyện riêng nhưng có ý nghĩa triết lý như một lời tự nhắc nhở thấm thía của nhà thơ về lối sống nghĩa tình, thủy chung với quá khứ gian lao, với thiên nhiên, đất nước và đồng đội.

- Ba khổ thơ cuối bài thơ tạo ra tình huống gặp gỡ giữa con người với vầng trăng trong hiện tại, từ đó, ta thấy sự thức tỉnh của con người và nhắc nhở đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

II. Phân tích:

1. Vầng trăng trong hiện tại - tình huống bất ngờ

- Con người gặp lại vầng trăng trong một tình huống bất ngờ:

+ Tình huống: “Đèn điện tắt”. Đây là biến cố chân thực, thường thấy trong cuộc sống đô thị. Cái lấp lánh của ánh điện, cửa gương biến mất, con người bị vây bọc trong căn phòng tối om, ngột ngạt.

Hành động “Vội bật tung”: vội vàng, khẩn trương -> bắt gặp vấng trăng -> Đây là khổ thơ quan trọng trong cấu tứ toàn bài.

Chính cái khoảnh khắc bất ngờ ấy đã tạo nên bước ngoặt trong mạch cảm xúc của nhà thơ-> Sự xuất hiện bất ngờ của vầng trăng khiến nhà thơ ngỡ ngàng, bối rối, gợi cho nhà thơ bao kỉ niệm nghĩa tình.

+ “Đột ngột vầng trăng tròn”: Đảo ngữ: Cảm giác ngỡ ngàng khi con người gặp lại vầng trăng.

+ Ấn tượng về vẻ đẹp của trăng: trăng đang độ tròn đẹp nhất; trăng vẫn vẹn nguyên, vẫn ở rất gần, luôn chờ đợi dõi theo dù con người thờ ơ, dửng dưng.

2. Cảm xúc và suy ngẫm của tác giả trước vầng trăng.

- Từ “mặt” được dùng với nghĩa gốc và nghĩa chuyển - mặt trăng, mặt người – trăng và người cùng đối diện đảm tấm.

- Với tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” người đọc cảm nhận sự lặng im, thành kính và trong phút chốc cảm xúc dâng trào khi gặp lại vầng trăng: “có cái gì rưng rưng”. Rưng rưng của những niềm thương nỗi nhớ, của những lãng quên lạnh nhạt với người bạn cố tri; của một lương tri đang thức tỉnh sau những ngày đắm chìm trong cõi u mê mộng mị; rưng rưng của nỗi ân hận ăn năn về thái độ của chính mình trong suốt thời gian qua. Một chút áy náy, một chút tiếc nuối, một chút xót xa đau lòng, tất cả đã làm nên cái “rưng rưng”, cái thổn thức trong sâu thẳm trái tim người lính.

- Và trong phút giây nhân vật trữ tình nhìn thẳng vào trăng- biểu tượng đẹp đẽ của một thời xa vắng, nhìn thẳng vào tâm hồn của mình, bao kỉ niệm chợt ùa về chiếm trọn tâm tư. Kí ức về quãng đời ấu thơ trong sáng, về lúc chiến tranh máu lửa, về cái ngày xưa hồn hậu hiện lên rõ dần theo dòng cảm nhận trào dâng “như là đồng là bể, như là sông là rừng”. Đồng, bể, sông, rừng, những hình ảnh gắn bó nơi khoảng trời kỉ niệm -> Cấu trúc song hành của hai câu thơ, nhịp điệu dồn dập cùng biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ và liệt kế như muốn khắc họa rõ hơn kí ức về thời gian gắn bó chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng lớn lao sâu nặng, nghĩa tình, tri kỉ. Chính thứ ánh sáng dung dị đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thần thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính. Chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm như “có cái gì rưng rưng”, đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc.

- Hình ảnh “trăng cổ tròn vành vạnh” là tượng trưng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung, đầy đặn, bao dung, nhân hậu.

- Hình ảnh “ánh trăng im phăng phắc” mang ý nghĩa nghiêm khắc nhắc nhở, là sự trách móc trong lặng im. Chính cái im phăng phắc của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Con người “giật mình” trước ánh trăng là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp. Đó là lời ân hận, ăn năn day dứt, làm đẹp con người.

III. Kết luận

- Nội dung:

+ Ba khổ cuối bài thơ tạo ra tình huống bất ngờ, cho ta thấy sự thức tỉnh của con người.

+ Lời nhắn gửi con người không được lãng quên quá khứ gian khổ mà sâu đậm nghĩa tình.

+ Lời nhắc nhở về nghĩa tình thiêng liêng của nhân dân, đất nước và đạo li uống nước nhớ nguồn.

- Nghệ thuật:

+ Thể thơ ngũ ngôn với nhiều sáng tạo độc đáo.

+ Sự kết hợp hài hòa giữa chất tự sự và trữ tình.

+ Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, gần gũi mà giàu sức gợi.

+ Giọng điệu tâm tình thấm thía, khi thì thiết tha cảm xúc, lúc lại trầm lắng, suy tư.


Cùng chủ đề:

Đề thi vào 10 môn Văn Lào Cai 2021 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Lào Cai năm 2022
Đề thi vào 10 môn Văn Lào Cai năm 2023
Đề thi vào 10 môn Văn Lạng Sơn 2020 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Lạng Sơn 2022 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Lạng Sơn năm 2023
Đề thi vào 10 môn Văn Long An 2020 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Long An năm 2022
Đề thi vào 10 môn Văn Long An năm 2023
Đề thi vào 10 môn Văn Nam Định 2020 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Nam Định 2021 có đáp án và lời giải chi tiết