Đề thi vào 10 môn Văn Sơn La năm 2021
Tải vềĐọc đoạn trích sau: Chúng ta thường quan tâm đến việc nuôi dưỡng cơ thể bằng những loại thức ăn nào bổ dưỡng, lành mạnh, nhưng lại rất ít khi quan tâm đến việc nuôi dưỡng tâm hồn
Đề bài
PHẦN I (3.0 điểm) Đọc đoạn trích sau:
Chúng ta thường quan tâm đến việc nuôi dưỡng cơ thể bằng những loại thức ăn nào bổ dưỡng, lành mạnh, nhưng lại rất ít khi quan tâm đến việc nuôi dưỡng tâm hồn. Thật ra, tâm hồn ta cũng cần được nuôi dưỡng và xét về nhiều khía cạnh, tâm hồn là quan trọng và cần chú ý quan tâm hơn rất nhiều. Một tâm hồn trong sáng, khoẻ mạnh để mang lại cho ta cuộc sống yên vui, hạnh phúc, ngay cả khi ta gặp phải những nghịch cảnh khó khăn. (...) Cuộc sống quanh ta có biết bao nhiêu điều tốt đẹp đáng quý và cần trân trọng. Chỉ cần ta biết khéo léo nhận ra và chọn lọc, chúng ta không hề thiếu thốn những hạt giống tốt đẹp để gieo trồng.
Mặt khác, trong cuộc sống cũng đầy rẫy những cỏ dại xấu xa. Chỉ cần ta sống buông trôi, thiếu hiểu biết, cuộc đời ta sẽ phải trả giá bằng những u ám, tối tăm kéo dài. Một tâm hồn tươi đẹp đầy hoa thơm trái quý, hay tiêu điều hoang vắng với cỏ dại lan tràn. Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức và nỗ lực của chính chúng ta không phụ thuộc vào bất kỳ ai khác. Nuôi dưỡng tâm hồn cũng quan trọng, cần thiết không kém gì việc nuôi dưỡng thể xác, nhưng chúng ta rất thường lãng quên không chú ý đến việc này. Chúng ta đôi khi bỏ mặc tâm hồn mình khô cằn hoặc mọc đầy cỏ dại. Nếu ý thức được điều này và bắt đầu chăm sóc gieo trồng những hạt giống tốt lành, chắc chắn bạn sẽ có được một cuộc sống tươi vui và hạnh phúc hơn nhiều.
(Trích Nuôi dưỡng tâm hồn nơi chính bạn, http://www.kynang.edu.vn/ky-nang-mem)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. (0,5 điểm) Theo đoạn trích, một tâm hồn trong sáng, khoẻ mạnh mang lại cho ta điều gì? Sống buông trôi, thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến hậu quả gì?
Câu 3. (1,0 điểm) Xác định các hình ảnh ẩn dụ trong câu Chúng ta đôi khi bỏ mặc tâm hồn mình khô
cằn hoặc mọc đầy cỏ dại . Nêu ý nghĩa của các hình ảnh ẩn dụ đó.
Câu 4. (1,0 điểm) Em có đồng tình với ý kiến Nuôi dưỡng tâm hồn cũng quan trọng, cần thiết không
kém gì việc nuôi dưỡng thể xác không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm) Từ nội dung phần đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về việc làm thế nào để nuôi dưỡng một tâm hồn tươi đẹp.
Câu 2. (5,0 điểm) Cảm nhận của em về hình tượng người lính trong đoạn thơ sau:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính,
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
(Trích Đồng chí - Chính Hữu, SGK Ngữ văn 9, Tập 1, NXB Giáo dục, 2020, tr.128, 129)
Lời giải chi tiết
Phần I.
Câu 1.
Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. |
Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận.
Câu 2.
Theo đoạn trích, một tâm hồn trong sáng, khoẻ mạnh mang lại cho ta điều gì? Sống buông trôi, thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến hậu quả gì? |
Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích
Cách giải:
Theo đoạn trích, “một tâm hồn trong sáng, khỏe mạnh” mang lại cho chúng ta cuộc sống yên vui, hạnh phúc ngay cả khi ta gặp phải những nghịch cảnh khó khăn. Còn nếu “sống buông trôi, thiếu hiểu biết” thì cuộc đời sẽ phải trả giá bằng những u ám, tối tăm kéo dài.
Câu 3.
Xác định các hình ảnh ẩn dụ trong câu Chúng ta đôi khi bỏ mặc tâm hồn mình khô cằn hoặc mọc đầy cỏ dại . Nêu ý nghĩa của các hình ảnh ẩn dụ đó. |
Phương pháp: căn cứ bài Ẩn dụ, phân tích
Cách giải:
Hình ảnh ẩn dụ: tâm hồn => ví tâm hồn ta như một khu vườn, nếu bỏ mặc thì đó sẽ là một khu vườn khô cằn hoặc đầy cỏ dại
=> Ý nghĩa: Khiến cho đối tượng nghị luận trở nên sinh động, gợi lên những liên tưởng ý vị, sâu sắc.
Câu 4.
Em có đồng tình với ý kiến Nuôi dưỡng tâm hồn cũng quan trọng, cần thiết không kém gì việc nuôi dưỡng thể xác không? Vì sao? |
Phương pháp: phân tích, lí giải
Cách giải:
Em đồng ý với ý kiến.
Vì tâm hồn mỗi người rất quan trọng và đáng quý, một tâm hồn trong sáng, lành mạnh sẽ mang lại cuộc sống hạnh phúc, bình yên, giúp con người có thêm nghị lực và niềm tin vượt qua khó khăn, chiến thắng nghịch cảnh. Tâm hồn lành mạnh cũng sẽ góp phần nuôi dưỡng và phát triển thể xác, giúp người ta có cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai.
Phần II.
Câu 1.
Từ nội dung phần đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về việc làm thế nào để nuôi dưỡng một tâm hồn tươi đẹp. |
Phương pháp: phân tích, giải thích, tổng hợp
Cách giải:
I. Mở đoạn:
- Xác định vấn đề cần nghị luận: cách nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn
II. Thân đoạn:
Triển khai vấn đề nghị luận
1. Giải thích
- Tâm hồn con người là tổng hòa của nhiều yếu tố như cảm xúc, nhận thức, lí trí, khát vọng… Người có tâm hồn đẹp là người có tấm lòng nhân ái, bao dung, nhạy cảm trước mọi nỗi niềm của con người.
- Vẻ đẹp tâm hồn là vẻ đẹp của phẩm chất bên trong, là yếu tố tạo nên nét đẹp chân chính của mỗi người.
2. Bàn luận
- Nuôi dưỡng tâm hồn là điều rất quan trọng và thật cần thiết. Việc làm ấy cần được tiến hành thường xuyên và ngay từ khi còn nhỏ.
- Làm thế nào để nuôi dưỡng tâm hồn đẹp: Biết quan sát, lắng nghe, học hỏi, nhạy cảm, thấu hiểu, chia sẻ với người khác để cùng hướng tới những điều thiện
- Mỗi người có thể nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng nhiều cách khác nhau:
+ Biết lắng nghe sự chỉ bảo của ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo
+ Không ngừng học hỏi để nâng cao vốn sống, vốn hiểu biết
+ Luôn hướng thiện và có tâm hồn đồng cảm với người khác
+ Biết cách sống mình vì mọi người, bản thân không bao giờ vụ lợi và luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống
+ Tránh gây tổn thương cho những người xung quanh
+ Biết chia sẻ niềm vui mà bạn mình vừa nhận được, … lời nói đi đôi với việc làm, hành động bên ngoài thống nhất với suy nghĩ bên trong…
-Phản đề: Phê phán một số người hiện nay thường chỉ quan tâm đến vẻ đẹp hình thức, ra sức chăm chút cho vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài mà không quan tâm trau dồi vẻ đẹp tâm hồn (công, dung, ngôn, hạnh)
III. Kết đoạn:
Bài học nhận thức
- Cái đẹp tiềm ẩn bên trong phẩm chất, tính cách mới tạo nên giá trị đích thực của mỗi con người, vẻ đẹp tâm hồn tôn vinh thêm cho vẻ đẹp hình thức
- Vẻ đẹp tâm hồn làm nên giá trị sâu xa, bền vững của con người.
- Con người ta chỉ hoàn thiện khi có sự hài hoà giữa vẻ đẹp hình thức với vẻ đẹp tâm hồn.
Câu 2.
Cảm nhận của em về hình tượng người lính trong đoạn thơ sau: Ruộng nương anh gửi bạn thân cày Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính, Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi Áo anh rách vai Quần tôi có vài mảnh vá Miệng cười buốt giá Chân không giày Thương nhau tay nắm lấy bàn tay. (Trích Đồng chí - Chính Hữu, SGK Ngữ văn 9, Tập 1, NXB Giáo dục, 2020, tr.128, 129) |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Chính Hữu (những nét cơ bản về con người, cuộc đời, đặc điểm sáng tác,…)
– Giới thiệu khái quát về bài thơ “Đồng chí” (xuất xứ, hoàn cảnh ra đời, những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, …)
– Giới thiệu khái quát về đoạn thơ và vẻ đẹp hình tượng người lính trong kháng chiến chống Pháp
2. Thân bài:
a. Hình ảnh người lính hiện lên với những vẻ đẹp của đời sống tâm hồn, tình cảm:
- Tình đồng chí là sự cảm thông sâu sắc những tâm tư, nỗi niềm của nhau. Những người lính gắn bó với nhau, họ hiểu đến những nỗi niềm sâu xa, thầm kín của đồng đội mình:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày, Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”
Người lính đi chiến đấu để lại sau lưng những gì yêu quý nhất của quê hương: ruộng nương, gian nhà, giếng nước gốc đa. Từ "mặc kệ"cho thấy tư thế ra đi dứt khoát của người lính.
Nhưng sâu xa trong lòng, họ vẫn da diết nhớ quê hương. Ở ngoài mặt trận, họ vẫn hình dung thấy gian nhà không đang lung lay trong cơn gió nơi quê nhà xa xôi.
b. Thông cảm với nhau về bệnh tật trong chiến đấu mà người lính mắc phải:
"Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh / Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi"
=> thấu hiểu những tâm tư, nỗi lòng của nhau, cùng chia sẻ những gian lao, thiếu thốn của cuộc đời người lính. Đó là sự ốm đau, bệnh tật.
c. Chia sẻ những gian lao và thiếu thốn trong cuộc đời người lính:
"Áo anh …..chân không giày"
NT: Sử dụng các câu thơ sóng đôi, đối ứng, tả thực. Cấu trúc ấy đã diễn tả sự gắn bó, chia sẻ của những người đồng đội
- Sự yêu thương nhau thể hiện chân thành giản dị họ nắm tay để truyền cho nhau hơi ấm và sức mạnh của tình đồng chí hơi ấm ở bàn tay, ở tấm lòng đã chiến thắng cái lạnh ở "chân không giày" và thời tiết "buốt giá"
→ Sức mạnh của tình cảm keo sơn gắn bó sâu sắc giữa những người lính giúp họ vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn và gian khổ.
=> Sự đoàn kết, thương yêu, kề vai sát cánh bên nhau cùng nhau chiến đấu chống lại quân thù tạo nên bức tượng đài bất diệt về hình ảnh người lính trong kháng chiến chống Pháp. Chân dung anh bộ đội Cụ Hồ buổi đầu kháng chiến sống gian khổ, thiếu thốn nhưng tình đồng chí sưởi ấm lòng họ.
d. Sự lãng mạn và lạc quan trong cuộc sống chiến đấu gian khổ:
- Bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ: Dù hoàn cảnh như thế nào thì cũng bên cạnh nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
- Trên cảnh rừng hoang sương muối là 3 hình ảnh gắn kết: Thương nhau tay nắm lấy bàn tay -> Hình ảnh đẹp về tình đồng đội
⇒ Làm nên sức mạnh của tình đồng đội giúp họ vượt lên những khắc nghiệt của thời tiết và mọi gian khổ thiếu thốn.
3. Kết bài
Khái quát về những vẻ đẹp cơ bản của hình ảnh người lính và tình đồng đội, các biện pháp nghệ thuật trong đoạn thơ và nêu cảm nghĩ của bản thân.