Đề thi vào 10 môn Văn Thanh Hóa năm 2020
Tải vềĐọc đoạn trích sau:
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận. Đó là lí do để chúng ta không vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác. Cha mẹ ta, phần đông, đều làm công việc rất đỗi bình thường. Và đó là một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy. Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti. Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả đều là bác sĩ nổi tiếng thì ai sẽ là người dọn vệ sinh bệnh viện? Nếu tất cả đều là nhà khoa học thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả đều là kĩ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính? Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày."
(Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn năm 2012)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1: Theo tác giả, một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy là gì?
Câu 2: Xác định một phép liên kết được sử dụng trong câu: Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày.
Câu 3: Nêu tác dụng của câu hỏi tu từ trong những câu sau: Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả đều là bác sĩ nổi tiếng thì ai sẽ là người dọn vệ sinh bệnh viện? Nếu tất cả đều là nhà khoa học thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả đều là kĩ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính?
Câu 4: Em có đồng tình với quan điểm của tác giả “Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
Từ nội dung phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, trình bày sự cần thiết của việc vươn lên từng ngày ở mỗi người.
Câu 2: (5.0 điểm)
Phân tích tình cảm sâu đậm của ông Sáu dành cho con trong đoạn trích Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng.
Lời giải chi tiết
Phần I
Câu 1:
Theo tác giả, một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy là gì? |
Phương pháp: căn cứ đoạn trích
Cách giải:
Theo tác giả, một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy là phần đông, cha mẹ ta đều làm công việc rất đỗi bình thường.
Câu 2:
Xác định một phép liên kết được sử dụng trong câu: Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. |
Phương pháp: căn cứ bài Liên kết câu, đoạn văn
Cách giải:
Phép nối: từ nối “nhưng”.
Câu 3:
Nêu tác dụng của câu hỏi tu từ trong những câu sau: Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả đều là bác sĩ nổi tiếng thì ai sẽ là người dọn vệ sinh bệnh viện? Nếu tất cả đều là nhà khoa học thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả đều là kĩ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính? |
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
Tác dụng của câu hỏi tu từ:
+ Nhấn mạnh mỗi người sẽ làm những công việc khác nhau. Vì vậy mỗi ngườ sẽ có vai trò, sự đóng góp khác nhau cho cuộc đời.
+ Thể hiện sự tha thiết, chân thành của người viết.
+ Câu hỏi tu từ kết hợp với điệp cấu trúc còn tạo nên nhịp điệu cho đoạn văn.
Câu 4:
Em có đồng tình với quan điểm của tác giả “Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận” không? Vì sao? |
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
Học sinh nêu ý kiến của riêng mình. Giải thích phù hợp với các quan điểm đạo đức, pháp luật.
Gợi ý:
Đồng tình. Vì:
- Mỗi người sinh ra sẽ có khả năng khác nhau, không có ai là toàn năng.
- Dù đóng góp trên lĩnh vực nào cũng là góp phần xây dựng xã hội, xây dựng thế giới tốt đẹp.
- Mọi sự đóng góp, cống hiến đều đáng được trân trọng.
-…
Phần II
Câu 1
Từ nội dung phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, trình bày sự cần thiết của việc vươn lên từng ngày ở mỗi người. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề: sự cần thiết của việc vươn lên từng ngày ở mỗi người.
2. Giải thích vấn đề:
-Vươn lên là cố gắng tiến tới, đạt tới cái tốt hơn, đẹp hơn trong cuộc sống.
=> Vươn lên trong cuộc sống là điều cần thiết và quan trọng với mỗi cá nhân để làm cho cuộc sống của bản tốt hơn, để làm cho xã hội ngày càng phát triển.
3. Phân tích, bàn luận vấn đề
- Tại sao cần phải vươn lên từng ngày trong cuộc sống?
+ Cuộc sống luôn chứa vô vàn khó khăn, thử thách nếu không nỗ lực vươn lên con người sẽ bị tụt lùi so với cộng đồng xã hội và đến một thời điểm nào đó sẽ trở nên lạc lõng, lạc loài.
+ Sự vươn lên từng ngày thể hiện ý chí mạnh mẽ, tinh thần bền bỉ, cầu tiến của mỗi cá nhân.
+ Người luôn biết vươn lên từng ngày sẽ học hỏi được nhiều điều trong cuộc sống và gặt hái thành công.
+ …
- Để vươn lên trong cuộc sống, mỗi cá nhân cần hoàn thành tốt, đúng thời hạn các mục tiêu mà mình đã đề ra. Đặt ra mục tiêu cụ thể và không ngừng nỗ lực, cố gắng để đạt được chúng;…
- Phê phán những người sống dựa dẫm, thối chí, không có tinh thần cầu tiến trong cuộc sống.
4. Liên hệ bản thân và tổng kết
Câu 2
Phân tích tình cảm sâu đậm của ông Sáu dành cho con trong đoạn trích Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm
- Nguyễn Quang Sáng là nhà văn tiêu biểu trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
- Chiếc lược ngà được sáng tác năm 1966, khi tác giả đang hoạt động ở chiến trường Nam Bộ trong thời kì cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra ác liệt. Được đưa vào tập truyện cùng tên.
- Khái quát câu chuyện: Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến, mãi mới có dịp về thăm nhà. Ông hi vọng gặp lịa đứa con sau tám năm xa cách chưa một lần gặp mặt. Mấy ngày đầu, bé Thu không nhận ba do vết thẹo trên mặt ông Sáu làm ông không giống với người cha chụp chung bức hình với má mà em biết. Em đối xử với ba như với người xa lạ. Lúc nghe bà ngoại nói, bé Thu mới nhận ra cha, tình cha con trỗi dậy mãnh liệt trong em cũng là lúc ông Sáu phải ra đi. Ở khu căn cứ, người cha dồn hết tình cảm yêu nhớ con vào việc làm một chiếc lược ngà tặng con. Nhưng chưa kịp trao tận tay con, ông đã hi sinh trong một trận càn. Lúc ông hấp hối, ông đã nhờ đồng đội chuyển chiếc lược ngà cho con.
2. Phân tích tình cảm ông Sáu dành cho bé Thu
a. Khi còn ở rừng
- Nhớ thương con, khao khát được gặp con, sống trong tình yêu con
b. Khi gặp con ở bến xuồng
- Trở về sau tám năm xa cách, không thể chờ thuyền cập bến mà nhón chân nhảy thót lên bờ, xua xuồng tạt ra. Rồi ông bước vội những bước dài, kêu to tên con, khom người dang tay đón.
- Khi gặp con, vết thẹo dài trên má đỏ ửng, giần giật, giọng lắp bắp, run run: “Ba đây con”. Nỗi nhớ khiến ông không kiềm nổi sự vội vàng.
- Khi con không nhận ra, bỏ chạy “anh đứng sững lại đó, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy.” Đó là tâm trạng đau khổ, hụt hẫng, thất vọng.
c. Trong ba ngày nghỉ phép ở nhà
- Ông chẳng dám đi đâu xa, tìm cách gần gũi con để hi vọng được nghe tiếng gọi ba.
- Mọi sự cố gắng của ông từ việc giả ngờ không nghe đến việc dồn nó vào thế bí chắt nước nồi cơm sôi đều không có kết quả.
- Trong bữa ăn do nôn nóng, thiếu bình tĩnh, ông đã đánh con. Ông không trách cứ mà chỉ lắc đầu cam chịu, vì tình cảm không dễ gì gượng ép.
- Lúc chia tay, sợ con lại bỏ chạy “anh chỉ đứng nhìn nó, anh nhìn với đôi mắt trìu mến xen lẫn buồn rầu.”
- Khi con nhận ra ba, gọi ba ông đã xúc động đến phát khóc “rút khăn lau nước mắt”. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc của người cha.
d. Khi trở về khu căn cứ
- Ông day dứt ân hận mãi vì nóng giận đánh con.
- Lời dặn ngây thơ của con ngày chia tay luôn vang lên trong tâm trí đã thôi thúc ông cố công làm ra chiếc lược ngà.
- Khi kiếm được khúc ngà, ông “hớn hở như một đứa trẻ tìm được quà”, rồi ông dành hết tâm trí, công sức vào việc làm ra cây lược “Anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc” và khắc lên đó dòng “Yêu nhớ tặng Thu – con của ba.”
- Chiếc lược phần nào gỡ rối được tâm trạng của người cha. Nhớ con, ông cây lược ra mài lên tóc cho thêm bóng thêm mượt.
- Lòng yêu con đã biến người chiến sĩ trở thành một nghệ nhân, sáng tạo ra một tác phẩm duy nhất, kết tinh tình phụ tử mộc mạc mà kì diệu.
- Nhưng rồi chưa kịp trao cho con, ông đã hi sinh trong một trận càn của giặc. Lúc hấp hối, ông trao cây lược cho người đồng đội, nhờ trao tận tay cho con ông mới nhắm mắt.
=> Cử chỉ ấy cho ta hiểu tình cha con thắm thiết và mãnh liệt của ông Sáu. Đó là ước nguyện cuối cùng của tình phụ tử.
3. Kết bài
Tổng kết về giá trị nội dung và nghệ thuật.