Đề thi vào 10 môn Văn Tuyên Quang năm 2020
Tải vềĐọc đoạn văn: Anh xoay sang người con gái đang một mắt đọc cuốn sách, một mắt lắng nghe, chân có đung đưa khe khẽ, nói:
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc đoạn văn:
Anh xoay sang người con gái đang một mắt đọc cuốn sách, một mắt lắng nghe, chân có đung đưa khe khẽ, nói:
- Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.
- Quê anh ở đâu thế? - Hoạ sĩ hỏi.
- Quê cháu ở Lào Cai này thôi. Năm trước, cháu tưởng cháu được đi xa làm cơ đấy, hóa lại không. Cháu có ông bố tuyệt lắm. Hai bố con cùng viết đơn xin ra lính đi mặt trận. Kết quả: Bố cháu thắng cháu một - không. Nhân dịp Tết, một đoàn các chú lái máy bay lên thăm cơ quan cháu ở Sa Pa. Không có cháu ở đấy. Các chú lại cử một chú lên tận đây. Chú ấy nói: Nhờ cháu có góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng. Đối với cháu, thật là đột ngột, không ngờ lại là như thế. Chú lái máy bay có nhắc đến bố cháu, ôm cháu mà lắc "Thế là một - hoà nhé !". Chưa hòa đâu bác ạ. Nhưng từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc. Ơ, bác vẽ cháu đây ư? Không, không đừng vẽ cháu ! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn.
(Trích “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2005, trang 185)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1 (0,5 điểm). Đoạn văn trên là lời của ai nói với ai?
Câu 2 (0,5 điểm). Phân tích cấu tạo ngữ pháp câu văn sau: Nhưng từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc.
Câu 3 (1,0 điểm). Theo em, vì sao nhân vật cháu lại từ chối “Không, không, đừng vẽ cháu ! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn.”
Câu 4 (2,0 điểm). Từ phần đọc hiểu trên, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ về đức tính khiêm tốn của con người trong cuộc sống.
II. LÀM VĂN (6,0 điểm)
Cảm nhận của em về vẻ đẹp của người chiến sĩ lái xe trong đoạn thơ sau:
Không có kính không phải vì xe không có kính Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi Ung dung buồng lái ta ngồi, Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim Thấy sao trời và đột ngột cánh chim Như sa, như ùa vào buồng lái
Không có kính, ừ thì có bụi, Bụi phun tóc trắng như người già Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
(Trích “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, Ngữ Văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2005, trang 131)
Lời giải chi tiết
Phần I
Đoạn văn trên là lời của ai nói với ai? |
Phương pháp: căn cứ đoạn trích
Cách giải:
- Lời của anh thanh niên nói với cô kĩ sư và bác họa sĩ.
Phân tích cấu tạo ngữ pháp câu văn sau: Nhưng từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc. |
Phương pháp: căn cứ cấu tạo câu
Cách giải:
(Nhưng từ hôm ấy) cháu / sống thật hạnh phúc
CN VN
Theo em, vì sao nhân vật cháu lại từ chối “Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn.” |
Phương pháp: phân tích
Cách giải:
Nhân vật cháu từ chốt bác họa sĩ vẽ mình vì cảm thấy bản thân chưa thật xứng đáng khi được bác họa sĩ vẽ và theo anh có những người có nhiều đóng góp, cống hiến còn đáng để bác họa sĩ vẽ hơn nhiều. Qua đó cho thấy đức tính thành thực và khiêm tốn của anh.
Từ phần đọc hiểu trên, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ về đức tính khiêm tốn của con người trong cuộc sống. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
* Giới thiệu vấn đề nghi luận: đức tính khiêm tốn của con người trong cuộc sống.
* Giải thích
- Khiêm tốn là Có nghĩa là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ.
=> Khiêm tốn là đức tính tốt đẹp cần có ở mỗi chúng ta.
* Bàn luận vấn đề
- Người có tính khiêm tốn là người tự cho mình chưa hoàn thiện luôn phải cố gắng nhiều hơn trong mọi việc; Khi có nhiều đóng góp trong sự thành công chung, người có tính khiêm tốn, ít khi ca tụng hoặc nêu lên những đóng góp của bản thân.
- Tại sao chúng ta phải khiêm tốn?
+ Giúp ta nâng cao phẩm giá, khiến cho các mối quan hệ thêm bền chặt, khăng khít và tạo được sự tin tưởng lẫn nhau.
+ Giúp cho ta biết tự kiềm chế bản thân: khen người khác thì hết sức chân thành, đúng đắn. Khi chê người khác, lời chê phải thận trọng, nhẹ nhàng mang tính xây dựng.
+ Khiêm tốn còn giúp ta nhận ra sự thiếu sót và hạn chế của bản thân từ đó có những phương hướng khắc phục để bản thân ngày càng hoàn thiện hơn.
- Tuy vậy, khiêm tốn không có nghĩa là tự hạ thấp bản thân mà phải luôn phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn.
- Phê phán, lên án những con người có tính tự cao, tự đại, kiêu căng, ngạo mạn. Những con người này với địa vị cao thường hay lên mặt, coi thường những người xung quanh.
* Liên hệ bản thân và tổng kết vấn đề
Phần II
Cảm nhận của em về vẻ đẹp của người chiến sĩ lái xe trong đoạn thơ sau: Không có kính không phải vì xe không có kính Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi Ung dung buồng lái ta ngồi, Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng. Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim Thấy sao trời và đột ngột cánh chim Như sa, như ùa vào buồng lái Không có kính, ừ thì có bụi, Bụi phun tóc trắng như người già Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha. Không có kính, ừ thì ướt áo Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi. (Trích “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, Ngữ Văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2005, trang 131) |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và 4 khổ thơ
2. Phân tích
* Khổ 1: Tác giả đã lí giải nguyên nhân khiến những chiếc xe không kính và nêu bật tư thế của những người lính trên chiếc xe ấy.
- Hai câu thơ đầu đã nêu lên nguyên nhân những chiếc xe trở nên mất kính.
Câu thơ đầu tiên dài như một như một lời phân trần để dẫn vào câu thơ thứ hai với điệp từ “không”, điệp từ “bom”, kết hợp với động từ mạnh “giật”, “rung”. Qua đó, tác giả đã lí giải nguyên nhân những chiếc xe không kính là do bom đạn tàn phá. Như vậy, ở đây, qua hình ảnh những chiếc xe không kính, tác giả đã gián tiếp tố cáo sự khốc liệt của chiến tranh.
- Hai câu thơ sau, tác giả đã tạo ấn tượng mạnh khi nêu bật tư thế hiên ngang, chủ động, tự tin của người lính khi ngồi trên những chiếc xe không kính đó:
“Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”
+ Từ láy “ung dung” được đảo lên đầu câu, kết hợp với đại từ nhân xưng đầy tự hào “ta” đã làm nổi bật tư thế ấy.
+ Nhịp thơ 2/2/2 đều đặn, điệp từ “nhìn” lặp lại ba lần. Đặc biệt cái nhìn thẳng, đó là cái nhìn bất khuất, trang nghiêm đối mặt với gian khổ, hi sinh mà không hề run sợ, né tránh
=>Vượt lên trên cái gian khổ của chiến tranh, tư thế của người lính mới thật đàng hoàng, vững chãi.
* Khổ 2 diễn tả cảm giác cụ thể của người lính khi ngồi trên những chiếc xe không còn kính chắn gió:
- Điệp từ “nhìn thấy” kết hợp với những hình ảnh như: “gió vào xoa mắt đắng”, “con đường chạy thẳng vào tim”, “đột ngột cánh chim” đã thể hiện tốc độ nhanh của chiếc xe và sự tập trung cao độ của người lính.
- Không có kính cũng khiến người lính phải trực tiếp tiếp xúc với muôn vàn khó khăn, bất cứ vật cản nào cũng có thể “sa”, “ùa” vào buồng lái. Tuy nhiên, với giọng thơ ngang tàng, trẻ trung, người lính dường như bất chấp mọi khó khăn gian khổ. Không những vậy, vì không có kính nên người chiến sĩ đã có cơ hội gần gũi với thiên nhiên, tận hưởng vẻ đẹp của cảnh vật qua ô cửa kính vỡ.
=> Phải có một tinh thần lạc quan, yêu đời, coi thường hiểm nguy mới có thể biến cái hiện thực đầy khó khăn thành những phút thi vị đẹp đến như vậy.
* Khổ 3,4 - tinh thần lạc quan, pha chút ngang tàng của người lính
- Trên những chiếc xe không kính, người lính phải đối mặt với bao khó khăn, tình cảnh của các khó khăn được miêu tả rất chân thực “Không có kính”, “ừ thì có bụi” và “Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời”
Đó chỉ là khó khăn từ thiên nhiên, chiến tranh khốc liệt. Đâu chỉ có bụi, mưa mà đó là đất đá, thậm chí là bom đạn quân thù.
- Nhưng với một thái độ ngang tàng, thách thức, bất chấp mọi gian khổ, khó khăn, người chiến sĩ lái xe đã vượt lên trên với một tinh thần trách nhiệm rất cao:
+ Những câu thơ như một lời nói thường, nôm na mà đầy cứng cỏi, chắc gọn, táo tợn “không có kính, ừ thì có bụi”, “không có kính ừ thì ướt áo”, “chưa cần rửa”, “chưa cần thay”
+ Giọng thơ ngang tàng đầy hóm hỉnh, thể hiện cấu trúc lặp và cả chi tiết “Phì phèo châm điếu thuốc” và “Nhìn nhau mặt lấm cười cười ha ha”
=> Lời thơ nhẹ nhõm, trôi chảy như những chiếc xe vun vút trên đường, tất cả đã thể hiện tinh thần quả cảm, lạc quan của những chàng trai trẻ vui tính. Câu thơ như khúc nhạc vui của tuổi đôi mươi, thanh thản, nhẹ nhõm, xua tan đi bao khó khăn, nguy hiểm.
3. Tổng kết