Đọc hiểu Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
I - Gợi dẫnrnrn1. Nguyễn Đình Chiểu (xem bài Lẽ ghét thương).rnrn2. Thời xưa, khi tế lễ trời đất, núi sông thường có bài văn cầu chúc, gọi là tế văn, kì(1) văn hoặc chúc(2) văn. Về sau, khi chôn cất người thân, người ta cũng dùng văn tế để tưởng nhớ người đã mất. Văn tế cũng có khi được gọi là điếu (điếu văn).
I - Tìm hiểu chung
1. Thể loại
Văn tế nói chung là loại văn đọc khi tế, cúng; bởi vậy nó có hình thức tế – hưởng . Chẳng hạn: mở đầu bằng Năm, tháng, ngày … kính mời vong linh người nào đó; kết thúc bằng Ô hô, ai tai (Hỡi ơi ! Đau đớn thay !). Về ngôn ngữ, văn tế không câu nệ đến hình thức; người ta có thể dùng văn vần, tản văn, biền văn.
Một bài văn tế thường có các phần: Lung khởi (ấn tượng khái quát về người chết); Thích thực (hồi tưởng công đức của người chết); Ai vãn (than tiếc người chết); Kết (nêu lên ý nghĩ của người tế và cầu chúc cho linh hồn người chết).
2. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được Nguyễn Đình Chiểu viết để tưởng nhớ công ơn của những người nông dân đã anh dũng đứng lên chống giặc. Năm 1858, giặc Pháp đánh vào Đà Nẵng, nhân dân Nam Bộ đứng lên chống giặc. Năm 1861, vào đêm 14 – 12, nghĩa quân tấn công đồn giặc ở Cần Giuộc trên đất Gia Định, gây tổn thất cho giặc, nhưng cuối cùng lại thất bại. Bài văn tế tuy được viết theo yêu cầu của tuần phủ Gia Định, song chính là tình cảm chân thực của Đồ Chiểu dành cho những người đã xả thân vì nghĩa lớn. Bài văn được viết theo bố cục quen thuộc của một bài văn tế :
- Lung khởi (từ đầu đến tiếng vang như mõ ): cảm tưởng khái quát về những nghĩa sĩ nông dân hi sinh trong trận Cần Giuộc.
- Thích thực (từ Nhớ linh xưa đến ra tay bộ hổ ): hồi tưởng về cuộc đời người nghĩa sĩ.
- Ai vãn (từ Khá thương thay đến dật dờ trước ngõ ): than tiếc các nghĩa sĩ.
- Kết (phần còn lại): tình cảm xót thương của người tế với linh hồn người chết.
Qua bài văn, hình tượng những người nghĩa sĩ vốn là những người nông dân hiền lành đã hiện lên như một biểu tượng nghệ thuật sừng sững về lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Lòng căm thù quân giặc của những người nghĩa sĩ cũng chính là lòng căm thù giặc của Nguyễn Đình Chiểu.
3. Đọc bài văn bằng giọng điệu bi thiết, trầm hùng. Chú ý thể hiện tính chất đối xứng của các câu văn biền ngẫu.
II - Kiến thức cơ bản
Thật có lí khi khẳng định Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là một trong những bài văn tế hay và cảm động nhất trong lịch sử văn học dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc có một tượng đài nghệ thuật sừng sững về người nông dân tương xứng với phẩm chất vốn có ngoài đời của họ – người nông dân nghĩa sĩ chống giặc, cứu nước.
Theo dòng hồi tưởng, cuộc đời của những người nghĩa sĩ được phản ánh chân thực, sống động. Đó là những người nghĩa sĩ – nông dân :
Cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó.
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung ; chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.
Vẫn là hình ảnh quen thuộc của người nông dân Việt Nam cần cù, lam lũ. Vẻ “cui cút”, dáng “toan lo” như gợi ra từ sâu thẳm nỗi niềm cảm thông của con người. Người nông dân thầm lặng làm lụng, cày sâu cuốc bẫm, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Giữa bao la trời đất và ruộng đồng rộng lớn, vóc dáng người nông dân hiển hiện thật tội nghiệp, đơn chiếc. Họ tất tả trong cái đói, cái nghèo. Người nông dân giãi bày phận mình thành thực, cảm động. Họ kể những công việc đồng áng, cày cuốc, bừa cấy, những việc “ruộng trâu”, “làng bộ” cũng giản đơn, dung dị như chính cuộc đời họ. Họ nghĩ suy cũng thật mộc mạc: đó là chuyện quen làm , chuyện vốn có. Bởi thế, dễ dàng phân biệt chuyện chưa quen làm và chuyện quen làm, chuyện chiến trận và chuyện ruộng đồng. Sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên của họ khi “tập súng”, “tập mác”, “tập cờ” cũng là điều dễ hiểu. Không gian “súng giặc đất rền” làm đảo lộn cuộc sống yên bình của người nông dân. Tay cày, tay cuốc giờ được thay bằng tay giáo, tay mác. Lòng căm thù giặc biểu hiện ngút trời:
Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa; mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ.
Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan ; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.
Từng lời, từng chữ trong văn tế thấm sâu nỗi hờn căm sôi sục: “ăn gan”, rồi “cắn cổ”…, Nguyễn Đình Chiểu thật tài tình khi đưa ngôn ngữ dân dã, mộc mạc vào trong lời văn. “Ăn gan, cắn cổ” cũng là tiêu diệt tận cùng loài thú dữ, ác độc. Nguyễn Đình Chiểu phát hiện ra tình yêu nước cháy sáng trong tâm hồn người nghĩa sĩ. Không cam lòng nhìn nơi mình gắn bó máu thịt bị tàn phá, họ vứt bỏ cuốc cày đến với nghĩa quân, từ việc “chưa quen cung ngựa đâu tới trường nhung”, đến việc “mến nghĩa làm quân chiêu mộ”. “Súng giặc đất rền” đã trở thành hoàn cảnh điển hình để người nông dân tự bộc lộ chính mình. Đằng sau con người nhỏ bé kia là một nghị lực, một khí phách chiến đấu phi thường. Tinh thần tự nguyện, xả thân vì nghĩa lớn được nâng thành lí tưởng cao cả của người nghĩa sĩ – nông dân. Họ tự nguyện đến “trường nhung” liều hi sinh bản thân mình để bảo vệ đất nước. Hành động sẵn sàng xả thân vì nước là sự kết tinh cao độ của lòng căm thù giặc và yêu nước sắt son của người nghĩa sĩ:
Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình ; chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.
Nếu như trước kia người trai tráng “bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa” thì nay trong thơ Đồ Chiểu sừng sững hình ảnh người nghĩa sĩ tự nguyện cứu dân, cứu nước. Trong từng bước chân lùng giặc đánh của họ, người ta cảm nhận được niềm tự hào sâu sắc của tác giả. “Quân dân lấy tình yêu làm gốc, lấy nghĩa khí làm trọng”. Chỉ vì “mến nghĩa” mà trở thành nghĩa quân thì thực sự cao quý vô cùng. Tinh thần chiến đấu xả thân vì nghĩa được người nghĩa sĩ dùng làm phương châm, mục đích để chiến đấu chống kẻ thù.
Hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia ; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
Chi nhọc quan quản gióng trống kì trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không, nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào , liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ.
Một cuộc chiến đấu không cân sức nhưng vẫn làm nổi bật tư thế của người nghĩa sĩ trên chiến trận. Tư thế hiên ngang, chủ động, tung hoành ngang dọc. Mỗi lời văn tế đồng thời biểu hiện khí thế xung trận sục sôi của người nghĩa sĩ. Khi “đánh”, “đốt”, “chém”, khi “đạp rào”, “lướt tới”, lúc “đâm ngang”, “chém ngược”… lòng quả cảm, sự nung nấu ý chí quyết tâm chiến đấu, chiến thắng như giục giã, như thôi thúc. Các hành động liên tiếp quyết liệt của người nghĩa sĩ được tác giả miêu tả qua một loạt động từ mạnh, tạo ấn tượng hùng tráng. Sự đối lập giữa “ngọn tầm vông”, “rơm con cúi”, “lưỡi dao phay” với “tàu sắt”, “tàu đồng”, “súng nổ” nhằm tô đậm khí phách của người nghĩa sĩ. Điều đáng trân trọng nhất ở họ chính là sự đồng tâm, hiệp lực, sức mạnh đoàn kết của những tâm hồn quả cảm, anh hùng.
Nguyễn Đình Chiểu bộc lộ cái nhìn rất chân thực và tinh tế về người nông dân, nghĩa sĩ. Họ anh hùng dũng cảm nhưng vẫn nôn nóng, bột phát. Phải chăng đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của những người nghĩa sĩ ở Cần Giuộc.
Nguyễn Đình Chiểu viết về người nghĩa sĩ – nông dân với một niềm tự hào sâu sắc. Người nghĩa sĩ sống một cuộc sống anh hùng – chết một cái chết vinh quang. Những nghĩa sĩ vô danh hi sinh “nào đợi gươm hùm treo mộ”. Quan niệm “chết vinh còn hơn sống nhục” lại được thắp sáng qua hình ảnh của họ:
Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.
Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.
Đứng trước bức tượng đài vĩ đại ấy của dân tộc, biết bao nỗi niềm cảm thông, xót thương được bộc lộ. “Người mẹ già”, “người vợ yếu” đau đớn, não nùng trong niềm thương xót vô hạn.
Đau đớn bấy ! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều ; não nùng thay ! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.
Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu không chỉ đã tạc bằng thơ hình tượng người nghĩa sĩ, nông dân anh hùng, bất khuất mà còn là tiếng khóc thương bi thiết của con người dân tộc trước sự hi sinh vĩ đại, cao cả của họ. Cuộc chiến của những người nghĩa sĩ thất bại song đó là thất bại trong kiêu hãnh. Hình ảnh người anh hùng thất thế trong văn tế trở nên đẹp đẽ, kì vĩ lạ thường – “danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ” .
Nguyễn Đình Chiểu viết về những người nghĩa sĩ bằng tất cả nỗi niềm mến thương và cảm phục chân thành. Cụ Đồ Chiểu mù đôi mắt mà sáng tấm lòng. Ông như nghe được tiếng lòng của chính những người nghĩa sĩ – nông dân để mà tấu lên khúc ca bi ai – cảm động. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc biểu hiện một “nỗi đau toàn bích”, Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là “ánh sáng khác thường” trong bầu trời văn học Việt Nam rộng lớn.
III - Liên hệ
Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy. Có người chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên , và hiểu Lục Vân Tiên khá thiên lệch về nội dung, và về văn, còn rất ít biết về thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, khúc ca hùng tráng của phong trào yêu nước chống bọn xâm lược Pháp lúc chúng đến bờ cõi nước ta cách đây một trăm năm !
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước mà tác phẩm là những trang bất hủ ca ngợi cuộc đấu tranh oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây ngay buổi đầu lúc chúng đặt chân lên đất nước chúng ta.
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho, nhưng sinh trưởng ở đất Đồng Nai hào phóng, lại sống giữa lúc nước nhà lâm nguy, vua nhà Nguyễn cam tâm bán nước để giữ ngai vàng, nhưng khắp nơi, nhân dân và sĩ phu anh dũng đứng lên đánh giặc cứu nước. Vì mù cả hai mắt, hoạt động của người chiến sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu là thơ văn. Và những tác phẩm đó, ngoài giá trị văn nghệ, còn quý giá ở chỗ nó soi sáng tâm hồn trong sáng và cao quý lạ thường của tác giả, và ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại.
Bài ca của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Hai bài văn, hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng một dân tộc. Hịch của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang…