Đọc hiểu Xin lập khoa luật
1. Nguyễn Trường Tộ (1830 – 1871) người làng Bùi Chu, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Là một trí thức yêu nước, lại sớm được tiếp xúc với văn hoá phương Tây nên ông có nhiều tư tưởng tiến bộ trong việc canh tân đất nước
Ông đã dâng lên vua Tự Đức nhiều bản điều trần có giá trị, tập trung trong Tế cấp bát điều , nhưng tiếc là những điều trần của ông không được chấp nhận.
2. Tế cấp bát điều là bản điều trần thứ 27 của Nguyễn Trường Tộ. Bản điều trần thể hiện tài năng và tư tưởng tiến bộ của ông. Trong bản điều trần, ông chỉ ra tám việc cần làm gấp để canh tân đất nước, thể hiện suy nghĩ sắc sảo và tầm nhìn xa trông rộng.
3. Đoạn Xin lập khoa luật đã đưa ra những lí do rất xác đáng về việc cần thiết phải mở khoa luật để dạy cho người Việt Nam. Văn bản đã cho thấy tài năng và tâm huyết của tác giả đối với đất nước.
4. Đọc chậm, làm rõ các mạch lập luận của tác giả.
II - Kiến thức cơ bản
Xin lập khoa luật là một văn bản nghị luận có bố cục chặt chẽ, lập luận sắc sảo, lí lẽ thấu đáo, đầy sức thuyết phục. Văn bản đã đưa ra những lí do để khẳng định việc lập khoa luật là rất cần thiết.
Đoạn 1, tác giả nêu ra các nội dung của luật để khẳng định khả năng bao quát của luật đối với xã hội. Sau đó, khẳng định vai trò của luật đối với việc trị dân của vua. Luật bao gồm: “kỉ cương, uy quyền, chính lệnh của quốc gia, trong đó tam cương ngũ thường cho đến việc hành chính của sáu bộ đều đầy đủ”. Có nghĩa là luật bao trùm cả vấn đề đạo đức và trách nhiệm. Cũng ở đây, tác giả chỉ ra tác dụng của luật: “Quan dùng luật để trị; dân theo luật mà giữ gìn”. Tác giả cũng đề cập đến vấn đề dân chủ trong việc thi hành luật pháp, chỉ có nhà nước pháp quyền mới đảm bảo nền dân chủ công bằng xã hội. Cái mới của Nguyễn Trường Tộ là ở chỗ ông đã nhấn mạnh sự bình đẳng của luật pháp. Quan và dân, quân và thần đều bình đẳng trước pháp luật. Quan điểm của Nguyễn Trường Tộ có điểm tiến bộ rõ rệt so với tư tưởng pháp trị phong kiến là ông đã chú ý đến quyền lợi của nhân dân trước pháp luật.
Đoạn 2, tác giả khẳng định vai trò của luật. Ông đã chỉ ra rằng, lí thuyết của sách Nho “chỉ nói suông trên giấy”, đó là những lẽ phải nhưng tự nó không có đủ khả năng làm cho mọi người thay đổi tâm tính, tự giác sửa mình. Đưa ra những nhược điểm của việc trị dân bằng lí thuyết nhà nho, tác giả không chỉ hướng đến mục đích phê phán sách Nho mà để khẳng định luật cần thiết đối với sự ổn định của xã hội. Nho gia giáo dục con người bằng chuẩn mực đạo đức, bằng những tấm gương đạo đức của quá khứ nên nặng tính lí thuyết suông. Cuối mỗi điều phê phán Nho giáo, Nguyễn Trường Tộ kết lại bằng lời của Khổng Tử khiến cho lí lẽ của ông càng thuyết phục người nghe, nhất là nhà nho vốn rất bảo thủ.
Đoạn 3, Nguyễn Trường Tộ đã lí giải thấu đáo vai trò của luật, đồng thời giải quyết triệt để những nghi ngờ về khả năng của luật. Ông dùng lập luận để bác bỏ quan điểm “luật lệ chỉ tốt cho việc cai trị chứ không có đạo đức tinh vi”. ông khẳng định: “trái luật là tội, giữ đúng luật là đức”. Để khẳng định, tác giả đã dùng các câu nghi vấn tu từ. Bằng lập luận rõ ràng, lí lẽ thấu đáo, Nguyễn Trường Tộ đã chỉ ra một cách thuyết phục sự cần thiết của việc dùng luật để trị dân. Từ đó khẳng định: Lập khoa luật để dạy dân hiểu luật là việc làm cấp thiết.
Với cái nhìn tiến bộ và đầy tinh thần trách nhiệm, Nguyễn Trường Tộ đã chỉ rõ vai trò của luật pháp đối với sự ổn định của xã hội. Tư tưởng ấy của ông dù được nói đến cách đây hàng trăm năm nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
III - liên hệ
Văn chương của Nguyễn Trường Tộ là lối văn chính luận, vừa phải bảo đảm sự chặt chẽ, sắc bén, khúc chiết trong phân tích, trong dẫn chứng nhưng cũng vừa thấm đậm cảm hứng trữ tình của tác giả, nên có sức thuyết phục rất mạnh. Những lá thư điều trần của ông rất dài, bàn về rất nhiều vấn đề cùng một lúc, nhưng văn phong mạch lạc, đâu ra đấy, từng vấn đề được bàn hết lẽ và dứt điểm, lại đều có chứng minh thực tiễn. ấy là bút pháp của một học giả chịu ảnh hưởng khá rõ tư duy lôgíc phương Tây, và có thể nói đã đoạn tuyệt với kiểu nghị luận cảm tính, lan man không dứt của nhà nho. Nguyễn Trường Tộ cũng không ngại nêu nghịch lí trong phương pháp nghị luận của ông. Ông biết đem hình thức đối thoại vào bài văn, luôn luôn đặt giả thuyết, đặt câu hỏi để lật lại vấn đề, và tự mình phản bác cặn kẽ những câu hỏi mình nêu ra, làm cho vấn đề càng thêm sáng tỏ. Nhưng điều quan trọng hơn là ông đã nghị luận bằng tất cả nhiệt huyết và lòng tin vào chân lí. Ông gần như không chỉ có nghị luận bằng lí trí mà trong nghị luận còn phơi trải hết lòng mình. Chính phong cách chính luận – trữ tình này đã tạo nên một giọng điệu riêng, một khả năng cuốn hút đặc biệt đối với đối tượng mà ông cần thuyết phục.