Em hãy phân tích bài thơ Miếu thờ Mã Phục Ba ở Giáp Thành để cho thấy bộ mặt ghê tởm của tên tướng giặc phương Bắc
Trên đường đi sứ, nhìn thấy miếu thờ Mã Phục Ba ở Giáp Thành (vùng Kép, tỉnh: Hà Bắc nước ta ngày nay), Nguyễn Du viết bài thơ này để chế giễu nhân cách tầm thườnp bộ mặt tham lam độc ác của tên tướng giặc phương Bắc:
Miếu thờ Mã Phục Ba ở Giáp Thành
Sáu chục người ta sức mỏi mòn
Riêng ông yên giáp nhảy bon bon
Được lời vua chúa cười là thích
Quên nỗi anh em thấy những buồn
Những tưởng cột đồng loè gái Việt
Ngờ đâu xe ngọc lụy đàn con
Đài mây, tên họ sao không để
Cúng tế phương Nam chết vẫn bòn
Nguyễn Du (Thơ chữ Hán - K.D dịch)
Ngoài kiệt tác Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du còn để lại Văn chiêu hồn và 3 tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Bắc hành tạp lục là tập thơ đi sứ của Nguyễn Du vào năm 1813 - 1814. Bài thơ Miếu thờ Mã Phục Ba ở Giáp Thành rút trong Bắc hành tạp lục.
Trên đường đi sứ, nhìn thấy miếu thờ Mã Phục Ba ở Giáp Thành (vùng Kép, tỉnh: Hà Bắc nước ta ngày nay), ông viết bài thơ này để chế giễu nhân cách tầm thường bộ mặt tham lam độc ác của tên tướng giặc phương Bắc:
Sáu chục người ta sức mỏi mòn ...
Cúng tế phương Nam chết vẫn bòn".
Phục Ba là tước hiệu của Mã Viện nên hắn được gọi là Mã Phục Ba. Tên tướng giặc này từng đem quân sang xâm lược nước ta, dìm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 vào biển máu. Sau khi Mã Viện chết, Hoa kiều đã lập một số miếu thờ hắn ở một vài nơi trên đất nước ta. Nguyễn Du đã lấy một vài sự kiện có thực về cuộc đời Mã Viện để viết bài thơ này.
Phần đề, nhà thơ nêu lên một nghịch lý:
Sáu chục người ta sức mỏi mòn
Riêng ông yên giáp nhảy bon bon.
Từ 60 tuổi trở đi, người ta sa sút nhiều về sức khoẻ. Riêng Mã Viện còn muốn ra trận để lập công. Vua nhà Hán lưỡng lự khi thấy hắn đã già, không muốn cho đi Mã Viện muốn tỏ sức còn khỏe liền mặc áo giáp nhảy ngay lên ngựa. Nhà vua cười nói: “Ông này còn quắc thước lắm “ Mã Viện quả khác thường, già rồi mà còn "yên giáp nhảy bon bon” chạy nhanh và nhẹ lắm. Giọng thơ khen mỉa, từ cái khác thường về sức lực, hắn còn có cái khác thường nữa đó là một kẻ hám công danh.
Phần thực nói rõ thêm nhân cách tầm thường của Mã Phục Ba. Câu 3 và 4 đối nhau. Mã Viện vui sướng, thích thú khi được vua Hán cười và khen - Hắn lại bỏ ngoài tai lời can ngăn của anh em:
Được lời vua chúa cười là thích
Quên nỗi anh em thấy những buồn
Thiếu Du là em họ Mã Viện thương ông anh già tham công danh mà đi chuốc cái khổ vào thân, hết lời khuyên can, nhưng hắn đã dần bỏ ngoài tai hết cả! Câu thơ đặt trong thế tương phản để biểu thị một thái độ khinh bỉ, một nụ cười châm biếm.
Từ việc chế giễu nhân cách tầm thường, Nguyễn Du chuyển sang nói về hành động của Mã Phục Ba: dựng cột đồng trụ và chuyện xe ngọc. Sau khi dẹp tan cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tên tướng giặc dựng cột đồng trụ ở Trấn Nam quan, có khắc 6 chữ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”. Hành động ấy rất xảo quyệt. Nguyễn Du cười vào mặt hắn, cho là việc ấy chẳng hù dọa được ai, may lắm lòe bịp được mấy mụ đàn bà! Mã Viện đã ăn cắp nhiều vàng bạc, châu báu của nhân dân ta đem về nước cùng với một số xe chở hạt ý dĩ. Mã Viện chết, quần thần tố giác. Vua Hán giận, vợ con Mã Viện không dám đem thi hài hắn về quê, chỉ chôn cất sơ sài ở phía tây thành. Vạch trần bộ mặt xảo quyệt và tham lam của tên tướng thiên triều, Nguyễn Du đã nhiếc móc:
Những tưởng cột đồng lòe gái Việt
Ngờ đầu xe ngọc lụy đàn con
Mã Viện đã chết nhưng hai vết nhơ trong cuộc đời thì không bao giờ có thể rửa sạch! Xảo quyệt, tham lam, độc ác là bản chất bọn quan lại, tướng tá, bọn Thái thú phương Bắc. Đây là hai vần thơ hay nhất, sâu sắc nhất lên án bọn xâm lược Trung Quốc.
Hai câu kết, nhà thơ dùng lối nói móc đả kích sâu cay Mã Viện. Nhà thơ hỏi hắn hay hỏi vua Hán, hỏi mọi người:
Đài mây, tên họ sao không để
Cúng tế phương Nam chết vần bòn
Vua nhà Hán xây gác Vân Đài (đài mây), cho vẽ chân dung 28 vị đại công thần để thờ ở đấy. Mã Viện không những Nam chinh Bắc chiến mà còn có con cái lấy vua được lập làm hoàng hậu, thế mà chẳng được đưa vào đài mây. Nhưng lại có chuyện kỳ quặc là ở Đại Việt sao lại có miếu thờ hắn? Đúng là chết rồi vẫn còn tham lam đòi hương khói cúng tế ở phương Nam. “Chết vẫn bòn” là một ý thơ đả kích mạnh mẽ.
Miếu thờ Mã Phục Ba ở Giáp Thành là một bài thơ độc đáo, được viết theo thể thất ngôn bát cú. Giọng thơ chế giễu và châm biếm sâu cay. Nguyễn Du lựa chọn một vài chuyện trong cuộc đời Mã Viện để vẽ lên bức chân dung biếm họa. Thủ pháp tương phản đối lập được sử dụng sắc sảo, tài tình, cả bài thơ hàm ẩn một câu hỏi: Tại sao tên tướng giặc có nhiều nợ máu đối với nhân dân ta như vậy lại có miếu thờ hắn? Cùng với bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống của Hồ Xuân Hương, bài thơ Miếu thờ Mã Phục Ba ở Giáp Thành biểu thị tinh thần dân tộc, ý thức độc lập tự chủ của nhân dân ta chống chủ nghĩa bành trướng phương Bắc.