Với tình cảm chân thành tha thiết và sự tài hoa trong việc sáng tạo những hình ảnh thơ, giữa rất nhiều những bài thơ hay viết về Bác, “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương vẫn tìm được cho mình một vị trí trang trọng trong lòng người yêu thơ cả nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là đề tài ngợi ca của bao áng thơ ca, nhạc hoạ. Đã có rất nhiều nhà thơ viết về Bác: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu,... Đến lượt mình, nhà thơ Viễn Phương cũng lặng lẽ dâng lên hương hồn người Cha già kính yêu của toàn dân tộc một “Viếng lăng Bác” làm xúc động lòng người. Đoạn thơ sau đây đã thể hiện rõ điều đó:
"Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim..."
(Theo Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục, HN 2008)
Bài thơ ra đời vào tháng 4 năm 1976. Đây là một hoàn cảnh lịch sử thật đặc biệt: là một năm sau ngày thống nhất đất nước, lăng Bác vừa được khánh thành và Viễn Phương là một trong những người con miền Nam đầu tiên được ra thăm miền Bắc để vào lăng viếng Bác.
Câu thơ đầu tiên cũng đã nêu ra hoàn cảnh đó: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”. Nhà thơ xưng “Con” gọi “Bác” rất thân mật, gần gũi đồng thời thể hiện lòng tin yêu đối với Người. Phải rồi, Bác là vị Cha già của toàn dân tộc nhưng với riêng miền Nam Bác còn nhiều nỗi nặng lòng. Sinh thời, Bác “nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà” bởi Bác thương miền Nam “đi trước về sau” sau năm 1954 vẫn chưa được độc lập. Người từng có mong muốn được vào miền Nam để thăm hỏi và động viên đồng bào chiến sĩ. Và trước ân tình của Bác, cũng “mong Bác nỗi mong cha” bởi thế, hôm nay đây, khi Viễn Phương đến với lăng Bác, đó thực sự là một viếng thăm đầy cảm động.
Đến với lăng Bác, hình ảnh đầu tiên mà nhà thơ bắt là “Hàng tre bát ngát”. Những bụi tre ngà duyên dáng được trồng bên lăng Bác vươn mình lên cao là điểm nhìn của bao người đến với lăng Người. Nhưng nhà thơ nhắc đến hình ảnh hàng tre còn có một ngụ ý khác:
“Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”.
Viễn Phương đã vô cùng xúc động khi gặp hình ảnh hàng tre bởi cả cuộc đời Bác đã hiến dâng cho dân tộc. Mà hình ảnh những tre đã trở thành biểu tượng cho dân tộc Việt Nam mình bất khuất, kiên trung. “Hàng tre xanh” và đó là sắc “xanh Việt Nam” đầy kiêu hãnh. Trong câu thơ tiếp, nhà thơ đả vận dụng có hiệu quả thành ngữ “bão táp mưa sa” để chỉ những giông tố của thời đại mà đất nước ta từng phải hứng chịu. Nhưng qua bao nhiêu chông gai, thử thách tre vẫn “đứng thẳng hàng” như non sông này vẫn ngẩng cao đầu tiến bước.
Bước gần đến lăng hơn nữa, nhà thơ cùng đoàn người chầm chậm vào lăng viếng Bác:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”.
Trong những câu thơ trên, Viễn Phương thật tài hoa khi sử dụng phép tu từ nhân hoá và ẩn dụ. “Mặt trời trong lăng” chính là Bác Hồ vô cùng kính yêu và vĩ đại. Ngầm so sánh với mặt trời, nhà thơ đã thầm ngợi ca sự vĩ đại của Bác. Nếu như mặt trời của tự nhiên mang ánh sáng đến cho nhân loại thì Bác là người mang ánh sáng tự do đến cho dân tộc. Không chỉ vậy, nếu như mặt trời bất tử cùng tự nhiên vũ trụ thì Bác Hồ cũng sẽ bất tử cùng non nước Việt Nam tươi đẹp. Câu thơ thể hiện niềm tin yêu thành kính vô bờ đối với Bác Hồ của nhà thơ. Đặc biệt, được kết hợp với phép nhân hoá “Mặt trời đi qua... thấy...mặt trời trong lăng rất đỏ” ta còn có cảm giác như mặt trời của tự nhiên cũng phải ngắm nhìn, chiêm ngưỡng mặt trời của dân tộc - chính là Bác Hồ kính yêu... Không chỉ Viễn Phương mà cả non sông đang tụ họp về đây “đi trong thương nhớ” tưởng niệm anh linh của Bác. Và đặc biệt, dòng người tuôn trào, bất tận ấy đang “kết tràng hoa” tươi thắm để kính dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân” trong sáng - bảy mươi chín năm Bác sống cùng non sông gấm vóc. Những liên tưởng kì diệu ấy của nhà thơ hoàn toàn dựa trên những hình ảnh có thực. Dòng người vào lăng viếng Bác chẳng những có muôn vàn sắc áo mà còn mang nhiều màu da, đến từ nhiều vùng miền khác nhau của đất nước, của thế giới. Tất cả đến lăng Bác với niềm tin yêu, sự tôn kính vô bờ. Vậy mỗi con người là một tấm lòng, là một bông hoa để dòng người kết thành tràng hoa tươi thắm. Điệp từ “ngày ngày” được lặp lại đến hai lần để sự bất tử cùa Bác, lòng thành kính của nhân loại đối với Bác sẽ trường tồn cùng thời gian. Đồng thời câu thơ cuối cùng là một câu thơ 9 tiếng - câu thơ phá luật khiến nhịp thơ như dài ra, theo đó, tràng hoa dâng lên Bác cũng như kéo dài ra bất tận, niềm xúc động tuôn trào không sao kìm giữ được.
Bước vào lăng Bác, niềm xúc động và những suy tưởng thiêng liêng càng trào dâng hơn nữa:
''Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”.
Bác đã đi xa nhưng nhà thơ không dám nhìn vào cũng không dám nhắc đến sự thật đau đớn ấy. Viễn Phương viết “giấc ngủ bình yên” để làm dịu vợi đi nỗi đau mất Bác. “Vầng trăng sáng dịu hiền” vừa thể hiện sự bình yên trong giấc ngủ của Bác vừa khẳng định: Bác thật gần chúng ta, giống như vầng trăng hiền hoà, dịu mát vậy. Trong đoạn thơ trên, nhà thơ ví Bác với mặt trời, trong khổ thơ này, Bác lại nằm giữa “vầng trăng sáng dịu hiền”, điều này có mâu thuẫn với nhau không? Câu trả lời là 'không bởi Bác vĩ đại như mặt trời nhưng cũng gần gũi và giản dị biết bao nhiêu “Người là Cha, là Bác, là Anh” của lớp lớp các thế hệ người Việt. Nhìn hình ảnh Bác “trong giấc ngủ bình yên” như vậy, nhà thơ không nén nổi niềm xúc động:
“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim’’ .
Vẫn biết trời xanh thuộc về tự nhiên và trời xanh được quyền bất tử nhưng vẫn thấy đau xót vẫn “nhói” ở trong tim bởi so với trời xanh đời người sao mà ngắn ngủi. Bác là vầng thái dương của xã hội nhưng Bác vẫn phải đi xa.- Không chỉ vậy, một lần nữa, nhà thơ sử dụng biện pháp ẩn dụ trong câu thơ “trời xanh là mãi mãi”. Trời xanh và cũng là Bác Hồ. Vẫn biết Người bất tử cùng non nước nhưng có một sự thật là bác đã mãi mãi đi xa, dân tộc Việt Nam không thể có Bác lần thứ hai trong đời...
Đoạn thơ đã diễn tả những cảm xúc nghẹn ngào, tình yêu mến chân thành của nhà thơ Viễn Phương dành cho Bác. Nhà thơ cũng đã sử dụng thành công nhiều biện pháp tu từ: nhân hoá, ẩn dụ, điệp từ,..
Với tình cảm chân thành tha thiết và sự tài hoa trong việc sáng tạo những hình ảnh thơ, giữa rất nhiều những bài thơ hay viết về Bác, “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương vẫn tìm được cho mình một vị trí trang trọng trong lòng người yêu thơ cả nước.